Tưởng niệm 15 năm ngày mất của cố thi sĩ Lục bát tài hoa Đồng Đức Bốn (1948 –2006) Đài VOV6 vừa thực hiện chương trình “Đôi bạn văn chương” với chủ đề “Ngọn gió trên cánh đồng xanh”.

Đó là cuộc trò chuyên giữa Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Biên tập viên TS. Đỗ Anh Vũ. Bạn có thể mở link sau để nghe:

http://vov6.vov.vn/tieng-tho/nha-tho-dong-duc-bon-ngon-gio-tren-canh-dong-xanh-c39-32569.aspx?fbclid=IwAR0bg-NTgSQVXWCRtzfzrUqSdlfZQNNzgKSKvzcj6bo77wu3TWPncHr9dDE

Nhà thơ Đồng Đức Bốn sinh ngày 30 tháng 3 năm 1948 trong một gia đình
lao động nghèo ở ngoại ô Hải Phòng.
Năm 1966, ông gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong. Hòa bình, ông
trở về làm thợ cơ khí tại Xí nghiệp cơ giới của Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng (Hải Phòng), Xí nghiệp Cơ khí 20 tháng 7 rồi Công ty Xuất nhập khẩu gia cầm Hải Phòng.

Ông bắt đầu sáng tác thơ từ cuối những thập niên 80 và dần khẳng định mình như một trong những thi sĩ lục bát độc đáo nhất của văn học Việt Nam hiện đại.
Ông mất ngày 14 tháng 2 năm 2006 tại nhà riêng ở thôn Song Mai, xã An Hồng, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng vì căn bệnh ung thư phổi…

1. Đồng Đức Bốn đã xuất bản tất cả 6 tập thơ. Cứ mỗi lần một tập thơ in ra thì trong gia đình ông có một người qua đời.Tập thơ đầu Con ngựa trắng và rừng quả đắng (1992) in ra, thân phụ nhà thơ qua đời. Tập Chăn trâu đốt lửa (1993) in ra, con trai nhà thơ qua đời. Tập trở về với mẹ ta thôi (2000) in ra, em trai nhà thơ qua đời. Tập Chuông chủa kêu trong mưa (2002) in ra, cháu ngoại nhà thơ mất. Và rồi đến tập cuối cùng, Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc (2006) in ra thì chính ông giã biệt nhân gian. Thơ ca có thể nói, đã gắn liền với Đồng Đức Bốn như sinh mệnh, như định mệnh.

Ai cũng biết Đồng Đức Bốn nổi danh với lục bát. Rất nhiều câu thơ của ông đã tách ra khỏi thi phẩm để có một đời sống gần như độc lập. Lục bát Đồng Đức Bốn, cứ hai câu một, đã găm thẳng vào trí nhớ người đọc.
Và ông có rất nhiều cặp hai câu xuất sắc như thế:

Đừng buông giọt mắt xuống sông/
Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm;
Cánh hoa sắc một lưỡi dao/
Vì yêu tôi cứ cầm vào như không;
Cầm lòng bán cái vàng đi/
Để mua những thứ nhiều khi không vàng;
Tôi thường đi trên lưỡi dao/
Tay cầm cơn bão mang vào cho em.

Nhiều người đã đồng ý rằng, thơ Đồng Đức Bốn mạnh về câu hơn là mạnh về bài.

Nhưng đã có lần, ông viết được một bài lục bát hoàn hảo trọn vẹn từ câu đầu đến câu cuối.

Đó là bài Cái đêm em ở với chồng:
Cái đêm em ở với chồng/
Để ai hóa đá bên sông đợi đò/
Cái đêm hôm ấy gió mùa/
Tơ nhện giăng đến cổng chùa thì tan/
Cái đêm lành lạnh gió mùa/ Em trong chăn ấm có đùa với ai/
Ngang trời tiếng vạc mảnh mai/ Chém trăng đã đứt thành hai mảnh rồi/
Mảnh nào em để cho tôi/
Khi buồn chỉ đặt ngang môi làm kèn.

Có thể thấy có hai mảng đề tài lớn trong thơ Đồng Đức Bốn, đó là đề tài tình yêu và nông thôn.

Lục bát về thôn quê của Đồng Đức Bốn có nhiều chất liệu quen thuộc mà những tác giả đi trước viết về nông thôn đã từng dùng như: chợ chiều, trâu bò, đê, hoa dong riềng, bồ kết, giếng đình, trúc xinh…nhưng cũng có những chất liệu thật độc đáo chưa từng ai sử dụng, chẳng hạn quần bò, mũ cối:

Nhà quê có mấy trai tơ/
Quần bò mũ cối giả vờ sang chơi (Nhà quê).

Lục bát về nông thôn của Đồng Đức Bốn có nhiều câu, nhiều cách diễn đạt mang đậm tính khẩu ngữ, vì thấp thoáng cái hài hước của dân gian. Một giọng điệu khác biệt rõ ràng đã được tạo ra, khác với nông thôn trong lục bát Nguyễn Duy và càng khác với nông thôn trong lục bát Nguyễn Bính:

Lề đường trong những chiếc lều/
Có cô hàng xén ngồi vêu cả ngày/
Ngả nghiêng mấy lão thợ cày/
Rượu say vác cả cối chày nện nhau (Chờ đợi tháng Ba).

2. Nhưng Đồng Đức Bốn không chỉ có lục bát về nông thôn. Ông còn có nhiều bài, nhiều câu lục bát rất hay về phố phường, thành thị. Một loạt cái tên phố, tên đường, tên địa danh thuộc Hà Nội đã đi vào thơ ông như: Hồ Tây, phố Huế, Bà Triệu, Chương Dương, Thụy Khuê, Tây Hồ, Ngọc Hà, Quán Thánh, ngõ Cấm Chỉ, ngõ Tạm Thương… Và trong rất nhiều những cái tên vừa kể ra ấy đã vụt thành những câu thơ ấn tượng, có khi như một xuất thần, là một nỗi bơ vơ lãng du ngơ ngẩn của chàng thi sĩ lãng tử:

Bụi bay trắng dốc Ngọc Hà/
Có ai thương bụi như là tôi không (Nhớ Thụy Khuê),
Xong rồi chẳng biết đi đâu/
Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương (Đi Xích lô đường Bà Triệu),
Chiều mưa phố Huế một mình/Biết đâu là chỗ ân tình đến chơi (Chiều mưa phố Huế).

Đồng Đức Bốn là một người quảng giao. Ông có rất nhiều bạn bè ở mọi miền, trong đó dĩ nhiên các bạn văn chương hay tề tựu ở chốn kinh kỳ. Nhiều bạn văn đã đi vào thơ của ông như Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Hưng, Nguyễn Huy Thiệp, Hữu Ước…Trong số đó, tôi đặc biệt thích bài Uống rượu với Lê Kim Giao:

Uống rượu với Lê Kim Giao/
Một chiều ở góc vườn đào cuối năm/
Rượu chưa rót vẫn sủi tăm/
Rượu chưa uống đã say nằm lên nhau…
Mây héo xuống đường Thụy Khuê/
Ai đi thì vấp ai về thì trơn.

Nhà thơ Lê Kim Giao từng tâm sự với tôi về những ngày tháng hàn vi của Đồng Đức Bốn. Thuở vẫn còn nghèo, ông thường đi xích lô đến thăm Lê Kim Giao ở Thụy Khuê. Hai người bạn trải chiếu ra giữa sân để đàm đạo văn chương, quên ngày quên buổi. Hai người cùng biên tập thơ cho nhau.
Và chính Đồng Đức Bốn đã viết một lời giới thiệu thật cảm động cho tuyển tập thơ nhạc của Lê Kim Giao những ngày tháng ấy…

Chân thành, nhiệt tình với bạn, Đồng Đức Bốn được yêu quý và đương nhiên cũng trở thành nhân vật trong tác phẩm của bạn bè. Nhưng có một người bạn thơ thật đặc biệt bởi ông cũng là một chính khách nổi tiếng lúc ấy: nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã dành tặng Đồng Đức Bốn một bài thơ mang tên Bạn thơ rất cảm động:

Bạn chừ đóng gạch nơi nao/
Văn chương lấm láp vêu vao mặt người/
Bất ngờ bạn đến thăm tôi/
Gửi cho mấy tập ôi trời là thơ/
Câu dài câu ngắn ngẩn ngơ/ Những rơm với lửa những tơ với tình/
Một người hoang dại một mình/ Bơ vơ giữa phố mong thành thi nhân/
Lòng yêu, yêu đến trong ngần/ Đường xa thương vết chân trần bạn tôi/
Mong sao bạn bớt bùi ngùi/
Cố làm thơ nữa để rồi gặp nhau.

3. Đã có rất nhiều nhà thơ viết về cái chết nhưng viết về cái chết bằng thơ lục bát thì Đồng Đức Bốn là người viết nhiều hơn cả. Từ trong tập Chăn trâu đốt lửa đã xuất hiện hàng chục bài lục bát viết về cái chết với những câu thơ ám ảnh người đọc:
Chết rồi tôi vẫn làm người/
Để nhận những nỗi đau đời em cho/
Chỉ mong ngày ấy mưa to/
Bước chân ai có ngại dò đường trơn (Thơ viết gửi người tình khi tôi chết),
Suốt đời sống trên ngọn gai/
Chỉ khao khát chết xem ai thương mình (Trả bút cho trời),
Mặc cho bụi mặc cho gai/
Mặc cho dao của những ai giết mình (Uống rượu với Lê Kim Giao),
Trở về với mẹ ta thôi/
Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ (Trở về với mẹ ta thôi),
Cuối cùng nếu phải ra đi/
Em xin gửi lại những gì cho anh…
Anh dặn em bấy nhiêu lời/
Khi mang xuống mộ cùng người tri âm (Kính gửi anh Điềm).

Cho đến những tháng ngày cuối cùng, lâm bệnh nặng, tự cảm thấy mình không còn nhiều thời gian nữa, Đồng Đức Bốn lại viết về cái chết một
cách an nhiên, bình thản:

Tôi giờ về với trăng sao/
Xin trời một trận mưa rào đón tôi(Xin trời một trận mưa rào đón tôi).

Cũng có khi, ông viết về cái chết trong một tâm thế quật cường, tranh đấu giành giật từng ngày từng giờ với bệnh tật, thể hiện niềm quyến luyến thiết tha với cuộc đời:

Tôi không thể chết được đâu/
Bởi tôi còn khúc sông sâu nợ đò…
Tôi còn nợ những người mong/
Bài thơ lục bát viết trong cõi buồn. (Tôi không thể chết được đâu).

Nếu xếp tất cả những bài lục bát của Đồng Đức Bốn sang một bên, thì còn một bài thơ rất độc đáo nữa để chúng ta phải nhớ. Đó là bài Em bỏ chồng về ở với tôi không.

Nguyễn Huy Thiệp từng nhận xét: “Bài thơ hay vì do cái chí, cái khí uất, cái tình cảm nông nổi thực thà, thậm chí có phần du côn liều lĩnh đã toát ra khiến cho người ta xúc động”. Tác phẩm thực sự là một phá cách táo bạo, có phần nổi loạn của thi sĩ họ Đồng:

Khi cuộc đời còn lắm bão nhiều giông/
Còn người tốt ít hơn kẻ xấu/
Trên đất rắn chân đi còn bật máu/
Em bỏ chồng về ở với tôi không…
Cỏ nát rồi cỏ mới lại sinh sôi/
Hoa cứ gợi một mùi hương đằm thắm/
Và tôi tin một ngày gần lắm/
Em bỏ chồng về ở với tôi.

4. Có một bài lục bát xuất sắc của Đồng Đức Bốn chưa kịp đưa vào hợp tuyển ngàn trang Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc. Đó là bài Mẹ ơi, cũng là bài thơ cuối cùng của đời thơ Đồng Đức Bốn:

“Bây giờ con chẳng có gì/
Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời/
Chỉ xin mẹ một tiếng cười/
Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con/
Chỉ mong trái đất vẫn tròn/
Biết đâu mẹ lại gặp con có ngày/
Cõi người nhiều nỗi đắng cay/
Cho nên Phật vẫn ngàn tay kêu cầu/
Cõi người còn lắm bể dâu/
Con lấy lục bát bắc cầu đi qua/
Tin rằng sông lắm phù sa/
Cho nên đời vẫn nở hoa bốn mùa/
Bây giờ trời đổ cơn mưa/
Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con”.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã có một nhận xét thật tinh tế về Đồng Đức Bốn, đó là “một hồn thơ lãng đãng phiêu du, như tiếng chim gù vọng lại của một mù sương không rõ ngày tháng năm nào”. Lục bát của Đồng Đức Bốn, như bài Mẹ ơi vừa dẫn, là dòng nước ngọt ngào ân tình chỉ cần đọc một lần đã thấm mãi vào hồn ta…

Nhiều người đã chọn lục bát, nhưng để được lục bát chọn thì không nhiều. Và Đồng Đức Bốn là một trong số ít những người được lục bát chọn, làm thơ như một bản năng trời cho.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong phần cuối một bài viết của ông đã gọi thơ Đồng Đức Bốn là ngọn gió trên cánh đồng xanh. Tôi tin ngọn gió trong lành ấy vẫn còn thổi mãi…

Theo TS. Đỗ Anh Vũ/An Ninh Thế giới 25-5-2021