Tổng quan về thôn Duyên Yết


Thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội là một làng quê ven sông Hồng, phía Hữu Ngạn, còn có tên gọi làng Diền thuộc tổng Thúy Phú, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ. Làng Diền xưa từng thuộc tỉnh Hà Nội gần 60 năm, kể từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đến khi thành lập tỉnh Hà Đông thì chuyển về tỉnh Hà Đông. Sau khi hợp nhất Hà Nội và Hà Tây cũ ngày 01/08/2008, làng Diền lại thuộc địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội mở rộng.


Làng Diền cũng giống như một số làng quê khác, từng chịu họa xâm lăng tiêu diệt văn hóa bản địa của phong kiến phương Bắc, đã tiêu hủy nhiều tài liệu quý giá của tổ tiên. Đến thế kỷ XX, vào những năm 50, làng Diền là vùng địch hậu, sau là vùng tạm chiếm của thực dân Pháp. Năm 1952, một nửa làng phía Nam bị giặc Pháp đốt phá trơ trụi. Làng Diền lúc đầu chỉ cư trú phía ngoài đê hữu ngạn sông Hồng, mỗi năm ít nhất có 2 lần ngâm mình trong nước lũ… Vì vậy, nhiều tài liệu như: Thần phả, gia phả tộc họ, sổ địa bạ và các tư liệu lịch sử khác đã bị giặc giã, hỏa hoạn và lũ lụt tiêu hủy nên không đủ chứng lý xác định chính xác năm tháng lập làng.

Song, nếu nghiên cứu kỹ các tư liệu của Nhà nước và quan sát thực địa của làng từ hơn 60 năm trước đến nay sẽ thấy các cư dân của các tộc họ chính có những bộ phận cư trú cả phía Bắc, phía Nam, cả khu trại Diền phía trong đê. Nghĩa là có những cụm dân cư mới di chuyển đến địa điểm hiện tại, sau khi Nhà nước di dân để làm công trình công cộng. Dọc 2 bên đê hữu ngạn sông Hồng đi qua làng Diền nay vẫn còn là các đầm, hồ có thể là dấu tích những khu đất đã đào để đắp đê ngăn lũ hữu ngạn sông Hồng đi qua làng. Trong đó, có cả đất thổ cư phải di dân đi nơi khác để đắp đê.


Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” mộc bản khắc năm Chính hòa thứ 18 (1697) xuất bản tiếng Việt năm 2003, tập 2, trang 28 có đoạn viết: “Năm Mậu Thân (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 17 (1248) (Tống Thuần Hựu năm thứ 8), tháng 3, lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là đê quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển để ngăn nước tràn ngập”.


Nếu hỏi những người già đang sống ở làng có tuổi đời 90 đến 100 tuổi đều nói rằng các cụ thấy những đầm hồ hai bên đê qua làng Diền có từ khi các cụ còn bé.

Từ những dẫn chứng trên đây có thể suy ra rằng: “Làng Diền nay là Thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã hiển diện tại đây từ trước năm 1248 (trước thế kỷ XIII) có thể là vào thời kỳ họ Đồng di cư đến Tư Nông, Thái Nguyên, sau đó đến vùng Nam Sách, Hải Dương”.


Làng Diền xưa có thời là xã Diên Yết gồm 3 thôn: Thôn Thượng, Thôn Trung, Thôn Hét (tức Thôn Hạ). Mỗi thôn có đình thờ Thần Hoàng riêng, mỗi đình do một tộc lớn chủ trì. Khi tôi còn bé, sống tại làng Diền quê tôi thì trong làng đã có một số dòng họ sinh sống nhưng có ba dòng họ chính, đông hơn cả. Và, dân làng vẫn nói rằng: Đình Thượng thờ Thần Hoàng họ Đồng, đình Trung thờ Thần Hoàng họ Nguyễn, Đình Hét thờ Thần Hoàng họ Phan. Thần Hoàng ba đình đều là Phúc Thần nhưng không vị nào mang họ Đồng, họ Nguyễn hoặc họ Phan. Bây giờ các đình làng xưa đều của chung Thôn Duyên Yết, không còn là của riêng họ tộc nào.


Đình Thượng quê tôi thờ Thần Hoàng “Cao Sơn Cây gạo Đại Vương”. Tại đây có lễ hội “Chạy lợn” vào ngày 07 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội này thực chất là lễ hội làm cỗ thi bằng thịt lợn, kể từ khi mổ lợn đến khi thành mâm cỗ chín, với đủ thủ lợn, lục phủ ngũ tạng với các tiêu chí chấm điểm: Nhanh, tinh, thục - tức làm cỗ nhanh, sạch sẽ, có chất lượng, các món nguyên lành, không khuyết, không bầm dập... đem tế Thần Hoàng. Hội chạy lợn mô tả bữa tiệc nhanh khao quân qua làng đi đánh giặc.


Trước đây, do các giáp của họ Đồng chạy lợn thi với nhau, tôi vẫn thường theo ông nội đi xem chạy lợn và nhận phần cỗ do làng chia cho các hộ. Ngày nay do 3 xóm của cả thôn Duyên Yết chạy lợn thi với nhau. Đình Thượng đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Làng Diền nay là thôn Duyên Yết hiện có 13 tộc họ chung sống, gồm 528 hộ dân cư với 2.300 nhân khẩu, không kể những người đã có hộ khẩu cư trú tại các nơi khác.


Cư dân họ Đồng ở thôn Duyên Yết


Là một trong 13 tộc họ đang cư trú tại thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Họ Đồng chiếm số đông với 187 hộ dân, chiếm 35,4% và khoảng 800 nhân khẩu, chiếm khoảng 35% cư dân của Thôn.


Theo tư liệu đã khảo sát và tư liệu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc họ Đồng Việt Nam lần thứ nhất, họp tại Hà Nội ngày 26/4/2015 thì khu vực Hà Nội sau hợp nhất có nhiều người họ Đồng đang cư trú. Những nơi có nhiều người họ Đồng cư trú đông đúc, tập trung lâu năm hơn đã được biết đến như: 1) Thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên; 2) Xã Thiết Úng, huyện Đông Ngàn, nay là xã Vân Hà, huyện Đông Anh, nơi có Thượng thư Đồng Nhân Phái, người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ năm Mậu Thìn (1628), đời vua Lê Thần Tông; 3) Cầu Cả, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh; 4) Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh; 5) Thôn Hoàng Long, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm; 6)Thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.


Trong các địa danh trên thì có 3 nơi đã có nhà thờ họ nhưng chỉ một nơi là nhà thờ họ Đồng tại Vân Hà, Đông Anh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố.


Theo một số tham luận tại Đại hội Đại biểu họ Đồng toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội thì họ Đồng tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh có nguồn gốc từ Tư Nông, Thái Nguyên di cư đến vào khoảng năm 1467, cụ Tổ là Đồng Chính Phái, người thuộc thế hệ thứ 8 đến lập nghiệp tại Thái Nguyên. Tại đây, năm 1628 có Tiến sĩ làm đến chức Thượng thư. Nay có tiến sĩ Đồng Ngọc Toàn, hiện là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Họ Đồng tại Thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức đã có mặt tại đây khoảng 13 đời. Địa danh này xưa là xứ Sơn Tây nên có thể suy đoán nhánh họ Đồng này liên quan đến nhánh họ Đồng di cư từ Vân Hà, Đông Anh về đây vào đời vua Lê Thế Tông (1573-1600).


Với cư dân họ Đồng sống tại thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, nay đã có nhiều người sinh sống tại các vùng miền trong cả nước, từ Bắc vào Nam. Có người đang học tập, công tác và cư trú tại nước ngoài, số cư dân đã và đang cư trú tại Thôn Duyên Yết vừa đông, vừa lâu đời hơn một số nơi khác. Nhưng tại sao chưa có nhiều người biết đến. Tôi xin nêu một số suy nghĩ cá nhân để góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc họ Đồng Việt Nam đang cư trú tại các vùng miền trong cả nước.


Về nguồn gốc người họ Đồng thôn Duyên Yết


Điều thiệt thòi lớn nhất đối với người họ Đồng nơi đây là không còn lưu giữ được các tư liệu lịch sử, không đủ chứng lý xác minh như một số nơi khác. Có thể có nguyên nhân mất, thất lạc tư liệu như đã từng nêu.


Song, nếu xem xét phân tích thực trạng từ xưa đến nay về địa lý, phân bổ dân cư, các tư liệu về tiến trình diễn biến của lịch sử, địa lý của vùng thì có thể suy đoán rằng làng Diền, nay là thôn Duyên Yết có từ trước thế kỷ XIII. Người họ Đồng Thôn Duyên Yết có mặt sớm từ những ngày đầu lập làng. Nhánh họ Đồng di cư đến đây có thể trước thế kỷ 13, trước cả nhánh họ Đồng di cư về Đông Anh thế kỷ XV.


Về môi trường phát triển của người thôn Duyên Yết, trong đó có họ Đồng từ xưa đến nay.


Người họ Đồng di cư đến khu vực làng Diền, Phú Xuyên cũng bám theo triền sông Hồng, cũng sống bằng săn bắt, hái lượm rồi đến trồng trọt, chăn nuôi, cũng làm nghề thủ công... Nơi đây rất thích hợp với cách sống nông nghiệp trồng lúa nước. Nhưng khi ấy giao thông đường bộ hầu như chưa có, làng Diền lại sống ở địa bàn cách biệt với đô thị, xa trung tâm văn hóa nên việc học hành không phát triển. Lưu thông hàng hóa khó khăn, nhiều năm sống với mô hình tự túc, tự cấp.


Đến thế hệ chúng tôi sinh ra vào đầu những năm 40, thế kỷ XX chỉ có người có học lực làm đến chức chánh tổng. Sau ngày hòa bình lập lại tại miền Bắc, một số người làng Diền di cư đến Thành phố sinh sống, con em họ và các cháu, con anh chị em họ mới được học hành tại đô thị, có người tự đi làm lấy tiền thuê gia sư để học, có người thành kỹ sư, cử nhân, có người là tiến sĩ... nên một số ít người được thiên hạ biết đến.


Còn lại, rất nhiều người không mấy khi đi ra khỏi làng, khỏi huyện. Thực trạng đó cũng là một nguyên nhân dẫn tới trong làng một số người và chi họ không có gia phả, không có nhà thờ để lại... Mặt khác, họ Đồng làng Diền nhiều thế hệ trước đây không xuất hiện các nhân vật nổi tiếng được ghi vào sử sách, điều này có phần làm cho một số người cố tìm cách thoát nghèo, vượt khó vươn lên bằng người.


Lại có phần làm tăng lòng tự ty vốn có, bằng lòng với cuộc sống không đứt bữa, nghĩa là không đói của nhiều người khác ở làng.


Đến thế hệ kế tiếp chúng tôi, đã có nhiều người hiếu học, thoát ly quê hương, hòa nhập môi trường trong nước và nước ngoài, trở thành những người thành đạt, được nhiều người biết đến. Trong đó cũng có những người còn ẩn danh, chưa nói hoặc chưa muốn nói quê quán nguồn gốc của mình. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người chưa biết đến làng Diền và người họ Đồng tại làng Diền.


Đồng Minh Sơn

Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Phó Trưởng Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam