Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc họ Đồng Việt Nam lần thứ nhất về việc triển khai thực hiện kết nối dòng họ và kế hoạch thành lập Ban liên lạc họ Đồng các tỉnh, thành trong cả nước, từ ngày 19 tháng 7 năm 2018 đến ngày 24 tháng 7 năm 2018, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã tổ chức đoàn gồm 20 người đi kết nối họ Đồng KV miền Trung và Tây Nguyên. Mục đích của chuyến đi là gặp gỡ, giao lưu, nghiên cứu, tìm hiểu gia phả, các hoạt động và trao quà tri ân các anh hùng thương binh, liệt sỹ,gia đình chính sách người họ Đồng KV miền Trung nhân dịp ngày thương binh liệt sỹ 27.7.

Tham dự có: GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần Bộ Quốc phòng, Trưởng BLL; các Phó Trưởng Ban liên lạc: TS. Đồng Xuân Thành, doanh nhân Đồng Văn Bột; TS. Đồng Xuân Thụ -Tổng biên tập TC Môi trường và Đô thị  Việt Nam, Tổng thư ký; doanh nhân Đồng Hoài Dương; các ông bà ủy viên: Đại tá Đồng Xuân Cần (Trưởng BLL họ Đồng TP.Hải Phòng); Đồng Xuân Bình (Ủy viên BLL họ Đồng TP. Hải Phòng); doanh nhân Đồng Xuân Thọ (Thư  ký CLB DN họ Đồng TP.Hà Nội; Đồng Quang Chính (Thư ký BLL họ Đồng TP.HCM); ông Đồng Kỳ Lân, Trưởng BLL họ Đồng tỉnh Quảng Bình; ông Đồng Như Nguyên, Đồng Văn Hùng - Đại diện BLL Quỳnh Lưu, Nghệ An; ông Đồng Bá Liêm, Họ Đồng Bình Định; ông Đồng Văn Đại, họ Đồng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng đại diện một số nhánh họ Đồng trên toàn quốc.

I. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế: (Sáng ngày thứ nhất 19/7/2018)

Đoàn Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam (BLL) đã đến thăm, giao lưu và tri ân các anh hùng liệt sỹ tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

A . Tại nhánh họ Đồng Sĩ ở Làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, Phú Vang.

Ngay đầu tiên của cuộc hành trình, BLL đã được ông Đồng Sĩ Quế, năm nay đã ngoài 80 tuổi đón tiếp tại nhà thờ họ. Theo ông Đồng Sĩ Quế, Thủy tổ của họ Đồng Sĩ là cụ Đồng Sĩ Anh, trước kia, họ Đồng Sĩ sinh sống ở xã Minh Hương, huyện Hương Trà, vùng ngoại vi của thị trấn Bao Vinh, hành nghề y nghiệp. Qua 3 đời nhận thấy vùng đất này có diện tích hẹp, lại đông người, không thuận tiện cho việc làm ăn, do vậy người họ Đồng Sĩ đã vượt sông sang định cư lập nghiệp tại làng Mậu Tài, bên bờ Nam Sông Hương thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang.

BLL chụp ảnh lưu niệm tại nhà thờ họ Đồng Sĩ, làng Mậu Tài, Phú Vang, Huế

Hiện nay, họ Đồng Sĩ đã về đây sinh sống khoảng gần 300 năm, với 13 đời và hơn 1000 nhân khẩu. Nhà thờ ở đây cũng đã được xây dựng từ hơn 100 năm nay.

Phải nói rằng, họ Đồng Sĩ ở làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang từ xa xưa đến nay có rất nhiều con em thành đạt như:

+ Đồng Sĩ Vịnh (sinh 15.2.1833), năm Minh Mạng thứ 13, nổi tiếng làm nghề thuốc Đông Y gia truyền tại làng Mậu Tài.

Đời thứ 5, ông đổ Cử Nhân Khoa Tân Dậu, năm Tự Đức 14 (1861). Năm Tự Đức 18 (1865), ông lãnh chức Hàn Lâm viện điển tích, lĩnh nội kiểm thảo. Sau thăng Tri phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây. Ngoại lang, Chưởng ấn mật Ngự sử viện Đô Sát, án sát tỉnh Ninh Bình, Bố chánh Hà Nội và Nam Định. Năm Ất Dậu 1885, Vua Đồng Khánh lên ngôi thăng chức Quản đốc thông bảo. Thăng hàm Quan lộc tự khanh sung Biện các Vụ. Sau đó được cải thành Tuần Phủ Trị Bình. Năm 1901, ông bị bệnh và mất tại chức được tặng hàm Tổng đốc và 100 quan tiền. Sau lại được truy thọ: "Hiệp biện Đại học sĩ" (Tùng nhất phẩm).

+ Nhà cách mạng tiền bối Đồng Sĩ Bình (1904 - 1932).

Ông sinh tại làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Lớn lên, ông học tại trường Quốc học Huế (1920-1924). Học xong Thành chung, được bạn bè (trong đó có Phạm Văn Đồng) hứa giúp đỡ tiền bạc để ra Hà Nội học tiếp Tú tài, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông đành thôi học, xin vào làm Phán sự, làm việc cho Tòa khâm sứ Pháp ở Huế.

Tháng 10 năm 1924, ông bị chuyển vào Quy Nhơn. Đến cuối năm 1926, ông từ chức để dành toàn bộ sức lực cho hoạt động cách mạng. Ông bắt đầu bằng việc vận động học sinh trường cao đẳng tiểu học. Ông tình nguyện mở lớp buổi tối hướng dẫn một số học sinh năm thứ nhất và năm thứ hai. Những học sinh của ông sau này phần lớn đã tham gia cách mạng như Hoàng Phương Thảo và Nguyễn Âu Sanh. Nhưng một số người lại theo hướng khác như Cao Hữu Thưởng, Nguyễn Vỹ.

Ông cùng Bửu Đình viết bằng tiếng Việt cho báo Tân thế kỷ và bằng tiếng Pháp cho các báo La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè), L’ Argus Indochinois... ở Sài Gòn. Ông đã gia nhập Đảng Tân Việt, tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cuối năm 1926, ông và Bửu Đình đứng ra diễn thuyết, hô hào chống chính quyền tại nơi nhà yêu nước Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Bến Ngự, gần chùa Từ Đàm (tại đây, trí thức thành phố Huế và các vùng lân cận thường đến vào các ngày chủ nhật để cùng cụ Phan Bội Châu bàn vệ tương lai đất nước). Hai người sau đó đều bị bắt, ông bị kết án 9 năm, đày ra Buôn Mê Thuột; Bửu Đình cũng bị kết án 9 năm, đày ra Lao Bảo rồi Côn Đảo.

Chuyển đến nhà tù Bình Định,ông vẫn tiếp tục khơi động giác ngộ trong nhân dân. Truyền kiếp ghi chép những cuộc đấu khẩu giữa một vị Tổng đốc có tuổi và một nho sĩ lớn với một anh thanh niên 23 tuổi. Bằng chứng là bài thơ tứ tuyệt được nhà lão thành cách mạng Hoàng Phương Thảo ghi lại trong một hồi kí đăng trên Tạp chí Sông Hương, số 11, Tết năm 1985:

...Viết hai chữ cách mạng
Tù chín năm khổ sai.
Ký giấy bán dân nước
Tù ấy mấy vạn ngày?

Ông ra tù ngày 1 tháng 3 năm 1930, sau đó bị bắt lại vào 2 tháng 4 năm 1930 trong lúc chuẩn bị sửa soạn xuất dương. Ông bị đày lên Đắk Sút thuộc tỉnh Kon Tum. Do bị bệnh nặng, ông được trả cho gia đình ngày giữa mùa hè năm 1932, về nhà 25 ngày thì qua đời 15 tháng 8 năm 1932), khi mới 28 tuổi.

Hiện nay ngôi mộ ông đặt tại làng Mậu Tài, xã Phú Mậu quê ông do hai em của ông là Đồng Sĩ Hứa và Đồng Sĩ Hiền lập.

Ghi nhận công lao của ông, Năm 2010, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định lấy tên ông, Đồng Sĩ Bình, để đặt tên cho một con đường thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.


+ Đồng Sĩ Hứa (1915-2005).

Ông chính là em ruột nhà cách mạng Đồng Sĩ Bình. Năm 1938, Đồng Sỹ Hứa là một trong những quan chức được chính phủ Bảo hộ biệt phái sang làm quan phán tại Văn phòng Chánh xứ Pháp ở Port Vila New Hebrides. Đến năm 1946, ông xin từ chức quan phán để lãnh đạo bà con Việt kiều thành lập Liên đoàn Thợ thuyền Việt Nam tại Tân Đảo.

+GS.TSKH  Đồng Sĩ Hiền, sinh  06/02/1918.

Ông là em ruột của nhà cách mạng Đồng Sĩ Bình và Đồng Sĩ Hứa. Ông nguyên là Tổng thanh tra Bộ Canh Nông và được ví như con chim đầu đàn về lĩnh vực nghiên cứu Lâm nghiệp. Ông đã được nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba.

Sau khi được nghe, ông Đồng Sĩ Quế, đại diện họ Đồng nhánh Mậu Tài giới thiệu về sơ lược tổng quan họ Đồng Sĩ, thay mặt BLL họ Đồng Việt Nam, GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, Trưởng BLL đã phát biểu cảm ơn và đã trao cho 4 suất quà tri ân cho các anh hùng, liệt sỹ, gia đình chính sách gồm:

1.Nhà cách mạng tiền bối Đồng Sĩ Bình
2.Liệt sỹ Đồng Sỹ Mỹ
3.Liệt sỹ Đồng Sỹ Kỳ
4. Mẹ VNAH : Đinh Thị Bỉ

b. Tại nhánh ho Đồng huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế:

Đây là nhánh của ông Đồng Hữu Mạo, nguyên Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Họ Đồng ở Phong Điền cũng có cách đây khoảng 200 năm, với tổng số hơn 1000 nhân khẩu. Họ Đồng ở đây đã xây dựng nhà thờ trên một quả đồi rộng rãi, khang trang.

BLL thăm và giao lưu tại nhánh họ Đồng huyện Phong Điền, tỉnh TT Huế

Tại đây, BLL họ Đồng Việt Nam đã trao 18 suất quà cho 13 liệt sỹ và 5 thương binh họ Đồng gồm:

1.Liệt sỹ Đồng Hữu Kênh
2.Liệt sỹ Đồng Hữu Hưng
3.Liệt sỹ Đồng Hữu Châu
4. Liệt sỹ Đồng Hữu Châu (tức Tư)
5.Liệt sỹ Đồng Hữu Bào
6.Liệt sỹ Đồng Hữu Thường
7.Liệt sỹ Đồng Thị Vấn
8.Liệt sỹ Đồng Thị Chín
9.Liệt sỹ Đồng Thị Chấu
10.Liệt sỹ Đồng Thị Chiến
11.Liệt sỹ Đồng Hữu Út
12.Liệt sỹ Đồng Hữu Lợi
13.Liệt sỹ Đồng Hữu Dã
14. Thương binh Đồng Hữu Cường
15.Thương binh Đồng Thị Nguyệt
16.Mẹ VNAH Đồng Thị Nại
17.Mẹ VNAH Lê Thị Chiều
18.Mẹ VNAH Bác Cường?!

II. Tại TP.Đà Nẵng (Chiều ngày 19.7.2018):

Chiều ngày 19.7.2018, đúng 16h00, Đoàn BLL đã có mặt tại nhà thờ nhánh họ Đồng Đa Phước thuộc Phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Trưởng tộc, họ Đồng Đa Phước có nguồn gốc từ Thanh Hóa vào đây sinh sống và làm ăn khoảng 9 đời. Tuy nhiên, cũng không biết từ khu vực nào của Thanh Hóa. Hiện nay số nhân khâu có khoảng trên 100 người, sinh sống chủ yếu bằng nghề kinh doanh dịch vụ. Họ Đồng ở đây đã xây dựng nhà thờ. Đặc biệt, đã xây dựng được Bản quy ước xây dựng gia tộc văn hóa của dòng họ và đã được UBND Phường Hòa Khánh Bắc phê duyệt.

Đúng 17h, BLL đã có mặt tại Nhà hàng Cội Nguồn, Lô 01A43, Khu biệt thự Đảo Xanh, Quận Hải Châu,TP.Đà Nẵng theo đúng chương trình, kế hoạch đã định trước.

Tại đây, BLL đã gặp gỡ và giao lưu với Ban liên lạc họ Đồng lâm thời TP. Đà Nẵng và gần 100 bà con, anh chị em là người họ Đồng đến từ rất nhiều tỉnh thành phố của Việt Nam, nhưng đông nhất có lẽ là tỉnh Quảng Nam.

 BLL chụp ảnh lưu niệm tại nhà thờ họ Đồng Hòa Khánh Bắc,Q.Liên Chiểu,TP.Đà Nẵng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban liên lạc xúc động nói: Việc BLL lâm thời họ Đồng TP. Đà Nẵng đã tập hợp, kết nối và tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu có sự tham gia của nhiều đại diện gia tộc, chi, nhánh họ Đồng ở các địa phương và các khu vực lân cận TP. Đà Nẵng là rất trân trọng và đáng quý. Bên cạnh đó, chứng kiến sự các hoạt động thiết thực và ý nghĩa của Ban liên lạc lâm thời họ Đồng TP. Đà Nẵng, nhằm đáp ứng nhiệm vụ mở rộng kết nối tới tất cả các gia tộc, chi, nhánh Đồng của Đà Nẵng nói riêng và trên toàn quốc nói chung. GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại mong muốn và đề nghị các thành viên BLL lâm thời sớm cho ra mắt chính thức BLL họ Đồng TP.Đà Nẵng. Nếu được như vậy thì đây sẽ là mốc đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình tập hợp, kết nối và giao lưu giữa các gia tộc, chi, nhánh, thành viên họ Đồng từ khắp mọi miền đất nước Việt Nam.

BLL giao lưu, gặp mặt họ Đồng TP.Đà Nẵng

Thay mặt các thành viên Ban liên lạc lâm thời họ Đồng TP.Đà Nẵng, ông Đồng Phiếu, Trưởng BLL lâm thời đã cảm ơn Trung tướng Đồng Minh Tại, các thành viên trong Đoàn và xin hứa sẽ thực hiện tốt những nhiệm vụ đề ra. Ban liên lạc lâm thời hy vọng sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các Quý vị trong quá trình hoạt động và sớm cho ra mắt BLL họ Đồng TP.Đà Nẵng chính thức vào thời gian sớm nhất.

Tại đây, BLL họ Đồng Việt Nam đã trao cho 2 suất quà cho 2 thương binh là người họ Đồng.

III. Tại tỉnh Quảng Nam (Ngày thứ hai 20.7.2018)

a. Tại nhánh họ Đồng ở thôn Nhị Dinh, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn.

Theo Luật sư Đồng Thông, gia phả họ Đồng ở đây viết, họ Đồng ở Làng Dinh Trận Tây (nay là thôn Nhị Dinh), xã Điện Phước, huyện Điện Bàn có nguồn gốc từ làng Triền Dương, Hạt Chí Linh (nay thuộc xã Nhân Huệ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), đến nay đã 17 đời (tỉnh từ Thủy Tổ ở Triền Dương,Chí Linh). Số nhân khẩu khoảng gần 200 người. Họ Đồng ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và trồng trọt. Một số ít làm nghề buôn bán. Họ Đồng nhánh Dinh Trận Tây đã xây dựng được nhà thờ họ khang trang. Hiện vẫn còn bộ gia phả lâu đời viết bằng chữ Hán, trên chất liệu giấy dó.

BLL đến thăm và thắp hương cho nhánh họ Đồng xã Điện Phước, Điện Bàn

b. Tại nhánh họ Đồng ở thôn Trà Đình, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn:

Theo gia phả ngày xưa còn truyền lại, cách đây hơn 450 năm, Thủy tổ là cụ : Đồng Phước Ninh từ Hải Dương vào đây lập nghiệp, khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi, đắp đập, dẫn thủy nhập điền cùng các tộc bạn lập nên đình làng, thôn xóm hiện nay là làng Trà Đình, xã Quế Phú. Thời gian qua đi, đất nước nhiều biến đổi, chiến tranh phân tán nhưng gia tộc vẫn từng bước phát triển. Tính đến nay đã trải qua 18 đời, với 4 phái, 5 chi. Tổng suất đinh gần 500 người, với hơn 1000 nhân khẩu.

Mặc dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, gia tộc có các cụ được phong chức lãnh binh quan như cụ Đồng Phước Huyên. Cụ Đồng Phước Thành phong tước Chánh bát phẩm thuộc tỉnh Phiên. Ông Đồng Sỹ Hùng - Trưởng tộc cho biết: Hiện nay con cháu họ Đồng Phước phần lớn sống tại địa phương chủ yếu làm nông nghiệp.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có nhiều con cháu trong tộc đã hiến dân cho tổ quốc, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc .Tổng số có 21 liệt sỹ, 15 thương binh và 2 Mẹ Việt Nam anh hùng, 41 người có công. Đặc biệt điển hình có Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ Đồng Phước Huyến là con cháu trong tộc chúng ta rất đỗi tự hào.

BLL gặp mặt , giao lưu tại nhánh họ Đồng Trà Đình, Quế Phú, Quế Sơn.

Đồng Phước Huyến, sinh năm 1946, sinh ra ra và lớn lên tại làng Trà Đình, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ tháng 3 năm 1965. Khi hy sinh Đồng Phước Huyến đang là tiểu đội trưởng thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 72 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam.

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, cha mẹ chết sớm, Đồng Phước Huyến phải đi ở ngay từ khi còn nhỏ. Được giáo dục về lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, lòng căm thù quân cướp nước và bán nước, Đồng Phước Huyến sớm giác ngộ cách mạng và đã tham gia hoạt động bí mật ở xã từ năm 1961, sau đó được chỉ định phụ trách tiểu đội du kích. 7 tháng tham gia chiến đấu và đã cùng đội du kích chiến đấu 15 trận, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị ở địa phương.

Vào quân đội, Đồng Phước Huyến đã tham gia chiến đấu 53 trận, tiêu diệt và làm bị thương trên 70 tên địch, bắt sống 15 tên, thu 25 súng các loại, đánh hỏng 3 xe bọc thép. Trong chiến đấu, đồng chí luôn luôn nêu cao tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm và anh dũng hy sinh.

Khi còn sống, người con họ Đồng Việt Nam - Đồng Phước Huyến luôn luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi mặt công tác, đoàn kết với nhân dân, tận tình giúp đỡ đồng đội, sống khiêm tốn, được nhân dân tin yêu, đồng đội mến phục.

Đồng Phước Huyến đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất.

Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Đồng Phước Huyến được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

Ghi nhận tấm gương anh dũng hy sinh của Đồng Phước Huyến, HĐND tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã thông qua nghị quyết lấy tên Anh hùng LLVTND Đồng Phước Huyến đăt tên đường phố tại TP. Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.

Cũng theo ông Đồng Sỹ Hùng, Trưởng tộc,quy ước của tộc họ Đồng ở Trà Đình, cứ 5 năm mừng thọ một lần cho các cụ ngoài 80 tuổi và tộc đã mừng thọ được 24 cụ. Về ngân quỹ do tập thể anh em trong tộc quyết định đồng thuận đóng góp, mỗi cặp vợ chồng trong tuổi là 100%. Ngoài 70 tuổi tùy khả năng. Vào những ngày đầu Xuân con cháu về mừng tuổi ông bà cũng tăng thêm phần thu của Quỹ dòng họ.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại xúc động nói: "Để xây dựng tộc họ ngày càng lớn mạnh, họ Đồng ở Trà Đình cần phải đoàn kết, duy trì và phát huy truyền thống vẻ vang của dòng tộc họ Đồng Việt Nam trên tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Luôn đoàn kết tương thân, tương ái,đưa đời sống gia đình ngày càng phát triển, tộc họ ngày càng lớn mạnh..."

Cũng tại buổi giao lưu, GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, Trưởng Ban liên lạc đã trao quà tri ân cho các anh hùng thương binh liệt sỹ là người họ Đồng với tổng số 38 suất quà, mỗi suất quà 500.000 VNĐ. Cụ thể:

+ Thương Binh: (15 người)

1.Đồng Phước Lộc, sinh 1957
2.Đồng Thị Liệu, sinh 1947
3.Đồng Tánh, sinh 1946
4.Đồng Phước Viên, sinh 1934
5.Đồng Việt Bảo, sinh 1955
6.Đồng Thị Huyền, sinh 1940
7.Đồng Phước Công, sinh 1950
8.Đồng Phước Trịnh, sinh 1952
9.Đồng Phước Kiên, sinh 1951
10.Đồng Phước Cán, sinh 1930
11.Đồng Nguyên, sinh 1938
12.Đồng Phước Đi, sinh 1950
13.Đồng Phước Bằng, sinh 1952
14.Đồng Phước Phương, sinh 1956
15.Đồng Phước Ảnh, sinh 1950

+ Liệt sỹ: (21 người)

16.Đồng Phước Hoàng, sinh năm 1949
17.Đồng Thảo, sinh năm 1950
18.Đồng Chinh, sinh 1935
19.Đồng Chân, sinh 1930
20.Đồng Hòa
21.Đồng Hung
22.Đồng Phước Hoa
23.Đồng Nghĩ
24.Đồng Phòng
25.Đồng Rô
26.Đồng Ba   
27.Đồng Trình
28.Đồng Phước Cần
29.Đồng Phước Huyến (Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân)
30.Đồng Tùy,sinh 1905 (LS chống Pháp)
31.Đồng Đến, sinh 1920
32.Đồng Xích, sinh 1950
33.Đồng Phước Thành, sinh 1940
34.Đồng Thiên, sinh 1948
35.Đồng Lầu, sinh 1950
36.Đồng Nhàn, sinh 1945

+ Mẹ Việt Nam Anh hùng: (2 người)

37. Mẹ Nguyễn Thị Ước (2 con hy sinh: Đồng Khôi và Đồng Cần)
38. Mẹ Nguyễn Thị Tại (2 con hy sinh: Đồng Hỷ và Đồng Trà)

 c.Tại nhánh họ Đồng huyện Tiên Phước:

Theo ông Đồng Mậu Dần, Trưởng tộc họ Đồng Tiên Phước, gia phả họ Đồng ở đây lập từ cuối thế kỷ XVIII gồm có 5 nhánh: Nhánh chánh Thạnh Bình; Hòa An Thôn; Phú Mỹ Thượng; Tú An và Vách Đá. Cả 5 nhánh đều cư ngụ tại 3 xã: Tiên Cảnh, Tiên Ngọc, Tiên Mỹ thuộc huyện Tiên Phước.

Theo gia phả, vị Thủy Tổ tộc Đồng Phước là ông Đồng Viết Đạt vào sinh cơ lập nghiệp tại Tú Sơn (còn gọi là Mỹ Sơn xã, nay là thôn Yên Sơn, thị trấn Tiên Kỳ) từ cuối thế kỷ thứ XVII.

BLL họ Đồng VN giao lưu và trao quà tri ân tại nhánh họ Đồng huyện Tiên Phước

Theo các cụ, họ Đồng ở Tiên Phước có nguồn gốc từ Tư Nông, Thái Nguyên, sau đó về thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là các cụ kể lại. Chưa có tài liệu để chứng minh điều này.   

Đến nay, họ Đồng ở Tiên Phước đã có 14 đời, với gần 200 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và trồng rừng.

Tại buổi gặp mặt và giao lưu, thay mặt BLL họ Đồng Việt Nam, GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, Trưởng BLL đã trao 5 suất quà tri ân cho các anh hùng liệt sỹ, thương binh tại huyện Tiên Phước. Mỗi suất là 500 ngàn đồng. Cụ thế:

+ Thương Binh: (2 người)

1.Thương binh Đồng Út, (TB 4/4)sinh năm 1960, ở Tiên Mỹ
2.Thương binh Đồng Việt Xuân, (TB 4/4) sinh năm 1960, Tiên Cảnh

+Liệt sỹ: (3 người)

3.Liệt sỹ Đồng Lang, hy sinh năm 1970
4.Liệt sỹ Đồng Cảnh, hy sinh năm 1969
5.Liệt sỹ Đồng Bông, hy sinh 1970

III. Tại tỉnh Quảng Ngãi (Sáng ngày thứ ba 21.7.2018):

a.Tại nhánh họ Đồng thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn:

Theo ông Đồng Trinh Luận, Trưởng BLL họ Đồng huyện Bình Sơn, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 2 nhánh họ Đồng chính là: xã Bình Tân,xã Bình An, Bình Thuận thuộc huyện Bình Sơn; xã Nghĩa Dõng thuộc TP.Quảng Ngãi. Riêng nhánh họ Đồng Trinh ở Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn là một trong những dòng họ lớn, có uy tín và tất cả đều có chữ đệm là ĐỒNG TRINH. Họ Đồng Trinh có 05 phái: Phái Đồng Trinh Tùng; Đồng Trinh Nghiệp; Đồng Trinh Nữ; Đồng Trinh Gà; Đồng Trinh Toàn (xã Bình Đông).

Theo gia phả bằng chữ Hán nôm được lâp từ năm 1930 thì họ Đồng Trinh ở Tuyết Diêm lấy ngày 10/12 (âm lịch) làm ngày giỗ cụ Tổ là Đồng Trinh Tường. Hiện nay có 05 chi phái  gồm: Đồng Trinh Tùng; Đồng Trinh Nghiệp; Đồng Trinh Nữ; Đồng Trinh Gà; Đồng Trinh Toàn (xã Bình Đông). Tổng số hơn 100 hộ gia đình, khoảng hơn 300 nhân khẩu, 130 suất đinh và sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển, tập trung ở gần khu vực Cảng Dung Quất. Cuộc sống tuy có vất vả nhưng rất đoàn kết và yêu thương nhau. Họ Đồng Trinh ở Tuyết Diêm có truyền thống hiếu học. Suốt từ năm 2010 đến nay, Ban khuyến học của dòng họ luôn được UBND xã Bình Thuận và huyện Bình Sơn tặng Giấy khen. Sau này khi trưởng thành, nhiều người họ Đồng trở thành giáo viên.

Tại buổi gặp mặt và giao lưu, trước sự chứng kiến của hơn 100 con cháu họ Đồng huyện Bình Sơn, GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại -Trưởng Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã chính thức trao quyết định công nhận Ban liên lạc họ Đồng huyện Bình Sơn nhiệm kỳ 2018 -2023 do ông Đồng Trinh Luận làm Trưởng ban.

BLL giao lưu và chứng kiến lễ ra mắt BLL họ Đồng huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi

Đồng thời, Trung tướng đã có bài phát biểu thật súc tích và cảm động chia sẻ mong muốn Ban liên lạc họ Đồng huyện Bình Sơn sẽ đi vào hoạt động ổn định, nề nếp, có tổ chức, để cùng với Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam xây dựng dòng họ ngày một vững mạnh và phồn thịnh quốc gia. Không những bảo tồn những giá trị văn hóa của dòng họ Đồng từ bao đời nay, phát huy truyền thống để phát triển họ Đồng ngày càng lớn mạnh, tự hào với tiên tổ, với đất nước và bè bạn năm châu.

Tại đây, BLL họ Đồng Việt Nam đã trao cho 18 suất quà tri ân các anh hùng thương binh, liệt sỹ, Mẹ VNAH. Đặc biệt, đây là nhánh duy nhất, BLL họ Đồng Việt Nam đã lựa chọn để trao cho 01 gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, thuộc hộ nghèo của địa phương là 01 ngôi nhà tình nghĩa trị giá: 50 triệu đồng.

Đây là món quà hết sức ý nghĩa và nhân văn do người con họ Đồng thành đạt: GS.TS. Đại tá công an Đồng Xuân Thọ, quê ở Hà Tĩnh, hiện là Trưởng Khoa -Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an trao tặng. Người được đón nhận món quà trên là gia đình có hoàn cảnh khó khăn là ông Đồng Trinh Đây, năm nay đã ngoài 80 tuổi.

+ Danh sách những gia đình thương binh, liệt sỹ chính sách thuộc Nhánh họ Đồng ở Tuyết Diêm, Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi được nhận quà của BLL nhân ngày 27.7.

+Thương binh: (9 người)

1.Đồng Trinh Huy
2.Đồng Chính Giai
3.Đồng Trinh Lơn
4.Đồng Thị Là
5.Đồng Công Điền
6.Đồng Tấn Trí
7.Đồng Thị Hộ
8.Đồng Thị Điển
9.Đồng Tấn Thắng

+Liệt sỹ: (5 người)

10.Đồng Thanh Trọng, Hy sinh 1973
11.Đồng Trần Văn Minh, Hy sinh 1974
12.Đồng Văn Khánh, Hy sinh 1968
13.Đồng Văn Hưng, Hy sinh 1972
14.Đồng Thị Thới , (84 tuổi, có con là Liệt sỹ Trần Thọ)

 +Mẹ Việt Nam Anh hùng: (04 người)

15.Đồng Thị Lịa: (2 con liệt sỹ: Tô Điểm, hy sinh 1969 và Tô Thạnh, hy sinh 1971)
16.Nguyễn Thị Teo: (2 con LS: Đồng Thị Bửu, hy sinh 1971; Đồng Thăng Long, hy sinh 1972)
17.Trần Thị Khải: (2 con LS: Đồng Văn Phi, hy sinh 1975 và Đồng Thị Nghĩa, hy sinh 1971)
18.Nguyễn Thị Tồn :(2 con LS:Đồng Văn Thuận, hy sinh 1968 và Đồng Văn Ngô, hy sinh 1973)

Kết thúc buổi gặp mặt và giao lưu họ Đồng huyện Bình Sơn là lời bài hát truyền thống " Bài ca họ Đồng Việt Nam" ngân vang như một lời nhắn nhủ về tình đoàn kết, gắn bó keo sơn như anh em một nhà của Người Họ Đồng. Buổi gặp mặt, giao lưu và ra mắt Ban liên lạc họ Đồng huyện Bình Sơn đã kết thúc trong sự vui mừng, trong niềm hân hoan của những người con họ Đồng Việt Nam chúng ta với khẩu hiệu : "Kết nối - Đoàn kết - Phát triển"

b.Tại nhánh họ Đồng xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi:

BLL họ Đồng Việt Nam đã vào thắp hương tại nhà thờ họ Đồng. Tại đây, theo giới thiệu của đại diện họ Đồng Nghĩa Dõng, họ Đồng ở Nghĩa Dõng không biết từ đâu về đây sinh sống lập nghiệp. Chỉ nghe nói có nguồn gốc từ phía Bắc vào. Với  tổng số hơn 100 nhân khẩu, trải qua 8 - 9 đời, sinh sống bằng nghề nông nghiệp và dịch vụ.

BLL đến thắp hương tại nhà thờ họ Đồng nhánh Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi

IV. Tại tỉnh Bình Định (Ngày thứ ba và tư 21-22/ 7.2018):

a. Tại nhánh họ Đồng thôn Định Thiện Tây, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định:

 -Theo ông Đồng Hữu Công - Nguyên Giám đốc Công ty Lâm nghiệp tỉnh Gia Lai - Trưởng tộc, họ Đồng ở Tuy Phước là một dòng họ lớn, có uy tín ở địa phương,với khoảng 500 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Thủy Tổ là Đồng Văn Lang, sinh ra tằng Tổ Đồng Văn Phụng đến đây lập nghiệp tới nay khoảng 13 đời. Văn bia ở mộ Tổ còn ghi: "Hiền Tụy Tổ: Tánh Đồng tự Văn Lang, khoa bảng Triều Thiệu Trị bổ nhậm quy Bình Định tỉnh, cơ ngơi Định Thiện Thôn, hiện Kim thuộc Phước Quang xã, Tuy Phước huyện, sanh nhất nam nhơn...". Tại nhà thờ họ Đồng còn có treo bức hoành phi do Vua Tự Đức tặng cho người con dâu của cụ Tổ Đồng Văn Lang cách đây 200 năm.

BLL gặp gỡ và giao lưu nhánh họ Đồng huyện Tuy Phước, Bình Định

Nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, BLL họ Đồng Việt Nam đã trao cho 2 suất quà cho gia đình liệt sỹ.

1.Đồng Đệ, sinh 1920
2. Đồng Thiên, sinh 1922

b. Tại nhánh họ Đồng xã Cát Hải, huyện Phù Cát.

Theo ông Đồng Lư, họ Đồng về xã Cát Hải và xã Cát Tiến lập nghiệp đến nay đã 12 đời, với gần 200 nhân khẩu, sinh sống bằng nghề biển là chủ yếu. Theo gia phả và các cụ kể lại, thì cụ Tổ họ Đồng ở đây là cụ Đồng Văn Đại , có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên từ thời các cụ đến nay chưa có dịp để đến Quảng Bình khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu về nguồn cội họ Đồng. Họ Đồng ở xã Cát Hải, Cát Tiến lấy14/2 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ họ Đồng.

BLL đến giao lưu và trao quà tri ân tại nhà thờ họ Đồng xã Cát Hải, huyện Phù Cát.

 

Tại buổi gặp mặt, GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại đã thay mặt BLL họ Đồng Việt Nam trao 05 suất quà tri ân cho các gia đình thương binh liệt sỹ. Cụ thể:
 
 +Thương binh: (4 người)

1.Đồng Thanh Giỏi, thương binh 3/4, xã Cát Hải
2.Đồng Minh Hiệu, thương binh 2/4, xã Cát Hải
3.Trần Thị Phòng,thương binh 3/4,con dâu họ Đồng
4.Lê Thị Luyến,thương binh ¾, con dâu họ Đồng
+ Liệt sỹ: (1 người)                     
5. Đồng Giỏi, xã Cát Tiến

V. Tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum (Ngày thứ Năm 22 - 23 /7/2018):

Chia tay bà con họ Đồng xã Cát Hải và Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, Đoàn BLL Họ Đồng Việt Nam và đại diện BLL các tỉnh/thành tiếp tục đi đến với họ Đồng KV Tây Nguyên đầy nắng gió. Thời gian này, Tây Nguyên bước vào mùa mưa, bà con họ Đồng tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum đón Đoàn Họ Đồng Việt Nam trong chiều mưa nặng hạt. Dù vậy, vẫn không ngăn cản được sự nhiệt tình của bà con họ Đồng nơi đây đến tham dự buổi giao lưu gặp gỡ.

Theo giới thiệu của ông Đồng Xuân Bình ,Trưởng BLL lâm thời họ Đồng tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum, phần đông bà con họ Đồng nơi đây có nguồn gốc từ họ Đồng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Bình, Hải Dương, Thanh Hóa. Bà con họ Đồng di cư vào vùng đất này học tập, làm việc và sinh sống được 2-3 thế hệ. Thời gian qua, hưởng ứng tinh thần KẾT NỐI - ĐOÀN KẾT - PHÁT TRIỂN của BLL họ Đồng Việt Nam, bà con Họ Đồng nơi đây đã nhiệt tình kết nối; thường xuyên giao lưu gặp gỡ để thắt chặt tình đoàn kết trong Đồng Tộc. Và hôm nay (chiều 22/7/2018) tại thành phố Pleiku xinh đẹp và mến khách, tất cả trai/gái/dâu/rể/con/cháu đã về đây đông đủ để giao lưu với Đoàn BLL họ Đồng Việt Nam.

BLL đến gặp gỡ và giao lưu họ Đồng KV Gia Lai, Kon Tum

Thay mặt Đoàn, Đại tá Đồng Xuân Cần-Trưởng BLL họ Đồng TP.Hải Phòng phát biểu tóm tắt các hoạt động mà Đoàn đã thực hiện trong "Hành trình kết Họ Đồng miền Trung - Tây nguyên"  từ ngày 19/7/2018 đến 22/8/2018 qua 5 tỉnh/thành; và bày tỏ xúc động khi được bà con Họ Đồng hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum không ngại mưa gió, giao thông khó khăn đã về giao lưu gặp gỡ với Đoàn. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên bà con họ Đồng nơi đây được nghe TS.Đồng Xuân Thành, Phó BLL kiêm Trưởng Ban tư liệu tộc phả họ Đồng Việt Nam đã phát biểu giới thiệu tổng quan, nguồn gốc hình thành và sự phát triển của họ Đồng Việt Nam.

Thay mặt BLL lâm thời họ Đồng Gia Lai – Kon Tum, ông Đồng Xuân Thọ (cụ cao niên hiện ở tại tỉnh Gia Lai) xúc động trước những hành trình kết nối của BLL Họ Đồng Việt Nam. Mong muốn các hoạt động này được duy trì và nhân rộng. 

Buổi giao lưu diễn ra trong không khí vui vẻ, đầm ấm. Theo chương trình thì sau buổi giao lưu này, Đoàn họ Đồng Việt Nam sẽ kết thúc "Hành trình kết Họ Đồng miền Trung - Tây nguyên". Tuy nhiên, trước tình cảm quý mến của bà con họ Đồng hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum nên một số thành viên trong Đoàn tiếp tục đi thăm các gia đình Họ Đồng và kết thúc vào ngày 24/7/2018.

Lời kết :

Cuộc hành trình: Kết nối họ Đồng 7 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên của BLL họ Đồng đã kết thúc. Đã có tới gần 1000 gương mặt trong dòng họ Đồng đến từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đầy nắng và gió, nay được trở về quê hương sinh ra như bừng sáng dưới cái nắng nóng khắc nghiệp của miền Trung nghèo khó, như rạng ngời niềm hạnh phúc và đầy xúc động. Những cái nắm tay thật chặt của biết bao người con có cùng chung một dòng họ rưng rưng chia sẻ thông tin, phong tục, tập quán về nhánh họ Đồng của mình. Có gặp rồi mới thấy, niềm vui lan tỏa từ ánh mắt đến tiếng cười, giọng nói của bà con họ Đồng đi làm ăn, công tác ở xa quê. Không chỉ có những niềm vui mà họ còn nặng lòng trăn trở với những giá trị truyền thống dòng họ đâu đấy đang dần mai một đi nếu như các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau này không được chỉ bảo, nhắc nhớ của ông bà, cha mẹ.

Với mái tóc đã thưa thớt và vóc dáng nhỏ nhắn như:  ông Đồng Viết Mão, Phó Ban gia tộc họ Đồng ở một huyện miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam ; cụ Đồng Xuân Thọ ở Gia Lai; cụ Đồng Trinh Đây, nhánh Bình Sơn, Quảng Ngãi; cụ Đồng Sĩ Quế đã ngoài 80 tuổi thuộc nhánh Đồng Sĩ ở làng Mậu Tài, huyện Phú Vang,tỉnh Thừa Thiên Huế... tất cả các cụ đều chung một tâm trạng, các cụ chia sẻ “Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tham buổi gặp gỡ và giao lưu với Đoàn Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam và cùng với các nhánh tộc họ Đồng trên cả nước với bầu không khí ấm áp như là người thân trong gia đình mình”.  Các cụ cho biết thêm, tuy đã đi gần hết chặng đường của đời người rồi nhưng các cụ vẫn đau đáu việc đi tìm nguồn gốc, tổ tiên họ Đồng và luôn giữ gìn nếp nghĩ, nếp sống, phong tục tập quán của quê hương, dòng tộc họ Đồng.

Theo các cụ, quan trọng nhất là phải để con, cháu hiểu biết về dòng họ mình và phải luôn ý thức mình là con cháu trong dòng tộc họ Đồng Việt Nam để tự hào. “Các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau này rất lúng túng trong việc xác định nguồn gốc họ của mình. Các cháu thường hay hỏi: Họ Đồng xuất hiện từ bao giờ, có nguồn gốc từ đâu tới, có phải họ người dân tộc không...?”

GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, Trưởng Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam trao quà tri ân cho thương binh Đồng Xuân Bình tại nơi linh thiêng mà ông Đồng Xuân Bình đã tham gia chiến đấu xã Điện Phong -Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Trong các bài phát biểu suốt cuộc hành trình "Hành trình kết Họ Đồng miền Trung - Tây nguyên", GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, Trưởng Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: "Ai cũng biết gia phả đối với người Việt Nam ta xưa nay quan trọng và thiêng liêng như thế nào. Bởi gia phả chính là bộ sử sống của gia đình, của dòng họ, mà ở đó tổ tiên, ông bà các đời của chúng ta, những người liên tục truyền nối từ thuở vô thủy tới nay đã mang đến cho ta mạng sống, cho ta được làm người đã hiện lên rõ rệt. Vì vậy, tôi mong rằng các chi, phái,nhánh tộc trong dòng họ Đồng Việt Nam chúng ta luôn quan tâm về vấn đề này.Việc lập gia phả dòng họ chưa bao giờ là muộn nếu như mình có tâm huyết. Có như vậy, chúng ta không phải lúng túng khi con cháu đặt câu hỏi họ Đồng xuất hiện từ bao giờ, có nguồn gốc từ đâu tới,có phải họ người dân tộc không...?"

"Gia phả viết về ông cha như thế nào, con cháu muôn đời sau đọc đến, ai mà không cảm động, ai mà không tự hào. Những tấm gương sáng xưa kia còn ghi danh trong sử sách như: Pháp loa Đồng Kiên Cương,Tiến sỹ Đồng Thức, Đồng Hãng, Đồng Tồn Trạch,...Ngày nay họ Đồng của chúng ta có 5 tướng, trong đó có 3 Trung tướng, 2 thiếu tướng, hơn 10 Giáo sư ,Phó Giáo sư và gần 60 Tiến sỹ và có hàng trăm thạc sỹ...con cháu nào mà không noi theo. Trong ngôn ngữ ta có từ “bách tính”, nghĩa là trăm họ, đồng nghĩa với từ “quốc gia”, “dân tộc”, “đất nước”. Nhiều nhà họp thành họ, nhiều họ họp thành làng, nhiều làng họp thành nước. Mọi nhà, mọi họ làm việc thiện tất sẽ có nhiều phúc khánh. Cả nước làm việc thiện, nước tất sẽ hưng vượng..." GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại nhấn mạnh.

Ban liên lạc chụp anh lưu niệm tại tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Quảng Nam

Phát biểu tại các buổi gặp mặt và giao lưu tại các nhánh họ trong suốt cuộc hành trình, TS.Đồng Xuân Thụ ;TS Đồng Xuân Thành, Doanh nhân Đồng Văn Bột, Phó BLL họ Đồng Việt Nam; Đại tá Đồng Xuân Cần, Trưởng BLL họ Đồng TP.Hải Phòng; Doanh nhân Đồng Quang Chính, Thư ký BLL họ Đồng TP.HCM; ông Đồng Kỳ Lân, Trưởng BLL họ Đồng tỉnh Quảng Bình...đều chung một quan điểm, luôn xúc động và cảm ơn sự đón tiếp nồng ấm, nhiệt tình, các ý kiến phát biểu đầy tâm huyết của bà con đồng tộc các nhánh mà BLL đã đến giao lưu gặp gỡ . Đồng thời cũng mong muốn các nhánh tộc, nhất là những vị thành đạt, tâm huyết với dòng tộc, tiếp tục tuyên truyền,giáo dục,phát huy truyền thống của dòng tộc, động viên con cháu, khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc vững bền, để không phụ lòng và hổ thẹn với các vị liệt tổ, liệt tông...

BLL chụp ảnh tại tượng đài TP. Quy Nhơn, Bình Định

BLL họ Đồng Việt Nam cũng tin tưởng rằng, trong tương lai sự nghiệp kết nối tộc tính cùng với các hoạt động khác nhằm bảo vệ và phát huy truyền thống vẻ vang của họ Đồng ở Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của đông đảo bà con,anh em gần xa ở cả trong nước và ngoài nước, theo tinh thần: Huyết mạch họ hàng nối dài theo đất nước. Vinh quang dòng họ truyền mãi với thời gian.

Kết thúc cuộc hành trình dài kết nối họ Đồng miền Trung và Tây Nguyên trong lưu luyến, thắm đượm tình người. Những nụ cười, những gương mặt rắn rỏi, toát lên ý chí, dạn dày của con người trên dải đất đầy nắng và gió dần xa. Đọng mãi trong chúng tôi là hình ảnh đẹp, thân thiện của một Nét Huế; Bình Sơn; Trà Đình; Tiên Phước; Tuy Phước; Cát Hải - Cát Tiến hay một Gia Lai, Kon Tum - Tây Nguyên đại ngàn xanh thẳm.

Tạm biệt miền Trung và Tây Nguyên, Đoàn Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam lên đường trở về nơi xuất phát, trong lòng không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Một cảm giác thật thân quen, không muốn rời xa mảnh đất bình yên, thân thiện và mến khách này.

CHÚNG TÔI TỰ HÀO VỀ HỌ ĐỒNG VÀ MÌNH LÀ NGƯỜI MANG DÒNG MÁU HỌ ĐỒNG VIỆT NAM !

Miền Trung - Tây Nguyên, những ngày nhớ...24.7.2018

Xuân Thụ - Bột Đồng - Quang Chính - Xuân Thọ