Xin trân trọng giới thiệu Bài phát biểu trong lễ tưởng niệm 694 năm nhập niết bàn Đệ nhị tổ Pháp loa Đồng Kiên Cương, cầu Quốc thái dân an và gặp mặt họ Đồng Toàn quốc lần thứ 6 - 2024
Trung tướng. GS. TS Đồng Minh Tại - Trưởng Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ - Kính thưa Hoà thượng
Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt
Nam - Kính thưa Hoà thượng
Thích Thiện Văn,Ủy viên Hội đồng trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Trụ trì chùa
Vĩnh Nghiêm. - Kính thưa các vị đại biểu
khách quý - Thưa toàn thể bà con,
cô bác dòng tộc họ Đồng Việt Nam. Ngày
hôm nay và cũng là lần thứ 6 dòng tộc họ Đồng Việt Nam cùng Ban trị sự Giáo hội
Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm 694
năm nhập niết bàn Đệ nhị tổ Pháp Loa - Đồng Kiên Cương (3.3.1330 – 3.3.2024). Trong
thời khắc đáng nhớ này, thay mặt Ban Liên lạc họ Đồng Việt Nam, tôi xin cảm ơn
các Quý vị đại biểu, khách quý tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Dũng, xã Trí Yên, Ban
Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm, các vị Hoà
thượng, thượng toạ, đại đức, tăng ni, phật tử và toàn thể bà con, cô bác trong
dòng tộc họ Đồng Việt Nam đã có mặt đông đủ trong buổi lễ trang trọng này lời
chào trân trọng và lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, thành công. Thưa bà con cô bác,
cũng trong buổi lễ tưởng niệm Nhị tổ Pháp Loa -Đồng Kiên Cương hôm nay, thay mặt
Ban Liên lạc họ Đồng Việt Nam xin được báo cáo một số nội dung sau: Thứ
nhất: Nhờ ơn hồng phúc của tổ, các thế hệ con cháu, anh em
họ Đồng Việt Nam luôn kề vai sát cánh, đoàn kết cùng trăm họ Việt Nam, đóng góp
công sức, trí tuệ, xương máu vào công cuộc dựng nước và giữ nước. Nhiều người
đã trở thành danh nhân, hào kiệt làm rạng rỡ cho dòng tộc họ Đồng Việt Nam xưa
như: Pháp Loa- Đồng Kiên Cương quê ở hương Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam
Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải
Dương). Ông là một thiền sư Việt Nam thuộc dòng Thiền Trúc Lâm, Yên Tử, là tổ
sư thứ hai, sau Thánh tổ Trần Nhân Tông. Pháp Loa đã để lại một di sản văn hoá
Phật giáo Trúc lâm sâu sắc, thấm sâu trong đời sống tinh thần của nhân dân, mà
hôm nay họ Đồng chúng ta tưởng niệm 694 năm ngày nhập niết bàn của Pháp Loa. Rồi
danh tướng Đồng Văn Năng, quê thôn Thạch Cao, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh
Hà Tĩnh. Tương truyền cụ Đồng Văn Năng là một võ quan có tài thao lược, từng lập
nhiều chiến công lớn trong cuộc chấn hưng Lê Triều (1797 – 1864) nên được vua
phong “Tán trị công thần” tức là làm được những việc quan trọng giúp nhà vua.
Trong các khoá thi cử, dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, nhiều vị là con
cháu họ Đồng đỗ đạt thành tài, giữ các trọng trách trong triều đình, phò vua,
giúp nước, trong đó điển hình là cụ Đồng Nhân Phái người xã Thiết Úng, huyện
Đông Ngàn (nay thuộc xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội) đỗ hoàng giáp tiến sỹ năm Mậu
Thìn (1628) đời vua Lê Thần Tông, làm quan tới chức Thượng thư (như Bộ trưởng
thời nay). Ngoài
ra, nổi lên làng tiến sỹ họ Đồng ở Triều Dương xưa (Chí Linh ngày nay). Một
làng có 6 vị đại khoa họ Đồng nối nhau ghi bảng vàng Tiến sỹ từ năm 1559 –
1681. Nối tiếp truyền thống cha ông, thời đại Hồ Chí Minh, một thời đại rực rỡ trong
lịch sử Việt Nam, hàng vạn con cháu họ Đồng trên khắp vùng miền của đất nước đã
đóng góp một phần công sức, xương máu trong cuộc kháng chiến. Trong
lễ tưởng niệm Đệ nhị tổ Pháp Loa- Đồng Kiên Cương hôm nay, chúng ta cùng kính cẩn
nghiêng mình tưởng nhớ và biết ơn với hơn 700 liệt sỹ, gần 100 bà mẹ Việt Nam
anh hùng, với hàng ngàn thương binh, bệnh binh là con cháu họ Đồng đã đổ máu,
hy sinh trên các chiến trường, giành độc lập tự do cho dân tộc và bảo vệ vững
chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tiêu biểu như: Nhà cách mạng
tiền bối Đồng Sỹ Bình, sinh năm 1904, quê làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú
Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông gia nhập Đảng Tân Việt
(tiền thân của Đông Dương Cộng sản liên đoàn) bị thực dân Pháp kết án 9 năm tù và
hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ 28 tuổi. Để
ghi nhận công lao của ông, một đường phố nay mang tên Đồng Sỹ Bình ở huyện Phú
Vang, Thừa Thiên Huế. Đó là Liệt sỹ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đồng
Quốc Bình, sinh năm 1944, người thôn Đại Lộc, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy,
thành phố Hải Phòng, một tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng trong trận chiến
đấu ngày 5/8/1964 khi tròn 20 tuổi. Hay Liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân Đồng Phước Huyến quê ở làng Trà Đình, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng
Nam (một làng có 33 liệt sỹ họ Đồng, 7 bà mẹ họ Đồng Việt Nam anh hùng). Anh đã
chiến đấu 53 trận, tiêu diệt 70 tên địch và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất
trẻ. Để ghi nhớ công ơn người anh hùng liệt sỹ, một đường phố mang tên anh tại
Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Trong
hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc
cũng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều con cháu họ Đồng đã trưởng
thành trong quân đội, công an. Có 5 người được phong quân hàm cấp tướng, hàng
trăm người được phong quân hàm Đại tá, thượng tá. Trong đó, tiêu biểu như:
Trung tướng Đồng Văn Cống, quê xã Tân Trào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre,
nguyên Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam, sau năm 1975 ông là Phó Tư lệnh
Quân khu 7, Phó Tổng Thanh tra quân đội, Đại biểu Quốc hội khoá VI, nhiều đường
phố mang tên ông ở các tỉnh thành trong cả nước. Trong
lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hoá, văng nghệ, con cháu họ Đồng Việt Nam nổi
tiếng truyền thống hiếu học của cha ông, dòng tộc, nhiều người được Đảng, Nhà
nước phong tặng các danh hiệu cao quý, trong đó có 6 Giáo sư, 12 Phó giáo sư,
hàng ngàn tiến sỹ, thạc sĩ. Có 4 NSND (đặc biệt trong năm 2023 có 3 NSND được Nhà
nước phong tặng đó là NSND Đồng Thị Tuyết Thanh; NSND Đồng Thị Quế Anh, NSND Đồng
Văn Minh), có 2 NSUT và rất nhiều Nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú. Mà nhiều
người trong số họ đang hiện diện tại lễ tưởng niệm Tổ đệ nhị Pháp Loa Đồng Kiên
Cương hôm nay. Trong
lĩnh vực xây dựng phát triển kinh tế, vừa làm giàu cho quê hương, đất nước, vừa
làm giàu cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều con cháu họ Đồng. Nhiều
người đã trở thành những doanh nhân họ Đồng thành đạt, nét chung của họ đó là
luôn hướng về dòng họ. Tiêu biểu là Doanh nhân Đồng Văn Bột, Đồng Tuấn Vũ, Doanh
nhân GS. TS. Đại tá Đồng Xuân Thọ, Doanh nhân Đồng Quang Hải, Đồng Văn Sơn, Đồng
Xuân Thọ... Thứ
hai:
Các hoạt động của Ban Liên lạc họ Đồng Việt Nam cùng các chi tộc họ Đồng ở các
địa phương trong cả nước rất tích cực và hiệu quả. Trong đó nổi lên là các hoạt
động kết nối, từ thiện, các hoạt động chính sách xã hội... Về
kết nối dòng họ: Đến nay họ Đồng Việt Nam đã kết nối được 182 chi nhánh
họ Đồng ở 35 tỉnh thành trong cả nước. Có thể nói ở đâu có chi tộc họ Đồng là ở
đó có hoạt động kết nối, có hoạt động giao lưu, thăm hỏi hướng về dòng tộc nguồn
cội diễn ra sôi nổi. Đến nay, các Ban Liên lạc họ Đồng tỉnh, thành phố, huyện
xã lần lượt ra đời và hoạt động với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, đoàn kết,
gắn bó, tương thân tương ái. Điển hình là họ Đồng tại Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ
-Tĩnh; Chí Linh (Hải Dương), Bắc Giang, Cảnh Dương (Quảng Bình),... Đặc biệt là
các tỉnh Tây Nam Bộ, mặc dù chưa tổ chức Ban Liên lạc nhưng nhiều năm nay, ông
Đồng Việt Hải là Trưởng tộc họ Đồng tại huyện Phong Điền – Thành phố Cần Thơ đã
chủ động kết nối các chi họ Đồng ở hầu hết các tỉnh Tây Nam Bộ và có hoạt động
thiết thực hiệu quả, trong đó phải nói tới việc đăng cai tổ chức cùng Thiền viện
Trúc lâm phương Nam lễ tưởng niệm 693 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa- Đồng Kiên Cương
viên tịch và gặp mặt họ Đồng toàn quốc lần thứ 5 thành công rất tốt đẹp, tạo sức
lan toả rất lớn ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long. Ngoài
ra, họ Đồng Việt Nam đã làm tốt công tác chính sách xã hội không chỉ ở Ban liên
lạc họ Đồng Việt Nam mà còn ở cả các chi tộc họ Đồng các địa phương. Cứ
đến dịp 27/7 hằng năm, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam tổ chức các đoàn đi các địa
phương thăm hỏi động viên, tặng quà chi ân các thương binh, gia đình liệt sỹ, mẹ
Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng với hàng trăm suất quà (tổng
số tiền đến nay lên tới hàng tỷ đồng), trải dài ở hầu khắp các tỉnh thành trong
cả nước. Mặc dù mỗi suất quà không lớn, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, chứa đựng
giá trị nhân văn sâu sắc, “Uống nước nhớ
nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. Cùng
với việc tri ân các gia đình chính sách, họ Đồng Việt Nam những năm qua luôn thực
hiện tích cực chính sách xã hội, chia sẻ đùm bọc khi hoạn nạn khó khăn. Có thể
nói, ở nơi nào khi bà con họ Đồng gặp hoạn nạn, khó khăn do thiên tai lũ lụt,
thiệt hại về người, tài sản đều được hỗ trợ chia sẻ từ tấm lòng của bà con họ Đồng
toàn quốc. Qua hoạn nạn, khó khăn, mất mát mới thấy được tấm lòng, sẻ chia ấm
tình đồng tộc được khơi gợi, lan toả, được nhân lên kịp thời, làm vơi đi những
khó khăn mất mát, thật là trân quý và giá trị nhân văn sâu sắc, mà không phải họ
nào cũng làm được như họ Đồng ta. Chúng ta tự hào về điều đó, cần tiếp tục giữ
gìn phát huy và phát triển ngày một tốt hơn. Ba
là:
Các hoạt động xây dựng củng cố từ đường, nhà thờ ở các chi nhánh họ Đồng trong
các năm qua được thực hiện mạnh mẽ. Nơi đây vừa là nơi hương khói cho tổ tông
dòng tộc, vừa là nơi hội tụ kết nối đi về cho con cháu xa gần. Qua đó gắn kết
được lớp lớp con cháu trong chi tộc, nhánh họ cùng nhau sắm lễ thắp hương tưởng
nhớ các bậc sinh thành, nguyện cùng nhau tiếp tục giữ gìn phát huy, phát triển
truyền thống tốt đẹp của cha ông. Bốn
là:
Về công tác truyền thông và sáng tác ca khúc về họ Đồng Việt Nam đã triển khai
có hiệu quả. Nổi lên là trang điện tử của họ Đồng đã thường xuyên cập nhật, đưa
tin bài về các hoạt động của họ Đồng toàn quốc, đặc biệt đã xuất bản cuốn sách
Họ Đồng (2016) xuất bản Tập sách ảnh 2023 (quà tặng cho bà con họ Đồng trong lần
thứ 5 gặp mặt họ Đồng toàn quốc ở Cần Thơ). Sách Họ Đồng tập 2 xuất bản năm
2024 (có sửa chữa, bổ sung) làm quà tặng cho bà con họ Đồng toàn quốc trong lễ
tưởng niệm 694 năm Tổ đệ nhị Pháp Loa- Đồng Kiên Cương nhập niết bàn tại chốn tổ
chùa Vĩnh Nghiêm. Cùng với đó là 4 bài hát về họ Đồng Việt Nam, trong đó có ca
khúc “Pháp Loa- Đồng Kiên Cương – Một vì sao sáng mãi” do con cháu họ Đồng sáng
tác. Có thể nói sự ra đời của các ca khúc họ Đồng đáp ứng được lòng mong mỏi của
bà con họ Đồng toàn quốc mỗi khi gặp nhau cùng nghe, cùng hát, cùng cảm nhận mối
liên hệ thân tình đồng tộc, càng thôi thúc các thế hệ cháu con họ Đồng nguyện
luôn đoàn kết thương yêu đùm bọc phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, xây
dựng họ Đồng Việt Nam phát triển trường tồn cùng non sông đất nước. Kính
thưa Quý vị đại biểu, khách quý. Thưa
bà con cô bác họ Đồng Để có được những kết quả nêu trên để hôm nay, chúng
ta kính báo với Đệ nhị tổ Pháp Loa- Đồng Kiên Cương trong Lễ tưởng niệm này,
Ban Liên lạc họ Đồng Việt Nam xin trân trọng cảm ơn sự đóng góp tích cực vào
các hoạt động của các thành viên Ban Liên lạc họ Đồng Việt Nam và Ban liên lạc
họ Đồng các tỉnh thành địa phương cùng toàn thể bà con cô bác họ Đồng cả nước cả
về tinh thần và vật chất. Về
phương hướng hoạt động của họ Đồng năm 2024 - 2025 1-
Tiếp tục thực hiện kết nối dòng tộc và củng cố kiện toàn, thành lập các Ban
Liên lạc họ Đồng tỉnh, thành phố. 2-
Tiếp tục nghiên cứu thu thập tư liệu, tài liệu bổ sung luận cứ chính thống kết
luận nguồn gốc họ Đồng Việt Nam. 3-
Tiếp tục đẩy mạnh khích lệ các chi tộc nhánh họ Đồng viết gia phả với tinh thần
“dòng họ có gì là gia bảo thì con cháu đều biết và hiểu rõ”, củng cố nhà thờ,
xây từ đường. 4-
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. 5-
Ban Liên lạc họ Đồng Việt Nam phối hợp Ban Liên lạc họ Đồng một số tỉnh thành
phố nghiên cứu chọn vị trí phù hợp xây nhà thờ tổ họ Đồng Việt Nam (Xác định địa
điểm, hợp thức đất). 6-
Dự kiến tổ chức Đại hội họ Đồng Việt Nam lần thứ 3, Kỷ niệm 10 năm thành lập
Ban Liên lạc họ Đồng Việt Nam và Tưởng niệm 695 năm nhập niết bàn Tổ đệ nhị Pháp
Loa- Đồng Kiên Cương dịp 3/3/2025 (địa điểm, thời gian thông báo sau). Kính
thưa các vị đại biểu quan khách, thưa toàn thể bà con, cô bác họ Đồng. Một
lần nữa xin thay mặt dòng tộc họ Đồng Việt Nam chân thành cảm ơn các cơ quan,
ban ngành tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Dũng, xã Trí Yên, Ban Liên lạc họ Đồng tỉnh
Bắc Giang. Xin
chân thành cảm ơn Ban trị sự Giáo hội Phập giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, chùa
Vĩnh Nghiêm và cá nhân Hoà thượng Thích Thiện Văn, Ủy viên Hội đồng trị sự,
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng
ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm đã tạo mọi
điều kiện về tinh thần, vật chất và đồng chủ trì tổ chức buổi lễ thành công tốt
đẹp. Tôi
cũng xin trân trọng cảm ơn các tập thể, cá nhân họ Đồng, các thành viên Ban
Liên lạc họ Đồng Việt Nam đã tích cực ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động của buổi
lễ tưởng niệm hôm nay thành công mỹ mãn, để lại những dấu ấn tốt đẹp về chính
quyền, nhân dân địa phương và chùa Vĩnh Nghiêm. Ban
Liên lạc họ Đồng Việt Nam tin tưởng rằng sự nghiệp kết nối, đoàn kết và phát
triển của họ Đồng Việt Nam nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá truyền
thống của dân tộc Việt Nam nói chung, của văn hoá phật giáo Trúc lâm Yên tử nói
riêng luôn được lan toả và trường tồn. Xin
kính chúc quý vị đại biểu, cùng toàn thể bà con dòng tộc họ Đồng Việt Nam mạnh
khoẻ, hạnh phúc và thành công. “Huyết mạch họ hàng nối
dài theo đất nước - Vinh quang dòng họ truyền mãi với thời gian”. Xin
trân trọng cảm ơn.
Trưởng
Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam
Trung
tướng.GS.TS Đồng Minh Tại |