Bia hiện nay ở chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương

Bia cao 131 cm, rộng 82 cm, dày 14 cm. Đế bia hình rùa, dài 165 cm, rộng 103 cm, cao 30 cm. Hoa văn trên trán bia là hình rồng mang phong cách nghệ thuật thời Trần, chầu vào hàng chữ “triện” mang tên bia. Bao quanh riềm bia là hoa cúc dây cùng với chân bia trang trí hoa văn sóng nước, cũng mang đậm dấu ấn thời đại. Hoa văn trang trí trên bia khá phù hợp với niên đại tuyệt đối của tấm bia này: Niên hiệu Đại Trị thứ 5 (1362). Mặt trước khắc bài ký, thể chữ “Lệ”, gồm 39 dòng, 68 chữ. Mặt sau bia ghi tiếp bài ký, có 42 dòng, mỗi dòng 68 chữ, nhưng cuối bài ký số chữ ít dần, không tuân thủ quy luật.

Nội dung văn bia, xin tóm lược như sau: tóm tắt hành trạng các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm, đặc biệt là hành trạng của Đệ nhị Tổ Pháp Loa. Ông nguyên là Đồng Kim Cương, sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284), tại thôn Đồng Hoà, hương Cửu La, Nam Sách Giang (nay thuộc phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương). Năm Hưng Long 13 (1304), nhân chuyến thăm hương Cửu La của Trần Nhân Tông, Kim Cương ra bái yết. Nhân Tông nhận ra ông là người có đạo nhãn, cho Pháp Loa đi theo học đạo và đặt cho tên mới là Thiện Lai (người mang niềm vui).

Thiện Lai thông minh, hiếu học, có nhiệt tâm với đạo Phật, nên sau một năm, tại Tăng viện Kỳ Lân, ông được Trần Nhân Tông trao cho các bảo bối. Ngày 1 tháng 1 năm  Hưng Long 16 (1308), trao truyền thừa kế sự nghiệp, trở thành vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Ngày 5 tháng 5 năm  Khai Hựu thứ 2 (1330), khi Pháp Loa đang giảng kinh ở Thiền viện An Lạc thì mắc bệnh. Ngày 13, Pháp Loa về Quỳnh Lâm (Đông Triều ngày nay) tĩnh dưỡng. Ngày 19, bệnh trầm trọng, Pháp Loa cho gọi Huyền Quang đến để trao cho các bảo bối mà 22 năm trước, Trần Nhân Tông đã trao cho ông và dặn lại “Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế”. Đêm ngày 3 tháng 3, Pháp Loa viên tịch tại Quỳnh Lâm. Xá lỵ của ngài được đặt trong “viên thông báo tháp”, sau chùa Thanh Mai.

Trong sự nghiệp của Pháp Loa, ông đã đào tạo được 30 học trò xuất sắc, nuôi dạy 15.000 tăng ni, xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Quỳnh Lâm.

Văn bia cũng ghi, nhà sư Pháp Loa được Vua Trần Anh Tông cấp cho 100 mẫu ruộng ở hương Đội Gia, bao gồm cả canh phu, cộng thêm với 25 mẫu ở hương Đại Từ và 80 mẫu ở hương An Dinh. Năm 1312, Vua Trần Anh Tông lại lấy 500 mẫu ở trang Niệm Như cấp cho Pháp Loa.

Văn bia còn chép việc đúc tượng Thiên Thủ Đại Bi (Quan âm nghìn mắt nghìn tay), trùng tu nhiều ngôi chùa, trong đó có chùa Thanh Mai. Năm 1329, đã có hai khu chùa lớn là Báo Ân, Quỳnh Lâm, 5 ngọn tháp và 200 tăng đường được xây dựng. Năm 1314, ở chùa Báo Ân, Pháp Loa cho xây 33 cơ sở, gồm điện Phật, gác chứa kinh và tăng đường. Pháp Loa còn xây dựng các am Hồ Thiên, Chân Lạc, An Mã…, mở rộng chùa Thanh Mai và Côn Sơn. Thanh Mai viên thông tháp bi ghi rõ: “Sư (Pháp Loa) tạo hơn 1.300 pho tượng Phật lớn nhỏ, hơn 100 tượng bằng đất, dựng hai ngôi chùa lớn và 5 tòa tháp, lập hơn 200 tăng xá, độ hơn 15.000 tăng ni, in bộ kinh Đại Tạng”.

Văn bia còn ghi chép về những sinh hoạt, tín ngưỡng, truyền bá đạo Phật của không chỉ giới tăng lữ mà còn cả các cư sĩ “Tháng 12, sư (Pháp Loa) mộ hóa các vị tăng tục có duyên, chích máu in Đại Tạng kinh hơn 5000 quyển, lưu tàng ở Viện Quỳnh Lâm, Anh Tông tự thân chích máu viết Đại Tạng với 20 hòm nhỏ tặng cho sư (Pháp Loa)”.

Văn bia cũng cho biết, Pháp Loa còn cho san khắc “Tứ Phần Luật” với con số sao bản ấn tống, gần 500 bản.

Nội dung “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” là nguồn sử liệu quý giá trong việc nghiên cứu Phật giáo Đại Việt nói riêng và lịch sử văn hóa Đại Việt nói chung. Đó là sự đề cập tới các vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm, đặc biệt là Đệ nhị Tổ Pháp Loa. Qua văn bia này cũng cho biết được sự phát triển của Phật giáo thời Trần và tinh thần sùng Phật của Đại Việt thế kỷ XIV. Qua văn bia, lịch sử xây dựng và hình thành các trung tâm Phật giáo với sự kết nối từ Thăng Long – Chí Linh đến Yên Tử, là một chiến lược vô cùng sáng suốt của vua tôi nhà Trần đối với vùng biên viễn Đông Bắc. Mà không chỉ với Đông Bắc, các vùng núi xa xôi, biên cương của Tổ quốc, đạo Phật như bia đá, tượng đài để cắm mốc xác định chủ quyền quốc gia, mà những ngôi chùa ở Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ v.v đã khẳng định.

Việc văn phong kiêng húy chữ “nguyệt” chữ “thừa”, chữ “tông”, chữ “tộ”…trên tấm bia Thanh Mai cũng là một tài liệu quý cho việc nghiên cứu văn bản học nói chung, thời Trần nói riêng.

Văn bia Thanh Mai còn thể hiện tư tưởng Phật giáo thời Trần, đó là mối quan hệ giữa Thiền Tông và Mật Tông. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cương tràng đà la ni kinh khoa chú, đều là các kinh điển Mật Tông được phổ biến ở Đại Việt thời bấy giờ. Với việc thường xuyên làm lễ quán, đình – một nghi lễ đậm chất Mật giáo đã nói lên sự giao thoa giữa Mật Tông và Thiền Tông, trong quan niệm của các tăng nhân thời Trần nói chung là vô cùng đậm nét.

Văn bia cũng ghi việc đúc tượng Thiên Thủ Đại Bi (Quan âm nghìn tay nghìn mắt) đã cho chúng ta biết rõ về sự xuất hiện của tượng này ở Việt Nam là khá sớm. Nó không phải chỉ ở thời Mạc, chùa Đa Tốn (Hà Nội) hay là chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) mà còn sớm hơn thế. Bia Thanh Mai ghi rõ: “Đại Khánh bát niên Tân Dậu, Thượng Phẩm Hoài Ninh Hầu thỉnh sư chú Thiên Thư Đại Bi nhất tôn” (Năm Đại Khánh thứ 8 là năm Tân Dậu (1321), thượng phẩm Hoài Ninh Hầu xin sư (Pháp Loa) đúc một pho tượng Đại Bi, như vậy Phật điện từ thời Trần đã xuất hiện tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay.

Những giá trị trên đây cùng với giá trị mỹ thuật (hoa văn trang trí rồng, hoa dây, sóng nước) và giá trị thư pháp (lệ thư và triện thư) v.v... đủ để “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” xứng đáng là Bảo vật Quốc gia.


Theo Hồng Hải/Thế giới di sản