Giới thiệu Tổng quan về họ Đồng thành phố Hải Phòng


Họ Đồng Hải Phòng và Hải Dương đã có phong trào kết nối từ những năm cuối thập niên 80, thế kỷ trước, do sự khởi xướng của ông Đồng Chí Nam, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương (thuộc chi nhánh họ Đồng Kim Thành, Hải Dương), cùng ông Đồng Tố Kim, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Cây quả Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương (thuộc nhánh họ Đồng Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương), đến đầu thập niên 90 các thành viên sáng lập đã thành lập Ban liên lạc họ Đồng Hải Dương và Hải Phòng (do ông Đồng Chí Nam là Trưởng Ban liên lạc và ông Đồng Tố Kim là Thư ký). Tiếp theo là những cuộc giao hiếu toàn quốc của ông Đồng Xuân Lợi (Cảng Hải Phòng) thuộc nhánh họ Đồng Hoa Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng; sự nghiên cứu tìm hiểu dòng họ của ông Đồng Văn Đạo (Nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc, thuộc nhánh họ Đồng Làng Châu, xã Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang); tích cực tìm tòi nghiên cứu các Nhánh họ của TS.Đồng Xuân Thành (Nguyên Trưởng bộ môn Khoa Cơ Khí, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, thuộc nhánh họ Đồng Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định); tìm về nguồn họ của ông Đồng Đạo Tuyết, thuộc nhánh họ Đồng Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội; Nhánh họ Đồng chùa Hương; họ Đồng Nam Định…; đã cùng thúc đẩy nhiều sự giao lưu, kết nối và nghiên cứu về nguồn gốc họ Đồng Việt Nam, trong đó có họ Đồng TP. Hải Phòng.


Đến ngày 20/4/2014, với sự tích cực của ông Đồng Xuân Lợi và bà Đồng Thị Hồng Hoàn (nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật May mặc Hải Phòng ), cùng Ban Gia tộc họ Đồng thôn Thạch Lựu, xã An Thái, huyện An Lão đã tổ chức Hội nghị họ Đồng TP. Hải Phòng lần thứ nhất tại Từ đường họ Đồng xã An Thái, huyện An Lão. Từ đó các hoạt động kết nối của họ Đồng Hải Phòng, Hà Nôi, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… dưới sự chắp nối rất tích cực của TS.Đồng Xuân Thụ, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam, Ban Gia tộc dòng họ và các tỉnh, thành phố, nhiều Ban liên lạc, Hội nghị đã ra đời, các hoạt động diễn ra sôi nổi, lan tỏa, phát triển rộng khắp cả nước, có cả thành viên là bà con kiều bào nước ngoài.


Nhiều năm qua, cùng với nhiệt huyết của TS. Đồng Xuân Thành đã có nhiều công bố về nguồn gốc họ Đồng Việt Nam. Đặc biệt là mấy năm gần đây, cùng với sự tâm huyết của bà Đồng Thị Hồng Hoàn, kết hợp với các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, điền dã, nhiều công bố tập hợp, thống kê, dịch thuật các thư tịch cổ (Văn bia; Phả tộc; Phú ý…) tìm hiểu về nguồn gốc và tư liệu giá trị về các Đồng tộc ở nhiều tỉnh, thành phố, địa phương ở Việt Nam được công bố, sáng tỏ các nhánh họ Đồng có tư liệu cổ giá trị. Như nhánh họ là con cháu dòng tộc cụ Đồng Kiên Cương (Ngài Pháp Loa) do anh Đồng Minh Đạt là Trưởng họ cho biết: Tổ tiên anh truyền ngôn lại: “Các cụ từ xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, Hải Dương, nhưng vì dính dáng đến quan trường Mạc Triều mà phải di chuyển, ở ẩn về xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương sinh sống”. Đến nay dòng họ này mới khánh thành Từ đường mới, di dời về xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ); Nhánh họ Đồng ở thôn An Hưng, xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương còn giữ được 02 ngôi mộ Tổ có ghi năm sinh của cụ ông Đồng công tự Phúc Tín, sinh vào năm 1363 (cách đây 655 năm). Như vậy là sau ngôi mộ tháp của cụ Đồng Kiên Cương, sinh năm 1284 (tại chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh, Hải Dương) chúng ta lại tìm được ngôi mộ cổ thứ hai còn ghi được niên đại, phú ý lâu đời và giá trị lâu dài cho con cháu đời sau...


Cho đến nay, Ban liên lạc (BLL) họ Đồng Hải Phòng đã tập hợp, khảo sát được 21 nhánh họ Đồng tại TP. Hải Phòng. Theo thống kê ban đầu, tính đến nay số lượng người người họ Đồng Hải Phòng có trên 17.000, nhưng cũng có thể tới gần 2 vạn nhân khẩu (vì số liệu thống kê chưa nhất quán, đầy đủ và chính xác), phân bố như sau: huyện An Dương có 2 nhánh; huyện An Lão có 3 nhánh; quận Dương Kinh có 2 nhánh; quận Kiến An có 1 nhánh; huyện Kiến Thụy có 4 nhánh; huyện Tiên Lãng có 1 nhánh; huyện Thủy Nguyên có 7 nhánh họ. Trong đó có 1 số chi họ nhỏ có nguồn gốc từ Hải Dương hoặc Nam Định về Hải Phòng lập nghiệp được mấy đời gần đây như: Chi nhánh 3 họ Đồng ở Tú Sơn, huyện Kiến Thụy; Chi nhánh 2 họ Đồng xã Tân Dân, huyện An Lão; Chi nhánh 2 họ Đồng Bá, xã Lê Lợi và chi nhánh họ Đồng xã Quỳnh Hoàng, huyện An Dương….


Những chi nhánh dòng họ này có suất đinh ít ỏi, vì thế hoạt động của những chi họ này ở địa phương còn khá sơ sài, nhỏ lẻ; do thời gian có hạn, vì thế dù cố gắng đến mấy chúng tôi vẫn chưa thể liên hệ được với người nắm rõ thông tin về các chi họ đó, để có thể tập hợp, thu nhận, khảo sát, biên tập và bổ sung đầy đủ các nhánh họ Đồng trong thành phố vào cuốn sách này.


Họ Đồng Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị lần đầu vào ngày 20/4/2014, nhưng sự hoạt động chỉ bắt đầu hiệu quả, sôi nổi nhất kể từ đầu năm 2017 đến nay, BLL dòng họ đã phát huy tính tích cực của các cá nhân, dòng họ tạo thêm rất nhiều các hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, việc tiếp cận, tìm hiểu, khảo sát, tập hợp thông tin và biên tập tài liệu để đưa vào sách họ Đồng Việt Nam là sự cố gắng rất lớn của các nhánh họ địa phương và BLL họ Đồng Hải Phòng, đặc biệt là bà Đồng Thị Hồng Hoàn, Phó Ban tư liệu Tộc phả họ Đồng Việt Nam đã không quản ngại thời gian đi lại, tìm hiểu, tổng hợp để có bộ dữ liệu tốt nhất về họ Đồng thành phố Hải Phòng.


Ban liên lạc họ Đồng Hải Phòng sẽ sắp xếp 21 nhánh họ theo vần ABC tên quận, huyện, phường, xã, để giới thiệu trên cuốn sách họ Đồng Việt Nam tập 2. Chúng tôi luôn hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục kết nối thêm các nhánh họ ở Hải Phòng và các khu vực lân cận để có nhiều thông tin giá trị cho Đồng tộc địa phương, cũng như toàn quốc.



Đại tá Đồng Xuân Cần


Trưởng ban liên lạc họ Đồng TP. Hải Phòng