Gương mặt doanh nhân tiêu biểu
PTSC M&C - Dấu ấn từ Biển Đông 01
Cập nhật: Thứ hai, 10/8/2015 | 3:43:51 Chiều
Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) là đơn vị tổng thầu EPCI thực hiện thành công Dự án Biển Đông 01 của Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC), một dự án xây lắp giàn công nghệ trung tâm lớn nhất từ trước đến nay. Để hiểu thêm về hoạt động của PTSC M&C Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Đồng Xuân Thắng, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty.
 
Ông Đồng Xuân Thắng (bìa trái) giới thiệu với Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang (ở giữa) về bãi cảng PTSC M&C

Bước tiến vượt bậc

PV: Ông có thể cho biết khái quát quá trình phát triển của PTSC M&C?

Ông Đồng Xuân Thắng: Đến nay, công ty đã có hơn 13 năm hình thành và phát triển. Khởi đầu, cơ sở vật chất chưa có gì, bến bãi trang thiết bị tất cả đều phải đi thuê, nguồn nhân lực cũng ở mức độ hết sức khiêm tốn, chỉ có hơn 30 người. Các dự án thực hiện chỉ ở quy mô nhỏ, từ vài trăm đến vài triệu USD. Thực hiện định hướng cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ của các ban, ngành Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), các đối tác khách hàng, đến nay công ty đã đảm nhận và thực hiện thành công trên dưới 50 dự án EPC/EPCI, trong đó nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp. Các chỉ tiêu về doanh số, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước cũng không ngừng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Công ty đã chú trọng tập trung đầu tư cơ sở vật chất và đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng lực lượng cán bộ quản lý, đội ngũ kỹ thuật, kỹ sư, giám sát có trình độ, đầy tâm huyết và một lực lượng lao động có tay nghề cao. Với hệ thống trang thiết bị máy móc thi công tự động, nhà xưởng, bến bãi, đường trượt hiện đại và nguồn lực chất lượng cao cùng với kinh nghiệm thực hiện thành công nhiều dự án, công ty đã được các nhà thầu, chủ đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao, luôn là đơn vị được chọn giao thầu hầu hết các công trình trong nước và được nhiều khách hàng mời tham gia đấu thầu nhiều dự án trong khu vực và trên thế giới.

Cách đây 3-4 năm, việc thiết kế giàn khai thác hầu hết được thực hiện ở nước ngoài bởi một số nhà thầu thiết kế tên tuổi của nước ngoài thực hiện. Bắt đầu từ việc xây dựng nguồn lực, song song với việc xây dựng hệ thống, cơ sở dữ liệu để hoàn thiện năng lực thiết kế chi tiết là con đường đi của công ty trong lộ trình làm chủ công nghệ trong lĩnh vực chế tạo cơ khí có giá trị sản sinh từ hàm lượng kỹ thuật, chất xám và trí tuệ chứ không đơn thuần chỉ là gia công chế tạo. Hôm nay, có thể khẳng định rằng, việc thiết kế giàn khai thác do kỹ sư của Việt Nam thực hiện.

PV: Thực hiện được công tác thiết kế chi tiết tại Việt Nam có lợi như thế nào, thưa ông?

Ông Đồng Xuân Thắng: Nếu cứ phụ thuộc vào các nhà thiết kế nước ngoài thì mãi mãi chúng ta chỉ là một xưởng gia công kết cấu không hơn không kém.

Còn nếu chúng ta tự thực hiện thì rõ ràng, lợi ích hữu hình và vô hình mang lại là rất lớn. Chủ đầu tư không phải cử hàng chục chuyên gia sang nước ngoài quản lý, tổng thầu cũng vậy, không phải cử người của mình sang giám sát, quản lý, mua sắm. Tất cả được thực hiện tập trung tại bãi và văn phòng thi công của tổng thầu, việc hiệu chỉnh, sửa đổi được các bên liên quan xem xét, thực hiện, trình và duyệt tại một nơi, không chuyển đi chuyển lại mất thời gian, vì vậy tiến độ dự án được rút ngắn (trước đây chế tạo chân đế và phần thượng tầng bình quân lần lượt là 10 và 20 tháng thì nay rút ngắn xuống còn 5 tháng đối với phần chân đế và khoảng dưới 10 tháng đối với phần thượng tầng), tỷ lệ cắt sai, chế tạo hỏng được cắt giảm đáng kể theo đó là hao phí trong thi công giảm từ gần 20% xuống còn 5-7%, tình trạng mua sai, mua thừa, mua thiếu được hạn chế tới mức tối đa.

Một lợi ích hết sức quan trọng nữa cũng cần nêu ra là với việc làm chủ công tác thiết kế giàn khai thác cho phép chúng ta tự tin và tính toán một cách chính xác giá dự thầu và từ đó tăng cơ hội trúng thầu trong đấu thầu các dự án quốc tế. Trong năm 2013 và đầu 2014, công ty đã đấu thầu và thắng thầu hai dự án quốc tế ở Ấn Độ và Brunei.

PV: Khoa học công nghệ trở thành yếu tố quan trọng tạo nên thành công, vậy khả năng cạnh tranh của PTSC M&C trên thị trường được nâng lên như thế nào?

Ông Đồng Xuân Thắng: Hiện nay, khi nhận thi công các dự án của PVN cũng như của các chủ đầu tư thì Công ty vẫn giữ được mức giá không tăng so với các năm trước, thậm chí còn giảm giá, trong khi đáng lẽ ra phải tăng giá nếu tính đến các yếu tố trượt giá, chi phí nhân công, trang thiết bị thi công, vật tư tiêu hao luôn gia tăng trên thị trường... Hơn nữa, hiện nay và xu hướng trên thế giới thì các khách hàng và chủ đầu tư khi triển khai dự án luôn đi theo hình thức là giao trọn gói từ khâu thiết kế, mua sắm, chế tạo, vận chuyển lắp đặt và bàn giao hoàn chỉnh dự án, tránh phải cắt, xé nhỏ, tăng giao diện, tăng chi phí. Chủ đầu tư chỉ muốn giao cho một nhà thầu làm trọn gói, tập trung, một đầu mối chịu trách nhiệm chính vì vậy vai trò của tổng thầu phải có năng lực thiết kế đó cũng là một yếu tố để gia tăng năng lực cạnh tranh và năng lực của tổng thầu.

Dám nghĩ, dám làm

PV: Trong giai đoạn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay, PTSC M&C có phải đối mặt với vấn nạn chảy máu chất xám không thưa ông?

Ông Đồng Xuân Thắng: Những năm gần đây, trải qua quá trình đào tạo, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thì nguồn nhân lực quản lý, giám sát và kỹ thuật của công ty đã hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu công việc, tiết kiệm được rất lớn chi phí phải thuê nhân sự nước ngoài. Tất nhiên, vấn đề nhân lực hiện nay cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức của nền kinh tế thị trường. Cung cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật cao phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, chính sách lôi kéo nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp khác. Qua giao tiếp làm việc, họ tìm hiểu, liên hệ và đưa ra mức lương hấp dẫn cao vì họ không cần phải bỏ tiền ra đào tạo là họ có thể có được các nhân sự có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, do chúng ta vẫn là các doanh nghiệp Nhà nước, việc trả lương và trích lập quỹ lương, nguồn để chi trả lương vẫn còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định liên quan. Mặc dù công ty đã cố gắng hết sức, vận dụng, tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhưng đôi khi vẫn phải đối diện với việc chảy máu chất xám.

Giàn Công nghệ trung tâm CPP Dự án Biển Đông 01 sau khi hạ thủy tại Cảng PTSC Vũng Tàu

PV: Dự án Biển Đông 01 gắn liền với tên tuổi của PTSC M&C, từ dự án này PTSC M&C đã có những bước phát triển như thế nào?

Ông Đồng Xuân Thắng: Đối với công trình Biển đông 01, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, phức tạp nhất về mặt công nghệ và có các yêu cầu khắt khe nhất về mặt kỹ thuật cũng như thời gian thi công gấp rút nhất. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên một giàn công nghệ trung tâm được thực hiện tại Việt Nam, hoàn toàn do đơn vị trong nước thi công. Do đó, ban đầu cũng có nhiều quan ngại về khả năng thực hiện dự án với khối lượng công việc lớn và thời gian ngắn phải huy động được 4.000-5.000 kỹ sư, công nhân. Trong khi đó, công ty chỉ có khoảng hơn 1.300 người; rồi cơ sở bến bãi, kho tàng, thiết bị thi công và quan trọng nhất là đường trượt để thi công giàn có khối lượng lớn như vậy PTSC M&C cũng chưa có. Tuy nhiên, với năng lực kỹ thuật đã được tích lũy cùng với nhiệt huyết và quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết dám nghĩ, dám làm, dám thử thách cùng với niềm tin chiến lược, tập thể CBCNV công ty PTSC M&C đã quyết tâm thực hiện bằng được, biến những điều chưa có thành có và kết quả cuối cùng là công ty đã thực hiện thành công dự án.

Có thể nói đây là thành tựu to lớn, là niềm tự hào không chỉ đối với tập thể lao động của công ty mà còn là vinh dự của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam. Khi ra thăm công trình này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, PVN đã có nhiều đánh giá, khen ngợi rằng nó được lắp dựng lên đẹp như một bức tranh, sừng sững trước Biển Đông. Chính từ thành công của dự án này, thương hiệu của công ty PTSC M&C cũng được các nhà thầu nước ngoài biết đến nhiều hơn. Chủ đầu tư nước ngoài bắt đầu tiếp xúc và đã mời công ty tham gia phần lớn các cuộc đấu thầu trong khu vực và trên thế giới. Từ nay, những giàn có khối lượng lớn, công nghệ phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao không còn là thách thức với những người lao động của Công ty PTSC M&C nữa.

PV: Với nguồn nhân lực chỉ khoảng 1.300 người nhưng Dự án Biển Đông 01 cần đến 4.000-5.000 người, như vậy thì bằng cách nào công ty có đủ nguồn nhân lực để thực hiện dự án?

Ông Đồng Xuân Thắng: Công ty cũng đã ý thức và lường trước vấn đề này ngay từ khi bắt đầu bàn về dự án. Một kế hoạch về nguồn nhân lực gián tiếp, trực tiếp cho ngắn hạn, trung hạn, dài hạn được xây dựng đến từng chi tiết, rõ ràng. Bên cạnh việc tập trung, gấp rút đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ giám sát, quản lý dự án thì công ty cũng ban hành một loạt những chính sách về việc thu hút các nguồn lực chất lượng cao, đồng thời triển khai đồng loạt công tác tuyển dụng bằng cách liên hệ với các trường đào tạo nghề, các nhà máy trên cả nước, tổ chức đào tạo, thuê các trung tâm đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo tay nghề… Chúng tôi thúc đẩy và hướng dẫn, hỗ trợ các nhà thầu cung cấp nhân lực xây dựng quy trình tuyển dụng, tìm kiếm nguồn lao động khắp nơi trong nước, dần dần hình thành và tạo ra một thị trường cung cấp nhân lực tương đối hoàn chỉnh. Công ty phải tự đào tạo nhân lực và đưa các hệ thống quản lý tương thích vào.

PV: Làm dự án này, ngoài con người, PTSC M&C còn gặp những khó khăn gì?

Ông Đồng Xuân Thắng: Nhiều khó khăn lắm, bởi trong quá trình thực hiện nảy sinh rất nhiều những vấn đề phát sinh về công nghệ, một số nhà thầu phụ tham gia cung cấp dịch vụ lắp đặt, dịch vụ cung cấp sản xuất ống với tiêu chuẩn kỹ thuật có một không hai trên thế giới, điều kiện khí hậu khắc nghiệt trong thời gian triển khai công tác lắp đặt, rồi lại ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới cũng tác động không nhỏ đến các nhà sản xuất và cung cấp vật tư thiết bị trên thế giới do vậy công tác quản lý các nhà thầu, nhà thiết kế nước ngoài, quản lý chất lượng trang thiết bị, kiểm soát các nhà cung cấp, quản lý tiến độ giao hàng, mang được các trang thiết bị, vật tư về để thi công, để lắp đặt là cả một quá trình vô cùng khó khăn. Công ty phải cử người đi khắp nơi, cắm trại ở nhà máy, theo dõi, thúc đẩy mua sắm trang thiết bị từ quá trình lựa chọn vật tư thô cho đến khi chạy thử thành công. Trong quá trình thực hiện dự án gặp vô vàn nhiều thử thách, mồ hôi, nước mắt, thậm chí sự hy sinh nữa, nên Dự án Biển Đông 01 này làm nên nhiều ý nghĩa lắm.

PV: Ở trên thế giới, có bao nhiêu giàn như giàn Hải Thạch - Mộc Tinh của Dự án Biển Đông 01, thưa ông?

Ông Đồng Xuân Thắng: Cũng không nhiều lắm đâu, nhưng ở khu vực nước sâu, điều kiện khai thác và các đặc tính về lưu huỳnh, thủy ngân, dòng chảy… như Dự án Biển đông 01 thì rất ít. Chính vì khó khăn mà việc phát triển dự án này chủ đầu tư trước đây là BP đã bỏ và trả lại cho PVN tự triển khai thực hiện.

PV: Ông có thể dự báo, sau khoảng 5 năm nữa thì PTSC M&C sẽ như thế nào?

Ông Đồng Xuân Thắng: Chúng tôi mong muốn, trong tương lai gần công ty có thể thực hiện công tác thiết kế một cách trọn vẹn, không chỉ các giàn khai thác mà kể cả các giàn công nghệ. Đồng thời, công ty có thể thực hiện được tất cả các dịch vụ mua sắm trang thiết bị một cách chuyên nghiệp nhất; thực hiện chế tạo cơ khí và lắp đặt vận chuyển ngoài khơi, phấn đấu đưa PTSC M&C trở thành một trong những tổng thầu có quy mô năng lực ngang bằng với các tổng thầu tên tuổi trên thế giới, hướng tới hoàn thiện năng lực tổng thầu. Đấy là quyết tâm rất cao của toàn thể CBCNV và tập thể người lao động của công ty. Sắp tới, nước ta sẽ tăng cường khai thác ở các vùng nước sâu xa bờ, công nghệ khai thác cũng sẽ thay đổi. Do đó, các hoạt động của PTSC M&C cũng đứng trước nhiều thử thách về mặt khoa học công nghệ, chúng tôi cần phải phấn đấu và tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của thị trường mới này.

PV: Riêng đối với việc đưa dịch vụ dầu khí ra nước ngoài, PTSC M&C đã có những định hướng phát triển như thế nào?

Ông Đồng Xuân Thắng: Trong năm 2013 và đầu 2014, chúng tôi đấu thầu và thắng thầu 2 dự án lớn ở Ấn Độ và Brunei. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự vì đem được việc từ nước ngoài về trong giai đoạn ngành dịch vụ cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Các công việc này đều được thực hiện tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đem ngoại tệ về cho đất nước. Những công việc đó, cũng là tiền đề quan trọng để công ty phát triển dịch vụ ra nước ngoài. Do đó, ngay từ bây giờ tập thể lãnh đạo, CBCNV công ty cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành dự án một cách tốt nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đáp ứng chất lượng chủ đầu tư đưa ra nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu của PTSC M&C trên trường quốc tế.

Chiến lược trong thời gian tới của công ty là tiếp tục duy trì vai trò tổng thầu đối với các dự án trong nước và vươn ra chiếm thị phần dịch vụ dầu khí ở nước ngoài. Bởi thị trường dịch vụ dầu khí trong nước ngày càng bị thu hẹp, cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt. Để đảm bảo doanh số, chỉ tiêu ổn định thì buộc phải đẩy mạnh tìm kiếm thị trường ở nước ngoài, đặc biệt là những thị trường tiềm năng, nơi đó chúng ta có cơ hội để phát triển, không bị chèn ép và không bị tác động của các chính sách bảo hộ ở nhiều nước.

Bên cạnh mở rộng thị trường dịch vụ ra nước ngoài, công ty cũng chủ trương phát triển các dịch vụ mới, liên quan đến vấn đề cơ khí chế tạo. Chẳng hạn như việc đóng các kho chứa dầu FPSO, FSO, trước đây mình đều thực hiện ở nước ngoài thì định hướng sẽ tiến tới thực hiện tại Việt Nam. Đích đến của PTSC M&C là có thể đóng mới, hoán cải tàu nọ thành tàu kia, thậm chí kể cả đóng những cấu kiện theo công nghệ mới ở vùng nước sâu. Công ty đang nghiên cứu triển khai để có thể đi tắt đón đầu ở những lĩnh vực dịch vụ này.

PV: Ông nhìn nhận thế nào về lĩnh vực cơ khí hàng hải? Việt Nam mình đang đứng thứ bao nhiêu?

Ông Đồng Xuân Thắng: Về công nghệ thi công cũng như chất lượng thì chúng ta được đánh giá rất cao trên thị trường quốc tế. Tay nghề của kỹ sư, công nhân Việt Nam mình rất tốt, công tác quản lý và giám sát cũng đạt hiệu quả, được các chủ đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, nhìn chung mình vẫn cần phải làm rất nhiều việc để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn chỉnh năng lực tổng thầu. Về nội lực cần phải nghiên cứu, xem xét việc đầu tư các thiết bị nâng hạ ngoài khơi, đóng tàu cẩu để thực hiện công tác lắp đặt giàn khai thác và cấu kiện trên biển.

Ngoài ra Nhà nước cũng nên xem xét việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để cho ngành cơ khí chế tạo không bị quá lệ thuộc vào thị trường nước ngoài - hiện tại hầu hết các vật tư, thiết bị cho các công trình dầu khí vẫn phải đi nhập, từ que hàn, đá mài, đá cắt và vật tư sắt thép, thiết bị v.v... Bên cạnh đó là chính sách thuế nhập khẩu vật tư thiết bị vẫn là bài toán cần phải rõ ràng, rành mạch theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, và chính sách bảo hộ các tổng thầu trong nước cho những công trình trong nước cần phải được thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa. Có vậy thì ngành cơ khí chế tạo, với nguồn lực và trí tuệ Việt mới phát huy và phát triển được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thi Gia (thực hiện)/ Năng lượng Mới số 322

   Các tin khác
   Tin mới
   Bài đọc nhiều nhất
BAN BIÊN TẬP:
Trưởng Ban liên lạc: GS. TS. Trung tướng Đồng Minh Tại
- Nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần - Bộ Quốc phòng
Phó Ban liên lạc TT: PGS.TS. Trung tướng Đồng Đại Lộc
- P. Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an
Tổng thư ký BLL: TS. Nhà báo Đồng Xuân Thụ
- Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam
Trưởng ban Tuyên truyền: Nhà báo Đồng Mạnh Hùng
- Tổng biên tập Báo tiếng nói Việt Nam
Trưởng Ban tư liệu tộc phả: TS. Đồng Xuân Thành
P. Trưởng ban tư liệu tộc phả: Đồng Thị Hồng Hoàn
Quản trị trang điện tử: Đồng Khánh Toàn
     
NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM NỘI DUNG:
TS. Nhà báo Đồng Xuân Thụ - Tổng thư ký BLL                    Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam
Địa chỉ: 1401B, Cao ốc M3+M4, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
Điện thoại: 0913.220.939 - 097.4488.399 - Fax: 04.6266 1991
Email: hodongvietnam@gmail.com
Group Dòng họ Đồng Việt Nam trên Facebook: https://www.facebook.com/groups/Hodongvietnam/
ictgroup.vn