Cụ thủy tổ là Đồng Tuấn Hoành từ Chí Linh Hải Dương cùng với 11 cụ của các họ khác (được tôn là thập nhị khai sáng có bài vị thờ ở các đình đền của các làng trong xã Duyên Bình xưa) về đây lập nghiệp từ năm Mạc Đại Chính thứ 3 – 1532 (theo Bia đá tại từ đường và gia phả của dòng họ Hà cùng xã do Hà Văn Mưu soạn năm Tự Đức thứ 32(1859). Với gần 1000 suất đinh và hàng chục chi phái chiếm dân số đông nhất so với các dòng họ sinh sống tại xã Trực Khang. Ngoài ra còn có các chi phái sinh sống tại các xã như Trực thái, Trực Phú, Trực cường, Trực Thắng, Hải châu, Hải Anh, Cổ Lễ, Bắc Cạn, Lâm Đồng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện đã có19 từ đường (ngoài từ đường thủy tổ) của các chi phái để thờ liệt tổ liệt tông. Lăng mộ tổ tiên: hiện nay là mộ của hai cụ tổ (mộ kép) Đồng Tuấn Đức (ngũ đại) và cụ Đồng Tuấn Dị (lục đại ) còn mộ cụ thủy tổ không có ở đây vì cụ là anh cả của dòng họ ở Chí Linh cho nên khi dẫn con cháu về đây mở mang nơi đất Lạc Sông Bình thành tài thì cụ lại về chí linh, nên phần mộ của cụ ở Chí Linh. Ngày giỗ tổ: vào 10 tháng giêng ( năm Âm lịch). Nhà thờ đã được xây dựng từ lâu (không rõ) nhưng theo bia đá (công đức bi ký) soạn khắc năm Tự Đức 32 (1879) để tại từ đường cho biết thì năm này dòng họ tiến hành sửa lại gian chính tẩm, cũng như hai bên hành lang của từ đường với vật liệu chủ yếu bằng gạch ngói, muối mật, gỗ lim Người có công đầu trong việc này là cụ Đồng Tuấn Di thụy là mẫn Tiệp cùng người con trai là cựu lý trưởng, tiên chỉ Đồng Văn Hưởng. Đến năm khải Định thứ 8 (1923) được sự công đức của các ông Đồng Hữu Hiên, Đồng Xuân Bảng, Đồng Hữu Tú dòng họ đã mua gạch ngói, gỗ lim để tu sửa tiền đường. Năm Bảo Đại ( Canh Ngọ-1930) gian chính tẩm được tu sủa đồng thời tiến hành thay thế cột đá, máng nước bằng đá giữa hai cung chính tẩm và tiền đường. Năm 2006 dòng họ tập trung kinh phí đại tu Tiền đường, năm 2007 gia đình ông trưởng tộc bắc cầu, vỉa bờ sông, làm cổng, lát sân, làm vườn hoa cây cảnh tạo thế khang trang cho ngôi từ đường thờ thủy tổ. Năm 2009 từ đường dòng họ vinh dự được đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2012 gia đình cụ Đồng Thị Tiếp sinh sống tại Hà Nội công đức đại tu lại cung chính tẩm. Năm Bính Thân (1956) sao lại gia phả cũ. Hiện có sơ đồ dòng họ qua các đời (cây gia phả). Trong tâm thức của người dân Duyên Bình (Trực Khang xưa) nói chung và con cháu trong dòng họ nói riêng thì Đức tổ Đồng Tuấn Hoành không chỉ là người có công tạo lập làng xã cơ nghiệp mà còn là người đặt móng khơi nguồn cho sự phát triển tri thức, học vấn cho các thế hệ người dân sau này. (Cụ là thầy giáo, người đầu tiên đưa cái chữ về đất Duyên Bình) Phát huy truyền thống đó ngay từ thời phong kiến nhiều con em dòng họ Đồng đã đỗ đạt cao giữ những chức vụ quan trong trong triều đình và được triều đình phong tước. Bia đá (Đồng tộc bi ký) soạn năm Bảo Đại thứ 15-1940 cho biết cụ Đồng Tuấn Dị (lục đại) là thập lý hầu kiêm hậu thần. Cụ sinh Đồng Tuấn Cơ (thất đại) được phong Phó sở sứ phụng thăng tiến công thứ lang, Vĩnh khang huyện, huyện thừa kiêm hương kì trưởng hậu thần. có con là: Trưởng tử Đồng Tuấn Công tự Pháp Đôn ( bát đại) là: tiền Tú Lâm cục, tái phụng thị thượng điện hữu phiên kiêm huyện thừa chức thu thọ hương trung nho. Đồng Tuấn Hoằng là: tiền Tú lâm cục, tái thập lý hầu thuyên thụ tiến công thứ lang thần sách vệ, tri bạ kiêm hương trung trùm trưởng hậu thần. Đồng Tuấn Dực Tiến công thứ lang, huyện thừa huyện Lộc Sơn kiêm hương trung kỳ thọ hậu thần . Đến đời vua Khải Định có : Đồng Hữu Hiên là cháu đời thứ 5 của Đồng Tuấn Hoằng từng giữ chức Đô úy chánh tứ phẩm. cụ Đồng Hữu Hiên cũng là người có nhiều công lao đóng góp xây dưng từ đường và đền chùa miếu mạo trong làng ngoài xã, kể cả đền thờ đức Triệu Quang Phục tại Độc Bộ nơi nhà vua tuẫn tiết. Đồng Ngọc Cường ( đời thứ 16) là chủ tịch UBND huyện Trực Ninh, Nam Định. Là trưởng tộc, ông cũng là người có tâm trong việc đóng góp công của trong việc tu sửa, tôn tạo từ đường, đền chùa miếu mạo cũng như đường xá trong xóm ngoài làng. Là một dòng họ có truyền thống học hành đỗ đạt, nhiều người được bổ làm quan, tư tưởng yêu nước thương dân luôn luôn được giáo dục để kế thừa, phát huy trong mọi hoàn cảnh của đất nước. Đặc biệt tư tưởng đó đã thể hiện qua những đóng góp qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ của dân tộc. Ngay từ những năm 1930 trước áp bức của hương hào lý bá thì một người con của họ Đồng là Đồng Hữu Hiên đã đứng lên tổ chức nhân dân bắt trói trưởng bạ, đấu tranh phản đối chiếm dụng công điền đòi lại ruông đất cho nhân dân. Thắng lợi của cuộc đấu tranh không chỉ làm người dân phấn khởi tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết mà còn tạo tiền đề cho tư tưởng yêu nước và cách mạng được tuyên truyền sâu rộng vào các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. (Theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Xã Trực Khang) Ngôi từ đường của dòng họ không chỉ là nơi thờ phụng tổ tiên mà còn là nơi xum họp của những con cháu có chung dòng máu hướng về cội nguồn, phát huy truyền thống ông cha, là nơi có hầm bí mật, cất giữ tài liệu, nuôi dấu cán bộ, là nơi liên lạc của cán bộ cách mạng, cứu chữa thương bệnh binh, là chứng tích ghi lại thời kì đen tối nhưng đầy hào hùng của Đảng bộ và nhân đân trong xã. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngôi từ đường lại là nơi thể hiện quyết tâm lên đường cứu nước của lớp lớp các thế hệ con cháu trong dòng họ. Ngôi từ đường còn là nơi chứa kho thóc của chính phủ góp phần bảo đảm cho khẩu hiệu thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người… Hơn 200 con em người họ Đồng nơi đây đã ra mặt trận, ra nơi đầu sóng ngọn gió, chia lửa với chiến trường, trong đó có 23 sĩ quan từ cấp úy đến cấp tá hoàn thành nhiêm vụ họ được tặng thưởng 371 huân huy chương các loại. Hòa bình lập lại, dòng họ vui mừng khi giang sơn thu về một mối, Tổ quốc thống nhất mọi người con của dòng tộc lại không ngừng vươn lên lâp thân lập nghiệp trên con đường xây dựng CNXH mà Đảng và chính phủ đề ra. Phát huy truyền thống hiếu học theo gương cụ thủy tổ Đồng Tuấn Hoành về đây làm nghề dạy học nên có hàng trăm người theo nghề cụ làm giáo viên từ đại học cho đến tiểu học. Có hàng chục người làm hiệu trưởng, hiệu phó các trường từ đại học đến tiểu học. Đã có hơn 400 cử nhân trong đó là các bác sĩ, kỹ sư , văn nghệ sĩ và 1 tiến sĩ, 22 thạc sĩ, là dòng họ đã được huyện ủy HĐND, UBND huyện Trực Ninh tặng bức trướng ghi danh một dòng họ có phong trào khuyến học khuyến tài xuất sắc. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, dòng họ Đồng ở đây cũng gương mẫu đi đầu. người hiến đất, người hiến ruộng, người góp của, người góp công làm đường giao thông để cho thôn xóm khang trang bề thế. Có người hiến hàng trăm, hàng tỷ đồng làm trường học, đại tu từ đường, sửa Đền, sửa chùa làm cho quê hương ngày càng thay da đổi thịt. Dòng họ còn có Tộc ước dù bằng văn bản hoặc nói miệng với nhau để duy trì nề nêp trong họ như tang ma, gia lễ, tộc lễ… Trong cuộc sống thường ngày, mối quan hệ họ hàng luôn được đề cao: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Sống với các mối quan hệ họ hàng, người trong họ luôn đề cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, cưu mang, đùm bọc, che chở nội tộc với tinh thần: “ Xẩy cha còn chú, xẩy mẹ bú dì”; “Nó lú nhưng chú nó khôn”, … kết tinh nhiều giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của người Việt. Với ý thức sâu sắc về nguồn cội đã được kết nối những người họ Đồng cả nước với nhau sẽ trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Nó làm thức dậy lòng kiêu hãnh tự hào, đốt cháy niềm phấn khích đam mê, thêm sức mạnh tinh thần để cháu con nêu cao sự học bứt phá vươn lên trở thành những người tài đức song toàn, nối nghiệp tổ tông, sáng danh dòng tộc, vinh hiển quốc gia. Sản sinh những tài năng, giáo dục nhân phẩm, cổ vũ tinh thần để góp phần phát triển những biệt tài, định hình nhân cách lớn cho nền văn hiến Việt Nam./. Đồng Ngọc Hoa Một số hình ảnh hoạt động của Họ Đồng xã Trực Khang, Trực Ninh, Nam Định:
|