Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lễ tưởng niệm Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Gặp mặt họ Đồng toàn quốc lần thứ 6 - 2024


Tiến sĩ, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cung tuyên tiểu sử của Đệ nhị tổ Pháp Loa- Đồng Kiên Cương


Hôm nay, ngày 7/4, nhằm ngày 29/2 năm Giáp Thìn, trong ý nghĩa duyên khởi của Pháp giới, âm siêu dương thới, sự giao hòa giữa thế giới người sống và thế giới người đã mất ,với tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật, bằng tinh thần đồng cảm, tâm từ bi bình đẳng không biên giới, với nhân duyên hội đủ, Ban liên lạc Họ Đồng Việt Nam phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức tưởng niệm 694 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa nhập niết bàn (1330-2024).

Trải qua nhiều trăm năm lịch sử mà tộc phả còn nối truyền, con cháu họ Đồng Việt Nam hiện có mặt ở khắp mọi vùng miền trong cả nước, có hậu duệ ở nhiều nước trên thế giới. Dòng họ Đồng ở Việt Nam tự hào có truyền thống hiếu kính tổ tiên “Chim có tổ, người có tông”, có danh nhân – khoa bảng, có văn quan – võ tướng ở các thời kỳ; đặc biệt hơn là có truyền thống tu hành, tiếc rằng chưa có tư liệu đủ đầy, cũng như chưa có thời gian tham chiếu để thống kê hết chân dung các vị tu hành trong lịch sử họ Đồng.

Như chúng ta đã biết đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ trước Công nguyên đến nay đã trên 2000 năm. Theo sử sách ghi lại từ các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam, người Việt Nam đầu tiên theo đạo Phật là phật tử Chử Đồng Tử được nhà sư Phật Quang truyền đạo.

Kể từ đó dân chúng Việt Nam bắt đầu biết đến đạo Phật và một bộ phận dân chúng quy y theo đạo Phật, cũng như chịu ảnh hưởng của văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo. Từ đó, có người đã phát tâm xuất gia tu hành, vào đầu công nguyên các danh tăng Việt Nam nổi tiếng xuất hiện như Mâu Tử, Khương Tăng Hội,...

Trải qua các thời kỳ Hai Bà Trưng phất cờ đòi chủ quyền và độc lập dân tộc, cho đến các triều đại Đinh – Tiền Lê- Lý – Trần- Lê- Mạc- Nguyễn, thời kỳ nào Phật giáo cũng được triều đình và nhân dân coi trọng. Đặc biệt, nổi bật hơn cả là triều Trần, có đức vua Trần Nhân Tông xuất gia tu Phật trên đỉnh Yên Tử lập nên Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Cũng chính giai đoạn này, một vị Thiền sư là người họ Đồng đã làm rạng danh cho lịch sử Phật giáo Việt Nam đó là Nhị Tổ Trúc Lâm- Pháp Loa (thế danh Đồng Kiên Cương).

Thiền sư Pháp Loa sinh năm Giáp Thìn (1284) tại làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu.

Trong lịch sử các Thiền sư Việt Nam từ xưa đến nay, Pháp Loa là một trong những vị Thiền sư tiêu biểu nhất, đã quy tụ và chinh phục được các hàng vương tôn, quý tộc, khiến cho họ tín nhiệm, quy y và ủng hộ hết mình trong việc xiển dương Phật pháp.

Nhị tổ Pháp Loa là người đã đề xuất, kết tập và tiến hành in ấn bộ Đại Tạng kinh Việt Nam. Ngài cũng là nhà sư đầu tiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo, thiết lập một tổ chức Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên.

Pháp Loa còn là người khởi xướng thiết lập sổ bộ tăng, ni và tự viện để quản lý tăng, ni, tự viện một cách khoa học, hệ thống trên khắp cả nước.

Trong vòng 22 năm hoạt động phật sự, Nhị tổ Pháp Loa đã mở 13 giới đàn, tiếp độ cho hàng trăm thành viên của hàng vương thân quốc thích, và khoảng 15 ngàn tăng, ni; trong đó có khoảng 3.000 đệ tử đắc pháp.

Nhị tổ không chỉ quan tâm đến việc trao truyền giới pháp mà còn rất chú ý đến việc diễn giảng các bộ kinh luật quan trọng để các đệ tử hiểu rõ đường lối tu hành. Ngài đã mở hàng chục khóa giảng, mỗi khóa giảng, thính chúng đến nghe hằng nghìn người. Khóa nào ít nhất cũng trên năm, sáu trăm người.

Sử sách còn ghi chép, năm 1314, Ngài Pháp Loa đã cho đúc ba tượng Phật cao 17m; năm 1327 đúc xong pho tượng Phật Di-lặc cao 1 trượng 6 và tượng các Thánh Tăng.

Để tạo điều kiện cho tăng, ni và phật tử có nơi thuận tiện tu học và lễ bái, Ngài Pháp Loa đã đứng ra khai sơn các cảnh chùa, kiến tạo Tăng xá và xây dựng các ngôi Bảo tháp. Theo thống kê thì Ngài đã khai sơn hai cảnh chùa lớn, xây năm ngôi tháp và kiến tạo hơn 200 tăng xá.

Bố thí, trai đàn, cầu mưa, tháng 10 năm 1319 gặp trời hạn hán, dân chúng đói khổ, vua xuất của kho riêng hơn 100 lượng vàng và 500 lượng bạc, giao cho Ngài Pháp Loa mở hội bố thí cho những người nghèo đói.

Nhị tổ Pháp Loa -Đồng Kiên Cương là một người toàn diện. Không những lưu tâm đến việc trao truyền giới pháp, thuyết giảng luật luận, soạn thuật kinh sách, mà Ngài còn chăm lo đào tạo tăng tài, mở mang tùng lâm thắng cảnh, lưu tâm đến việc cứu tế xã hội.

Tuy chỉ hiện diện 47 năm trên cõi trần gian, ròng rã suốt 26 năm tận tụy quên mình phụng sự đạo pháp, nhưng Pháp Loa -Đồng Kiên Cương đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà thầy mình là Trần Nhân Tông giao phó, trở thành vị tổ nổi tiếng của dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Hôm nay, có mặt tại đây con cháu họ Đồng đã có dịp tưởng nhớ Tổ tiên ông bà và tưởng nhớ tới Thiền sư Pháp Loa- Đồng Kiên Cương , Ngài đã phát nguyện dũng mãnh, quyết tâm thực hiện cho kỳ được sự nghiệp hoằng dương chính pháp, thiết lập nên một tổ chức Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm đã thống nhất các hệ phái Phật giáo, mang bản sắc và đặc tính dân tộc, dựa trên tinh thần nhập thế hành động, và thể nghiệm tu chứng ngay giữa lòng đời.

Nhắc đến thời kỳ cực thịnh của Phật giáo đời Trần nói chung, và một tổ chức có kỷ cương quy mô của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, thiết tưởng công lao của Thiền sư Pháp Loa luôn tỏa rạng.

Cho dù tất cả các pháp hữu vi chung cục đều tan biến theo cát bụi của thời gian, nhưng tấm gương sáng mà Thiền sư đã để lại vẫn là một bài học quý giá, sinh động, khiến cho con cháu họ Đồng hàng nghìn sau mãi mãi xem như một thứ gia tài bất diệt.

 Truyền thống tốt đẹp của Tổ tiên, truyền thống tu học của bậc cao tăng đắc pháp như Thiền sư Pháp Loa - Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho tăng, ni, phật tử và hậu duệ của dòng tộc họ Đồng Việt Nam tự hào về truyền thống tổ tiên mình.

Với lòng tưởng niệm vô biên, biết ơn vô hạn, xin cầu nguyện cho các hương linh các tổ tiên,ông bà họ Đồng,các Anh hùng liệt sỹ, những con cháu họ Đồng đã khuất luôn được an nhàn. Nơi chốn tổ chùa Vĩnh Nghiêm này, dòng tộc họ Đồng Việt Nam cầu mong cho các hương linh của tổ tiên, con cháu họ Đồng đã khuất hãy an nghỉ cho ngàn thu in bóng, hình hài hòa quyện với non sông, đất nước và sẽ sống mãi trong lòng dòng tộc họ Đồng Việt Nam .Với tấm lòng tưởng niệm vô biên ,biết ơn vô hạn, đồng cảm vô cùng vô tận, lòng từ bi chan hòa Pháp giới, bằng Phật lực gia trì, năng lực chú nguyện của Chư tôn đức tăng ni cũng như của hơn 3.500 con cháu trong dòng họ tụ hội về nơi đây, sẽ giao cảm với các hương linh của những người họ Đồng Việt Nam đã khuất.

Họ Đồng Việt Nam chúng con xin nguyện một lòng đoàn kết, sống nương tựa vào nhau, đùm bọc nhau, vượt qua mọi khó khăn để trụ vững và trường tồn trên quê hương mình, tiếp tục nỗ lực xây dựng dòng tộc và xã hội Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh, tốt đời đẹp đạo trong thời kỳ hội nhập và phát triển.../.