Đồng Xuân Lâm dễ lẫn trong đám đông, nhưng kỳ thực ông là người có chí hướng rõ ràng, luôn kiên định và yêu nghề cháy bỏng. Trải qua hơn 2 thập kỷ công tác trong lĩnh vực bác sỹ thể thao, niềm đam mê công việc và tấm chân tình với nghề của ông rất xứng đáng để đội ngũ y bác sỹ thể thao kế cận quý trọng.
Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1995, chàng sinh viên tỉnh lẻ Đồng Xuân Lâm muốn trụ lại Thủ đô để lập nghiệp. Tuy nhiên, vì thiếu những mối quan hệ nên ông phải sống trong cảnh thất nghiệp mấy tháng trời. Nghiệp chọn người Mãi đến cuối năm 1995, thông qua một người bạn cùng trường giới thiệu, ông được bệnh viện Y học Thể thao Việt Nam tiếp nhận với mức lương 120 nghìn đồng/tháng. Nhớ lại những ngày tháng ấy, bác sỹ Đồng Xuân Lâm cho biết: “Lúc đó cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn nên tôi nghĩ rất đơn giản, có việc làm là tốt rồi. Với mức lương ban đầu ấy, tôi chỉ mua đủ 13kg gạo, mớ rau muống và 2kg thịt lợn trong 1 tháng. Nhưng cũng chính cái nghèo, cái khổ khiến tôi càng cố gắng vươn lên, vượt qua hoàn cảnh. Sau một thời gian đầu rất bỡ ngỡ, tôi bắt đầu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các thầy thuộc dạng “cây đa, cây đề” trong bệnh viện. Trong quá trình ấy, tôi nhận ra đội ngũ bác sỹ của ta lúc đó có rất nhiều thầy giỏi về lĩnh vực y học thể thao, nhưng lại chưa đưa kiến thức đó ra để đào tạo phổ biến trong các trường học, hay đào tạo bác sỹ thể thao. Lúc đó bệnh viện lại mở lớp đào tạo y học thể thao cho các chiến sỹ, tôi được Giám đốc bệnh viện đăng ký cho học luôn. Theo học 4 năm, tôi lại vỡ ra, ngành y học thể thao, đặc biệt là trong bóng đá ở ta, đang là mảnh đất hoang, chưa ai khai phá. Thấy thế, tôi vô cùng thích thú, tự mày mò, tìm thầy, tìm sách tự dịch sách và tất cả mọi thứ, có hôm ngồi dịch sách đến 9 giờ đêm, quên cả ăn, mọi người trong cơ quan đã về hết… Càng nghiên cứu, càng làm tôi càng đam mê, máu lửa và quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn”. Y học thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn Năm 2002, HA.GL của bầu Đức giành quyền thăng hạng chuyên nghiệp, với danh tiếng của mình, bác sỹ Đồng Xuân Lâm được mời về để đảm nhận vai trò bác sỹ của đội bóng phố núi. Quyết tâm rời Thủ đô để lên núi Hàm Rồng, bác sỹ Lâm được bầu Đức ưu ái nhiều thứ, chẳng khác các ngôi sao bóng đá cập bến HA.GL ngày đầu là bao. Cũng chính nhờ sự thiện chí và môi trường làm việc luôn được tạo điều kiện tối đa các trang thiết bị hiện đại, cựu bác sỹ ĐTQG đã gắn bó với đội bóng phố núi trong hơn 1 thập kỷ qua. Với kinh nghiệm hơn 2 thập kỷ gắn bó với ngành y học thể thao, bác sỹ Đồng Xuân Lâm cho rằng, công việc của một bác sỹ thể thao ở Việt Nam không hề đơn giản. Bác sỹ Lâm phân tích: “So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, y học thể thao của mình thua kém rất nhiều, cả về chất lượng lẫn số lượng, đội ngũ y, bác sỹ. Vì thế, đội ngũ y tế làm việc trong môi trường bóng đá Việt Nam gặp không ít khó khăn, kể cả cơ sở vật chất lẫn sự đầu tư, quan tâm. Thật ra, cũng là do điều kiện kinh tế mà ra, các CLB phải lo trả lương, chăm lo cho đời sống VĐV, sau đó các thứ ấy đầy đủ rồi mới đến phần chăm sóc về y tế. Thành ra, quá trình làm việc của bác sỹ đội bóng ở Việt Nam hết sức khó khăn. Để đảm bảo thể lực cho VĐV, mình phải chiến đấu hết mình, có ngày làm việc lên đến 15-16 tiếng, nhưng cũng chỉ đáp ứng những thứ cơ bản thôi chứ không thể nào hoàn hảo như nước ngoài”. Làm việc trong điều kiện không mấy thuận lợi, bác sỹ Đồng Xuân Lâm mong muốn nền y học thể thao Việt Nam phát triển, đào tạo một cách căn cơ để có thể sánh ngang tầm khu vực. Bác sĩ Đồng Xuân Lâm từng sang Mỹ theo học một khóa học chuyên sâu về y học thể thao vào năm 2009.
Tuệ Chính (Thể thao & Văn hóa) |