Biết sáng tác nhạc từ rất sớm, nhưng hơn nửa thế kỷ qua số lượng ca khúc ông viết không bằng chừng ấy số năm đã trôi đi, kể từ ca khúc đầu tay.

Có lẽ ông kỹ tính đó thôi, bởi hầu hết các ca khúc của ông đều có phong cách và nét quyến rũ khá riêng, dễ nghe, dễ thấm. Hay là vì mang tâm hồn của một nhà giáo, ông chỉ muốn ôm đàn đến giữa đời như một sự tình cờ đầy thi vị và lãng mạn.

Từ trái bóng da đến cây đàn gỗ

Sinh quán ở Hải Phòng, Đồng Dương Chiều tiếp tục gắn bó với đất cảng hơn nửa đời người bằng nghề dạy học (cùng vài nghề phụ khác) sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội, khoa Anh văn, khoá 1958-1962.

Thuở Đồng Dương Chiều còn nhỏ, bố ông làm nghề lái xe nhưng rất thích thưởng thức âm nhạc. Trong ga-ra, cậu bé Chiều thường nằm bên cạnh bố lắng nghe say sưa những bài hát-mà hồi đó người ta gọi là tân nhạc-phát ra từ chiếc máy đĩa cũ bố ông dành dụm tiền mua được.

Có lẽ âm nhạc đã thấm đẫm ít nhiều vào tâm hồn ông từ ấy. Nhưng trước đó nữa, cậu bé Chiều đã có sự lưu tâm thích thú đối với âm nhạc. Số là anh trai của ông, Đồng Văn Liên, thuộc một tiểu đội văn công thường biểu diễn ở nhà hát Hà Nội. Trong những dịp tổ chức biểu diễn lấy tiền mua áo ấm mùa đông tặng cho binh sĩ, tiểu đội này thường xuyên đến nhà ông tập dượt. Sự có mặt gần gũi của những ca-nhạc sĩ ngay trong ngôi nhà mình đã khiến cậu bé Chiều mơ mộng phấn khích vô kể, cậu ngẫm nghĩ những người đó sao mà…khác thường!

Nhưng thuở đó, Đồng Dương Chiều vẫn là một cậu bé hiếu động, thích chơi bóng đá. Một lần nọ, trong khi tranh bóng, một “cầu thủ” đối phương đã đá nguội vào chân Chiều một cú đau điếng khiến cậu nổi cáu nhặt hòn đá ném vào đầu cậu kia. Sau đó, Chiều bị phạt. Mẹ cậu mua về một cây guitar trao cho cậu với lời dặn: “Không chơi bóng, không đánh nhau nữa, hãy chơi đàn cho con người con đằm thắm lại”.

Không ngờ sự quan tâm của người mẹ cũng là sự đánh thức đúng lúc năng khiếu, sở thích âm nhạc nơi ông. Vốn có giọng hát rất hay, nhờ có cây đàn, ông hát càng nhuyễn hơn, có chất hơn. Ông thường nhịn tiền quà sáng để mua các bản nhạc của nhà xuất bản Tinh Hoa về hát. Từ hát, một cách tự nhiên, ông tiến đến tập sáng tác bằng cách sau khi hát thuộc bản nhạc, ông cất bản gốc đi rồi tự ghi lại các nốt, điệu ra trên giấy với cây đàn đệm trên tay. Mang tâm hồn nhạy cảm, đi cùng với khả năng ca hát bẩm sinh như vậy, năm 15 tuổi, Đồng Dương Chiều đã sáng tác được bài hát đầu tay với giai điệu và ca từ khá ấn tượng: Tiếng nhạc rừng. Và chỉ ngoài 20 tuổi, ông đã có nhiều ca khúc được phát trên làn sóng của Đài Hà Nội, Đài Hải Phòng…(những năm 1960).

Nhưng Đồng Dương Chiều không phải là một nhạc sĩ dễ dãi trong sáng tác. Mặc dù đã có một số ca khúc được giới yêu âm nhạc ưa thích, như Dáng xưa (CD Riêng một góc trời, Saigon Audio phát hành), Đôi mắt ấy (CD Trở lại đường xưa, Saigon Audio),v.v…, ông chỉ sáng tác trong những trường hợp có cảm xúc mạnh mẽ hoặc khi đất nước có những sự kiện trọng đại tác động đến tinh thần nhiều người. Bằng chứng là năm 1997, khi báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi viết ca khúc về bóng đá, nhận thấy đây là môn thể thao lôi cuốn cả nước, đồng thời sống lại những kỷ niệm về một thời tuổi nhỏ mê đá bóng, ông đã viết nên bài Hành khúc bóng đá Việt Nam hào hùng đoạt giải nhì (vượt qua hơn 7000 bài) và bài hát được hát rầm rộ trên nhiều sân bóng một thời. Điều đó giải thích vì sao cho đến nay, số bài hát ông đã viết chỉ dừng hơn 30 bài. Và ông thì không tỏ ra nôn nóng, bươn bả gì. Dường như chất nhà giáo đã lẫn cùng chất nhạc sĩ nơi ông, ông nâng cây đàn cũng nhẹ nhàng, khiêm cẩn như khi cầm viên phấn trên tay, không nhuốm chút mùi danh vọng.

 Hiện tượng “Lửa thiêng dân tộc”

Năm 2001, nhạc sĩ Đồng Dương Chiều sáng tác một ca khúc về Bác Hồ với giai điệu hùng tráng, ca từ đẹp và mang tính khái quát cao. Với ca khúc này, ông có một sự tự tin mãnh liệt vào chất lượng và thậm chí, sức sống, sự lan toả của nó. Và quả như thế thật, sau khi đổi tựa thành Lửa thiêng dân tộc, bài hát đã nhận được sự lưu tâm của nhiều vị trí thức và quan chức. Học giả Trần Bạch Đằng viết thư gửi ông (04.8.2005): “Tuy không phải là người sành âm nhạc, song tôi nghe – 3 lần –bài nhạc qua biểu diễn của Đài Truyền hình Tp.HCM, cảm thấy xúc động về hồn nhạc gắn với biến cố trọng đại của đất nước. Tuy ở dạng ca khúc nhưng vẫn chứa độ trữ tình rất đậm theo tôi, đó là bài nhạc hay cần được phổ biến rộng”.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin Phạm Quang Nghị, trong tư cách cá nhân cũng viết (17.6.2005): “Tôi xin bày tỏ tình cảm trân trọng đối với nhiệt tâm ông đã dành cho âm nhạc bấy lâu nay. Cá nhân tôi đánh giá cao tác phẩm Lửa thiêng dân tộc do ông sáng tác”. Đã có ngót 10 tờ báo trung ương và địa phương có bài viết giới thiệu và phân tích về giá trị bài hát. Trong năm 2005, Lửa thiêng dân tộc được vang lên tự hào vào hai dịp lễ hội lớn mang tầm vóc cả nước: Lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ (qua giọng ca Trọng Hùng) và lễ hội rước đuốc theo chân Bác tại Cao Bằng (qua giọng ca Tạ Minh Tâm).

Thế nhưng, nói về những ca khúc của mình nói chung, bài Lửa thiêng dân tộc nói riêng, nhạc sĩ Đồng Dương Chiều vẫn chỉ nhỏ nhẹ: “Bài hát có thể ví như một con diều. Con diều dở mà gặp gió thì dù có bay lên rồi trước sau cũng nhào xuống đất. Còn con diều hay mà không gặp gió thì cũng chẳng thể nào bay lên được. Với bài Lửa thiêng dân tộc, tôi chỉ mong được coi như một hạt gạo ngon. Muốn biến nó thành bữa tiệc cần phải có công sức của nhiều người, đó là những người đầy nhiệt huyết, thực sự có tài, hết sức công tâm và dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật.”

Đó là cách nói ông hàm ơn về những ai có trách nhiệm, có tài năng đã góp phần giúp cho những bài hát của ông đến được với công chúng. Nhưng, đến nay, cũng chính ông nói thêm một lời về bài hát tâm đắc Lửa thiêng dân tộc của mình như một nỗi băn khoăn, hay là niềm mong ước: “Biết đâu, một ngày nào đó, bài hát này có may mắn được đưa vào chương trình Bài hát Việt trên VTV3…cũng nên!”.

Chia sẻ nỗi niềm đó của nhạc sĩ, chúng ta tin Lửa thiêng dân tộc hẳn sẽ còn “cháy” lên nhiều trong các chương trình ca nhạc khác, đặc biệt là những chương trình mang tinh thần truyền thống Cách mạng vào những dịp lễ lớn của dân tộc.

Theo Đỗ An (Tài hoa trẻ )