Họ Hồ giỗ tổ thường niên nhằm 12 (ÂL) tháng giêng hàng năm tại nhà thờ Họ Hồ Đại Tộc (làng Quỳnh Đôi). Nơi đây được coi là thánh địa đối với con cháu họ Hồ (Việt Nam). Thời gian này không chỉ là dịp tri ân tiên tổ mà cũng là dịp họ hàng, con cháu khắp nơi toàn quốc nô nức, tề tựu, quây quần đông đủ về làng gặp gỡ chia sẻ, chúc tụng những lời tốt đẹp vào dịp đầu xuân. Hơn nữa, sự kiện này được đánh giá như một lễ hội của làng và toàn thể con cháu được tổ chức long trọng, qui mô.
Năm nay con cháu họ Hồ náo nức khi nghe đã tìm được phần mộ ông Hồ. Lễ rước đức tổ Hồ Kha về Quỳnh Đôi (có kiệu và lọng che) để con cháu hương khói thờ phụng sẽ thực hiện trong dịp này.

Theo gia phả, ông tổ đầu tiên của họ Hồ ở nước ta là đức Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật sống vào thế kỷ thứ 10. Tộc phả bị thất truyền 11 đời (khoảng 300 năm). Đến đời 12 (ông Hồ Liêm) dời ra Thanh Hóa vào đời 13 (ông Hồ Kha) ở Nghệ An, lúc đó tộc phả mới nối tiếp liên tục đến ngày nay.

Năm 1314, ông Hồ Kha từ Quỳ Trạch (Yên Thành) về Quỳnh Đôi xem địa thế và giao cho con cả là Hồ Hồng ở lại cùng 2 người họ Nguyễn, họ Hoàng khai cơ lập nên làng Quỳnh Đôi còn mình trở lại Quỳ Trạch. Sau này ba thủy tổ Hồ Hồng, họ Nguyễn, họ Hoàng được dân suy tôn là Thành Hoàng, rước vào thờ ở đền thờ đầu làng.

Ngoài ra, ông Hồ Kha và ông Hồ Hồng còn là thủy tổ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, được thờ phụng tại nhà thờ họ Hồ Đại Tộc. Thế thứ (còn gọi là đời, vai) trong họ được tính từ ông Hồ Hân (con ông Hồ Hồng) trở đi, nghĩa là: ông Hồ Hân là đời thứ nhất. Nếu tính từ đời ông Hồ Hưng Dật thì phải cộng thêm 14 đời nữa. Nhiều con, cháu họ Hồ đỗ đạt làm quan liêm khiết có công lao lớn làm rạng danh cho Quỳnh Đôi, cho xứ Nghệ, và cũng có những người nổi tiếng tuy không đỗ đạt nhưng được dân gian truyền tụng đời đời.

Với một người mang họ Hồ như tôi, năm nay - Xuân Mậu Tí, càng tới ngày giỗ Tổ, khi nghĩ về quê cha - đất tổ tôi không khỏi hồi hộp, xao xuyến trong lòng. Vì điều kiện không cho phép, tôi không thể về thắp một nén hương dâng tạ tiên tổ. Cầu chúc họ hàng, người thân vui vẻ trong dịp giỗ Tổ nhất là khi có sự kiện tìm được mộ tổ Hồ Kha thì xuân Mậu Tí càng thêm ý nghĩa cho họ Hồ chúng ta.

TẢN MẠN ĐÔI NÉT VỀ QUÊ HƯƠNG VÀ DÒNG HỌ

* Địa lý

Quỳnh Đôi là một xã thuộc huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An cách Hà nội 250 km về phía Nam, xưa kia là một làng ở phía Bắc huyện Quỳnh Lưu, khi đó chỉ là một vùng cây hoang, cỏ dại giáp sông Mai (gọi là sông Mõ), gần biển cửa Quèn là một trong ba cửa biển của huyện Quỳnh Lưu: Cửa Cờn (Càn), Cửa Quèn (Quyền), Cửa Thơi (Thai).

* Những nhân tài chính trị kiệt xuất

Theo Hồ Tông thế phả, trong Lịch sử Việt Nam; có hai triều đại phong kiến Việt Nam được hình thành từ người mang họ Hồ gốc ở Quỳnh Đôi là:

1. Triều đại nhà Hồ: Vua Hồ Quí Ly

2. Triều đại nhà Tây Sơn: Vua Quang Trung.

* Gia phả trực hệ vua Quang Trung

Ông tổ trung chi II là Hồ Khắc Kiệm (đời 3) con Hồ Ước Lễ, cháu Hồ Hân. Cháu đời 8 là Hồ Sĩ Anh (còn gọi là Hồ Thế Anh) sinh năm 1618, mất năm 1684, thi hội trúng tam trường, làm tri huyện Hà Hoa (vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tước Diễn Trạch hầu.

Hồ Sĩ Anh (còn gọi là Hồ Thế Anh) sinh năm 1618, mất năm 1684, sinh Hồ Thế Viêm (đậu Sinh đồ), Hồ Phi Cơ (thi hội đậu tam trường), Hồ Danh Lưu, Hồ Phi Tích (đậu Hoàng giáp, tước Quận công), Hồ Phi Đoan.


Hồ Thế Viêm sinh Hồ Phi Khang (đời 10). Phi Khang sinh 5 con trai: Hồ Phi Phú, Hồ Phi Thọ, Hồ Phi Trù, Hồ Phi Phúc, Hổ Phi Huống.

Hồ Phi Phúc sinh 3 con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (đời 12)

Nguyễn Nhạc (1743-1793) sinh các con trong đó có Nguyễn Bảo, con Bảo là Nguyễn Đâu.

Nguyễn Huệ còn gọi là Hồ Thơm (1753-1792) sinh các con trai trong đó có Quang Thiệu (Khang công tiết chế); Quang Bàn (Tuyên công, đốc trấn Thanh Hóa); Quang Toản (vua Cảnh thịnh 1783 – 1802).

Hồ Phi Cơ (đời 9) sinh Hồ Phi Gia (thi hội đậu tam trường). Hồ Phi Gia sinh Hồ Phi Diễn (đậu sinh đồ) và Hồ Phi Lãng (cũng đậu sinh đồ). Hồ Phi Diễn (1703-1786) sinh Hồ Xuân Hương (đời 12, 1772-1822).

Theo "Hồ Tông thế phả": Con của Phi Khang là Phi Phú, Phi Thọ, Phi Trù, Phi Phúc, Phi Huống từ Quỳnh Đôi di cư lên Nhân Lý (Nhân Sơn, Quỳnh Hồng ngày nay) rồi một chi chuyển cư vào Thái Lão – Hưng Nguyên, tiếp theo một chi vào trại Tây Sơn – Qui Nhơn.

* Về lĩnh vực văn hóa, kinh tế

Hồ Quý Ly là nhà vua có nhiều cải cách tiên phong trong nhiều lĩnh vực như: quy định việc sử dụng chữ nôm làm Quốc Tự, phát hành tiền giấy, xây dựng Thành nhà Hồ…

Vua Quang Trung cũng quy định lấy chữ nôm làm chữ viết chính thức, sáng chế Hỏa hổ (pháo thần công), ông còn là nhà quân sự kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam…

Hồ Xuân Hương là nhà thơ sử dụng chữ nôm một cách điêu luyện, nên bà được mệnh danh là bà chúa thơ nôm.

                                                                                    Theo: Gia phả Việt Nam