Tự nghiên cứu, sản xuất đồ chơi, Đồng Đức Thành cùng đội ngũ Kalotoys đã gặt hái thành công tại thị trường Mỹ. Từ đầu năm nay, Kalotoys hướng về quê hương, đồng hành cùng nhiều gia đình Việt trên chặng đường giáo dục sớm đối với trẻ em.
Từ sự trăn trở của ông bố, đến hành trình khởi nghiệp Đồng Đức Thành không bao giờ quên thời điểm năm 2020, đại dịch Covid-19 ập tới khiến công ty du lịch 5 sao nơi anh làm việc phải hoạt động cầm chừng, trong khi đó, gia đình nhỏ của anh chuẩn bị chào đón thành viên mới, áp lực kinh tế đè nặng lên đôi vai ông bố trẻ. “Làm gì để xoay chuyển tình thế” là câu hỏi khiến anh trăn trở mỗi ngày. Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn, nhưng cũng thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ. Chứng kiến nhiều doanh nghiệp Việt thành công khi bán sản phẩm ra nước ngoài, Đức Thành cũng suy nghĩ đến câu chuyện khởi nghiệp tương tự. Giữa lúc loay hoay tìm hướng đi, Thành và người bạn đồng nghiệp Lê Trung Anh nhìn ra một cơ hội. Vì cùng chuẩn bị đón em bé chào đời, hai ông bố trẻ đã chủ động nghiên cứu phương pháp giáo dục sớm cho trẻ em Montessori. Tuy nhiên, khi tìm đồ chơi để đáp ứng phương pháp này, họ nhận thấy, thị trường Việt Nam rất ít đồ chơi trẻ em mang tính giáo dục. “Đồ chơi trẻ em bán trên thị trường đa số là các mẫu màu mè, chất lượng thấp. Đồ từ Mỹ hay châu Âu tốt hơn, nhưng giá cao. Những món đồ chơi ấy rất đơn giản, Việt Nam hoàn toàn làm được, nhưng lại không có ai làm”, Đức Thành kể. Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, hai ông chủ của Kalotoys cho biết, họ dự định mở rộng xưởng sản xuất ở Việt Nam lên gấp đôi và mở mới xưởng sản xuất ở Mỹ để tối ưu chi phí vận chuyển, tăng tốc độ giao hàng và khả năng bán hàng tại Mỹ, đồng thời tiến vào thị trường châu Âu. Nhận thấy sự thiếu hụt phân khúc đồ chơi giáo dục sớm trên thị trường Việt Nam, Đức Thành và Trung Anh quyết tâm khởi nghiệp, thành lập Kalotoys. Cả hai tự nghiên cứu, thiết kế những tấm bảng busy board (bảng bận rộn), name puzzle (bảng xếp chữ theo tên bé), các món đồ chơi giáo dục… bằng gỗ plywood cao cấp nhập khẩu trực tiếp từ Nga, đảm bảo an toàn dù trẻ em có cho vào miệng gặm nhấm. Hai vị khách đầu tiên của Kalotoys chính là hai em bé của Đức Thành và Trung Anh, sau đó đến con của một số người bạn. Nhận được sự tin tưởng, ủng hộ từ người thân, bạn bè, cả hai mạnh dạn quảng cáo và đăng bán trên Facebook. Do giá bán cao (800.000 đồng/sản phẩm), họ chỉ bán được hơn 10 đơn hàng trong 5 ngày đầu tiên. Đức Thành nhận ra, khách hàng mua sản phẩm chủ yếu là người nước ngoài đang sống tại Việt Nam, hoặc là những người Việt từng du học, công tác tại nước ngoài. “Tôi nghĩ rằng, nhiều phụ huynh Việt Nam chưa tiếp cận với phương pháp giáo dục sớm, nên chưa hiểu về giá trị của sản phẩm, chỉ nghĩ đơn giản là đồ chơi mà đắt quá. Ngoài ra, khó khăn trong lúc Covid-19 khiến ai cũng thắt chặt chi tiêu. Vậy nên, chúng tôi chuyển sang bán tại thị trường Mỹ”, CEO 8x giải thích về sự chuyển hướng của Kalotoys. Những ngày đầu bán trên sàn thương mại điện tử Etsy của Mỹ, đơn hàng không nhiều. Nhưng sản phẩm của Kalotoys hợp “gu” người Mỹ vì thiết kế đơn giản, màu sắc nhẹ nhàng, nên dần dần, start-up có được chỗ đứng. Vào một buổi sáng năm 2022, một người nổi tiếng tại Mỹ chia sẻ sản phẩm của Kalotoys lên mạng xã hội. Nhờ đó, tình hình kinh doanh của Kalotoys khởi sắc, đơn hàng tăng mạnh. Cuối năm 2023, với hơn 3.000 đơn hàng/ngày, Kalotoys lọt top 10 nhà bán hàng lớn nhất Etsy. Kalotoys cũng là thương hiệu đồ chơi duy nhất trong top 10 và là đại diện Việt Nam duy nhất trong top 200 nhà bán hàng chạy nhất trên sàn thương mại điện tử này. “Chúng tôi rất hạnh phúc vì đã xây dựng được một thương hiệu đồ chơi chất lượng, bán tốt tại thị trường Mỹ dưới thương hiệu Việt Nam, để khách hàng biết sản phẩm họ mua đến từ Việt Nam, chứ không phải hàng Việt Nam gia công cho bên khác”, Đức Thành nhấn mạnh. Nỗ lực vươn tới thành công Thành công của Kalotoys đến từ quá trình không ngừng vượt khó của đội ngũ sáng lập. Đức Thành cho biết, vì gỗ sản xuất nội thất ở Việt Nam đa phần đều tẩm hóa chất để chống ẩm mốc, mối mọt, không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn khi dùng làm đồ chơi cho trẻ em, nên Kalotoys đã dành tới gần 1 năm để tìm ra loại gỗ nguyên liệu phù hợp. Sau khi tìm được gỗ, họ lại gặp khó khăn về sản xuất. Mất nửa năm đi khắp trong Nam ngoài Bắc mà không tìm được xưởng sản xuất nào đồng ý hợp tác, cuối cùng, họ đặt cơ sở sản xuất tại một góc nhỏ trong khu xưởng của người anh họ ở Bình Dương, chấp nhận đi đi - về về, vì văn phòng chính vẫn nằm ở Hà Nội. Ngay trong giai đoạn “bùng nổ” đơn hàng tại Mỹ, tưởng chừng đã chạm tay đến thành công, thì sự giới hạn về năng lực sản xuất đã đẩy start-up đến bờ vực phá sản. Do không thể giao hàng kịp tiến độ đặt mua của khách, sàn thương mại điện tử đánh giá Kalotoys là nhà bán hàng có nhiều rủi ro, quyết định giữ lại toàn bộ doanh thu. “Khó khăn về dòng tiền buộc chúng tôi tìm đến một vài nhà đầu tư, nhưng họ đều đánh giá thấp Kalotoys, đề nghị rót vốn ít, nhưng đổi lấy nhiều cổ phần. Thật ra, đó cũng là may mắn, để đội ngũ sáng lập nâng cao khả năng chiến đấu. Chúng tôi xoay xở vay mượn từ người thân để tiếp tục sản xuất, giải quyết các đơn hàng còn nợ. Gian hàng cũ bị sàn thương mại điện tử đóng cửa, chúng tôi phải lập gian hàng mới, coi như làm lại từ đầu”, Đức Thành kể. Anh phân tích, trong mảng đồ chơi giáo dục sớm, các nhà sản xuất của Việt Nam và Trung Quốc đều cần nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Nga. Ngành này không đòi hỏi máy móc phức tạp, nên công nghệ không phải là yếu tố cạnh tranh. “Chỉ có chất xám đến từ năng lực chuyên môn và sự khéo léo của người thợ thể hiện trong từng sản phẩm mới quyết định khả năng tồn tại trên thị trường”, Đức Thành nhấn mạnh. Với lợi thế về ngoại ngữ, Kalotoys tập trung xây dựng “bộ não” của mình, là phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), với đội ngũ lên tới 40 nhân sự. Trước khi đưa ra thị trường, mỗi sản phẩm đều được nghiên cứu kỹ đến từng chi tiết dựa trên các triết lý giáo dục sớm, giúp trẻ em vừa chơi, vừa thỏa sức khám phá thế giới xung quanh, phát triển kỹ năng, trí tuệ. Đến nay, start-up đã sở hữu 2 xưởng sản xuất tại Hà Nội, với tổng diện tích 2.300 m2. Sau thời gian chinh phục thị trường Mỹ và một số quốc gia khác như Australia, Canada, Anh, từ đầu năm 2024, Kalotoys quay trở lại thị trường Việt Nam. Mức giá sản phẩm, theo tiết lộ của CEO Đức Thành, chỉ bằng 1/3 so với giá bán tại thị trường nước ngoài. Thương hiệu cũng xây dựng kênh TikTok riêng, tích cực chia sẻ các kiến thức giáo dục sớm với các bậc phụ huynh. Dù nhận nhiều phản hồi tích cực từ trong nước, nhưng đội ngũ sáng lập xác định, Việt Nam không phải thị trường kinh doanh chính, nên không đặt nặng doanh số. Mong muốn của họ là đưa triết lý giáo dục sớm đến với phụ huynh Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng để nhiều doanh nghiệp cùng tham gia. “Chúng tôi đã rất cố gắng để đưa ra mức giá 400.000 - 500.000 đồng/sản phẩm, nhưng vẫn không thể đảm bảo tiếp cận tất cả trẻ em Việt Nam. Tôi mong có nhiều đơn vị cùng tham gia, với nguồn tài nguyên tốt, có thể, họ sẽ sản xuất được đồ chơi giáo dục sớm ở mức giá thấp hơn. Cùng nhau, trong vòng 15 - 20 năm nữa, chúng ta có thể đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ chơi giáo dục sớm của thế giới”, CEO Đức Thành kỳ vọng. |