Họ Đồng các tỉnh, thành
Họ Đồng ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định
Cập nhật: Thứ ba, 14/2/2017 | 9:34:42 Sáng

Họ Đồng ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cư trú tập trung chủ yếu ở thôn Lý Nhân, còn gần đây một vài xã khác có người họ Đồng sinh sống thì chủ yếu cũng là người từ thôn Lý Nhân di cư về.

 
Làng quê xã Nghĩa Thái đổi mới. Ảnh Báo Nam Định

 

Họ Đồng ở thôn Lý Nhân, xã Nghĩa Sơn gồm 4 nhánh chính ít quan hệ với nhau, nhưng đều có nguồn gốc chủ yếu là từ xã Nghĩa Thái di cư ra vùng đất bãi bồi bên dưới cửa Liêu (bên dưới vùng đất Liêu Hải, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng ngày nay) vào khoảng năm 1874, dưới thời vua Tự Đức (1848 - 1883):

- Nhánh họ Đồng có ông tổ 7 đời là Đồng Xuân Phang. Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Xuân Thủy.

 - Nhánh họ Đồng có ông tổ 7 đời là Đồng Xuân Vạn. Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Xuân Phái.

- Nhánh họ Đồng có ông tổ 7 đời là Đồng Xuân Quần. Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Xuân Dưỡng.

- Nhánh họ Đồng có ông tổ 6 đời là Đồng Văn Ái. Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Xuân Lợi.

Ngoài ra, về sau ở đất Lý Nhân còn có một nhánh họ Đồng theo Thiên Chúa giáo từ Nhân Hậu về sinh sống ở xóm giữa, có ông tổ 4 đời là Đồng Xuân Huyên, với Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Văn Thanh – Hiện đang là Phó Trưởng Phòng Giáo dục -Đào tạo huyện Nghĩa Hưng.

Cho đến thời nhà Lý, đất thôn Lý Nhân, xã Nghĩa Sơn ngày nay còn nằm dưới lòng biển thuộc khu vực cửa biển Đại An.

Theo tài liệu kiểm kê di tích lịch sử văn hóa huyện Nghĩa Hưng vào năm 1978, vùng đất thôn Lý Nhân thuộc xã Nghĩa Sơn ngày nay đến triều vua Tự Đức (1848 – 1883) mới có những người đầu tiên từ làng Nhân Hậu phía trên đến khai phá, nên thuở ban đầu vùng đất này được gọi là Nhân Hậu trại hay còn gọi là Nhân Hậu đàng ngoài. Bởi vậy, trong đình làng bố trí các ban thờ cùng các đối tượng chính được thờ tương tự như ở đình làng Nhân Hậu và người làng Lý Nhân từ xưa đến nay cũng thường tổ chức cúng giỗ Tiến sĩ Đồng Công Viện vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đình làng (tương tự như ở đình làng Nhân Hậu). 

Tiến sĩ Đồng Công Viện được sinh ra ở làng Nhân Hậu xưa, nay thuộc đất thôn Tràng Khê (trước còn có tên là Thượng Hương), xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, là nơi tổ tiên từ 5 - 7 đời của họ Đồng thôn Lý Nhân đã từng sống tại đó và mộ mấy cụ tổ họ Đồng ở đây cũng mới được bốc chuyển về đặt ở đất Lý Nhân từ năm 1984, nên ở đây cũng thờ vọng vị Tiến sĩ này (ban thờ phía trái) cùng với Thần hoàng làng họ Phạm (Phạm Cự Lượng, có ban thờ ở chính giữa) và từ lâu 2 làng này có nhiều tính chất tương đồng về văn hóa làng xã và giao lưu đi lại thăm nhau vào 1 số dịp giỗ chạp, lễ tết. Theo tư liệu còn lưu giữ được, ban đầu có khoảng 16 cụ thuộc mấy họ trong đó chủ yếu là các họ Lê, Đồng, Nguyễn, Phạm, Vũ, Lại, từ trên làng Nhân Hậu, Thượng Hương thuộc xã Hồng Thái xưa về đây lập nghiệp, làm ăn sinh sống trên vùng đất màu mỡ, rất giàu nguồn thủy sản này.

Theo tư liệu đã được Phòng Văn hóa thông tin huyện Nghĩa Hưng xác nhận từ năm 1997 thì đến triều vua Thành Thái (1889 – 1907), làng mới được chính thức tách lập về phương diện hành chính mang tên Lý Nhân như ngày nay với ý nghĩa “Nhân nghĩa lập lý tất thành”, còn trước đó vẫn được coi là phần đất mở rộng của làng Nhân Hậu, xã Nghĩa Thái.

Từ thời phong kiến, họ Đồng nơi đã đây đã xuất hiện một thầy đồ giỏi Nho, Y, Lý, Số, Phong thủy là ông Đồng Xuân Vinh thuộc chi nhánh họ Đồng có ông tổ là Đồng Xuân Vạn (thuộc nhánh cụ Đồng Xuân Tín ở Nghĩa Thái). Ông là học trò của ông đồ Bùi Đăng Bính người Yên Mỹ, Ý Yên, Nam Định, được mời về Lý Nhân dạy học. Sách vở, tài liệu học tập và để dạy học bằng chữ Nho của ông với số lượng lên đến hàng chục quyển vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Trong các sách viết bằng chữ Nho còn để lại có chỗ viết về các vị “Hậu thần bản thôn” có công khai phá lập làng ban đầu gồm 15 vị thì đã có 5 vị họ Đồng, mà tất cả đều là mang chữ Đồng từ chữ Tư thêm một nét sổ vào bên trái. Vì là những tài liệu từ lâu đời truyền lại nên nhiều quyển bị rách nát vài ba trang đầu và cuối, mà theo cách trình bày sách chữ Nho thời xưa thì phần lời dẫn (tiểu dẫn) về xuất xứ thường được trình bày trong vài ba trang đầu (nằm ở cuối sách) này, nhưng theo truyền ngôn được các cụ cao tuổi truyền lại thì họ Đồng ở đây cũng có xuất xứ từ họ Tư thêm nét sổ thành chữ Đồng.

Về sau này, sang thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ Nghĩa Sơn còn có một số chi nhánh họ Đồng di cư lên Tuyên Quang, Lào Cai,... Có một gia phả của nhánh họ Đồng ở Lý Nhân có ghi con cháu nhánh ông Đồng Xuân Phan di cư lên Lào Cai, ở phia bắc ga Lào Cai và vùng đất Nhò Trong (gần ga Nhò). Hiện nay, nhóm người này vẫn còn quan hệ anh em họ hàng, việc hiếu, việc hỷ và như vậy một số nhóm người họ Đồng sinh sống tại các nơi này cũng sẽ có cùng nguồn gốc lâu đời từ Thiết Úng, Đông Anh (thuộc đất xứ Kinh Bắc xưa).

Họ Đồng ở thôn Lý Nhân thời điểm đông nhất cũng chỉ khoảng gần 400 người, nhưng ngày nay càng ngày càng giảm đi do đoản mệnh (chết trẻ) nhiều và càng ngày càng có nhiều người thoát ly khỏi quê hương đi công tác, lập nghiệp ở nơi khác, như lên TP. Nam Định, TP. Hà Nội, lên Lào Cai, vào Bỉm Sơn, Nhơn Trạch, Bình Dương,…

Họ Đồng ở xã Nghĩa Sơn đã có 12 liệt sĩ hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc (theo danh sách khắc ghi trên bia đá ở nhà tưởng niệm và ghi công các liệt sĩ ở huyện Nghĩa Hưng), với một số bà mẹ của các liệt sĩ này về sau đã được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (chỉ đối với những bà mẹ còn sống cho đến thời điểm xét phong tặng). Từ trước tới nay (2015), họ Đồng quê gốc nơi đây mới có được 1 người đỗ Tiến sĩ là TS. Đồng Xuân Thành (cũng là Tiến sĩ duy nhất của cả xã Nghĩa Sơn, nhưng đã chuyển lên sinh sống tại Hà Nội trên 40 năm) đã có thâm niên trên 25 năm làm công tác nghiên cứu khoa học và trên 6 năm làm Giảng viên đại học (có một nhiệm kỳ làm Phó Trưởng Khoa kiêm Trưởng Bộ môn Cơ khí), có 1 người đỗ Thạc sĩ (ThS. Đồng Xuân Nghĩa, là con trai của TS. Đồng Xuân Thành) hiện đang công tác tại một Viện nghiên cứu thuộc Trường Đại học Thủy Lợi và hàng chục người đỗ Cử nhân, Kỹ sư, trong đó có Chuyên viên chính Đồng Xuân Khanh, hiện đang công tác tại Vụ Ngân sách thuộc Bộ Tài chính; Thượng tá Đồng Xuân Thảo hiện là Trưởng Khoa Giáo dục quốc phòng của Trường Đại học Giao thông Vận tải; Đồng Thị The hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xuân, TP. Thái Bình,... 

Trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường của đất nước ta, nơi đây cũng chính là quê hương của “Doanh nhân văn hóa” Đồng Xuân Muôn và gia tộc họ Đồng này cũng nhờ đó mà được Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam phong tặng “Gia tộc doanh nhân văn hóa” toàn quốc vào đầu năm 2013.

Tiến sĩ Đồng Xuân Thành
Phó Trưởng BLL họ Đồng Việt Nam

 

   Các tin khác
   Tin mới
   Bài đọc nhiều nhất
BAN BIÊN TẬP:
Trưởng Ban liên lạc: GS. TS. Trung tướng Đồng Minh Tại
- Nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần - Bộ Quốc phòng
Phó Ban liên lạc TT: PGS.TS. Trung tướng Đồng Đại Lộc
- P. Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an
Tổng thư ký BLL: TS. Nhà báo Đồng Xuân Thụ
- Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam
Trưởng ban Tuyên truyền: Nhà báo Đồng Mạnh Hùng
- Tổng biên tập Báo tiếng nói Việt Nam
Trưởng Ban tư liệu tộc phả: TS. Đồng Xuân Thành
P. Trưởng ban tư liệu tộc phả: Đồng Thị Hồng Hoàn
Quản trị trang điện tử: Đồng Khánh Toàn
     
NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM NỘI DUNG:
TS. Nhà báo Đồng Xuân Thụ - Tổng thư ký BLL                    Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam
Địa chỉ: 1401B, Cao ốc M3+M4, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
Điện thoại: 0913.220.939 - 097.4488.399 - Fax: 04.6266 1991
Email: hodongvietnam@gmail.com
Group Dòng họ Đồng Việt Nam trên Facebook: https://www.facebook.com/groups/Hodongvietnam/
ictgroup.vn