LỄ GIỖ TỔ HỌ ĐỒNG, THỤY TRƯỜNG,THÁI THỤY, THÁI BÌNH Được Hội đồng gia tộc họ Đồng Thụy Trường, Thái Bình và trực tiếp cụ Đồng Minh Hồng mời mấy lần về dự lễ Giỗ tổ họ Đồng Thụy Trường, Thái Bình, nhưng đến hôm qua chúng tôi mới có dịp về thăm đúng ngày giỗ tổ (mặc dù năm ngoái, nhân dự Giỗ tổ họ Đồng Diêm Điền, quê hương Thiếu tướng Đồng Văn Sơn, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công an, tôi cũng đã ghé về thăm từ đường này). BLL họ Đồng Hải Phòng dâng hương Tổ tiên họ Đồng Thụy Trường và phát biểu tại nhà thờ họ Đồng Thụy Trường, Thái Bình. Họ Đồng Thụy Trường, Thái Thụy, Thái Bình là thuộc nhánh của họ Đồng Ô Mễ, Tân Phong.Vũ Thư,Thái Bình. Hậu duệ họ Đồng ở đây và Ô Mễ truyền lại cho con cháu rằng: cụ Tổ Đồng Phúc Mẫn là từ Thanh Hóa ra, có nguồn gốc từ họ Đồng Chí Linh, Hải Dương, sau khi ra Thái Bình lập nghiệp, có 1 nhánh về Thụy Trường, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đến nay cũng đã được 13 đời… Điểm đặc biệt nhất là họ Đồng ở Thụy Trường là tổ tiên truyền lại con cháu phải giữ nguồn gốc là lấy đệm Đồng Như của tổ tiên, Trung tổ từ Thanh Hóa ra, và Thủy tổ lại bắt nguồn từ Chí Linh về , điều này trùng hợp với Gia phả của con cháu Quận công: Tiến sỹ Đồng Như Hồng (Thanh Hóa).Như vậy nhánh họ Đồng Thụy Trường nói riêng và nhánh Ô Mễ có phải là con cháu của Tiến sỹ Đồng Như Hồng, quê Thanh Hóa hay ko? Rất cần các hậu duệ con cháu các nơi này phối hợp với các nhà nghiên cứu có tâm tìm hiểu tiếp. BLL họ Đồng TP.Hải Phòng chụp ảnh lưu niệm với BKT họ Đồng Thụy Trường và họ Đồng Ô Mễ,Thái Bình. Về Thụy Trường, Thái Bình chúng tôi được gặp cụ Đồng Văn Nho, Trưởng tộc nhánh họ Đồng Ô Mễ. Mặc dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng cụ rất nhiệt tình và tâm huyết… Cụ rất phấn khởi thông báo là dòng họ tự tổ chức 1 xe tô cho đoàn gồm 30 thành viên họ Đồng Ô Mễ,Tân Phong,Vũ Thư về Thụy Trường dự lễ Giỗ Tổ rất đông vui… Sau lễ giỗ Tổ, chúng tôi tổ chức thăm ngôi đình Cả ở thôn Thụy Trường (tại đình cả còn lưu lại tên vợ chồng cụ Đồng Như Kiên khắc trên cột đình,nhân dân thường gọi cụ là quan Thương, cụ từng là quan huấn đạo tỉnh Thùa Thiên, sau là Tri Phủ Ninh Giang, tiếp sau lại về làm quan Thương Biện Doanh Điền, tỉnh Nam Định… Cụ đã công đức bộ cột gỗ lim và tiền bạc cho nhiều đình làng ở quê hương, mà đình Cả còn lưu dấu tích và khắc tên vợ chồng cụ trên cột lim ở đình làng); Ngôi đình cổ này rất có giá trị, điểm đặc biệt nhất là những bộ cột gỗ lim rất to, bề thế mà cụ quan Thương họ Đồng đã phát tâm công đức cho làng. BLL họ Đồng Hải Phòng chụp ảnh lưu niệm với ông Đồng Minh Hồng họ Đồng Thụy Trường và cây cột đình có khắc tên vợ chồng cụ Quan Thương (Đồng Như Kiên, quan Tri Phủ Ninh Giang) Được biết cách đó 2km cũng có 1 ngôi đình to rất giá trị thời Mạc, đoàn chúng tôi lại tiếp tục đi thăm ngôi đình cổ được chạm khắc đẹp và tinh tế tên là đình An Cố. Ngôi đình đã được Nhà nước xếp hạng từ năm 1962, thuộc thôn Thụy An (do Tiến sĩ Nguyễn Thế Ân đứng lên xây dựng (Năm 1527 vua Mạc Đăng Dung đăng quang, đã phong cho Nguyễn Thế Ân chức Trung Quan, hàm Ly Quốc công, ông là công thần bậc nhất trong việc mở vương triều, vì thế vua Mạc đã giao cho ông xây dựng Dương Kinh ở Hải Phòng… Chính tại thời điểm đó, Nguyễn Thế Ân đã về quê công đức xây đựng đình An Cố. Ảnh hưởng của nghệ thuật chạm khắc cung đình Dương Kinh, nên đình An Cố vừa tinh mỹ, vừa hoành tráng. Có những mảng lớn diện tích từ 3 – 4m2 mà từ long cuốn thuỷ đến phượng hàm thủ, liêm áp, liên quy, nghê múa, nghê chầu,... Mỗi linh vật là một tác phẩm, mỗi mảng chạm là một tác phẩm. Cả ngôi đình là một kiệt tác lớn đạt đỉnh cao của giá trị văn hoá nghệ thuật, thành chuẩn mực cho đời sau. Trải qua các biến động của lịch sử, cùng với Chùa Keo – Vũ Thư, và 62 di tích đầu tiên trên toàn miền Bắc được xếp hạng di tích Quốc gia, đình An Cố trở thành viên ngọc quý trong các di sản kiến trúc văn hoá thời Lê Mạc của đất nước, là điểm đến của nhiều du khách và các nhà nghiên cứu văn hoá trong và ngoài nước… BLL họ Đồng Hải Phòng và họ Đồng Thụy Trường dâng hương Đình An Cố, 1 ngôi đình có giá trị thời Mạc ở Thái Thụy, Thái Bình. Trên đường về TP. Hải Phòng, đoàn chúng tôi lại còn tới thắp hương mộ tổ họ Hoàng gốc Mạc ở Thụy Xuân, huyện Thái Thụy; cảng cá Diêm Điền,Thái Bình và điểm cuối là đền thờ Tiến sỹ Lê Khắc Cẩn ở huyện An lão, do vợ chồng bà Đồng Thị Mạnh và Lê Trọng Yêm hưng công (bà Mạnh là chị gái ông Đồng Minh Đoàn, và em ông Đồng Văn Kết quê An Thái, An Lão, Hải Phòng). Ông bà Yêm- Mạnh phát tâm công đức là nhà tài trợ chính xây dựng đền thờ Tiến sỹ họ Lê trên một khuôn viên rộng hơn 1 héc ta (gần 12.000 m2) bao gồm các hạng mục: Đền thờ chính, nhà giải vũ, nhà bia, hồ sen, cổng tam quan, ao cảnh, lăng tưởng niệm... Công trình đến thờ Tiến sỹ Lê Khắc Cẩn, được xây dựng khá quy mô, bề thế, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc thể hiện tâm huyết của con, cháu hậu duệ dòng họ Lê Khắc, nhất là ông Lê Trọng Yêm (là con rể họ Đồng). Tiến sỹ Lê Khắc Cẩn sinh năm 1833 tại làng Hạnh Thị, nay là làng Đông Hạnh, xã An Thọ, huyện An lão, Hải Phòng. (Ông thi hương khoa Ất Mão 1855, đậu giải Nguyên trường Nam Định, thi hội khoa Nhâm Tuất tại Huế đậu Hoàng giáp. Ông là tiến sỹ Hán học duy nhất của Hải Phòng thời Nguyễn). Cuộc đời và thân thế sự nghiệp của Lê Khắc Cẩn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước thương dân, thanh liêm. Ông còn nổi tiếng tài văn chương mà sự nghiệp để lại nhiều sáng tác gồm các thể loại: Văn chiếu biểu, văn sách, thư từ, câu đối… Năm tháng trôi qua theo dòng lịch sử song tên tuổi nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn mãi mãi lưu danh trong nền khoa bảng Việt Nam. BLL họ Đồng Hải Phòng dâng hương di tích quốc gia: Đền thờ Tiến sỹ Lê Khắc Cẩn, xã An Thọ, huyện An Lão (do vợ chồng bà Đồng Thị Mạnh và ông Lê Trọng Yêm tài trợ chính.) Đền thờ Tiến sỹ Lê Khắc Cẩn không những nổi tiếng vì quy mô lớn, tổ chức bài bản, xây dựng to đẹp, hoành tráng bởi có tấm lòng hào phóng và tâm huyết của các nhà tài trợ là con gái họ Đồng – bà Đồng Thị Mạnh và con rể họ Đồng – ông Lê Trọng Yêm, ông bà không những công đức tiền của để làm con đường vào đền Tiến sỹ Lê Khắc Cẩn mà kết hợp với Hội Sử học tổ chức đoàn nghiên cứu Lịch sử Hải Phòng vào Huế để nghiên cứu văn bia về cụ Lê Khắc Cẩn. Sau đó ông bà còn còn phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tổ chức cuộc Hội thảo về Tiến sỹ Lê Khắc Cẩn ở Văn Miếu năm 2003 (mà tôi cũng được mời tham dự - do GS. NGND Đinh Xuân Lâm làm chủ tọa), Không phụ công lao và tâm huyết của ông bà Đồng Thị Mạnh và ông Lê Trọng Thiêm, năm 2010 Đền Tiến sỹ Lê Khắc Cẩn đã được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia. Đây thực sự là niềm vui và tự hào của dòng họ Lê, họ Đồng nói riêng và nhân dân huyện An Lão và TP Hải Phòng nói chung. Đồng Thị Hồng Hoàn P.Ban tư liệu Tộc phả Ban liên lạc Họ Đồng Việt Nam Một số hình ảnh:
|