Lịch sử và giai thoại về họ Đồng ở Cốc Đán

Xã Cốc Đán là vùng đất cổ. Trước kia, thuộc châu Cảm Hoá, phủ Tòng Hoá, tỉnh Thái Nguyên, phía Bắc và Đông Bắc giáp với xã Nam Ty, Kim Mã, Hưng Đạo tỉnh Cao Bằng. Khi chưa có đường Quốc Lộ 3B (từ Ngân Sơn lên Be Le qua Tài Hồ Sìn về Cao Bằng) con đường thông thương (đi bộ, đi ngựa) chủ yếu đi qua Cốc Đán lên Cao Bằng, là vùng kinh tế và văn hoá sớm được “khai mở với thị trường mỏ thiếc Tĩnh Túc, mỏ wolfram Phja Oắc... Cốc Đán, có thế mạnh của vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản (vàng, bạc), đất đai màu mỡ, nông sản dồi dào lại sớm tiếp cận với nền văn minh kinh tế thị trường, với trình độ trong canh tác nông nghiệp luôn được nâng cao, được chứng kiến và nhạy bén trước các biến cố về văn hoá, chính trị... Nên vùng đất và con người ở Hoàng Phài, Nà Cha, Bản Pàu... đã trở thành một địa danh có tiếng trong một khu vực phía Bắc rộng lớn.


Cộng đồng dân cư Cốc Đán đã sớm xuất hiện những người con ưu tú, yêu nước, tài năng, đức độ, ham học, cần cù trong lao động, thành đạt trong nhiều lĩnh vực. Trong đó có những người con họ Đồng. Đã để lại cho đời sau một chương sử và những giai thoại.

Cụ Đồng Quán, là tổ họ Đồng, từ phương Bắc di cư vào Cốc Đán khoảng năm 1500. Tại Cốc Đán, vào đời thứ 4 khoảng năm 1810 là ông Đồng Kim Thắng làm Chánh tổng (Tổng Tiền). Đời thứ 5, Đồng Phúc Nguyên, là con thứ 4 trong gia đình 6 trai 3 gái. Từ đây phân ra các chi Phúc, Quang, Ích, Văn... Đời thứ 6, có ông Đồng Phúc Bảo sinh năm 1869 là con thứ của ông Nguyên, gia đình một trai hai gái.


Vào thời ấy, năm 1886, Pháp bình định xong Bắc kỳ. Ngày 13/2/1888 một toán quân Pháp từ Bảo Lạc kéo xuống lập đồn Kéo Lẻng (Cốc Đán), đồng thời Pháp cũng lập đồn tại Châu lỵ Ngân Sơn.

Đồn trưởng Le Briol với con mắt của một kẻ được đào tạo bài bản những kỹ năng quản lý, khai thác thuộc địa đã sớm nhận ra thế mạnh của vùng. Đó là chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Một vùng đồi cỏ rộng lớn kéo từ Đồng Cân, Thôm Và, Phja Pảng, Thôm Luông mấy ngàn Ha, độ cao từ 600 m đến 800 m so với mặt biển đã được qui hoạch làm Đồn điền chăn nuôi. Ông Đồng Phúc Bảo là một trong những thanh niên làm phu tại Đồn điền đó.


Ngày định mệnh.

Một chiều mùa đông lạnh giá năm 1892, quan đồn Ngân Sơn Le Briol đang khoác trên mình chiếc áo caplets dày cộm, xoa xoa hai bàn tay vì lạnh, đưa mắt ra xa, nơi đàn bò, ngựa đang lục tục nối đuôi nhau về chuồng. Ngài bỗng thấy một thanh niên đang co ro trong tấm áo phong phanh, hai tay ôm vật gì đó gói trong tấm vải đi như chạy vào nhà bếp. Thấy lạ, ông gọi tên loong trong bằng tiếng Việt bồi:

- Mày vào xem thằng kia ôm cái gì vào nhà bếp. Mấy phút sau, người đó trở ra, chắp tay:

- Thưa ngài, tên đó ở đội chăn bò, bò đẻ ngoài trời rất lạnh, nên đã cởi áo choàng, ôm nó chạy về, hiện đang sưởi cạnh bếp lửa.

- Gọi nó lên nhà cho ta gặp.

Mấy phút sau người thanh niên đã có mặt, đứng chắp tay trước bàn giấy của ngài. Cúi chào:

- Bonjour monsieur (xin chào ông).

Ông Le Briol hỏi:

- Mày tên là gì?

- Oui, le nom de la canette est Dong Phuc Bao. (Dạ, tôi tên là Đồng Phúc Bảo)

Ông bỗng chỉ tay vào chiếc ghế đối diện:

- Asseyz-vous sisl vous plait. (hãy ngồi đi)

- Oui merci. (dạ, cám ơn ông)

- Mày học tiếng Pháp ở đâu và từ bao giờ mà nói được như vậy?

- Dạ thưa! Tôi đã làm việc với đồn điền đây được hai năm, tự đặt ra: Mỗi ngày học ba câu tiếng Pháp, học ba từ chữ Pháp.

- Sao lại phải cởi áo đang lúc trời lạnh để cứu con bê?

- Monsieurr, je fais juste mon devoir (thưa ông, tôi cũng chỉ làm tròn bổn phận của mình) là nuôi dưỡng và chăm sóc những con gia súc. Hơn nữa, nó là con vật sống nên ngoài các thủ thuật chuyên môn còn có cả tình cảm nữa ạ!

“Tôi chỉ làm tròn bổn phận của mình", được phát âm bằng tiếng Pháp rất chuẩn từ người thanh niên dân tộc Thổ, tộc người mà lâu nay tầng lớp của ông coi họ là mọi rợ, đã làm ông từ ngạc nhiên đến khâm phục và hài lòng. Ông chợt nghĩ “phải tìm hiểu thêm và dùng người này".

Sau ngày ấy, ông được phong chức Giám mã, phụ trách đội chăn nuôi hơn chục người, với đàn gia súc trâu, bò, ngựa, dê mỗi loài mấy trăm con. Sổ sách chấm công, quản lý, chăm sóc đàn gia súc hoàn toàn bằng tiếng Pháp.


Khi ấy, ông Đồng Phúc Bảo 23 tuổi, ở cái tuổi vừa vào độ chín của đời người.

Năm 1895 ông được phong làm Bá hộ, năm 1900 làm Thiện hộ (Chánh tổng) tổng Hạ Quan (gồm 7 xã Phía Nam huyện Ngân Sơn).

Từ năm 1903 đến năm 1908, ông Đồng Phúc Bảo làm Tri châu huyện Ngân Sơn. Thời kỳ này, có thể là giai đoạn sung mãn nhất trong đời làm công chức của ông. Trong bối cảnh thực dân Pháp vừa bình định xong Bắc kỳ. Về chính trị, áp dụng các chính sách pháp luật của triều đình vào thực tiễn thay dần chế độ Thổ ty cát cứ. Về kinh tế bắt đầu có những đổi thay về tiến bộ trong canh tác, mô hình tích tụ diện tích, lập đồn điền, nhượng đất khai mỏ, xuất hiện tầng lớp người làm thuê - phu đồn điền, phu mỏ.


Ông có hai người bạn đồng cấp tri kỷ bên huyện bạn. Đó là ông Hoàng Đức Hinh, là người theo đạo Thiên Chúa (người đương thời hay nói là Chúa đạo),

Ông Hinh làm tri châu Chợ Rã từ năm 1900 đến năm1907. Rồi ông Vi Văn Lê làm Tri châu (thay ông Hinh lên tỉnh làm Án sát) từ năm 1907 đến năm 1910. Các ông hay qua chơi với nhau. Theo gợi ý của ông Hinh, mỗi lần sang Chợ Rã, ông đều đưa theo con trai 8 tuổi, cậu trai đẹp đẽ, lanh lẹ, thông minh. Trong khi đó, ông Hinh đã có 3 bà vợ nhưng chỉ có 4 ả nàng. Có lẽ sự ngưỡng mộ cậu con trai của bạn, đã thôi thúc ông làm một việc có một không hai của thời ấy - Tổ chức linh đình một lễ Cầu Va, trong đó dựng một cây cầu thật bằng gỗ quí, ở các đầu cầu đều được bọc bằng những miếng đồng nên người đương thời gọi là Cầu Toòng (ngày nay, thị trấn Chợ Rã vẫn còn khu dân cư mang tên Cầu Toòng).


Thời gian sau, phúc lớn đã lâm môn nhà họ Hoàng, ông đã có được hai người con trai (một người làm Tri huyện Hàm Yên, một người là Bố Chánh Thái Nguyên). Năm 1907, ông Hinh lên làm án sát tỉnh Bắc Kạn. Năm 1909, ông Hinh đã đưa con trai đầu của Tri châu Đồng Phúc Bảo về Hà Nội vào trường Nội trú Chu Văn An rồi trường Bưởi Hà Nội. Cậu trai đó là Đồng Phúc Hộ, là người sẽ viết tiếp trang sử họ Đồng.

Sau khi ông Hinh chuyển lên tỉnh, ông Bảo lại làm bạn tiếp với người kế nhiệm, đó là ông Vi Văn Lê, hai người bạn tiếp tục thù tạc, luận bàn thế sự, các kế sách ứng phó với các tệ nạn cờ bạc, lạc hậu, nghèo đói, dân tình loạn lạc. Để rồi, ông Tri châu Vi Văn Lê đã xuất thần xử vụ án ly hôn nổi tiếng, trở thành huyền thoại " Sự tích Kéo Điệp”.


Ông được triều đình ban khen: bằng sắc, bằng khen, huân chương bạc và mề đay.

Lại nói. Năm 1909, ông Đồng Phúc Hộ vào học tại trường Nội trú Chu Văn An, sau đó là trường Bưởi. Năm 1920 tại trường Bưởi, thi đậu ba bằng danh giá: Brevet Elémentaire, Brevet dEnseigne-ment và Diplome destude complementaire. Được bổ làm Giáo học kiêm Đốc học tại tỉnh Hà Giang, được triều đình tặng bằng “Tòng Cửu phẩm Văn giai”.


Năm 1926 đến năm 1929 học trường Cao Đẳng Nông-Lâm-Súc Đông Dương tại Hà Nội (tiền kháng chiến, sau này là Chủ tịch uỷ ban Thiếu niên thân Học Viện Nông nghiệp ngày nay). Năm 1930 tốt nghiệp, làm việc tại Nha Nông-Mục-Thuỷ-Lâm trực thuộc Bộ Kinh tế Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PT Nông thôn ngày nay) kiêm Giáo chức tại trường Gia Long Hà Nội. Tham tá Kiểm lâm hạng 2.


 Thời gian này, ông quen biết và giao lưu với nhiều trí thức yêu nước Hà thành, trong đó có ông Văn, với tên thường gọi là Võ Giáp (là Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cùng dạy học, ông Giáp là thành viên của Đảng Tân Việt Cách Mạng (sau này là Đảng cộng sản Đông Dương). Địch đánh hơi thấy, tiến hành khủng bố, được khuyên lánh ra nước ngoài, nhưng ông cân nhắc, còn gánh nặng gia đình rất lớn nên phải ở lại.


Để tách ông ra khỏi phong trào cách mạng tại Bắc kỳ, đầu năm 1932, chính quyền điều động ông vào Sài Gòn, thăng ngạch Tham tá Kiểm Lâm hạng nhất. Ông đã chuyển cả gia đình vào Sài Gòn, vừa phấn đấu làm tròn bổn phận của một công chức cấp cao vừa năng động tìm kiếm các công việc làm thêm để có tiền nuôi con ăn học.

Trong thời gian đó ông đã mở mang thêm các ngành nghề tạo điều kiện cho một số anh em thanh niên quê gốc Bắc Kạn vào tìm kế sinh nhai: Lập Công ty khai thác củi chạy tàu hoả ở Hố Nai, làm lò than chạy Gazozene chạy xe hơi... Hầu hết số anh em đi vào Nam đã thích nghi, bám trụ lại lâu dài trên mảnh đất Phương Nam. Đặc biệt có những người đã tham gia vào Phong trào đấu tranh giành Độc lập dân tộc rất sớm. Ông Doanh Thắng Lung (Ba Lung) hoạt động Cách mạng tại miền Tây Nam bộ, trong Kháng chiến chống Pháp từng giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Cần Thơ, sau năm 1954 ông ở lại bám trụ lại nơi bưng biền Nam Bộ. Sau 1975 ông giữ chức vụ Phân hiệu Phó (không có Phân hiệu Trưởng) Trường Hành chính Trung ương Miền nam (tiền thân của Học viện Hành chính Quốc gia ngày nay).

Ông Đồng Phúc Tinh, hoạt động cách mạng bị Pháp bắt, bị giam tại khám Chí Hoà, năm 1954 được giải thoát, 1956 bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đày đi Côn Đảo, bị tra tấn, nhốt vào chuồng cọp nhiều lần trong chiến dịch đàn áp những người kháng chiến cũ.


Ông Đồng Phúc Túc (sinh 1920) em út nhà ông, ngày 23/9/1945 ông Túc phụ trách một Trung đội thanh niên Tiền phong tham gia mít tinh Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tại Sài Gòn.

Sau đó trở ra miền Bắc tiếp tục tham gia hoạt động kháng chiến, sau này là Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng tỉnh Bắc Kạn.

Tại quê nhà Cốc Đán, cộng đồng họ Đồng sát cánh cùng các họ tộc khác đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết thương yêu trong cộng đồng, cần cù trong lao động, ham học, luôn mang trong mình ý chí phấn đấu để vươn lên. Đức tính ấy đã được thể hiện qua từng giai đoạn lịch sử.


Nhà thơ Nông Viết Toại kể lại: Khoảng năm 1918, nhận thấy mạch vàng sa khoáng dưới đất xóm Vàng Phài có trữ lượng rất cao, chủ mỏ Pác Làng Clê- măng- xông đã mặc cả với Chánh tổng Đồng Phúc Quí “Nếu ông lệnh dân xóm Vằng Phài di đi chỗ khác, tôi sẽ trao thưởng cho ông ba vạn đồng" lúc ấy con trâu mộng giá 4 đồng). Ông Qui  đã trả lời: “Dân làng này, trong đó có gia đình tôi không bao giờ đem đất tổ đổi chác tiền bạc. Tiền bạc quí giá nhưng đất tổ tiên là vô giá”.

Khi ánh sáng cách mạng chiếu rọi đến, nhiều thành viên đã hăng hái đi đầu tham gia cách mạng, ủng hộ và bảo vệ cách mạng.

Năm 1944, Cụ Đồng Văn Thuê xã trưởng đương chức xã Cốc Đán đã nuôi giấu ông Nông Viết Toại (sau này là nhà thơ, Lão thành cách mạng) trên tầng gác nhà mình hơn mười ngày giữa lúc địch truy lùng gắt gao.


Con trai cụ là Đồng Ích Mai cũng thoát ly hoạt động cách mạng, từng là Tỉnh uỷ viên, Bí thư huyện uỷ Ngân Sơn (Lão thành cách mạng). Ông Đồng Quang Tuân hoạt động cách mạng từ rất sớm, được kết nạp Đảng cộng sản ngày 15/11/1943 là đảng viên đầu tiên của Đảng bộ xã Cốc Đán, từng là Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Kạn (là cán bộ lão thành cách mạng). Còn nhiều thành viên khác cũng phấn đấu thành đạt trong trong quân đội, công chức, giáo chức... đã góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu và đẹp.


Lịch sử một thời ông cha với những giai thoại trong dân gian còn đọng lại là những di sản văn hoá phi vật thể.

Cốc Đán ngày nay đã có con đường rải nhựa ra thông với Ngân Sơn, Bằng Khẩu, với các di tích Phja Củm, Phja Thần, Hoàng Phài (nơi Bác Hồ ở qua đêm trên đường từ Pác Bó đi Tân Trào), Nà Coọt nơi lưu niệm nhà thơ Nông Quốc Chấn... Cùng những di sản phi vật thể là nơi đến của các thế hệ mai sau. Để chiêm nghiệm và ngẫm ngợi: Phải sống ra sao cho xứng đáng.


Một số thông tin thêm về họ Đồng Cốc Đán, Ngân Sơn, Bắc Kạn

Cụ Tổ: Theo gia phả của ô Đề Phú Túc (nay 104 tuổi sống tại Thành phố Bắc Kạn) là ông Đồng Chượng Quạng di cư từ Trung Quốc sang từ thế kỷ XIV.

Hiện nay họ Đồng Ngân Sơn có hơn 120 hộ, với gần 500 suất đinh sống tập trung chủ yếu (tất cả họ Đồng ở đây đều là người dân tộc Tày) ở xã Cốc Đán và thị trấn Ngân Sơn, sau đó mới di chuyển ra các nơi trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn.

Họ Đồng ở đây không có Trưởng họ, Hội đồng gia tộc, mà chỉ có Trưởng ban liên lạc họ Đồng huyện Ngân Sơn do ông Đồng Văn Chè làm Trưởng ban liên lạc (BLL mới thành lập năm 2015).


Họ Đồng huyện Ngân Sơn cũng chưa có nhà thờ chung, chưa có gia phả chung, chỉ có 3-4 gia đình họ Đồng làm gia phả từ 6-7 đời (từ nay trở về trước 7 đời).

Truyền thống khoa bảng của họ Đồng huyện Ngân Sơn:

Con em trong dòng họ Đồng Ngân Sơn có nhiều người giữ các chức cao xã hội qua các thời kỳ. Tiêu biểu như thời thuộc Pháp có 2 người là Cử nhân như ông Đồng Phúc Hộ giữ chức Bộ trưởng Lâm nghiệp phụ trách toàn Đông Dương, nghỉ hưu của Pháp tại Sài Gòn, đến năm sau 1985 sang định cư ở Mỹ (đã nất); Ông Đồng Phúc Quận, đứng đầu Tri Châu huyện Chợ Rã nay là huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.


Thời cách mạng cho đến ngày nay có ông Đồng Kim Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Ngân Sơn; Đại tá Đồng Phúc Vinh, quê Cốc Đán, Ngân Sơn, Bắc Kạn. Hiện là Trưởng phòng thanh tra II, Thanh tra Bộ Công an; Đồng Văn Dũng, Công an tỉnh Bắc Kạn...

Họ Đồng ở đây có 3 Đại tá, 2 thượng tá, thiếu tá, 3 Đại úy, 6 cấp úy: 1 Đại uý, 5 Bác sĩ, 3 Thạc sĩ 3, 1 Kỹ sư, 40 Cử nhân, 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 Liệt sĩ


Đồng Quang Huân

BLL họ Đồng huyện Ngân Sơn