Ngày nay đa số các nhà thơ trào phúng thường đặt chữ Tú trước tên mình, trường hợp này chữ “Tú” có nghĩa là đẹp, không chỉ học vị, như Tú Mỡ tức Hồ Trọng Hiếu, Tú Kếu tức Trần Đức Uyển, Tú Xe tức Phạm Văn Tươi, phiên âm từ chữ Pháp “Tout sait” nghĩa là “Biết hết”, con người thông kim bác cổ

Từ xưa tới nay người thấy có những tên riêng liên hệ đến nhiều người, chẳng hạn họ, tên đệm, tên chính, không đi với những từ chỉ số nhiều như các, những và có một số tên chung chỉ liên quan tới một vật thể duy nhất tỷ như thiên đàng, địa ngục, không giữ cái nghĩa vốn có của từ như tên chung. Tuy chúng có nhiều điểm khác biệt nhau nhưng lại có sự chuyển đổi lẫn nhau. Hầu hết tên người và tên đất đều được chuyển từ tên chung, điển hình một chiếc cầu có hình dáng chữ cái Y được gọi là cầu Chữ Y. Cha mẹ muốn con mình trở thành người đạo đức thì đặt tên con là Hiền, Thục, Lương, Nhân, Lễ, Nghĩa, Dũng, Đức...

Người thích con có tài đặt tên con là Tuấn, Kiệt, Tài, Giỏi...Trái lại một số người mang tính điển hình cho một hạng người trong xã hội, tên của họ có thể biến thành tên chung, tỷ dụ một người đàn bà chứa chấp gái buôn hương bán phấn người ta gọi là Tú Bà, mượn tên một nhân vật chuyên rước người cửa trước, đón người cửa sau trong tập “Đoạn Trường Tân Thanh” của Nguyễn Du. Người ta phân chia tên riêng làm hai loại, nhân danh và địa danh. Nhân danh quan hệ tới một người, một nhóm người, tỷ dụ chị Yến, họ Hoàng, thường chỉ sống trong khoảng thời gian trên dưới một thế kỷ bởi nó gắn liền với con người cụ thể, ngoại trừ những danh nhân, và địa danh liên hệ tới một vùng lãnh thổ nhất định như Đồng Nai, Cần Thơ, gắn chặt với những vật thể trường tồn, những đối tượng sông núi, vùng đất nên có tính cách bền vững. Nhiều địa danh vốn gốc từ họ tên người, người ta thấy có Ngã ba Ông Tạ, cầu Thị Nghè, hoặc gốc từ, trái lại nhiều nhân danh xuất phát từ địa danh, chẳng hạn Tản Đà, Đông Hồ, Tô Hoài...

Nhiều họ của người Kinh xuất phát từ Trung Hoa, như Trần, Lê, Lý, Đỗ... Trong hàng nghìn năm Bắc thuộc và tiếp tục sau đó, nhiều quan lại và thường dân Trung Hoa sang ta sinh sống, sinh con đẻ cái trở thành người bản xứ. Trần Lãm, cha nuôi của Đinh Bộ Lĩnh, nguyên là con ông Trần Công Đức, gốc người Quảng Đông, sang hùng cứ ở vùng Bố Hải Khẩu, nay là xã Kỳ Bố, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, tự xưng Trần Minh Công. Nguyễn Siêu nguyên con ông Nguyễn Nê, gốc người Phúc Kiến, làm quan đời Tấn, được cử sang ta đánh dẹp loạn, sau lấy một thôn nữ xã Thanh Quả làm tỳ thiếp, sinh hạ được ba trai là Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp và Nguyễn Siêu. Hiện nay nhiều người Việt gốc Hoa để lại các họ Dư, Hàn, Khổng, Nhan, Sử, Tăng, Trịnh...Ngay họ Nguyễn chiếm tới 38% dân số cũng xuất phát từ Trung Hoa, đời Tấn có Nguyễn Tịch [210 – 263]. Tên đệm Văn lót cho tên con trai, Thị lót cho tên con gái ngày một ít sử dụng. Nhiều họ của dân tộc thiểu số vay mượn của người Kinh hay được người Kinh gán cho, như nhà Nguyễn đã ban cho người Khmer ở Nam Bộ các họ Sơn, Danh, Thạch, Kim, Lâm. Họ có cách đặt họ mới, lấy chữ đầu của tên làng làm họ: Dương làng Dương Hòa, Kỳ làng Kỳ Lộ, Lộc làng Lộc Trí, Thuận làng Thuận Yên, Trà làng Trà Tiên...Xưa kia họ không có họ, vua chúa người Kinh đã ban cho người Chàm 4 họ: Ông, Ma, Trà, Chế và người Khmer 5 họ: Danh, Kim, Lâm, Sơn, Thạch...Dân tộc Kinh và nhiều dân tộc thiểu số chỉ có họ đơn, ngoại trừ Hoàng Phủ, Tôn Thất, và dân tộc Pu Péo có các họ Ka Bu, Ka Cung, Ka Ru...không có họ ghép giống Trung Hoa như Âu Dương, Gia Cát, Hạ Hầu, Tư Mã. Nền văn hóa Trung Hoa, Pháp đã ít nhiều ảnh hưởng tới nhân danh qua cách đặt các tự, bút hiệu, pháp danh, tên thánh, tên phụ nữ đặt theo chồng, đồng thời các biến cố chính trị, các lãnh tụ tạo dựng nên một triều đại, một thời kỳ đã chi phối tới họ và tên.

Nhà Trần ép buộc con cháu nhà Lý đổi sang họ Nguyễn, con cháu chúa Trịnh phải đổi thành họ Nguyễn để tránh sự trả thù khi họ Trịnh suy tàn thành thử ngày nay những người mang dòng họ Nguyễn rất nhiều, dường như không nơi nào không thấy, khiến không ai còn biết gốc tích họ phát xuất từ đâu. Vua Gia Long sau khi lên ngôi dùng các từ ngữ Tôn Thất, Tôn Nữ dành cho các con cháu trai hay gái của mình để phân biệt với những người ngoài hoàng tộc, dần dần được coi dường như họ vậy. Ngoài ra nhiều khi họ đã đổi tên xấu, tên dở thành tên đẹp, tên hay sau khi chế độ thuộc địa của người Pháp cáo chung trên bán đảo Đông Dương vào năm 1945. Đó không kể một số người hiếm muộn sinh sản nhiều con gái, không có con trai, tới khi đẻ được đứa con trai đầu lòng đã mừng rỡ đặt tên là Có.

Người đông con muốn ngưng, đặt cho con những tên: Thôi, Út, Thừa, Dư, Đủ hay Rồi. Người muốn con trở thành người đạo đức lấy tên Hiền đặt cho con. Ngày xưa tuyệt đối cấm kỵ việc đặt tên con trùng với tên người trên, người thân, ở thôn quê người ta sợ con cái bị ma quỷ bắt, hay muốn gọi chúng một cách thân mật, đã đặt những cái tên thật xấu xí như Đẹt, Còm... Người miền Bắc trước đây thường đặt tên tục cho con là Đĩ, Cún, Tũn, Hĩm, Cu... người miền Nam đặt Đẹt, Đẹn, Đực, Tí, Tèo, Thẹp... Những nho sĩ thích đặt tự, hiệu, biệt hiệu... Những văn nghệ sĩ lớp trước thích sử dụng những từ Thị, Tử, Lang trong bút danh, người ta thấy có những bút danh Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Hàn Mặc Tử, Tử Vi Lang, Trọng Lang, Tam Lang... Trở lui thời kỳ tiền lịch sử dân ta đã có họ và tên, đó là Thục Phán tức An Dương Vương, Cao Lỗ, Đào Nồi, trước đó có Lý Thân hiệu Ông Trọng, tức Lý Ông Trọng. Người ta đặt ra tên chính để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cùng một ho, thường gồm hai tiếng, chẳng hạn Lý Tiến, Lý Cầm, Đinh Toán tướng của An Dương Vương. Và để phân biệt giới tính, tên đệm Thị được dùng cho đàn bà, Trần Thị Đoan là mẹ của Hai Bà Trưng, Lê Thị Hoa tướng của Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh...Nam giới trái lại có nhiều tên đệm, Lư Cao Sơn tướng của An Dương Vương, Triệu Quốc Đạt thế kỷ 3, Lý Trường Nhân thế kỷ 5.

Trong số 448 nhân vật lịch sử trước năm 1945 chỉ có Lương Thị Minh Nguyệt tức Kiến Quốc phu nhân thời Lê Lợi có họ tên 4 tiếng. Ngày nay trong số 370 họ tên đàn ông có 48 họ tên có 4 tiếng, chiếm tỷ lệ 12,97% và trong 260 họ tên đàn bà có 185 họ tên có 4 tiếng, chiếm 71,15%. Họ tên người có thể biến đổi bởi nhiều lý do, phạm húy, đó là trường hợp của Phan Văn San phải đổi thành Phan Bội Châu bởi trùng tên với tên húy Vĩnh San của vua Duy Tân. Ngô Thời Nhậm trùng với tên húy Hồng Nhậm Nguyễn Phúc Thi của vua Tự Đức phải đọc chệch thành Ngô Thời Nhiệm. Nguyễn Văn Thụy trùng tên với Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại phải đổi thành Nguyễn Văn Thoại. Được vua đổi tên, chẳng hạn Nguyễn Hễ đậu tiến sĩ cập đệ nhất danh khoa Giáp tuất [1514] được vua Lê Tương Dực đổi tên là Đức Lượng. Nguyễn Văn Chương bởi lập được nhiều công trạng, được vua Tự Đức cải tên thành Nguyễn Tri Phương. Đổi tên bởi thi hỏng, trường hợp Nguyễn Thắng thi hội hỏng lần đầu đổi tên thành Nguyễn Khuyến có ý tự khuyến khích mình học. Trần Duy Uyên hỏng thi hương nhiều lần đổi tên là Trần Kế Xương, Trần Cao Xương và Trần Tế Xương. Đổi tên làm cách mạng, tránh mật thám Pháp dòm ngó, Nguyễn Trung Trực vốn tên Nguyễn Văn Lịch, Phạm Hồng Thái nguyên gốc Phạm Thành Tích. Bút danh, nghệ danh các văn nghệ sĩ có người để nguyên họ tên như Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Vi Huyền Đắc... Người bỏ họ, để tên đệm và tên chính như Xuân Diệu tức Ngô Xuân Diệu, Huy Cận tức Cù Huy Cận, Nguyên Hồng tức Nguyễn Nguyên Hồng, Tế Hanh tức Trần Tế Hanh, Thanh Tịnh tức Trần Thanh Tịnh... Ngược lại có người bỏ tên đệm, giữ nguyên họ và tên chính như Vũ Bằng tức Vũ Đăng Bằng, Đỗ Tốn tức Đỗ Đình Tốn, Đoàn Chuẩn tức Đoàn Đức Chuẩn... Người lại bỏ tên chính, giữ họ và tên đệm như Phạm Duy tức Phạm Duy Cẩn, Nguyễn Bính tức Nguyễn Bính Thuyết, Đỗ Tấn tức Đỗ Tấn Xuân...Một số người khác giữ họ và tên chính, chỉ thay tên đệm như Cao Xuân Dung thành Cao Thế Dung, Lê Thành Niên thành Lê Hoa Niên... Trái lại người khác giữ họ và tên đệm, chỉ đổi tên chính như Tạ Quang Diễm thành Tạ Quang Khôi, Tống Châu Liên thành Tống Châu Ân...Người khác lại giữ nguyên tên chính, thay họ và tên đệm như Thái Thị Út tức Mộng Tuyết thành Nàng Út, Nguyễn Văn Ngữ thành Ngụy Ngữ... Một số lớn giữ họ, đổi tên đệm và tên chính như Trần Kim Sinh thành Trần Huyền Trân, Phạm Kim Long thành Phạm Thiên Thư... Một số khác lại thay đổi hoàn toàn họ, tên đệm và tên chính, điển hình Đinh Đắc Nghĩa là Hoàng Trúc Ly, Phạm Văn Thứ là Mạnh Phú Tứ, Phan Ngọc Hoan là Chế Lan Viên... Ấy chưa kể những người đem ghép tên vơ hay con, cháu vào tên mình. Hoàng Trọng Miên ghép tên của con gái và con trai với họ cha thành Hoàng Thu Đông. Thu là tên cô gái đầu lòng đã sớm qua đời và Đông là tên người con trai của ông bởi sinh vào mùa đông nên có cái tên gọi đó. Người dùng các từ chỉ học vị đặt trước tên, trường hợp này người ta thấy có Tú Xương tức Trần Tế Xương, Đồ Chiểu túc Nguyễn Đình Chiểu, Cử Trị tức Phan Văn Trị, Nghè Tân tức Nguyễn Quý Tân, Học Lạc tức Nguyễn Văn Lạc, Nhiêu Tâm tức Đỗ Thanh Tâm.

Thật sự những bút danh này không do họ đặt ra bởi yếu tố nọ mà do người sau quen gọi và ghi dưới các tác phẩm của họ. Ngày nay đa số các nhà thơ trào phúng thường đặt chữ Tú trước tên mình, trường hợp này chữ “Tú” có nghĩa là đẹp, không chỉ học vị, như Tú Mỡ tức Hồ Trọng Hiếu, Tú Kếu tức Trần Đức Uyển, Tú Xe tức Phạm Văn Tươi, phiên âm từ chữ Pháp “Tout sait” nghĩa là “Biết hết”, con người thông kim bác cổ... Lấy chữ Đồ dùng làm bút danh cho mình nhiều người tỏ ra hâm mộ, người ta thấy Bùi Huy Phồn đặt Đồ Phồn, Ngô Tất Tố đặt Đồ Tố, Bàng Bá Lân đặt Đồ Gàn, Nguyễn Trọng Thuật đặt Đồ Nam Tử... Số nghệ sĩ khác lại mượn các từ chỉ ngành nghề đặt trước, thường khởi đầu bằng những từ Bầu, Hề cho thấy họ thuộc thành phần chủ gánh hát hay nghệ sĩ hài trong các đoàn hát bội và cải lương tại miền Nam, tỷ dụ Bầu Thơ, Bầu Dĩ, Hề Lập, Hề Sa... Trái lại tại miền Bắc các nhà thơ trào phúng thường lấy các từ Bút, như Hoàng Trung Thông là Bút Châm, Nguyễn Văn Hầu là Bút Trạch, Đinh Từ Thức là Bút Chì, Nguyễn Văn Cư là Bút Nguyên Tử. Ngoài ra người ta còn dùng các từ Lang hay Thợ, thí dụ Lang Châm của Xích Điểu, Lang Băm, Mõ Làng Văn, Mõ Làng Cổ Nhuế của Lê Tất Điều, Thợ Rèn, Thợ Cạo, Thợ Dập... Người khác dùng các số của từ Hán như Nguyễn Tường Tam lấy Nhất Linh, Nguyễn Tuân lấy Nhất Lang, Nguyễn Xuân Bảo lấy Nhất Hạnh, Trần Khánh Giư lấy Nhị Linh, Lâm Tấn Phát lấy Nhị Liễu tiên sinh, Vũ Đình Chí lấy Tam Lang, Nguyễn Tường Tam tức Nhất Linh chọn Tứ Linh, Nguyễn Tường Long tức Hoàng Đạo chọn Tứ Ly, Nguyễn Tường Tam tức Nhất Linh chọn Bách Linh, Thái Mộng Tuyết tức Mộng Tuyết chọn Bách Thảo Sương.

Nhiều khi các số từ này được dùng thuần túy tiếng Việt. Điển hình Nguyễn Ngọc Huy lấy Ba Xạo, Trần Đức Uyển lấy Ba Càng, Cao Huy Thuần lấy Ba Cao, Trần Tán Cửu lấy Ba Vui, Lê Thị Phỉ lấy Năm Phỉ, Nguyễn Kim Chung lấy Năm Sadec, Cao Văn Lầu lấy Sáu Lầu, Huỳnh Năng Nhiêu lấy Bảy Nhiêu...Có bút danh, nghệ danh mang từ Hán phía trước, chỉ sự tốt đẹp, khởi đầu bằng những từ Bạch, Bích, Hồng, Thanh, Minh, Quang, Kim, Duy, Ngọc, Lệ, Mỹ, Phương, Hoài, Hữu, Nam, Thu, Hoàng. Chẳng hạn Bạch Yến tức Quách Thị Bạch Yến, Bích Thuận tức Vũ Thị Thuận, Hồng Phong tức Đào Trinh Nhất, Thanh Ba tức Bùi Đức Tịnh, Thanh Lãng tức Đinh Xuân Nguyên, Minh Đức tức Mai Thọ Truyền, Quang Dũng tức Bùi Đình Diệm, Kim Định tức Lương Kim Định, Duy Khánh tức Nguyễn Văn Khánh, Duy Lam tức Nguyễn Kim Tuấn, Ngọc Toàn tức Lê Ngọc Trụ, Lệ Thần tức Trần Trọng Kim, Mỹ Ấn tức Trương Vĩnh Tống, Phương Trạch tức Hà Tôn Quyền, Hoài Điệp Thứ Lang tức Đinh Hùng, Hữu Minh tức Nguyễn Khắc Hoặch, Nam Hương tức Bùi Huy Cường, Nam Cao tức Trần Văn Trí, Thu Giang tức Nguyễn Duy Cần, Hoàng Hải Thủy tức Dương Trọng Hải. Bút danh, nghệ danh xuất phát từ nhiều yếu tố, có thể mang địa danh như lấy tên quê hương như Nguyễn Vỹ lấy Tân Phong, Phạm Quỳnh lấy Lương Đường, Nguyễn Bính Thinh lấy Cửu Long, Nguyễn Khắc Hiếu lấy Tản Đà ghép tên núi Tản Viên và sông Đà nơi quê hương, Tô Thị Thân lấy Bút Trà tức núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc nơi cất tiếng khóc chào đời. Người trái lại chọn hình thức chơi chữ, như trường hợp Vũ Trọng Phụng lấy bút danh Ưng Sắc bởi Ưng bỏ thêm dấu sắc thành Ứng là tên của mình. Nguyễn Thứ Lễ chọn bút danh Lê Ta, bởi chữ Hán Ta có nghĩa là Ngã mà Lê thêm dấu ngã tức Lễ. Dương Hùng Cường chết trong ngục tù cộng sản mượn ba âm đầu của họ, tên đệm và tên chính làm âm đầu của bút danh Dê Húc Càn. Chữ Hán Dương có nghĩa là Dê, thật đồng âm, đồng nghĩa với họ. Bàng Bá Lân viết tắt họ và tên đệm xong gắn tên đệm viết tắt với tên chính, bỏ dấu thành B. Blan. Đôi khi họ xáo trộn các chữ trong tên biến thành bút danh, nghệ danh. Nguyễn Tuân và Nguyễn Bính đảo lộn họ tên, trên xuống dưới lên và xóa bỏ hết dấu biến thành Ân Ngũ Tuyên và Biến Ngũ Nhy. Trái lại Trần Khánh Giư bỏ họ, đảo lộn tên đệm và tên chính thành Khái Hưng. Lê Văn Bái thay đổi vị trí các chữ cái của họ và tên chính, bỏ dấu, viết liền và thêm một chữ Pháp vào phía trước thành J. Leiba, nghe ra vẻ tên Pháp. Đái Đức Tuấn lấy bút danh Tchya do viết tắt của câu “Tuấn chỉ yêu Angèle” là một thiếu phụ thuộc hạng giang hồ sang trọng, nhưng ông giải thích chệch thành: “Tôi chẳng yêu ai”. Có người lại tách đôi hai tiếng của một từ láy, một tiếng đồng âm với tên chính, một tiếng đồng âm với bút danh, chẳng hạn Nguyễn Hải Chí chọn tên Chóe trong từ “chí choé”. Nguyễn Cát Tường lại lấy tên thật của mình chuyển dịch sang Pháp ngữ thành bút danh “Le Mur” nghĩa là “bức tường”. Tương tự Mai Lan Quế tự xem họ, tên đệm và tên chính là ba loại cây, dịch sang chữ Hán, lấy bút danh Tam Mộc. Bút danh, nghệ danh dường như là một bản trường ca bất tận, khó phân tích, nhận định cho trọn vẹn, còn có người mượn tên các loài chim quí, đẹp và hót hay, như Hoàng Oanh tức Huỳnh Kim Chi, Bạch Yến tức Quách Thị Bạch Yến, hoặc giả danh phụ nữ như Phan Bội Châu lấy Phan Thị Hán, Nguyễn Văn Vĩnh lấy Đào Thị Loan, Nguyễn Vĩ lấy Diệu Huyền, Lê Văn Trương lấy Cô Lý, Hà Triệu Anh tức Hồ Dzếnh lấy Lưu Thị Hạnh, Phạm Cao Củng lấy Phạm Thị Cả Mốc...

Nhưng cho dù họ có chọn cho mình một bút danh, nghệ danh theo hình thức nào đi nữa thì mục đích chính yếu và tối hậu của người nghệ sĩ chân chính vẫn là vận dụng hết mọi chất xám, đem khả năng thiên phú của mình, tiếp thu từ mọi môi trường học hỏi, kiến thức để tạo cho người đời những thăng hoa của tinh thần, tô bồi cho nền văn hóa nhân loại ngày một thêm phong phú và đa dạng.

NHẬT THỊNH

(Theo Phiemdam)