Văn hóa- Nghệ thuật
BÀI ĐỌC “ VỀ NGÔI NHÀ ĐANG XÂY” CỦA ĐỒNG XUÂN LAN (Tiếng Việt 5, tập một)
Cập nhật: Thứ tư, 30/11/2016 | 2:00:44 Chiều
Một giọng thơ lạ. Có thể nói như vậy về bài thơ Về ngôi nhà đang xây của tác giả Đồng Xuân Lan - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa
 
Ảnh minh họa

Chỉ riêng cái tên bài thơ thôi cũng phần nào nói lên điều ấy. Cái đề tài khơi nguồn cảm xúc mới nghe đã qua thấy có vẻ chẳng “ nên thơ” chút nào. Rồi nhạc thơ. Tự do mà rơi. Lúc vần. Lúc không. Tự nhiên và đôi khi cũng “ dở dang” như chính ngôi nhà đang xây. Hấp dẫn theo một nét khác so với các bài thơ trong sách.

Bút pháp bài thơ thực ra cũng không có gì mới. Thiên nhiều về tả. Có cảm giác bài thơ giống như một bài văn miêu tả mẫu mực về ngôi nhà đang xây dở: có giới thiệu đối tượng cần tả, tả chi tiết và có kết thúc phù hợp. Song cách miêu tả lại vô cùng độc đáo:

Chiều đi học về

Chúng em qua ngôi nhà xây dở

Giàn giáo tựa cái lồng che chở

Trụ bê tông nhú lên như một mầm cây

Bác thợ nề ra về còn huơ huơ cái bay:

Tạm biệt!

Cái độc đáo và đặc sắc của nghệ thuật miêu tả trong bài thơ là do nghệ thuật so sánh được tác giả vận dụng rất tự nhiên, “ nói ra” rất tự nhiên. Chiều các em đi học về qua ngôi nhà đang xây dở và dừng lại xem. Các em quan sát thấy những gì? Thấy được biết bao điều thú vị! Này là giàn giáo trông giống như một cái lồng bao bọc, che chở cho toàn bộ khu nhà. Này là những trụ bê tông vươn lên nom giống hệt những mầm cây.

Tất cả hiện lên thật sinh động trong con mắt trẻ em. Nó không còn là những sự vật cứng nhắc, vô tri vô giác nữa mà dường như cũng có một sự sống, một linh hồn ẩn chứa trong đó. Bác thợ nề thì thật là vui tính, thân thiện khi chào tạm biệt các em – những đứa trẻ không quen biết - đang mê mải ngắm nhìn công trình chưa hoàn thiện của bác. Ngôi nhà tựa vào nền trời sẫm biếc Thở ra mùi vôi vữa nồng hăng Ngôi nhà giống bài thơ sắp làm xong Là bức tranh còn nguyên màu vôi, gạch. Ngôi nhà như một sinh linh khổng lồ, đang “ tựa” mình vào nền trời sẫm biếc. Con người thân thiện. Cảnh vật cũng thân thiện, chan hoà với nhau qua cách nhân hóa tài tình. Góc nhìn em đang đứng ngắm khiến ngôi nhà hiện lên càng thêm nổi bật. Ngôi nhà đứng đó nghỉ ngơi sau một ngày vất vả, “ thở” ra mùi vôi vữa nồng hăng. Những từ ngữ “ tựa”, “ thở” khiến cho ngôi nhà cũng như biết cọ quậy, giống như một anh chàng khổng lồ đáng yêu trên mặt đất. Cách miêu tả chân thực mà lại rất đỗi sinh động! Nhưng trong mắt em, ngôi nhà còn giống nhiều cái khác nữa. Nó giống như một “ bài thơ sắp làm xong”, giống như một “ bức tranh còn nguyên mày vôi, gạch”. Nghĩa là nó cũng có vần, có điệu, có màu sắc, đường nét …

Nghĩa là trong mắt em ngôi nhà cũng không khác gì một công trình nghệ thuật. Cách ví von, so sánh, liên tưởng đã cho thấy một sự quan sát, cảm nhận tinh tế và một tâm hồn đầy chất thơ trong em.

Bầy chim đi ăn về

Rót vào ô cửa chưa sơn vài nốt nhạc.

Ngôi nhà không lẻ loi một mình giữa trời chiều tím sẫm. Nó còn có những chú chim sau một ngày đi kiếm ăn về làm bầu bạn, hót líu lo. Tác giả thật khéo léo khi diễn tả điều đó qua câu thơ “ rót vào ô cửa chưa sơn vài nốt nhạc”. Chiếc cửa sổ chưa sơn như một khuông nhạc còn dang dở, đợi bầy chim về để ngân nga thành một giai điệu. Cái hay không chỉ nằm trong hình ảnh mà còn nằm cả trong cách dùng từ “ rót”. Nhạc điệu, tiếng chim hót thông qua từ “ rót” mà bỗng chốc trở nên sống động như một dòng chảy. Thật và gần gũi đến mức tưởng như nhìn thấy, sờ thấy được cả những âm thanh vốn vô hình ấy. Và bầy chim thì như những nhạc sĩ tài ba đang tạo nên những bản nhạc của riêng mình.

Nắng đứng ngủ quên

Trên những bức tường

Làn gió nào về mang hương

Ủ đầy những rãnh tường chưa trát vữa

Có phải vì bản nhạc hay quá, ngọt ngào như lời ru mà khiến nắng “ đứng ngủ quên” và gió thì mang hương về “ ủ đầy những rãnh tường chưa trát vữa” hay tại ngôi nhà đang xây dở như mời mọc nắng, gió về hứa hẹn cho một ngày hoàn thành tốt đẹp? Chẳng biết được song ta thấy sự sum vầy của những người bạn chim, nắng, gió đã làm cho ngôi nhà đang xây dở như ấm áp lên rất nhiều. Nghệ thuật nhân hoá được sử dụng một cách khéo léo tiếp tục làm cho các câu thơ cũng như quang cảnh nơi đây thêm sinh động và một lần nữa cho thấy sự cảm nhận vô cùng tinh tế và nhạy cảm của người quan sát. Em đứng ngắm ngôi nhà, nhận ra được biết bao vẻ đẹp trong cái dang dở của nó. Cũng thật người lớn khi em chiêm nghiệm một điều:

Bao ngôi nhà đã hoàn thành

Điều qua những ngày xây dở.

Một điều đơn giản nhưng không phải ai cũng nghĩ được: mọi thành công đều phải xuất phát từ những cái bắt đầu, những cái còn dang dở. Nếu không có cái bắt đầu, cái dang dở hôm nay thì không bao giờ có được cái hoàn thiện mai sau. Nhiều người cho rằng sự thành công cuối cùng mới là đẹp mà quên đi mất một điều là những cái góp phần nên thành công cũng rất đẹp. Như ngôi nhà dang dở cũng có một vẻ đẹp riêng của nó. Đến khổ thơ cuối, ta lại bắt gặp một hình ảnh so sánh thú vị:

Ngôi nhà như trẻ nhỏ

Lớn lên với trời xanh…

Ngôi nhà chưa xong em ví nó giống như một đứa trẻ nhỏ đang từng ngày, từng giờ lớn dần lên với “ trời xanh”, với cái mênh mông, to lớn của vũ trụ. Đọc đến đây, chất “ người lớn” trong nhà thơ đang đặt mình vào cảm xúc của một em nhỏ được bộc lộ rõ. Hoá ra ngôi nhà đang xây dở vừa là một cái gì đó có thật, vừa là một cái gì đó trừu tượng. Nó tượng trưng cho một cuộc sống mới, hiện đại và hạnh phúc, đang dần dần được hình thành và phát triển trên đất nước ta. Bài thơ vì vậy mà trở nên sâu sắc hơn ta tưởng. Nó không đơn thuần chỉ là viết về một ngôi nhà đang xây dở nữa mà còn là viết về “ hạnh phúc con người” – giống như chủ điểm của bài thơ. Một triết lí, một ý nghĩa sâu xa như vậy, với một đề tài như vậy, quả thật, không dễ viết thành thơ chút nào, xong Đồng Xuân Lan đã làm được điều đó. Nhà thơ gửi gắm một suy nghĩ mới mẻ trong một phong cách thơ hiện đại mà hấp dẫn, chất “ trẻ con” và chất “ người lớn” hoà quyện nhịp nhàng, không gò bó và không lên gân.

Do vậy mà bài thơ nhận được sự đồng cảm không chỉ ở các độc giả nhỏ tuổi và được yêu mến không chỉ bởi các độc giả nhỏ tuổi mà còn ở đông đảo bạn đọc nói chung.

          NGÔ VŨ THU HẰNG Khoa Giáo dục tiểu học – Trường ĐHSP Hà Nội

(Trích trong CHUYÊN ĐỀ GIÁO DỤC TIỂU HỌC – TẬP 35)

   Các tin khác
   Tin mới
   Bài đọc nhiều nhất
BAN BIÊN TẬP:
Trưởng Ban liên lạc: GS. TS. Trung tướng Đồng Minh Tại
- Nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần - Bộ Quốc phòng
Phó Ban liên lạc TT: PGS.TS. Trung tướng Đồng Đại Lộc
- P. Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an
Tổng thư ký BLL: TS. Nhà báo Đồng Xuân Thụ
- Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam
Trưởng ban Tuyên truyền: Nhà báo Đồng Mạnh Hùng
- Tổng biên tập Báo tiếng nói Việt Nam
Trưởng Ban tư liệu tộc phả: TS. Đồng Xuân Thành
P. Trưởng ban tư liệu tộc phả: Đồng Thị Hồng Hoàn
Quản trị trang điện tử: Đồng Khánh Toàn
     
NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM NỘI DUNG:
TS. Nhà báo Đồng Xuân Thụ - Tổng thư ký BLL                    Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam
Địa chỉ: 1401B, Cao ốc M3+M4, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
Điện thoại: 0913.220.939 - 097.4488.399 - Fax: 04.6266 1991
Email: hodongvietnam@gmail.com
Group Dòng họ Đồng Việt Nam trên Facebook: https://www.facebook.com/groups/Hodongvietnam/
ictgroup.vn