Tư liệu nghiên cứu

Văn hóa của dòng họ Đồng Việt Nam

Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2015 | 10:25:10 Sáng
 
TS. Đồng Xuân Thụ - Tổng Thư ký BLL Họ Đồng Việt Nam

1. Văn hóa dòng họ - một sức mạnh dân tộc

Dòng họ ra đời từ xa xưa dễ chừng đến mấy nghìn năm, đến nay ta được biết khoảng trên 300 dòng họ chính thức. Tổ tiên ta đã dày công vun đắp truyền thống đạo lý làm người, mà Hiếu Kính luôn đặt lên làm đầu (hiếu vì tiên). Hiếu trong nhà rồi mới “Trung với nước”. Chữ Hiếu là gốc rễ của lòng yêu nước, của đạo lý làm người. Có thương yêu bố mẹ, ông bà, người thân, thì mới dẫn đến lòng yêu quê hương, đất nước.

Người ta lấy Trung Hiếu để giữ trọn thân danh, lưu dài ơn phước. Giáo dục các thế hệ kế tục đạo làm người, tôn vinh công đức của tổ tiên, cha ông, phát huy truyền thống cha ông là trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với con cháu đời sau. Bị đô hộ dưới chế độ phong kiến phương Bắc cả ngàn năm, rồi một trăm năm chống Pháp – Mĩ khiến đất nước ta cạn kiệt. Việc kết nối giữa các dòng họ là việc cấp bách để góp phần xây dựng đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Lịch sử dân tộc luôn ghi nhân vai trò dòng họ là sức mạnh cho việc hình thành, phát triển dân tộc, chinh phục thiên nhiên, bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa đất nước đến bờ vinh quang. Đặc biệt, dòng họ là nơi xây dựng con người Việt Nam có một nền tảng văn hóa, có lòng yêu nước, có một nhân cách, một phong thái, một tính cách rất riêng, đặc thù trong dòng chảy của nhân loại.

Có thể nói, dòng họ cũng là “trường học” hình thành nên nhân cách mỗi con người Việt Nam ta. Bởi thế nhân dân ta có câu “Chim có tổ, người có tông”.

2. Truy tìm nguồn cội – kết nối dòng họ, giữ gìn truyền thống

Từ hàng nghìn năm nay, do những đặc điểm lịch sử - văn hóa, các thế hệ bà con,anh em họ Đồng ở Việt Nam, dù có hay không mối quan hệ huyết thống trực hệ, dù chưa tìm ra nguồn gốc ban đầu,nhưng đã kề vai sát cánh cùng bách gia trăm họ trong toàn quốc để chung sức,chung tay trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của quốc gia dân tộc. Nhất là từ sau năm 1975, đất nước ta hoàn toàn được độc lập, Nam – Bắc một nhà. Nhiều dòng họ bắt tay vào việc tìm kiếm gốc tích, cội nguồn.

Họ Đồng Việt Nam của chúng ta cũng vậy. Việc tìm về cội nguồn để nối kết dòng họ trước hết được lớp người cao tuổi đề xướng. Bởi chính chú bác cao tuổi là những người có nhận thức sâu sắc về văn hóa dòng tộc. Chú bác luôn có ý thức giáo dục thế hệ hậu duệ đời sau nhận thức được việc phụng thờ tổ tiên, xây dựng gia phong.

Cụ thể là tu chính phổ hệ, xây dựng, trùng tu lại nhà thờ khang trang, nguy nga hơn, đại tu lăng Ngài Thủy tổ, sơ tộ, thượng tiên tổ, quy tập nghĩ trang, gây quỹ khuyến học, khắc phục các vụ bất hà trong nội tộc và giữa các họ trong làng ngoài xóm. Nâng cao lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình, góp phần chỉnh đốn, xây dựng nề nếp gia phong.

Không phải chỉ sau 1975 mà từ mấy thế kỉ qua, dòng tộc họ Đồng Việt Nam dù ở nhánh nào đi chăng nữa dường như có một sức mạnh kì diệu,đã vượt qua bao ghềnh thác của lịch sử, của thời vận để giữ gìn nề nếp, hương khói phụng thờ liệt tổ liệt tông, duy trì nền tảng căn bản của họ tộc để con cháu đi làm ăn xa quê nhà vẫn luôn nhớ được truyền thống quý báu của dòng họ mình, gìn giữ được mối dây gắn kết tình máu mủ ruột thịt, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, thăm viếng trong dịp tết lễ...

Một số nhánh họ Đồng vẫn giữ được nề nếp gia phong, các nghi lễ từ thời xa xưa như họ Đồng ở Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội; Họ Đồng ở Cao Xá,Tân Yên, Bắc Giang; Họ Đồng ở Trực Khang, Trực Ninh, Nam Định, Họ Đồng ở Nam Gián-Cổ Thành, Chí Linh,Hải Dương; Họ Đồng ở Thanh Cao, Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh... Riêng nhánh dòng họ Đồng ở Trực Khang, Trực Ninh, Nam Định đã có hơn 400 cử nhân, là dòng họ đã được Huyện ủy, UBND huyện Trực Ninh tặng bức trướng ghi danh một dòng họ có phong trào khuyến học khuyến tài xuất sắc.

Trong công cuộc đổi mới, hầu như người họ Đồng ở khắp nơi không còn hộ đói, nghèo. Đời sống người dân họ Đồng cả về tinh thần và vật chất ngày càng không ngừng được nâng cao. Có tới 90% các nhánh họ Đồng trên khắp toàn quốc đã xây được từ đường để thờ liệt tổ, liệt tông tri ân công đức tổ tiên. Các dòng họ Đồng đều có Tộc ước dù bằng văn bản hoặc nói miệng với nhau để duy trì nề nếp trong họ như tang ma, gia lễ, tộc lễ.

Trong thời gian tới, các nhánh họ Đồng trên cả nước cần tiếp tục nghiên cứu, xác minh,chắp nối gia phả,vì gia phả giữ một vai trò quan trọng trong gia đình,gia tộc và ngoài xã hội. Việc xây dựng gia phả nhằm mục đích: trước hết, giúp con cháu trong dòng họ nhớ ngày giỗ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Sau đó, là thế hệ tương lai biết nguồn gốc gia tộc từ đâu đến đâu, họ hàng trên dưới xa gần ra sao. Nhờ có gia phả mà con cháu các đời sau mới hiểu ngọn ngành, tôn chỉ nhà mình.

Bên cạnh đó gia phả không chỉ quan tâm đến nguồn gốc, giỗ Tết, mà nó còn chứa đựng nhiều nghĩa lý sâu xa, khuyên răn việc thiện, việc nghĩa ở đời, nhờ vậy mà trong họ giữ được tình hoà hiếu lâu dài. Gia đình là nơi thường ngày những người cùng chung máu mủ quây quần sum họp. Nhưng trong phạm vi gia đình, sợi dây thân ái đó chỉ có thể duy trì trong một giới hạn nhất định rồi tự nó sẽ phai nhạt dần khi những người trong gia đình ấy bắt đầu phân tán ra nhiều ngành. Số người trong gia đình càng đông thì con cháu không thể nào biết hết được dòng họ xa gần từ các đời trước. Do đó, chỉ có cách chép gia phả mới giúp con cháu nhớ hết tất cả mọi người đã sinh ra trước họ và đã chết trước họ bao nhiêu đời. Bởi vậy, gia phả là sợi dây liên lạc vô hình nhưng hữu hiệu nhất để cố kết hết thảy con cháu của một dòng họ lại với nhau. Mối tương quan này không những chỉ quan hệ đến con cháu ở hiện tại, mà còn quan hệ cả đến tương lai nữa. Đi xa hơn, việc chép gia phả còn ảnh hưởng tới cả quốc gia, góp phần làm phong phú lịch sử nước nhà, bởi lịch sử quốc gia chính là lịch sử của nhiều gia đình, dòng họ đúc kết lại. Chính những nhân vật có tên tuổi lưu danh trong sử sách là nhờ vào gia phả của gia đình, họ được lưu truyền tới các thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, lại là những người lúc nào cũng đau đáu nhớ đến ân đức tổ tiên, thành tâm cung kính nhớ về cội nguồn, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ cho việc bảo tồn và phát huy những di sản của văn hóa dòng tộc, một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc. Nhiều người đang góp sức khôi phục và làm rạng danh nền văn hóa gia đình – dòng họ Việt Nam. Cũng không ít người bỏ tiền túi ra kiếm tàu xe, lên đường lặn lội đến tận các vùng xa, miền biên giới từ nhiều năm nay để tìm nguồn gốc dòng họ như :ông Đồng Xuân Lợi quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, Ông Đồng Hữu Mãn ở Nga Sơn,Thanh Hóa...có nhiều năm nay đi khắp mọi nơi để tìm hiểu và kết nối dòng họ. Thậm chí có những người có thâm niên gần 20 năm nay tâm huyết nghiên cứu về dòng họ như: Ông Đồng Văn Đạo-Nguyên Chủ tịch UBND huyệnTân Yên,Bắc Giang,Tiến sỹ Đồng Xuân Thành quê ở Nghĩa Hưng,Nam Định,Ông Đồng Thiện Tín quê Kim Thành, Hải Dương...hay Ông Đồng Chí Nam, nguyên Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Hải Hưng cách đây 25 năm(1990) họ Đồng ở Kim Đính, Kim Thành có ông Đồng Chí Nam (ông đã tập hợp và thành lập Ban liên lạc họ Đồng Hải Dương và Hải Phòng – đây là Ban liên lạc họ Đồng sớm nhất Việt Nam, do Đồng Chí Nam - TP Hải Dương làm trưởng ban và ông Đồng Tố Kim - UBND huyện Chí Linh là thư ký); Rồi nhà nghiên cứu về sử học Đồng Hồng Hoàn (Tiểu Trà, Hải Phòng), Đồng Ngọc Hoa (Trực Ninh,Nam Định);

Có thể rút ra một điểm chung là: người họ Đồng dù ở đâu, làm nghề gì cũng bộc lộ những tính cách Đồng rất rõ nét là:tự trọng, trách nhiệm, cương trực, giàu trí sáng tạo, dám nghĩ dám làm và đặc biệt: hết lòng vì lẽ phải,vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Chúng ta có thể tự hào mình là con cháu một dòng họ Đồng Việt Nam đã có từ lâu đời, có nhiều truyền thống tốt đẹp, đã từng góp công xây dựng, bảo về đất nước. Mỗi con cháu họ Đồng Việt Nam dù ở đâu cũng cần tự hào và phát huy truyền thống quý báu ấy của tổ tiên ta.

TS. Đồng Xuân Thụ

Tổng biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam

   Các tin khác
   Tin mới
   Bài đọc nhiều nhất
BAN BIÊN TẬP:
Trưởng Ban liên lạc: GS. TS. Trung tướng Đồng Minh Tại
- Nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần - Bộ Quốc phòng
Phó Ban liên lạc TT: PGS.TS. Trung tướng Đồng Đại Lộc
- P. Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an
Tổng thư ký BLL: TS. Nhà báo Đồng Xuân Thụ
- Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam
Trưởng ban Tuyên truyền: Nhà báo Đồng Mạnh Hùng
- Tổng biên tập Báo tiếng nói Việt Nam
Trưởng Ban tư liệu tộc phả: TS. Đồng Xuân Thành
P. Trưởng ban tư liệu tộc phả: Đồng Thị Hồng Hoàn
Quản trị trang điện tử: Đồng Khánh Toàn
     
NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM NỘI DUNG:
TS. Nhà báo Đồng Xuân Thụ - Tổng thư ký BLL                    Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam
Địa chỉ: 1401B, Cao ốc M3+M4, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
Điện thoại: 0913.220.939 - 097.4488.399 - Fax: 04.6266 1991
Email: hodongvietnam@gmail.com
Group Dòng họ Đồng Việt Nam trên Facebook: https://www.facebook.com/groups/Hodongvietnam/
ictgroup.vn