Chùa Chung thuộc xã An Vĩ (Khoái Châu, Hưng Yên) tọa lạc trên mảnh đất nổi tiếng của đặc sản nhãn lồng. Người dân nơi đây tự hào có một ngôi chùa cổ kính, rêu phong. ĐĐ.Thích Thanh Hiền, người đã dành trọn tâm huyết trong công tác hướng dẫn Phật tử tu học, tu bổ xây dựng chùa và là người nặng lòng chia sẻ với những gia đình nghèo, khó khăn, bất hạnh.

Tiến tu nhập thế

Đại đức Thích Thanh Hiền (thế danh Đồng Văn Tiến), sinh năm 1975 tại thôn Hoàng Xá, xã Quyết Thắng (Thanh Hà, Hải Dương). Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chàng thanh niên Đồng Văn Tiến đã chủ động xin phép bố mẹ xuất gia nương nhờ cửa Phật tu hành.

Như duyên tiền định, Đồng Văn Tiến đến thụ giáo làm đệ tử của ĐĐ.Thích Thanh Tuấn, trụ trì chùa Nho Lâm, xã Mai Động (Kim Động, Hưng Yên) và được cố HT.Thích Thanh Tứ đặt pháp danh là Thích Thanh Hiền.

Sau này, điều may mắn đến với thầy Thanh Hiền là được cố HT.Thích Thanh Tứ cho về trông coi chùa Bình Kiều (thuộc xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu)- nơi trước đây HT.Thích Thanh Tứ đã trụ trì. Thời gian sau, thể theo nguyện vọng của chính quyền, tín đồ Phật tử và nhân dân địa phương nên ĐĐ.Thích Thanh Hiền đã được BTS THPG Hưng Yên ra quyết định bổ nhiệm kiêm trụ trì chùa Chung.

Với giọng trầm ấm, thầy tâm sự: “Ngay từ ngày đầu xuất gia tu hành, nhà chùa đã xác định tư tưởng kiên định một lòng hướng Phật; luôn sống khép mình trong giới luật của Phật, tu dưỡng thân tâm để tìm sự an lạc, giải thoát và mong giúp đỡ được nhiều những số phận nghèo khổ, bất hạnh”.

Ngày mới về chùa Chung, ĐĐ.Thích Thanh Hiền nhiều đêm lo lắng, trăn trở là làm thế nào để thỏa nguyện nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử, nhân dân địa phương. Chùa Chung nhiều năm không có trụ trì, cơ sở vật chất đều đã xuống cấp; trong khi đó nguồn kinh phí hạn hẹp nên gặp nhiều khó khăn đối với việc trùng tu, sửa chữa, xây dựng chùa.

Với tấm lòng hướng Phật, thầy đã thu phục nhân tâm của các Phật tử và nhân dân thập phương về công đức. Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, tận tâm với Phật pháp, ĐĐ.Thích Thanh Hiền trực tiếp đi tham khảo kiến trúc các chùa ở khu vực miền Bắc, phác thảo bản vẽ, tìm thợ có nhiều kinh nghiệm ở khắp mọi nơi… để tôn tạo, tu bổ, xây dựng chùa Chung.

Chính những việc làm cụ thể đó là hành động không lời để kêu gọi, vận động hàng nghìn tấm lòng từ bi của nhân dân thập phương. Từ năm 2006 đến nay, Đại đức đã cùng với Phật tử và nhân dân lần lượt trùng tu các hạng mục trong khuôn viên chùa: xây dựng tam quan; nhà thờ Tổ; điện Mẫu, đúc đại hồng chung… với tổng chi phí lên tới gần 5 tỷ đồng.

ĐĐ.Thích Thanh Hiền luôn làm theo tôn chỉ, giáo lý của nhà Phật; thấm nhuần triết lý từ bi của đạo Phật, thấu hiểu được mối quan hệ mật thiết không thể tách rời giữa việc đạo và đời. “Nếu không xuất gia tu hành thì tôi sẽ không học được những triết lý nhân sinh quan về luật nhân quả; từ, bi, hỷ, xả, vô thường, vô ngã; thấu hiểu tình thương, nhân ái và giúp con người hạn chế bớt tính ích kỷ, từ bỏ tham, sân, si... để sống nhân hòa, hướng thiện”, ĐĐ.Thanh Hiền tâm sự.

Còn nhiều trăn trở

Trên con đường xuất gia tu học, ĐĐ.Thích Thanh Hiền luôn tâm niệm đóng góp công sức, tâm nguyện với Phật pháp, thầy còn tích cực tham gia làm công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo, tặng quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó. Với uy tín, đức độ lan tỏa trong đạo và đời nên ĐĐ.Thích Thanh Hiền được các cấp Giáo hội, chính quyền tin tưởng, nhân dân Phật tử tôn trọng. Thầy được bầu làm Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Tỉnh hội, Phó đại diện Phật giáo huyện Khoái Châu.

Ghi nhận những đóng góp của ĐĐ.Thích Thanh Hiền, ông Nguyễn Như Bạo, Phó Trưởng phòng Nội vụ (phụ trách công tác tôn giáo) huyện Khoái Châu, khen ngợi: “ĐĐ.Thích Thanh Hiền là người nặng lòng với việc đạo và đời; có năng lực, đức độ, tư duy tổ chức, lãnh đạo, cảm hóa tín đồ Phật tử; ứng xử linh hoạt, giải quyết các mối quan hệ hài hòa”.

Trước thực trạng hiện nay một số bộ phận học sinh sa sút, xuống cấp đạo đức, phẩm chất, nhân cách, lối sống, ứng xử, đạo lý... Được nghe nhiều lần các vãi, Phật tử lên chùa tụng kinh, niệm Phật chia sẻ về thực trạng trên, ĐĐ.Thích Thanh Hiền có ước nguyện được đem lời dạy của Phật để gột rửa tâm hồn, định hướng nhân cách cho các em có một tương lai tươi sáng.

Thầy đau đáu nỗi niềm: “Mong muốn của tôi là mở khóa tu để giúp cho các em từng bước thấu hiểu giáo lý Phật pháp, học đạo làm người, nhận biết giá trị, ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Đây cũng là sân chơi bổ ích để các bạn trẻ nối vòng tay nhân ái, hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ trong cuộc sống”.

ĐĐ.Thích Thanh Hiền cho biết, hiện nay có nhiều chùa đã tổ chức lớp giáo lý, khóa tu cho mọi người (trong đó đối tượng chủ yếu là trẻ em, học sinh, sinh viên) rất hiệu quả, thiết thực đối với các tu sinh. Theo đó, tất cả các tu sinh khi tham gia khóa tu này đều ăn ở tại chùa và phải tuân thủ nghiêm ngặt các nghi thức sinh hoạt của nhà chùa.

Cụ thể, các bạn trẻ được nhà chùa hướng dẫn cách thiền để buông bỏ phiền muộn, âu lo; được nghe giảng pháp để biết cách tìm lại chính mình; học cách tụng kinh, cách lạy Phật, cách đối thoại, kỹ năng giao tiếp, lối sống, cách ăn uống, tự chăm sóc bản thân... Đó cũng là hướng để thầy hoằng pháp cho lớp Phật tử trẻ của chùa Chung.

Hình ảnh của thầy Thích Thanh Hiền trong mắt Phật tử thật sự gần gũi, bình dị nhưng thiêng liêng, thanh thoát đến lạ thường. Trước khi chia tay ra về, thầy đưa chúng tôi đi tham quan khuôn viên, vãn cảnh chùa. Mỗi lúc nghe chúng tôi hỏi về triết lý nhà Phật, nét mặt của Đại đức lại rạng rỡ, với nụ cười tròn viên mãn.


Theo Phật giáo Online