Họ Đồng ở Trực Khang, Trực Ninh, Nam Định



Sơ lược về dòng họ:

Nằm giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ, mảnh đất Duyên Bình được hình thành khá sớm do sự bồi đắp của hai dòng sông trên. Cuốn “Xuân Trường phủ dư địa chí” do Phạm Văn Thụ viết năm Khải Định thứ 2 (1917) cho biết từ thời Lý mảnh đất này đã có người đến ngụ cư, đến thời Trần tiếp tục lại có người về đây sinh sống.

Tuy nhiên phải đến thế kỷ thứ XVI mảnh đất này mới rộng lớn như ngày hôm nay. Công lao đó thuộc về sự khai phá của 12 dòng họ có quê gốc ở Kinh Môn - Hải Dương, đứng đầu là cụ Đồng Tuấn Hoành, Hà Huống, Vũ Hội, Phan Bộ, Nguyễn Huyên, Nguyễn Kình, Nguyễn Thái Liễu, Nguyễn Sơn Minh, Hoàng Liên, Loại Cảnh Tiên, Tống Thế Nghi, Đoàn Quang. Các cụ bàn với nhau và đặt tên cho mảnh đất này là Duyên Bình, trong đó Duyên là tên gọi của một con sông trải dài theo dải dất Duyên Bình nghĩa là mong muốn một sự yên ổn lâu dài.


Trong số 12 dòng họ về đây sinh sống thì dòng họ Đồng vốn nổi danh là dòng họ có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Gia phả dòng họ cũng như văn bia Quốc Tử Giám có ghi lại nhiều thế hệ con cháu dòng họ Đồng tại Hải Dương đã đỗ đạt cao trong các cuộc thi như Đồng Thức đỗ Thái học sinh khoa thi Quý Dậu (1393) thời vua Trần Thuận Tông, Đồng Hãng đỗ Hoàng giáp khoa thi Kỷ Mùi niên hiệu Quang Bảo thứ 5 (1559) đời vua Mạc Phúc Nguyên, Đồng Tồn Trạch đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646) đời vua Lê Chân Tông. Ngoài ra trong các thế hệ con em kiệt xuất của dòng họ Đồng phải kể đến Đồng Kiên Cương, người đã tinh thông Phật học, được Phật hoàng Trần Nhân Tông trực tiếp đặt pháp danh Pháp Loa vào năm 1305, sau này Thiền sư Pháp Loa được suy tôn là Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm.


“Công đức bia ký” được soạn khắc năm Tự Đức 32 (1879) được lưu giữ tại từ đường dòng họ viết: “Vị tổ đầu tiên của dòng họ là Đồng Tuấn Hoành là người đã về đây mở mang mảnh đất lạc, sông Bình và đưa con cháu tạo lập làng xóm, các đời nối nhau để kế thừa công lao của cha ông gây dựng”. Gia phả dòng họ Hà tại xã Trực Khang do Hà Văn Mưu soạn lời năm Tự Đức thứ 12 (1859) đã cho biết vào năm Mạc Đại Chính thứ 3 năm (1532) buổi đầu đến Duyên Bình lập nghiệp, 12 dòng họ đã đoàn kết vượt qua cực khổ, vật lộn với thiên nhiên, khoanh vùng tiêu nước, lập nên 12 xứ Đồng chia đều cho các dòng họ. Tại 12 xứ Đồng đó, đều dựa theo thế đất và đặt tên đúng theo dòng họ sở hữu: xứ Đồng Hà Huống là của họ Hà, xứ Đồng Hoàng Liên của họ Hoàng, xứ Đồng Nguyễn Huyên của họ Nguyễn… Riêng đối với cụ tổ Đồng Tuấn Hoành, vốn là người tinh thông học thuật lại có công truyền dạy chữ nghĩa cho con em của làng nên được chia cho 1 xứ Đồng rộng gần 20 mẫu, có thế đất cao tại đầu làng để tránh ngập úng. Xứ Đồng đó đặt tên là Thượng Đồng nhằm thể hiện đạo hiếu tôn sư trọng đạo của cả làng.


Trong tâm thức của người dân Duyên Bình nói chung, con cháu trong dòng họ nói riêng thì cụ tổ Đồng Tuấn Hoành không chỉ là người có công tạo lập làng xã, cơ nghiệp mà còn là người đặt nền móng, khơi nguồn cho sự phát triển tri thức, học vấn cho các thế hệ người dân sau này. Phát huy truyền thống đó, ngay từ thời phong kiến nhiều thế hệ con em dòng họ Đồng đã đỗ đạt cao, giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình. Bia đá “Đồng tộc bia ký” soạn khắc năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cho biết cháu thế hệ thứ 3 là Đồng Tuấn Cơ đã từng được bổ nhiệm làm Huyện thừa huyện Vĩnh Khang, sau này cụ Đồng Tuấn Cơ có hai người con trai cũng đỗ đạt thành danh và được bổ nhiệm chức Huyện thừa.


Đến đời vua Khải Định có cụ Đồng Văn Hiên (1870 - 1941) là con cháu đời thứ 5 chi 2 đã từng giữ chức Đô úy Chánh tứ phẩm. Khi Cụ Đồng Văn Hiên nghỉ hưu về quê nhà được hưởng lương quan Tam Phẩm. Tính cách của Cụ là người liễm chính ngày thắng nhân ái. Cụ đứng lên Hội chủ hưng công cùng dân làng xây dụng các công trình văn hóa có giá trị đầu tư lớn trang nghiêm hoành tráng để lại cho đến ngày nay là ngôi chùa Hương Phúc thôn Lạc Chính. Đền thờ Thượng đẳng thần Quốc mẫu Hoàng bà Tứ vị Thánh nương. Hiện ngôi Đền đang làm thủ tục trình các cấp có thẩm quyền xét công nhận Di tích lịch sử Văn hóa. Cụ hưng công xây dụng nhiều cầu cống lớn kiên cố ở địa phương để phục vụ nhu cầu tưới tiêu đồng ruộng, xây dựng các công trình tiện ích phục vụ dân làng như xây cầu bắn xây giống nước lớn cho dân làng dùng chung, mở rộng đường làng lát tấm đá phiến đề dân làng đi lại sạch sẽ khang trang. Người dân làng Lạc Chính truyền đời ngợi khen ngưỡng mộ.


Theo các bậc tiền nhân truyền lại trong “Công đức bia ký” lập vào đời vua Tự Đức 32 (1879) và gia phả Đồng tộc được xác lập vào triều vua Nguyễn niên hiệu Tự Đức 24 (1871), “Đồng tộc bia ký” soạn khắc năm Bảo Đại thứ 15 (1940) thì từ đường dòng họ được xây dựng gian chính tẩm vào cuối thế kỷ thứ XVI và cho đến mùa xuân năm 1879, Cai Viên cùng bà Phạm Thị Diêm đã đề xuất với dòng họ cho gia đình được công đức tu sửa lại gian chính tẩm, gian tiền đường bằng gỗ lim…, mọi khoản xây dựng hết hơn 2.000 quan tiền, trong đó con cháu trong họ phát tâm công đức 200 quan tiền.


Ngày tốt tháng 10 năm Quý Hợi triều vua Nguyễn niên hiệu Khải Định thứ 8 (1923) cháu đời thứ 5 chi 2: Cáo Thụ Minh Nghĩa đô úy Quản kỳ chính tứ phẩm Đồng Văn Hiên, Thưởng thụ Cửu phẩm Bách hộ cựu Phó lý trưởng Đồng Hữu Tú đã cùng người trong họ là ông Đồng Xuân Bảng bàn bạc mua gỗ lim, gạch ngói để tu sửa nhà tiền tế tổng cộng hết khoảng 400 đồng. Nay lưu lại bia đá để cho được tường tận, mọi việc làm đều có ý nghĩa cả cho nên nếu làm việc thiện thì việc đó được lưu truyền và kế thừa mãi mãi và được người đời sau ca tụng không bao giờ mất được. Tổ tiên họ Đồng đã mở mang vùng đất Lạc và có bảy chi, bảy chi đều có từ đường riêng, con cháu được kế thừa làm cho dòng họ ngày một sáng lạng, giáo dục mọi người lấy việc thiện làm đầu, việc đó sẽ còn được dài mãi. Nên có thơ rằng:

“Nền nhân nghĩa vun đắp

Hiếu nghĩa còn truyền lại

Miếu đường ngày thêm đẹp

Trăm đời vẫn không quên”


Để tri ân các bậc liệt tổ, liệt tông có công khai sáng và vun đắp cho dòng họ, nối tiếp dòng lịch sử truyền thống của gia tộc họ Đồng, các thế hệ con cháu sau này đã phát tâm công đức 5 lần trùng tu, tôn tạo, nâng cấp khuôn viên, xây cổng, xây cầu, nhà truyền thống… với giá trị gần 700.000.000 đồng. Để rồi ngôi từ đường Thủy tổ dòng họ Đồng khang trang to đẹp như ngày hôm nay và được liệt vào hạng nhất trong các dòng họ trong xã và trong huyện nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ. Tiêu biểu như gia đình bà Đồng Thị Tiếp (Hà Nội) tiến cúng hàng trăm triệu đồng, trưởng tộc Đồng Văn Thung cùng gia đình con trai trưởng Đồng Ngọc Cường (Cổ Lễ) tiến cúng hàng trăm triệu đồng, ông Đồng Văn Mạnh (Cổ Lễ), ông Đồng Văn Nghiêm (đội 4) tiến cúng hàng chục triệu đồng và hàng trăm lượt các gia đình, cá nhân với tấm lòng vàng và nghĩa cử cao đẹp đã góp công sức, trí tuệ, tiền của để tôn tạo ngôi từ đường, để rồi ngôi từ đường của gia tộc họ Đồng mãi mãi là niềm tự hào của dòng họ, luôn tồn tại mãi cùng thời gian.


Hàng năm, nghi thức tế lễ lớn nhất của dòng họ là ngày mùng 10 tháng Giêng, ngày giỗ cụ thủy tổ Đồng Tuấn Hoành. Bắt đầu từ chiều ngày mùng 9 tháng Giêng tiến hành tế cáo, ngày mùng 10 tháng Giêng diễn ra tế chính thức, dù tế cáo hay tế chính thức thì nghi thức tương tự giống nhau, song song với việc tế nam quan, dòng họ thực hiện các nghi thức dâng hương, trình rượu, dâng trà. Những ngày này cũng là dịp con cháu trong gia tộc họp mặt, thăm hỏi, thắp nén hương thơm để tỏ lòng tôn kính, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai sáng ra dòng họ và mảnh đất Duyên Bình.


Lễ yến lão là truyền thống lâu đời của dòng họ cũng được tiến hành ở ngày giỗ tổ, song song với dàn nhạc bát âm tấu nhạc, dâng hương của các cụ tiên lão, sau đó là lễ thụ yến và nghi thức ban lộc của các cụ dành cho con cháu. Đây là nghi thức tượng trưng vừa mang ý nghĩa kính trọng người có tuổi của các thế hệ con cháu vừa mang ý nghĩa và có giá trị truyền lại cho đời sau những kinh nghiệm quý báu, những gì tốt đẹp nhất của thế hệ đi trước mong muốn có sự tiếp nối kế thừa, vun đắp cho các thế hệ mai sau.


Cũng tại ngày giỗ tổ, dòng họ tổ chức lễ khuyến học, khuyến tài cho các con cháu trong dòng họ có thành tích học tập tốt.

Những nghi thức tế lễ diễn ra tại từ đường dòng họ vào các ngày: Tế thu vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch, cúng giao thừa hàng năm, ngày giỗ tổ mùng 10 tháng Giêng không chỉ là đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lưu giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dòng họ, thỏa mãn tâm lý hướng về cội nguồn, hiểu rõ về nơi sinh thành của cha ông về quá trình đấu tranh lao động để gây dựng cơ nghiệp lâu dài cho thế hệ mai sau. Tất cả những yếu tố đó góp phần quan trọng vào việc định hướng và giáo dục con cháu tiếp nối nhau phát huy niềm tự hào để phấn đấu tiến bộ hơn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là một dòng họ có truyền thống học hành, nhiều người đỗ đạt nên tư tưởng yêu nước thương dân luôn được mọi thế hệ con cháu kế thừa và phát huy trong mọi thời kỳ lịch sử.


Ngay từ trước những năm 1930, trước những áp bức của tầng lớp hương hào, lý bá thì một người con trong dòng họ là Đồng Văn Hiên đã đứng lên tổ chức nhân dân bắt trói Trưởng bạ, đấu tranh phản đối chiếm đoạt công điền, đòi lại ruộng đất cho nhân dân. Thắng lợi của cuộc đấu tranh không chỉ làm người dân phấn khởi, tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết mà còn tạo điều kiện cho tư tưởng yêu nước và cách mạng bắt đầu được truyền bá sâu rộng vào các tầng lớp nhân dân. Ngày 18 tháng 8 năm 1945, xã Duyên Bình tổ chức giành chính quyền thành công đã tạo cho người dân trong xã về một niềm tin về một cuộc sống mới trong độc lập tự do.


Tuy nhiên, thực dân Pháp không từ bỏ ý định cướp mất nước ta, chúng tăng cường khiêu khích, tấn công đánh chiếm, vi phạm Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 và Tạm ước ngày 14 tháng 9 năm 1946, Pháp cho quân nhảy dù xuống Phát Diệm (Kim Sơn - Ninh Bình) mở đợt càn ra 6 huyện phía nam tỉnh Nam Định. Giai đoạn này, xã Trực Khang ngày nay nằm giữa các bốt nhà thờ: Liễu Đề, Nam Ngoại, Quỹ Trung, Bảo Chính, Chợ Đền, Thạch Bi, Cầu Tây nên thường xuyên phải gánh chịu các đợt càn quét của địch, phong trào cách mạng bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù vậy nhưng khí thế cách mạng của người dân nơi đây vẫn không lắng xuống, nhiều cuộc đấu tranh tấn công vào quân giặc vẫn diễn ra. Thời gian này, cùng với nhiều người dân khác trong xã, địa điểm từ đường họ̣ Đồng là nơi đào hầm bí mật cất giấu tài liệu, cứu chữa thương binh, là nơi đi lại liên lạc của cán bộ cách mạng. Hiện nay dấu vết của hầm bí mật còn được lưu lại trong từ đường.


Thời kỳ miền Bắc thực hiện nhiệm vụ vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ và xây dựng CNXH vừa chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược thống nhất đất nước, ngôi từ đường là nơi đưa tiễn những người con thể hiện quyết tâm lên đường cứu nước của các thế hệ con cháu dòng họ. Không chỉ có thế, thời kỳ này ngôi từ đường còn là kho chứa lương thực của nhà nước thể hiện quyết tâm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Tổng kết 9 năm kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dòng họ Đồng có 87 người tòng quân lên đường chiến đấu góp phần giành độc lập tự do cho Tổ quốc, trong đó có 11 người hy sinh trên chiến trường được công nhận là liệt sĩ, một bà mẹ được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 273 huân, huy chương các loại. Ngoài ra trong cả dòng họ Đồng tại xã Trực Khang có tổng số 07 hầm bí mật được đào tại gia đình để nuôi giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.


Dòng họ Đồng Trực Khang có 2 Tiến sĩ, 15 thạc sĩ, hơn 170 người cử nhân, nhiều người có hai bằng đại học, nhiều người là lãnh đạo ở các cơ quan của Đảng, quản lý nhà nước, giáo viên, các doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt, sĩ quan trong lực lượng vũ trang, người lao động giỏi góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Rất vinh dự đối với gia tộc họ Đồng, cùng với các giá trị lịch sử, truyền thống, kiến trúc. Ngôi từ đường Thủy tổ họ Đồng được UBND Nam Định công nhận là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 2055/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2009. Huyện ủy, UBND huyện tặng bức trướng khuyến học năm 2007.


Gương mặt tiêu biểu


Gia tộc họ Đồng có nhiều gương mặt tiêu biểu trong học tập, công tác, lao động. Tiêu biểu như: Ông Đồng Văn Bột, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại; Ông Đồng Tuấn Vũ, Chủ tịch, Giám đốc Công ty Thép Minh Ngọc Hà Nội.

Ông Đồng Văn Bột và Đồng Tuấn Vũ là anh em ruột. Công ty của hai ông phát triển bền vững, chăm lo đời sống công nhân, nộp ngân sách cho nhà nước mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Ông cùng với mẹ là Đồng Thị Tiếp (100 tuổi, mới mất năm 2022) và các anh em làm tốt công tác an sinh xã hội, ủng hộ xây dựng các công trình văn hóa, các công trình của xã hàng tỷ đồng, bằng nghĩa cử cao đẹp tiến cúng tu sửa từ đường hàng tỷ đồng, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

 

Ông Đồng Ngọc Cường, sinh 1954, Ông từng trải qua các chức vụ quan trọng như: Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh. Ông và gia đình ủng hộ xây dựng nông thôn mới của đội sản xuất hàng trăm triệu đồng, tiến cúng trùng tu tôn tạo từ đường hàng trăm triệu đồng...

***



Tổng số chi phái: Có 07 chi đều có Từ đường riêng

Tổng số suất đinh: Hơn 600 suất đinh tính từ 18 tuổi trở lên. Nếu tính từ khi mới sinh thì hơn 1.500 suất đinh.

Ngày giỗ tổ: Mồng 10 tháng Giêng.

Nhà thờ: Được xây dựng cuối thế kỷ XV; đã được sửa chữa, trùng tu vào các năm 1871, 1879, 1958, 1978, 1996, 2009, 2014. Nhà thờ được xếp hạng di tích theo Quyết định 2055/QĐ - UBND ngày 23/9/2009 xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa.

Trưởng tộc: Đồng Ngọc Cường, nguyên Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh.

Gia phả: Gia phả được lập năm 1874 và bổ sung năm 1940 thập tứ đại/16 đời đã dịch từ chữ Hán Nôm sang tiếng Việt để con cháu dễ nhớ.

Con cháu thành đạt: Tiến sĩ Đồng Mạnh Hùng giảng viên Trường Đại học Hàng hải; Tiến sĩ Đồng Văn Hướng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông; Có 6 sĩ quan cấp tá, 21 sĩ quan cấp úy; Thạc sĩ có 15 người; Bác sĩ có 5 người; Cử nhân và tương đương có 180 người.

Đặc biệt, dòng tộc họ Đồng Trực Khang rất tự hào vì có em Đồng Ngọc Hà. Em Hà đã có thành tích xuất sắc trong kỳ thi Olympic quốc tế năm 2020. Em là học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đoạt giải Nhất môn Sinh học trong kì thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2019 - 2020.

Đặc biệt, năm 2020, em Đồng Ngọc Hà đã giành huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế. Em đã được Chủ tịch nước trao tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Bằng khen. Đây là niềm tự hào không chỉ cho đất nước, mà cho gia đình và cả dòng tộc họ Đồng Việt Nam.


Đồng Ngọc Cường

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh

Trưởng tộc


Họ Đồng ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định


Họ Đồng ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, cư trú tập trung chủ yếu ở thôn Lý Nhân, còn gần đây một vài xã khác có người họ Đồng sinh sống thì chủ yếu cũng là người từ thôn Lý Nhân di cư về.


Họ Đồng ở thôn Lý Nhân, xã Nghĩa Sơn gồm 4 nhánh chính ít quan hệ với nhau, nhưng đều có nguồn gốc chủ yếu là từ xã Nghĩa Thái di cư ra vùng đất bãi bồi bên dưới cửa Liêu (bên dưới vùng đất Liêu Hải, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng ngày nay) vào khoảng năm 1874, dưới thời vua Tự Đức (1848 - 1883):

Nhánh họ Đồng có ông tổ 7 đời là Đồng Xuân Phang, với Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Xuân Thủy.

Nhánh họ Đồng có ông tổ 7 đời là Đồng Xuân Vạn, với Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Xuân Phái.

Nhánh họ Đồng có ông tổ 7 đời là Đồng Xuân Quần, với Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Xuân Dưỡng.

Nhánh họ Đồng có ông tổ 6 đời là Đồng Văn Ái, với Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Xuân Lợi.

Ngoài ra, về sau ở đất Lý Nhân còn có một nhánh họ Đồng theo Thiên Chúa giáo từ Nhân Hậu về sinh sống ở xóm giữa, có ông tổ 4 đời là Đồng Xuân Huyên, với Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Văn Thanh - Hiện đang là Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Nghĩa Hưng.

Cho đến thời nhà Lý, đất thôn Lý Nhân, xã Nghĩa Sơn ngày nay còn nằm dưới lòng biển thuộc khu vực cửa biển Đại An.


Theo tài liệu kiểm kê di tích lịch sử văn hóa huyện Nghĩa Hưng vào năm 1978, vùng đất thôn Lý Nhân thuộc xã Nghĩa Sơn ngày nay đến triều vua Tự Đức (1848 - 1883) mới có những người đầu tiên từ làng Nhân Hậu phía trên đến khai phá, nên thuở ban đầu vùng đất này được gọi là Nhân Hậu trại hay còn gọi là Nhân Hậu Đàng ngoài. Bởi vậy, trong đình làng bố trí các ban thờ cùng các đối tượng chính được thờ tương tự như ở đình làng Nhân Hậu và người làng Lý Nhân từ xưa đến nay cũng thường tổ chức cúng giỗ Tiến sĩ Đồng Công Viện vào ngày 22 tháng giêng âm lịch tại đình làng (tương tự như ở đình làng Nhân Hậu). Tiến sĩ Đồng Công Viện được sinh ra ở làng Nhân Hậu xưa, nay thuộc đất thôn Tràng Khê (trước còn có tên là Thượng Hương), xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, là nơi tổ tiên từ 5 - 7 đời của họ Đồng thôn Lý Nhân đã từng sống tại đó và mộ mấy cụ tổ họ Đồng ở đây cũng mới được bốc chuyển về đặt ở đất Lý Nhân từ năm 1984, nên ở đây cũng thờ vọng vị Tiến sĩ này (ban thờ phía trái) cùng với Thần hoàng làng họ Phạm (Phạm Cự Lượng, có ban thờ ở chính giữa) và từ lâu 2 làng này có nhiều tính chất tương đồng về văn hóa làng xã và giao lưu đi lại thăm nhau vào 1 số dịp giỗ chạp, lễ tết. Theo tư liệu còn lưu giữ được, ban đầu có khoảng 16 cụ thuộc mấy họ trong đó chủ yếu là các họ Lê, Đồng, Nguyễn, Phạm, Vũ, Lại, từ trên làng Nhân Hậu, Thượng Hương thuộc xã Hồng Thái xưa về đây lập nghiệp, làm ăn sinh sống trên vùng đất màu mỡ, rất giàu nguồn thủy sản này.


Theo tư liệu đã được Phòng Văn hóa huyện Nghĩa Hưng, từ năm 1997 thì đến triều vua Thành Thái (1889 - 1907), làng mới được chính thức tách lập về phương diện hành chính mang tên Lý Nhân như ngày nay với ý nghĩa “Nhân nghĩa lập lý tất thành”, còn trước đó vẫn được coi là phần đất mở rộng của làng Nhân Hậu, xã Nghĩa Thái.

Từ thời phong kiến, họ Đồng nơi đã đây đã xuất hiện một thầy đồ giỏi Nho, Y, Lý, Số, Phong thủy là ông Đồng Đức Vinh (1894-19770 thuộc chi nhánh họ Đồng có ông tổ là Đồng Xuân Vạn (thuộc nhánh cụ Đồng Xuân Tín ở Nghĩa Thái). Ông là học trò của ông đồ Bùi Đăng Bính người Yên Mỹ, Ý Yên, Nam Định, được mời về Lý Nhân dạy học. Sách vở, tài liệu học tập và để dạy học bằng chữ Nho của ông với số lượng lên đến hàng chục quyển vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Trong các sách viết bằng chữ Nho còn để lại có chỗ viết về các vị “Hậu thần bản thôn” có công khai phá lập làng ban đầu gồm 15 vị thì đã có 5 vị họ Đồng,. Vì là những tài liệu từ lâu đời truyền lại nên nhiều quyển bị rách nát vài ba trang đầu và cuối, mà theo cách trình bày sách chữ Nho thời xưa thì phần lời dẫn (tiểu dẫn) về xuất xứ thường được trình bày trong vài ba trang đầu (nằm ở cuối sách) này.


Về sau này, sang thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa, từ Nghĩa Sơn còn có một số chi nhánh họ Đồng di cư lên Tuyên Quang, Lào Cai... Có một gia phả của nhánh họ Đồng ở Lý Nhân có ghi con cháu nhánh ông Đồng Xuân Phan di cư lên Lào Cai, ở phia bắc ga Lào Cai và vùng đất Nhò Trong (gần ga Nhò). Hiện nay, nhóm người này vẫn còn quan hệ anh em họ hàng, việc hiếu, việc hỷ và như vậy một số nhóm người họ Đồng sinh sống tại các nơi này cũng sẽ có cùng nguồn gốc lâu đời từ Thiết Úng, Đông Anh (thuộc đất xứ Kinh Bắc xưa).


Họ Đồng ở thôn Lý Nhân thời điểm đông nhất cũng chỉ khoảng gần 400 người, nhưng ngày nay càng ngày càng giảm đi do đoản mệnh (chết trẻ) nhiều và càng ngày càng có nhiều người thoát ly khỏi quê hương đi công tác, lập nghiệp ở nơi khác, như lên TP. Nam Định, TP. Hà Nội, lên Lào Cai, vào Bỉm Sơn, Nhơn Trạch, Bình Dương…

Họ Đồng ở xã Nghĩa Sơn đã có 12 Liệt sĩ hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc (theo danh sách khắc ghi trên bia đá ở nhà tưởng niệm và ghi công các Liệt sĩ ở huyện Nghĩa Hưng), với một số bà mẹ của các Liệt sĩ này về sau đã được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (chỉ đối với những bà mẹ còn sống cho đến thời điểm xét phong tặng).


Từ trước tới nay (2015), họ Đồng quê gốc nơi đây mới có được 1 người đỗ Tiến sĩ là TS. Đồng Xuân Thành (cũng là Tiến sĩ duy nhất của cả xã Nghĩa Sơn, nhưng đã chuyển lên sinh sống tại Hà Nội trên 40 năm) đã có thâm niên trên 25 năm làm công tác nghiên cứu khoa học và trên 6 năm làm Giảng viên đại học (có một nhiệm kỳ làm Phó Trưởng Khoa kiêm Trưởng Bộ môn Cơ khí), có 1 người đỗ Thạc sĩ (ThS. Đồng Xuân Nghĩa, Ths Đồng Thị Xuân Nhân, là con của TS. Đồng Xuân Thành) hiện đang công tác tại một Viện nghiên cứu thuộc Trường Đại học Thủy Lợi và hàng chục người đỗ Cử nhân, Kỹ sư, trong đó có Chuyên viên chính Đồng Xuân Khanh, hiện đang công tác tại Vụ Ngân sách thuộc Bộ Tài chính; Đại tá, Thạc sĩ Đồng Xuân Thảo hiện là Trưởng Khoa Giáo dục quốc phòng của Trường Đại học Giao thông Vận tải; Đồng Thị The hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xuân, TP. Thái Bình,... Trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường có “Doanh nhân văn hóa” Đồng Xuân Muôn...


Tiến sĩ Đồng Xuân Thành

Phó Trưởng BLL họ Đồng Việt Nam


Họ Đồng ở xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng, Nam Định


Tổ tiên họ Đồng ở Nghĩa Thái có nhánh truyền lại rằng trước khi về xã Hải Lãng, huyện Đại An, thuộc phủ Nghĩa Hưng (phủ Nghĩa Hưng thời Hậu Lê kéo lên tận vùng núi Gôi, người họ Đồng từ vùng Kinh Bắc về đã từng sinh sống ở vùng gần núi Gôi, có lẽ là đất phủ Lườn xưa, nay thuộc xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, Nam Định ngày nay. Phả hệ truyền miệng của nhánh họ Đồng ở phủ Lườn này nói rằng ông tổ là Đồng Hu Cát gốc người phương Bắc (Trung Quốc) về cư trú ở đất này chịu khó học hành, dùi mài kinh sử nhưng nhiều lần đi thi không đỗ nên đã quyết định đổi họ sang họ Muộn (: có nghĩa là buồn), đặt họ Đồng () của mình đằng sau thành họ Muộn Đồng , sau đó bỏ làng ra đi vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch và con cháu hậu duệ của nhánh này lấy ngày đó làm ngày giỗ tổ.


Theo phán đoán hướng đi thời đó thì ông này đã đi xuôi về phía nam qua đò Đống Cao vượt sông Đào sang đất Hải Lạng ngày nay (tên gọi chệch của Hải Lãng thời Lê). Kết nối với truyền ngôn của một nhánh họ Đồng ở vùng Nghĩa Thái, mấy cụ trưởng lão ở đây truyền lại rằng có một ông họ Đồng ở phía Gôi về đất Hải Lạng xưng tên là Đồng Công Anh (hay còn gọi là Gíap Huệ, mộ táng tại Hưng Lộc, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng, Nam Định), sinh ra 3 ông tổ trú ở vùng phía Bắc Nghĩa Hưng ngày nay, sau con cháu dịch dần về phía Thượng Hương thuộc thôn Tràng Khê (xưa thuộc đất làng Thuần Hậu hay Nhân Hậu xưa), một ông tên là Đồng Nghĩa Trai (có cụ nói là Đồng Khánh Trai) ở đất Thượng Hương (có tượng thờ trong đình làng Nhân Hậu ở phía tay phải người nhìn vào), thuộc xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng ngày nay, một ông về ở thôn Hà Dương, thuộc xã Nghĩa Châu, Nghĩa Hưng ngày nay (ông tổ 7- 8 đời ở nhánh này có tên là Đồng Xuân Lợi), một ông về ở Lạc Chính (không rõ tên, thuộc Trực Khang ngày nay, mà đến thời Hậu Lê vẫn còn thuộc vùng đất bồi của xã Hải Lãng). Gia phả cách đây hàng trăm năm của một nhánh họ Đồng ở Nhân Hậu (nhánh ông Đồng Xuân Nghinh là Trưởng tộc) còn lưu giữ được viết rằng ông tổ về lập nghiệp đầu tiên ở đất Nhân Hậu xưa là Đồng quý công tự Khánh Khê. Trong gia phả nhánh này có ghi mấy vị đã từng thành danh ở đất này là các cụ Đồng Sĩ Phan - Thập lý hầu, cụ Đồng Xuân Thâu - Thị lang, Án sát Lạng Sơn, cụ Đồng Công Đường - Cẩn sự lang, cụ Đồng Xuân Dương - Giám sinh.


Từ xưa, ở vùng đất Nhân Hậu này đã xuất hiện hai thầy đồ họ Đồng thuộc hai nhánh là các cụ Đồng Xuân Chí và Đồng Xuân Trứ, các cụ này đã lập gia phả cho 2 chi nhánh dòng họ ở đất này, nhưng rất đáng tiếc là một gia phả đã bị rách nát do bị ngập nước sau khi được chôn giấu tạm ở bờ gò ngoài ruộng cạnh làng vào năm 1953 khi giặc Pháp càn qua đây, chỉ còn lại một gia phả của nhánh cụ Đồng Xuân Trứ mà hậu duệ là Trưởng tộc Đồng Văn Nghinh còn giữ lại được. Khi tiến hành tìm hiểu gia phả, nguồn gốc của mấy nhánh họ Đồng ở xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, thì được biết có khoảng 4 chi nhánh chính:

Nhánh có ông tổ 8 đời là Đồng Xuân Thiện (còn ông tổ đời trước trên ông này thì không rõ tên), hiện cư trú chủ yếu tại thôn Nhân Hậu (mới) bên dưới sông trên đường vào xã Nghĩa Thái. Nhánh này đã từng có 2 cụ cố 6 đời trước nối tiếp nhau làm Tiên chỉ làng và có Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Xuân Lợi (1930). Nhánh này có khả năng từ xứ Kinh Bắc về qua vùng gần núi Gôi rồi mới về Nghĩa Thái.


Nhánh có ông tổ 8 đời là Đồng Văn Công (còn ông tổ đời thứ 9 trên ông này thì không rõ tên), hiện cư trú chủ yếu tại thôn Tràng Khê (đất làng Thuần Hậu xưa), phía trên sông trên đường vào xã Nghĩa Thái. Quyền Trưởng tộc nhánh này hiện nay là ông Đồng Xuân Tĩnh (1956), vì Trưởng tộc lẽ ra là ông Đồng Xuân Bình (anh ông Đồng Xuân Tĩnh) đã di cư vào sống ở Cà Mau. Nhánh này thường giỗ tổ vào ngày 22/ 2 âm lịch.


Nhánh có ông tổ 8 đời là Đồng Xuân Trứ, có Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Văn Nghinh (ông Đồng Cao Sơn sinh năm 1960 là đại diện của nhánh này tại Hà Nội), hiện cư trú chủ yếu tại thôn Nhân Hậu (mới) bên dưới sông trên đường vào xã Nghĩa Thái và từ lâu đã có nhánh di cư vào Sài Gòn (cũ), sau này còn vào tận TP. Cần Thơ. Nhánh này có khả năng từ xứ Kinh Bắc về qua Chí Linh thuộc Hải Dương ngày nay, rồi mới về Nghĩa Thái. Trong nhánh này nghe truyền là có một người di cư vào Sài Gòn (cũ) sinh ra ông Đồng Tuy (1920 - 1995) là Giáo sư, Tiến sĩ của Đại học Văn khoa Sài Gòn. Nhánh này thường tổ chức giỗ tổ vào ngày 27/1 âm lịch.

Nhánh có ông tổ 6 đời, hiện cư trú chủ yếu tại thôn Nhân Hậu (mới) bên dưới sông trên đường vào xã Nghĩa Thái, gần nhà thờ Thiên Chúa giáo, có Trưởng tộc hiện nay là ông Đồng Văn Thường?. Nhánh này có khả năng từ Đồng Xá, Kim Thành, Hải Dương về Nghĩa Thái. Theo phong tục trước đây thì bên Thiên Chúa giáo thường không tổ chức cúng giỗ tổ tiên.


Riêng nhánh ông Tiến sĩ Đồng Công Viện không để lại hậu duệ, theo suy đoán từ việc kết nối với gia phả của họ Đồng thời Hậu Lê ở Thiết Úng (thuộc xứ Kinh Bắc xưa) thì bố ông này là Đồng Như Châu (là con trai thứ của ông Đồng Văn Viện, được sinh ra ở xã Hà Vỹ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, mà theo di truyền dòng dõi trong anh em họ hàng có nhiều người đoản mệnh, nên ông này phải chịu cảnh mồ côi sớm và lớn lên chỉ với sự đùm bọc, che chở và thân phận thấp kém của người mẹ nên khi thành đạt ở tuổi 32, đỗ được Tiến sĩ mới bị chức dịch trong làng kỳ thị, chịu uất ức đến mức phải tự vẫn trong dịp về làng “vinh quy bái tổ” vào ngày 22/1 âm lịch của năm Qúy Tỵ (1713). Từ lâu, vào ngày này, cả mấy nhánh họ Đồng ở Nghĩa Thái đều tổ chức dâng lễ vật cúng giỗ ông này vào ngày 22/1 tại ban thờ ông được đặt bên cánh trái trong đình làng Nhân Hậu (ông đã được Triều đình nhà Nguyễn sắc phong Trung đẳng thần).

Các nhánh họ Đồng ở Nghĩa Thái cũng có đến hàng chục người hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc và về sau cũng có một số mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Họ Đồng ở xã này chỉ mới có một số người đỗ Cử nhân, làm nghề giáo viên hoặc chuyên viên quản lý giáo dục của huyện, làm cán bộ của một số Tổng Công ty Nhà nước.


Thần tích đình làng Nhân Hậu xưa có ghi thời Hậu Lê có 4 họ đến khai khẩn mở làng là các họ Đinh, Đồng, Vũ, Phạm với 27 xuất đinh ban đầu và làng Nhân Hậu thời ban đầu đó có tên là Thuần Hậu. Người họ Đồng tụ tập dần về định cư sinh sống tại đây có thể gồm con cháu của các ông Đồng Chính Trào, Đồng Như Trân, Đồng Như Châu (họ Đồng ở Thiết Úng) và có thể còn có cả một nhánh cháu chắt của cụ Đồng Nhân Giáo đi làm con nuôi ở Chũ (thuộc Bắc Giang ngày nay), sau khi ra Chí Linh cũng lại di cư về đây.


Như vậy, họ Đồng ở xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng, tuy cùng một gốc nhưng lại từ mấy nhánh về vào các khoảng thời gian khác nhau, trong khoảng từ năm 1652 đến năm 1679, thuộc thời Hậu Lê (1533 - 1788).

Tiến sĩ Đồng Xuân Thành

Phó Trưởng BLL họ Đồng Việt Nam