35 tuổi nhưng Đồng Đức Thành đã có “thâm niên” 18 năm chung sống với HIV. Đó cũng là quãng thời gian dài anh phải đau khổ đến tột cùng khi bị bạn bè, đồng nghiệp, người thân kỳ thị, xa lánh. Thế nhưng, việc tham gia công tác xã hội, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đã giúp cuộc sống của Thành trở nên có ý nghĩa hơn.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được Đồng Đức Thành vào một buổi sáng chủ nhật, tại một quán cà phê nhìn ra chiếc hồ nhỏ trên phố Hồ Đắc Di (Hà Nội). “Tôi là dân miền biển (Quảng Ninh), nên thích những nơi có sông nước”, Thành cười nói. Công việc hiện tại của Thành khá bận. Là nhân viên của Dự án Sáng kiến chính sách y tế, hàng ngày Thành có trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc nộp báo cáo của các đối tác, hỗ trợ kỹ thuật các nhóm tự lực trong chương trình nâng cao năng lực cho người nhiễm HIV/AIDS, tham gia các khóa tập huấn cho các nhà báo viết về đề tài HIV/AIDS… Lúc rảnh, khi có “đơn đặt hàng”, là Thành lại viết báo, tuyên truyền cho công tác phòng chống HIV/AIDS. “Xin lỗi một chút nhé”, nói rồi Thành vội vã nghe và trả lời điện thoại bằng cả tràng tiếng Anh. Nhìn Thành không chỉ nói tiếng Anh lưu loát mà còn rất năng động, tự tin, ít ai biết chàng trai này đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đối diện với kỳ thị Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỏ địa chất, năm 1998, Đồng Đức Thành được nhận về công tác tại Công ty than S. (Quảng Ninh). Năm 2001, thì anh đã trở thành một cán bộ quản lý đầy triển vọng. Thế nhưng, trong một lần khám sức khỏe chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời, Thành chết sững người khi nhận được kết quả xét nghiệm: “Dương tính với virút HIV”. Đau đớn, bàng hoàng, Thành không thể tin đó là sự thực. Anh lên Hà Nội làm xét nghiệm, hy vọng rằng có sự nhầm lẫn ở y tế tuyến dưới. Trớ trêu thay, kết quả xét nghiệm HIV lần 2 vẫn là: “Dương tính”. Lúc này, kết nối lại các sự việc, Thành mới nhớ ra rằng bị lây nhiễm HIV/AIDS qua một bạn tình ở năm thứ nhất đại học. Lúc biết tin nhiễm HIV, cũng là lúc Thành được đại diện Công ty than “gợi ý” nên nghỉ việc để giữ gìn sức khỏe và chữa bệnh… Cú sốc quá mạnh này khiến Thành đổ gục hoàn toàn. “Đó là giai đoạn khó khăn nhất của đời tôi. Tôi nghĩ rằng mình sắp chết, nên bao nhiêu tiền tiết kiệm được khi đi làm tôi đều “nướng” hết vào các bữa tiệc thâu đêm, suốt sáng”, Đồng Đức Thành tâm sự. Và khi gia đình biết sự thực là Thành nhiễm HIV thì anh càng bị tress nặng hơn. Đồng Đức Thành nhớ lại: “Hồi đó, mẹ tôi rất sợ không dám cho tôi ăn chung bát đũa, không cho tôi ngồi lên giường ngủ của bà. Anh trai thứ hai kêu tôi chọn sẵn những bức ảnh để chuẩn bị việc hậu sự cho tôi…”. Bạn bè của Thành còn bàn tán và đồn thổi là anh sắp chết vì SIDA, có người bạn thậm chí đã mua vòng hoa trắng đến nhà Thành để viếng. “Nhìn trong bụi cây, thấy tụi bạn giấu vòng hoa có dòng chữ “Kính viếng hương hồn ông Đồng Đức Thành, nguyên phó quản đốc kỹ thuật”, tôi chết lặng người, thực sự muốn chết đi cho hết tủi nhục…”, Thành nhớ lại. Sau nhiều ngày đêm mệt mỏi, buồn khổ và túng quẫn vì tiêu hết những đồng tiền cuối cùng, Đồng Đức Thành chợt nhật ra rằng mình cần tìm một công việc gì đó để có thêm thu nhập, sống có ích hơn cho cộng đồng. Anh đã đi hết tổ chức này đến tổ chức khác để xin một công việc giáo dục viên đồng đẳng nhưng đều bị từ chối. Sau đó, Thành còn làm đủ nghề, từ chạy xe ôm, xuống suối đãi than trôi đến đi lấy cát… nhưng cũng chẳng việc nào trụ được lâu vì mọi người đều kỳ thị, xa lánh khi biết anh nhiễm HIV. “Sau cơn mưa, trời lại sáng” Năm 2003, nhờ người quen “mách nước”, Đồng Đức Thành may mắn được nhận vào làm tại Tổ chức CARE Việt Nam (Hà Nội). “Buổi đi làm đầu tiên, tôi không biết bật máy tính, cũng không biết tắt. Được đi dự hội thảo tại Thái Lan, tôi chỉ biết mỗi một câu “Ok” bằng tiếng Anh”, Thành nhớ lại. Không giấu dốt, không ngại hỏi, Đồng Đức Thành mày mò học từ cách đánh máy, giao tiếp, trang trí một bài trình bày đến lập kế hoạch, tóm tắt chính sách… Để học cách viết báo cáo, anh đã tìm lại những bài mà đồng nghiệp đã viết, tự gạch, đánh dấu những chi tiết cần lưu ý và đọc thêm rất nhiều tài liệu. Nhờ kinh phí của dự án, Đồng Đức Thành được theo học một khóa tiếng Anh cơ bản. Nhưng đây cũng là thời gian sức khỏe của anh bắt đầu suy sụp. Mỗi khi tới lớp, Thành thường thấy mệt mỏi, chân tay rã rời. Miệng viêm loét rất đau không thể phát âm thành tiếng. Bác sĩ điều trị cho biết, đã đến lúc anh phải điều trị HIV. Khi sức khỏe dần hồi phục, Thành lại tiếp tục việc học tiếng Anh. “Xác định không thể học 4 kỹ năng cùng một lúc, tôi đặt mục tiêu trước tiên là phải luyện kỹ năng nghe, nói. Đầu tiên là nghe tiếng Anh qua mạng, sau đó tập nghe qua truyền hình cáp và tập học 10 từ/ngày. Sau đó, tôi mua 1 quyển dạy ngữ pháp, trích ngữ pháp đơn giản và lưu những từ khó vào điện thoại”, vừa nói, Đồng Đức Thành vừa mở cho tôi xem phần ghi những từ mới được lưu trong chiếc điện thoại của mình. Giờ đây Thành hoàn toàn có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Chính kỹ năng không phải người nhiễm HIV nào cũng có này đã giúp anh rất nhiều trong quá trình tham gia các hoạt động của Dự án Sáng kiến chính sách y tế, nơi anh đang công tác. Ngoài giờ làm, Thành rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tuyên truyền cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Anh còn tự mày mò học cách viết báo. Nhiều bài viết chân thực, có tính thuyết phục cao của Thành đã được đăng tải trên Tạp chí AIDS và cộng đồng, Lao động, Pháp luật… Anh cũng đã được một số giải báo chí viết về HIV/AIDS. Đặc biệt, Đồng Đức Thành còn có tổ ấm nhỏ, nơi ấy có một người vợ hiền nhiều năm gắn bó, chờ đợi anh sau mỗi buổi đi làm về… P.L |