Tư liệu nghiên cứu

Một số suy nghĩ về Họ Đồng Việt Nam

Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2015 | 11:12:34 Sáng

Đây là một số suy nghĩ về Họ Đồng Việt Nam đã được ông Đồng Văn Đạo nghiên cứu trong rất nhiều năm về họ Đồng Việt Nam và đã được ông trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc họ Đồng Việt Nam lần thứ nhất.

A – Về nguồn gốc họ Đồng: Có 2 loại ý kiến:

1 – Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Họ Đồng có nguồn gốc là họ Tư Mã ở Trung Quốc, trong đó:

- Ý kiến thứ nhất cho rằng “gốc gác từ 3 anh em Tư Mã Lượng do phe cánh bố bị thất thế trong cuộc tranh giành quyền lực ở triều đình mà con cái phải chạy trốn sang vùng núi huyện Tư Nông – Thái Nguyên từ thế kỷ thứ 9 sau công nguyên (Thời Bắc thuộc) Giả thuyết này cần phải suy nghĩ là: Loạn bát vương thời Tấn vào khoảng năm 397 vậy mà đến thế kỷ thứ 9, giả định năm đó là 807 (thuộc nhà Đường) thì khoảng cách 2 thời kỳ là 410 năm. Chuyện ân oán trong gia đình khi đã không còn quyền lực, trải qua 400 năm mà vẫn phải chạy sang Việt Nam, liệu có phải sự thật không? Họ Tư Mã ở Trung Quốc sẽ nghĩ gì khi ta công bố sự kiện này

- Ý kiến thứ hai cho là: “Người con thứ của Tư Mã Thiên chạy nạn giặc Mông Cổ đến định cư tại đất Hải Dương”. Ý kiến này có dẫn chứng thái hậu họ Tống chạy giặc được thờ dọc các tỉnh ven biển Việt Nam. Giả thuyết này cũng có điều phải suy nghĩ là: Vua Tống và Hoàng hậu nhà Tống mới là đối tượng truy tìm của giặc Mông Cổ, còn họ Tư Mã thời đó chỉ là dân thường, nếu giặc Mông cũng truy đuổi thì toàn dân Trung Quốc sẽ chạy đi đâu? Đó là chưa kể chuyện con Tư Mã Thiên sống trước thời Nguyên trên 1000 năm (145 – 86TCN)

- Ý kiến thứ ba: “Thời Minh người họ Tư Mã di tản bằng đường thuyền sang Việt Nam, một ở Thanh Hóa, một ở Nghệ An, một ở Hải Dương” Giả thuyết này cũng có điều phải suy nghĩ là đối với nhà Minh có từ năm 1368 đến 1644 nhưng cụ Tổ sư Pháp loa Đồng Kiên Cương ở Hải Dương thì đã sinh 1284, tức là trước thời kỳ có nhà Minh 76 năm

- Ý kiến thứ tư cho rằng: “Họ Tư Mã làm quan đô hộ ở Việt Nam, sau khi chế độ bị lật đổ, các cụ ở lại và chuyển sang thành họ Đồng” Tôi đã lần tìm danh sách những quan cai trị người Trung Quốc ở Việt Nam thời Bắc thuộc từ năm 111TCN đến năm 905, không thấy ai là người họ Tư Mã cả, nhất là thời nhà Tấn (264-419) có 27 cai trị nhưng không có ai là họ Tư Mã.

-Ý kiến thứ năm: Có ý kiến “Văn tế của họ Đồng ở Trực Khang có câu: Tiên tổ tích do Đông Hải… và cho là Đông Hải thuộc Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc Giả thuyết này cần được nghiên cứu là ở Đông Hải, Giang Tô từ trước tới nay có họ Tư Mã và họ Đồng sinh sống không? Suy nghĩ của cá nhân tôi như sau: Chữ Đông Hải trong văn tế, phải chăng là chữ Hải Đông nói ngược không? Bởi theo quy luật bằng trắc trong văn tế, không thể viết “Tích do Hải Đông, phái dẫn Nam Giang”. Trường hợp này trong văn tế và câu đối tôi đã gặp một số trường hợp, ví dụ câu đối ở Đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, Bắc Giang thờ Đề Nắm, trong đó một vế viết: “Miếu vũ trùng tu hương hỏa huy hoàng Giang Bắc Địa”, đáng lẽ viết đúng là Bắc Giang địa, nhưng vì luật bằng trắc nên đã viết là Giang Bắc địa, cho nên theo tôi chữ Đông Hải trong văn tế, là “Hải đông” viết ngược là tỉnh Hải Dương cũ (thời Trần)

2 – Loại ý kiến thứ 2: Gia phả họ Đồng ở làng Trà Đình, xã Quế Phú huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam có đoạn viết “ngã môn Đồng phúc tộc, triệu tổ Đông Phước ninh công, danh tự Hồng thọ, tích Hải Dương, Dương tuyền bộ, văn lang quốc…” (dịch nghĩa: cụ Tổ Đồng Phước, Ninh tên tự là Hồng Thọ, gốc người tỉnh Hải Dương, bộ Dương tuyền nước Văn Lang). Nếu tư liệu này là đúng thì họ Đồng có từ thời nước Văn Lang, tức là từ thời các vua Hùng, thuộc bộ Dương Tuyền là một trong 15 bộ của nước Văn Lang lúc đó. Đây cũng là một nguồn chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu Với những tư liệu trên, tôi xin đề nghị, khi biên tập về tộc phả họ Đồng, mong được các đồng chí cân nhắc suy nghĩ, chưa nên vội kết luận về nguồn gốc họ Đồng khi chưa có đủ các tài liệu lịch sử đầy đủ và chính xác.

B – Về họ Đồng ở Bắc Giang:

Theo những tư liệu sưu tầm của TS. Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam toàn tỉnh có 8124 người họ Đồng (tính từ 14 tuổi trở lên) hiện sinh sống ở 193 xã, phường thuộc 10 huyện và thành phố trong đó:

1-Huyện Lạng Giang có 27 xã với 4430 người, trong đó nam có 1945 người

2-Huyện Hiệp Hòa có 25 xã với 1393 người, trong đó nam có 580 người

3-Huyện Tân Yên có 23 xã với 518 người, trong đó nam có 314 người

4-Huyện Lục Nam có 26 xã với 461 người, trong đó nam có 187 người

5-Huyện Lục Ngạn có 21 xã với 355 người, trong đó nam có 127 người

6-TP.Bắc Giang có 11 xã phường với 336 người, trong đó nam có 162 người

7-Huyện Yên Thế có 19 xã với 321 người, trong đó nam có 167 người

8-Huyện Yên Dũng có 16 xã với 304 người, trong đó nam có 142 người

9-Huyện Việt Yên có 15 xã với 63 người, trong đó nam có 21 người

10- Huyện Sơn Động có 14 xã với 43 người, trong đó nam có 17 người

Từ những bia đá ở các đình chùa cho thấy:

-Năm 1606 trùng tu lớn chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) do Địch Võ Hầu Nguyễn Thọ Cường cùng 14 vị tín thí, trong đó có ông Đồng Quang Phu và vợ là bà Nguyễn Thị Điều đứng ra hưng công. Qua đó cho thấy cách đây 409 năm ở Bắc Giang đã có họ Đồng (năm 1606). Nếu giả định năm đó ông 40 tuổi thì ông sinh khoảng 1566

-Ở Lạng Giang và Hiệp Hòa nhiều đình chùa có tên người họ Đồng công đức, nhưng đa số đều ở thời điểm cách đây trên 300 năm, ví dụ Từ đường họ Đồng ở Nghĩa Hòa – Lạng Giang xây dựng năm Cảnh Hưng 22 (1761), ghi họ tên từ tằng tổ trở xuống, tằng tổ là thập lý hầu tự Phúc Thịnh Giả định người xây từ đường ấy năm 40, tính người 25 năm là 1 thế hệ, thì năm sinh của tằng tổ vào khoảng 1646.

Như vậy trước thời điểm 1566 tỉnh Bắc Giang chưa tìm được tư liệu nào về họ Đồng. Một điều tôi đã suy nghĩ nhiều là họ Đồng ở Bắc Giang từ đâu đến? Phải chăng là từ Nam Sách hoặc Chí Linh – Hải Dương đi bằng đường sông lên (rất gần) và huyện Lạng Giang là nơi đến đầu tiên, vì cho tới nay huyện này chiếm hơn ½ họ Đồng của cả tỉnh.

C – Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu:

- Nguồn gốc của một dòng họ là một vấn đề lớn, trong một cuộc hội thảo chưa thể giải quyết được. Vì vậy, tôi đề nghị, sau hội nghị những vấn đề cần được nghiên cứu tiếp là:

1. Nguồn gốc họ Đồng từ họ Tư Mã bên Trung Quốc hay là từ một dòng họ Đồng đã có từ lâu đời ở Việt Nam?

2. Ở trong nước thì họ Đồng xuất xứ từ Hải Dương hay từ Thiết Ứng, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nôi, hay là từ Tư Nông, Thái Nguyên, hay là từ một nơi nào khác? Cách tốt nhất là tìm được gia phả họ Đồng để ghi xuất xứ của dòng họ mình. Vì vậy, các đại biểu cung cấp thêm tư liệu về những vấn đề trên cho BCH họ Đồng Việt Nam.

Trên đây là một số suy nghĩ của tôi xin được đóng góp cùng Đại hội. Một lần nữa xin kính chúc Đại hội thành công. Xin cảm ơn!

Đồng Văn Đạo

Nguyên Chủ tịch UBND Huyện Tân Yên

Nguyên Ủy viên Thư ký kiêm Chánh Văn phòng

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Bắc

   Các tin khác
   Tin mới
   Bài đọc nhiều nhất
BAN BIÊN TẬP:
Trưởng Ban liên lạc: GS. TS. Trung tướng Đồng Minh Tại
- Nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần - Bộ Quốc phòng
Phó Ban liên lạc TT: PGS.TS. Trung tướng Đồng Đại Lộc
- P. Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an
Tổng thư ký BLL: TS. Nhà báo Đồng Xuân Thụ
- Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam
Trưởng ban Tuyên truyền: Nhà báo Đồng Mạnh Hùng
- Tổng biên tập Báo tiếng nói Việt Nam
Trưởng Ban tư liệu tộc phả: TS. Đồng Xuân Thành
P. Trưởng ban tư liệu tộc phả: Đồng Thị Hồng Hoàn
Quản trị trang điện tử: Đồng Khánh Toàn
     
NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM NỘI DUNG:
TS. Nhà báo Đồng Xuân Thụ - Tổng thư ký BLL                    Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam
Địa chỉ: 1401B, Cao ốc M3+M4, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
Điện thoại: 0913.220.939 - 097.4488.399 - Fax: 04.6266 1991
Email: hodongvietnam@gmail.com
Group Dòng họ Đồng Việt Nam trên Facebook: https://www.facebook.com/groups/Hodongvietnam/
ictgroup.vn