Hóa ra Đồng Đức Thành mang mạng “Trường lưu thủy”. Biết anh đã khá lâu và cùng công tác với anh mấy năm nay, tôi cứ nghĩ Đồng Đức Thành trẻ hơn tuổi ấy rất nhiều. “Trường lưu thủy” theo sách phong thủy mang cung Chấn, trực Kiên, mạng “Trường lưu thủy” (nước chảy dài). Đọc tập sách ảnh – thơ mang tên Nhịp điệu trái mà anh vừa cho ra mắt, tôi thấy sự gửi gắm của anh trong tập sách khá đồ sộ này đúng như mạng của anh: “Trường lưu thủy”.

Tập sách dày gần 200 trang, khổ lớn, được chia thành 3 phần: Ảnh, Thơ vàNhững kỷ niệm, ba trong một và một có cả ba. Phần ảnh, Đồng Đức Thành bố cục thành 3 phần và mỗi phần đều dẫn luận bằng thơ. Anh đặt tên cho phần mở đầu là “Trường lưu thủy”. Suối nhỏ ríu rít cổng trời… / Sông mẹ hiền từ phù sa hào phóng… / Biển triền miên sóng nhạc… 16 bức ảnh về đề tài nước chảy dài này dạt dào sóng nước, triền miên sóng nhạc. Không chỉ là ngôn ngữ của ánh sáng, các tác phẩm ảnh giàu chất thơ với sự đa đoan, nỗi niềm của người cầm máy. Những Xuôi dòng, Sau cơn giông, Trà giang khát, Cồn cào khơi, Hửng lối về…đều có thể coi là những bài thơ ý tại ngôn ngoại, bày tỏ khát vọng yêu, khát vọng sống, khát vọng tìm cái đẹp và khát vọng cống hiến của tác giả. Người đọc không thể nào không rung cảm trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên qua ảnh của Đồng Đức Thành và chắc chắn sẽ nhận ra có bóng dáng mình trong đó. Ở phần “Khoảnh khắc hoa”, Đồng Đức Thành “nói” về hoa mà như nói về người. Dưới ống kính giàu chất thơ, mênh mang nước chảy dài của anh, sự kỳ vĩ của tạo hóa hiện lên một cách vừa nhân bản, vừa tôn vinh vẻ đẹp và sự quyến rũ của món quà Thượng đế. Xem các tác phẩm: Muôn thuở vầng cong, Táo xanh, Lấp lánh Eva, Búp địa đàng… ta như đang xem tranh, đang được thưởng thức các tác phẩm điêu khắc có dấu ấn từ xa xưa, vừa gần gũi, vừa huyền bí. Liên khúc gió / Xôn xao múa đưa mùa về / Từ trời hoa tình xoay tít tắp / Hứ ứ ư… / Chuỗi lốc dài đón nhận phấn yêu…

Xuôi dòng

Ngẫu hứng mưa

“Thời gian đọng” là tiêu đề kết thúc phần ảnh, Đồng Đức Thành luận: Hỏi bao ngàn tuổi nước vỗ về trơn tru tim đá… / Thời gian khi nao về?… / Gia tài để lại những sắc màu không trừu tượng/ chứng tích bâng khuâng… Ảnh và thơ quyện vào nhau như không thể tách rời. Phải nói công nghệ in ấn đã góp phần làm cho các tác phẩm ảnh của Đồng Đức Thành sống động, lung linh. Tôi thích những bức ảnh tạo dáng của anh như: Gành Son dát nắng, Gió cát hoàng hôn, Ngẫu hứng mưa… Có cả những bức ảnh người đọc không thể lướt qua mà phải dừng lại suy ngẫm, tìm tòi, khám phá như: Hoàng kim một thuở, Nam mô a di đà Phật, 100 năm che phủ 1.000 năm… Cũng như đọc thơ của Đồng Đức Thành, xem ảnh của anh người ta phải xem… chậm. Đôi khi ta bất ngờ gặp những câu thơ, bức ảnh mà mình… chẳng hiểu gì cả. Nhưng rồi đến lúc ta cũng chầm chậm nhận ra ý tứ, nỗi niềm của tác giả như: Thảm rêu đời, Sắc sắc - không không, Hóa thạch…

100 năm che phủ 1.000 năm

Đồng Đức Thành gốc Hà Nội, sinh ở Sài Gòn, là phóng viên, biên tập viên Báo Sài Gòn Giải Phóng với bút danh Huyền Thanh. Anh được phong tặng nhiều danh hiệu và giữ nhiều chức vụ trong hội nghề nghiệp như: Nghệ sĩ xuất sắc Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), Phó Chủ tịch thường trực, Trưởng ban Sáng tác – Triển lãm và Lý luận phê bình Hội Nhiếp ảnh TPHCM (nhiệm kỳ V), Ủy viên BCH, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Phó Trưởng ban Lý luận – phê bình Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (nhiệm kỳ VI) và hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM. Nhưng có lẽ mọi người nhớ đến anh nhiều nhất vẫn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh say mê, tâm huyết với nghề và có nhiều tác phẩm giàu chất sáng tạo, mang đậm hơi thở cuộc sống. “Trường lưu thủy” là dòng sông mênh mang chảy siết đến vô tận, nên các tác phẩm cả ảnh và thơ của anh đều ở trạng thái mở, “nhịp điệu trái” là điều dễ hiểu. Đúng như Đồng Đức Thành đã viết trong thay lời tựa của tập sách: “…Từ trái/ Lưu thủy hành vân nhuận sắc đời. Bằng ánh sáng bao lời thiết tha rực rỡ/ Tôi vẽ sống – chết miên man/ Vùng vẫy cõi tình, thăm thẳm hai chín tầng ngữ nghĩa/ khóc cười sáu thanh điệu đủ đầy/ cồn cào con chữ/ Tự hỏa thiêu tim mình thành ảnh, thành thơ, thành tôi…”. Mừng và chia vui với anh về “Nhịp điệu trái”. Hy vọng ở anh sự trỗi dậy, bay lên từ một tâm hồn nghệ sĩ.

Theo: Trần Bảo Trân (SGGP)