Khái quát về các chi họ Đồng ở thành phố Chí Linh, Hải Dương

Họ Đồng là một dòng họ xuất hiện khá sớm ở vùng đất Chí Linh xưa. Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Nhân Huệ, dựa vào các bản ngọc phả, thần phả trong xã cho biết: “…vào khoảng những năm 1226 - 1227, họ Đồng đến lập nghiệp ở xóm Dâu (Triền Dương), tổng Cổ Châu (nay thuộc xã Nhân Huệ)…”. Như vậy, họ Đồng đã đến đây sinh sống gần 800 năm. Xét theo địa giới hành chính cũ, nhân vật họ Đồng Chí Linh đầu tiên được biết đến trong lịch sử là Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương - vị tổ thứ 2 của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân (tức 23 tháng 5 năm 1284), niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 đời vua Trần Nhân Tông, tính ra đến nay đã trên 740 năm. Trong tiến trình lịch sử dân tộc, họ Đồng ở Chí Linh còn có nhiều nhân vật được lưu danh trong sử sách nước nhà như Tiến sĩ Đồng Thức ở tổng An Điền thời nhà Trần, 6 tiến sĩ nho học ở tổng Cổ Châu thế kỉ XVI-XVII.

Vùng đất Chí Linh xưa hiện nay gồm toàn bộ thành phố Chí Linh, một phần huyện Nam Sách và thành thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương ngày nay. Qua khảo sát sơ bộ, ở thành phố Chí Linh hiện nay có 8 nhánh họ Đồng đang sinh sống tại thành phố Chí Linh hiện nay tập trung ở xã Hưng Đạo và các phường Văn Đức, Cổ Thành, Phả Lại với trên 4000 người, tập trung ở 2 khu vực:

1) Khu vực thứ nhất là KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức (xưa là tổng Vĩnh Đại) với 3 chi họ: Đồng Bá, Đồng Thế, Đồng Văn với trên 2000 nhân khẩu.

2) Khu vực thứ 2 là các chi họ Đồng Đăng, Đồng Tố, Đồng Văn ở các KDC Cổ Châu, Nam Gián (phường Cổ Thành), Bình Giang, Phao Sơn (phường Phả Lại) - đây là các địa danh thuộc tổng Cổ Châu xưa, với trên 2000 nhân khẩu và gần 50 nhân khẩu thuộc chi họ Đồng Văn ở thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo (xưa thuộc tổng Chi Ngãi).

Các nhánh họ Đồng này đa số đều chưa xác định được nguồn gốc, gia phả chỉ ghi được từ 10 đến 15 đời, xuất hiện tại Chí Linh từ 300-400 năm và chưa có bằng chứng thể hiện sự liên quan đến các nhân vật họ Đồng nổi tiếng ở Chí Linh trong lịch sử . Tuy nhiên, theo gia phả của nhiều nhánh họ Đồng trên cả nước, có ghi nguồn gốc là ở Chí Linh. Đây là điều các nhà nghiên cứu cần phải tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thêm.


Đồng Bá Tuyến


Họ Đồng Bá ở Khu dân cư Khê Khẩu, phường Văn Đức, Chí Linh


Họ Đồng Bá là một dòng họ lớn ở Khu dân cư (KDC) Khê Khẩu, phường Văn Đức, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Do hoàn cảnh lịch sử, gia phả cổ của dòng họ bị thất lạc. Theo truyền ngôn của các cụ cao tuổi kể lại: Cụ Thượng tổ họ Đồng Bá là cụ Đồng Quý Công (tự Phúc Trung), tên thật là Đồng Bá Trung (?-?) sinh ra ở triều đại Lê Trung Hưng đời vua Lê Huệ Tông. Cụ tổ bà là Nguyễn Thị Vân (?-?). Sinh thời hai cụ sinh được 6 người con: 5 trai, 1 gái. Đó là: cụ ông Đồng Bá Thâm; cụ ông Đồng Bá Tham; cụ ông Đồng Bá Giao; cụ ông Đồng Bá Chí; cụ ông Đồng Bá Tập và cụ bà Đồng Thị Thuận. Sau khi hai cụ qua đời, các con của cụ chia thành sáu đầu cùng nhau đóng góp để thờ cúng bố mẹ. Theo truyền ngôn đến thời cụ Đồng Bá Quỹ (đời thứ tư) họ Đồng Bá mới phân ngành và phân chi.


Hiện nay dòng họ có 3 ngành, mỗi ngành có 3 chi, đã trải qua 10 đời. Tính đến năm 2024, họ Đồng Bá có trên 239 suất đinh, với hơn 700 nhân khẩu.

Trước kia, dòng họ có nhà thờ rất uy nghi, rộng rãi nhưng trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã bị giặc phá hủy hoàn toàn nay chưa khôi phục lại được. Việc thờ cúng hiện nay được thực hiện tại nhà trưởng họ. Hàng năm, dòng họ tổ chức 2 ngày giỗ họ: 1) Ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm: Ngày kị nhật cụ Thượng Tổ ông. 2) Ngày 05 tháng Mười âm lịch hàng năm: Ngày kị nhật cụ Thượng Tổ bà.


Gia phả cũ của dòng họ đã bị thất lạc trong chiến tranh, nay không còn nữa. Gia phả họ Đồng Bá khôi phục lần đầu vào năm 2000, lần 2 vào năm 2010, hiện đang đang tiếp tục được bổ sung, cập nhật hằng năm.


Để duy trì tôn ty trật tự, lễ giáo gia phong, giáo dục các thành viên trong họ giữ gìn đoàn kết, không có các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh thôn xóm, thực hiện tốt luật hôn nhân và gia đình dòng họ đã thống nhất xây dựng Quy ước dòng họ từ năm 1983 và đã được UBND xã Văn Đức chấp thuận và đồng ý cho thực hiện.

Theo truyền ngôn của các cụ kể lại cho đến ngày nay thì dòng họ Đồng Bá luôn có truyền thống đoàn kết gắn bó keo sơn, cần cù giản dị, siêng năng chăm chỉ lao động sản xuất, thẳng thắn, trung thực, luôn chấp hành nghiêm phép nước lệ làng được nhân dân tín nhiệm, chính quyền tin cậy. Mặc dù bản danh lúc đó đất rộng người thưa nhưng các con cháu đều sống quây quần gắn bó bên nhau nhằm “tối lửa tắt đèn” giúp đỡ bảo vệ cho nhau, chống kẻ gian và giặc cướp phá. Dòng họ trải qua 4 thế kỉ 3 thời đại, do có bản tính tốt đẹp nên người trong họ đã được tin cậy giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương.


Dòng họ có 10 người là các đồng chí lão thành cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dòng họ đã có 52 người đi bộ đội tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong đó có 03 người được Đảng, Nhà nước trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 12 Liệt sĩ, 06 người là thương binh, bệnh binh, 01 người là nạn nhân chất độc màu da cam.


Tính đến nay, dòng họ gần 100 người là Đảng viên, nhiều người được trao tặng nhiều huân chương các loại. Là dòng họ lớn trong làng, có uy tín, khi có việc hệ trọng trong việc xây dựng quê hương làng xóm dòng họ đều tích cực tham gia bàn bạc đóng góp ý kiến và thực hiện.


Họ Đồng Đăng ở Khu dân cư Cổ Thành, phường Cổ Thành, Chí Linh


Họ Đồng Đăng là dòng họ xuất hiện sớm ở Khu dân cư (KDC) Cổ Châu, phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương. Cụ tổ dòng họ là Đồng Đăng Siêu (1718-1779), quê quán ở làng Thổ Hà, tỉnh Bắc Ninh, cụ đỗ nguyên khoa và được phong chức Quan tổng lãnh châu, sau phong hiệu úy đầu quân bắc đóng tại Bắc Ninh. Sau khi cụ qua đời, năm 1800, con trai của cụ là Đồng Đăng Tiền đưa di cốt của cụ về an táng tại Đống Ngọc, KDC Cổ Châu, phường Cổ Thành ngày nay.

Gia phả gốc của dòng họ được viết bằng chữ Hán. Đến năm 1963, do yếu tố lịch sử các thế hệ sau này có hạn chế về chữ Hán lên các cụ đã dịch sang chữ quốc ngữ để truyền lại thế hệ sau lưu giữ lên bản chữ Hán bị mai một, đến nay không còn nữa. Đến năm 1995 dòng họ đã giao cho ông Đồng Đăng Trọng lập phả đồ và ghi chép gia phả dòng họ đến đời thứ 8. Năm 2018, ông Đồng Đăng Bình dựa vào bản dịch chép tay từ gia phả gốc vào các năm 1963 và 1995 có chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện tộc phả của dòng họ đến đời thứ 11.


Năm 2012, dòng họ đã vận động con cháu xây dựng khu lăng mộ của dòng họ với diện tích hơn 800m2. Năm 2018, dòng họ nhận được sự tài trợ của doanh nhân Đồng Đăng Quyết thuộc nhánh 2, chi 2, cùng với sự đóng góp của tất cả thành viên trong họ, nhà thờ họ được khánh thành đúng ngày giỗ họ 26 - 2 năm Kỷ Hợi (2019), và cũng từ đây việc thờ tự được tổ chức tại nhà thờ họ.


Trải qua hơn 300 năm phát triển, đến nay dòng họ đã trải qua 11 đời, có 2 chi, 4 nhánh với trên 150 hộ, với trên 200 suất đinh, tổng hơn 500 nhân khẩu. Dòng họ phân bố chủ yếu KDC Cổ Châu, phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ngoài ra huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có hơn 20 hộ gần 100 khẩu; thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám có hơn 10 hộ với 50 khẩu.


Trưởng họ cùng với Chủ tịch Hội đồng Gia tộc và 4 ông trưởng các chi điều hành các hoạt động của dòng họ. Với cách làm dựa trên lối cổ “Mẫu hệ” kết hợp với công khai, dân chủ, Hội đồng Gia tộc dòng họ đã đề ra Tộc ước quy định những hoạt động cụ thể của dòng họ như tổ chức dâng hương các ngày rằm và mồng một hàng tháng, đồng thời xác định những công việc của họ trong những tháng tiếp theo, dựng cây nêu và chạp mộ vào ngày 23 tháng chạp hàng năm, đồng thời gặp mặt con cháu đầu xuân, tổ chức chúc thọ cho các cụ cao tuổi vào những tuổi chẵn.


Với hơn 300 năm phát triển, dòng họ cũng có Cụ tổ Đồng Đăng Siêu là người học cao hiểu rộng và được phong tước hiệu nhiều chức quan. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong 2 các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc dòng họ có 7 Liệt sĩ, 6 thương binh.

Cùng với phong trào khuyến học khuyến tài của địa phương dòng họ trên 10 người là kỹ sư, cử nhân đang công tác đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước.


Họ Đồng Thế ở Khu dân cư Khê Khẩu, phường Văn Đức, Chí Linh


Họ Đồng Thế là một trong ba nhánh họ Đồng tại thôn Khê Khẩu (nay là KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức). Theo truyền ngôn của các cụ cao niên kể lại, cách đây trên 300 năm vào khoảng đầu thế kỷ 18, cụ ông Đồng Thế Khánh (Đồng Quý Công tự Phúc Khánh), cùng cụ bà Đồng Thị Thái từ làng Chằm Ngăm, xã Gia Phó (có thể ở Gia Lương - Bắc Ninh ngày này) đến trang Khê Khẩu khai hoang lập nghiệp, hai cụ rất cần cù, chịu khó, xây dựng dòng họ ngày càng phát triển.

Cụ tổ ông là Đồng Thế Khánh (tự Phúc Khánh), mất ngày 25 tháng 12 âm lịch, cụ tổ bà là Đồng Thị Thái, mất ngày 01 tháng Giêng âm lịch. Mộ cụ tổ ông đặt tại Gia Vách, mộ cụ tổ bà để ở Chồ Giếng, KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức, thành phố Chí Linh.


Hiện nay, dòng họ đã trải qua 12 đời, có 7 ngành, với trên 170 suất đinh và trên 300 nhân khẩu.

Từ đường dòng họ gồm 3 gian với diện tích trên 70 m2, xây dựng theo kiểu hình chữ Nhất (-) với hai mái trước và sau theo kiểu thu hồi bít đốc, mái lợp ngói đỏ, khánh thành năm 2016.


Gia phả cũ của dòng họ đã bị thất lạc trong chiến tranh, nay không còn nữa. Gia phả hiện nay được biên soạn từ năm 2012.

Vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX dòng họ có cụ Đồng Thế Thọ từng làm cai trị huyện Đông Triều, từng nổi danh một thời. Trong thời gian này, cụ Thọ đã đứng ra đúc cho chùa làng một quả chuông bằng đồng nặng trên 100kg.


Vào giữa thế kỷ XX, cụ Đồng Thế Râng và cụ Đồng Thế Ân đã trồng 2 cây đa tại Nghè Hạ - nay là Trung tâm Văn hóa của KDC Khê Khẩu, hiện 2 cây đa vẫn xanh tốt.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dòng họ có 34 người đã tham gia quân đội và nhiều người trưởng thành các sĩ quan quân đội. Dòng họ có 4 người là Liệt sĩ, 4 người là thương, bệnh binh. Dòng họ có trên 30 người là Đảng viên, nhiều người tham gia cấp ủy Đảng ở địa phương, cơ quan nhà nước, quân đội.


Trong thời kì đổi mới, dòng họ có 1 Tiến sĩ (Tiến sĩ Đồng Thế Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng- An Ninh, Văn phòng Chủ tịch nước), 3 Thạc sĩ và trên 20 người tốt nghiệp đại học. Hiện nay, dòng họ có nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, các doanh nghiệp - doanh nhân.

Với truyền thống cần cù, chịu khó, đoàn kết, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau nên cuộc sống trước kia tuy có vất vả, nhưng ngày nay rất nhiều gia đình có kinh tế khá giả, xây được cơ ngơi khang trang.


Họ Đồng Tố ở phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh


Họ Đồng Tố và Đồng Trọng, gọi chung là Đồng Tố là một trong những dòng họ sinh sống từ lâu đời tại KDC ở KDC Nam Gián, phường Cổ Thành. Do hoàn cảnh lịch sử, hiện nay không ai rõ dòng họ xuất phát từ đâu, dòng họ cũng không còn gia phả gốc, chỉ nghe các cụ cao tuổi truyền lại rằng: “Ngày xưa, có hai anh em đã về đây làm nghề lái đò và đánh cá, sinh sống lập nghiệp tại làng Triều Dương”. Về sau, trong 2 người anh em, một người di chuyển về khu vực Hải Phòng, một người di chuyển vào nam, nay không còn thông tin. Hiện nay, ở Triều Dương không có dòng họ Đồng nào sinh sống ở đây cả, nhưng ở các làng xung quanh như: Cổ Châu, Nam Gián, Bình Giang, Phao Sơn thì có rất nhiều người họ Đồng. Họ Đồng Tố hiện nay tập trung ở KDC Nam Gián, phường Cổ Thành và KDC Bình Giang, phường Phả Lại.


Đặc biệt, họ Đồng Tố có một nét đẹp văn hóa tâm linh được truyền lại từ nhiều đời nay: Trong họ, mỗi khi có người qua đời thì có bùa hộ mệnh bỏ vào quan tài, sẽ không phải mời thầy cúng đứng đầu nữa. Tích các cụ kể lại rằng, thời Hán Sở có ông Hàn Tín là người trung trực tài giỏi, tướng tài nhưng lại bị triều đình giết vì sợ ông cướp ngôi. Bị chết oan, xuống âm phủ ông hóa thành Thần Trùng, đóng giả thành người ăn mày lên trần thế thử lòng thiên hạ. Không có ai đối tốt với ông cả, chỉ có bà giặt lụa ở bên sông đối xử tốt với ông.


Nhớ lại khi ông còn sống, cũng chỉ có mình bà giúp ông khi ông hoạn nạn, ông liền tặng cho bà lá bùa hộ mệnh cho dòng họ của bà và dặn rằng: Khi dòng họ có người qua đời, hãy dùng lá bùa này, vẽ và viết chữ “Tử tôn Xiếu Mẫu” rồi cho vào tay người chết, khi xuống âm phủ, ta biết đó là con cháu của bà, ta sẽ không bắt theo nữa. “Bát cơm Xiếu Mẫu, trả ơn ngàn vàng”, chính là tích này. Đây chính là nét đẹp văn hóa tâm linh riêng có của họ Đồng Tố mà tổ tiên dòng họ truyền lại cho đến ngày nay.

Cụ tổ dòng họ là Đồng Tố Thành, mất ngày 15 tháng 11 âm lịch, cụ tổ bà mất ngày 04 tháng 5 âm lịch. Lăng mộ hai cụ được xây dựng kiên cố, khang trang tại Đồng Đỗ xứ, thôn Nam Giản, xã Cổ Thành (nay là KDC Nam Đông, phường Cổ Thành).


Nhà thờ họ được xây dựng năm 1988. Cũng từ đó, hoạt động của dòng họ dần được tổ chức bài bản và đi vào nề nếp. Dòng họ phân chia chi, ngành, cùng bầu gia Hội đồng Gia tộc để duy trì tổ chức hoạt động của dòng họ như: Thăm viếng, tang hiếu, làm các thủ tục tâm linh của dòng họ; Chúc thọ, cho các cụ cao tuổi của dòng họ từ 70 tuổi trở lên vào ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm; Tổ chức trao thưởng khuyến học cho các cháu có thành tích trong học tập, rèn luyện...

Năm 2013, nhà thờ họ cũ bị xuống cấp và phải tháo dỡ. Năm 2014, dòng họ quyết định xây dựng lại nhà thờ họ mới khang trang, rộng rãi, với diện tích trên 600m2, trị giá hơn 1 tỷ đồng do con cháu dòng họ đóng góp và công đức.


Trong nhà thờ họ có cây gia phả, có quy chế tộc ước gồm 6 chương, 16 điều được toàn gia tộc thống nhất thực hiện.

Tính đến năm 2024, dòng họ đã trải qua 14 đời, với 4 chi và 12 ngành với trên 230 suất đinh, trên 500 nhân khẩu.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc dòng họ có 1 Liệt sĩ và 2 thương binh.


Hiện nay, họ Đồng Tố là một dòng họ có phong trào khuyến học mạnh, nhiều năm được huyện, tỉnh tặng bằng khen. Năm 2006, Ban khuyến học của dòng họ được thành lập, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Gia tộc. Từ đó, hoạt động của Ban khuyến học dần đi vào nề nếp ổn định, công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ được củng cố và có bước phát triển mạnh mẽ toàn diện cả về lượng và chất.


Hoạt động khuyến học, khuyến tài của dòng họ đã đạt được những kết quả tích cực. Hàng năm, có nhiều cháu là học sinh xuất sắc ở các lớp học và có nhiều cháu đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Số cháu thi đỗ vào đại học, cao đẳng ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, nhiều cá nhân có chí vươn lên trở thành Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ, Kỹ sư, là Hiệu trưởng nhà trường, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã làm rạng danh cho gia đình, dòng họ và quê hương.

Đến nay trong dòng họ có 1 Tiến sĩ, 8 Thạc sĩ và hơn 50 cá nhân có trình độ đại học và tương đương. Hầu hết mọi gia đình đều có con cháu học đại học và đã có 100% hộ gia đình đăng ký “Gia đình hiếu học”.


Họ Đồng Văn ở thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, Chí Linh


Họ Đồng ở thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, Hải Dương tính đến nay đã trải qua 8 đời, hiện dòng họ có 15 hộ gia đình với trên 50 nhân khẩu.

Cụ tổ dòng họ là Đồng Văn Đường, ngày giỗ tổ là 05 tháng 12 âm lịch.


Dòng họ có nhà thờ rộng 35m2, xây dựng từ năm 2010, xây dựng chắc chắn trên khuôn viên 300m2 do con cháu nội ngoại đóng góp.

Dòng họ có nghĩa trang riêng ở núi Sậu, thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh rộng 350m2.


Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc dòng họ có 01 người được công nhận là Liệt sĩ (Liệt sĩ công an Đồng Văn Sự).

Với đặc thù của địa phương nên các con cháu dòng họ ngoài lập nghiệp tại quê như buôn bán, làm nông nghiệp và kinh doanh nhỏ lẻ ở gần đền Kiếp Bạc, còn có nhiều người lập nghiệp xa ở các tỉnh phía nam, cũng tham gia chính quyền địa phương, cũng như vào các ngành như Công an, Quân đội.


Họ Đồng Văn ở Khu dân cư Phao Sơn, phường Phả Lại, Chí Linh


Dòng họ Đồng Văn được hình thành khá sớm ở KDC Phao Sơn, phường Phả Lại. Theo di ngôn truyền của các cụ truyền lại từ nhiều đời nay: Họ Đồng Văn ở KDC Phao Sơn có nguồn gốc từ Gia Phó, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Do cuộc sống khó khăn đồng trũng, ruộng sâu đến năm 1789 các anh em bàn nhau tản cư đi mỗi người một nơi để tìm cuộc sống tốt hơn. Sau đó cuộc di cư diễn ra, các cụ đã đến những nơi như: thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, Hải Dương; thôn Thanh Giã, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và KDC Phao Sơn, phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tuy mỗi người lập nghiệp một phương nhưng hàng năm vào ngày giỗ Tổ, con cháu vẫn quây quần về nơi xuất phát dòng họ tại thôn Gia Phó, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh để cùng nhau giao lưu và tưởng nhớ Tổ tiên.


Theo truyền ngôn của các cụ kể lại, nhánh họ Đồng Văn sau khi rời Gia Phó có về làm ăn và sinh sống ở làng Triền Dương, xã Nhân Huệ vào những năm 1789 nhưng do cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn, đến năm 1880 các cụ lại tiếp tục di dời về vùng đất Phao Sơn (nay là KDC Phao Sơn, phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và sinh sống ổn định cho đến ngày hôm nay.


Cũng như nhiều dòng họ khác, do ảnh hưởng của lịch sử xã hội, lên dòng họ chủ yếu giữ gìn bằng hình thức truyền khẩu, cho tới đầu 1980 trước những chuyển biến tích cực của xã hội, dòng họ đã triệu tập các cụ cao niên của các chi họ từ khắp nơi về họp mặt ở thôn Gia Phú, xã Bình Dương để viết thành Gia Phả, nhằm mục đích lưu truyền cho các thế hệ mai sau.


Việc phụng thờ Tổ Tiên được tổ chức theo lối Mẫu hệ (Con trưởng coi giữ việc thờ cúng của dòng họ và các trưởng chi là thành viên HĐGT). Hàng năm việc thờ cúng của họ Đồng Văn, KDC Phao Sơn, phường Phả Lại được tổ chức vào 2 lần trong năm: 1) Giỗ cụ Thượng Tổ vào ngày 14 tháng 11 hàng năm tại thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. 2) Giỗ cụ Tổ tại KDC Phao Sơn, phường Phả Lại, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào ngày 2 tháng 12 hàng năm.

Qua nhiều thế hệ việc thờ cúng được tổ chức tại nhà trưởng họ. Đầu năm 2019 được sự thống nhất của HĐGT và sự tham gia ủng của một số thành viên tích cực trong dòng họ, dòng họ Đồng Văn ở KDC Phao Sơn, phường Phả Lại đã tiến hành xây dựng nhà thờ Tổ trên nền đất Tổ Tiên để lại, với diện tích nhà thờ là 65m2, và diện tích khuôn viên là 500m2 tại khu dân cư Phao Sơn, phường Phả Lại, thành phố Chí Linh khánh thành vào cuối năm 2019


Việc giữ gìn phần mộ Tổ Tiên cũng được coi trọng không chỉ với vai trò trưởng họ mà còn là trách nhiệm của các thành viên trong họ. Năm 2012 dòng họ đã tu sửa ngôi mộ tổ mà dòng họ đã đặt và gìn giữ tôn tạo nhiều đời nay trên núi Kiến với lăng mộ đẹp và rộng rãi diện tích là 70m2. Cách đây hơn 200 năm các Cụ trong dòng họ đã đón thầy địa lý về đặt mộ cho Cụ Tổ Bà. Và mộ Cụ Tổ Bà cũng được trùng tu vào năm 2009 với diện tích là 15m2 nằm kế bên chùa Báo Ân, KDC Ngọc Sơn, phường Phả Lại.


Trải qua hơn hai trăm năm phát triển dòng họ Đồng Văn KDC Phao Sơn đã phát triển tới 15 đời, có hai chi, với trên 80 hộ, trên 100 suất đinh và trên 200 nhân khẩu.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc dòng họ có 1 Liệt sĩ, 1 thương binh, nhiều người tham gia và giữ các chực vụ trong quân đội.

Hiện nay dòng họ có nhiều người tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Con cháu dòng họ đang tích cực công tác và đóng góp và sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.


Họ Đồng Văn ở Khu dân cư Khê Khẩu, phường Văn Đức, Chí Linh


Họ Đồng Văn là một dòng họ lớn ở KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức. Do hoàn cảnh lịch sử, gia phả cũ của dòng họ không giữ được. Theo truyền ngôn của các cụ kể lại, thì họ Đồng Văn đã sinh sống ở KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức trên 400 năm, có nguồn gốc từ thôn Chằm Ngăm, xã Gia Phó, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Cụ tổ ông là Đồng Quý Công (tự Phúc Hưng), cụ tổ bà là Nguyễn Thị Hiệu (Từ Lương).


Sinh thời hai cụ sinh được 6 người con: 5 trai, 1 gái. Sau khi hai cụ qua đời, các con của cụ chia thành 5 đầu cùng nhau đóng góp để thờ cúng bố mẹ.

Hiện nay dòng họ có 5 ngành, tính đến dòng họ đã trải qua 10 đời, với trên 190 hộ, trên 655 nhân khẩu.

Hàng năm, vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, dòng họ tổ chức lễ giỗ tổ kỉ niệm ngày kị nhật cụ Thượng Tổ ông.

Dòng họ đã xây dựng được lăng mộ hai cụ tổ khang trang tại cánh đồng khu Cửa Làng Sứ, KDC Khê Khẩu.

Từ đường dòng họ gồm 3 gian với diện tích tên 80m2, xây dựng theo kiểu hình chữ Nhất (-) nằm ngang với hai mái trước và sau theo kiểu thu hồi bít đốc, mái lợp ngói đỏ, khánh thành năm 2017.


Gia phả cũ của dòng họ đã bị thất lạc trong chiến tranh, nay không còn nữa. Gia phả hiện nay được biên soạn từ năm 2012. Dòng họ đã xây dựng được sơ đồ gia phả đến đời thứ 9, hiện được treo ở nhà thờ dòng họ.


Dòng họ cử ra 19 người đại diện cho 5 ngành tham gia Hội đồng Gia tộc để duy trì, điều hành các công việc của dòng họ. Hội đồng Gia tộc dòng họ có nhiệm vụ: Cùng với trưởng họ tổ chức việc xây dựng, sửa sang nhà thờ và phần mộ Tổ tiên; Là trung tâm hòa giải khi xảy ra xích mích, mâu thuẫn, mất đoàn kết; Cùng Trưởng họ tổ chức dâng hương, cúng giỗ hàng năm; Giáo dục con cháu trong họ hiểu biết cội nguồn, truyền thống họ mình, hướng đến điều thiện, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau làm ăn, xây dựng Dòng họ văn hóa, chấp hành tốt chủ trương pháp luật nhà nước, không vi phạm pháp luật.

 

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, dòng họ có 02 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 10 người là Liệt sĩ, 5 người là thương binh.

Trong thời kỳ đổi mới, dòng họ có nhiều người tham gia chính quyền cơ sở, có nhiều doanh nhân thành đạt.


Họ Đồng Văn ở Khu dân cư Nam Đoài, phường Cổ Thành, Chí Linh


Theo gia phả của các cụ để lại, họ Đồng Văn ở KDC Nam Đoài, phường Cổ Thành xuất phát từ Án Xuyên, huyện Kinh Môn xưa (nay là thôn Hán Xuyên, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Cụ tổ là Đồng Tiến Thiện, có vợ là Phạm Thị Mãi. Sinh thời hai cụ sinh được 4 người con (3 con trai và 1 con gái): Người con gái lớn lấy chồng tại làng, sau khi mẹ qua đời; Người con trai trưởng và là con thứ 2 trong gia đình là Đồng Phúc Kim cùng bố là Đồng Tiến Thiện rời quê Án Xuyên về lập nghiệp ở xã Nam Giản (nay là phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh); Còn người con trai thứ hai và là con thứ ba trong gia đình đi ngược lên miền Bắc Giang (nay là Mai Xiu, Trường Sơn, Lục Nam, Bắc Giang), nay đã tìm về; Còn người con trai út nghe nói vào miền Thanh Hóa đến nay không có thông tin.


Sau khi ly tán, gia đình đã có hai cuộc đoàn tụ. Đến khi bố là Đồng Tiến Thiện mất do tuổi cao và khoảng cách địa lý lên không còn cuộc đoàn tụ nào nữa.

Do hoàn cảnh lịch sử, 4 đời đầu dòng họ chưa lập được Gia phả, Tộc phả. Đến đời thứ 5 khi cụ Đồng Văn Liêu làm Phó Tổng mới ghi lại họ tên ngày giỗ và phần mộ của các Cụ để lại. Mọi thông tin của 4 đời trước chỉ duy trì bằng thế hệ trước dặn lại thế hệ sau (Truyền ngôn). Hiện vật duy nhất của dòng dòng họ còn giữ lại được là bức đại tự có bốn chữ “芝醴根源 - CHI LỄ CĂN NGUYÊN”.


Gia phả Dòng Tộc Đồng Văn được dịch từ bản chữ hán do các cụ để lại, do cụ Đồng Văn Xuân là người lưu giữ, khi cụ Xuân mất, cụ Đồng Văn Địch dịch sang chữ quốc ngữ. So sánh với hai bản dịch của cụ Đồng Văn Loan, và cụ Đồng Văn Phượng dịch khi cụ Xuân còn sống, kết hợp với lưu truyền kể lại làm căn cứ cho con cháu về sau.

Cụ tổ họ Đồng Văn ở KDC Nam Đoài là Đồng Tiến Thiện, mất ngày 15 tháng 12 âm lịch, cụ tổ bà là Phạm Thị Mãi, giỗ ngày 13 tháng 11 âm lịch. Việc phụng thờ của dòng họ vẫn theo lối mẫu hệ, người con trai trưởng trông giữ việc thờ cúng của dòng họ.


Kể từ ngày lập nghiệp ở Kinh Môn đến nay, dòng họ đã phát triển đến 10 thế hệ, phân bố ở các địa phương như: phường Cổ Thành, phường Phả Lại (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước), với trên 65 suất đinh, và hơn 150 nhân khẩu.

Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, dòng họ có 2 cụ là cán bộ Lão thành cách mạng, là cụ Đồng Văn Bằng và Đồng Thị Tâm.

Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, dòng họ có 3 Liệt sĩ và 1 thương binh.


Trong thời kì đất nước mở cửa và hội nhập, tính đến nay dòng họ có nhiều người tham gia quân đội, con cháu dòng họ đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực của nhà nước và tư nhân.


Họ Đồng ở Tứ Kỳ, Hải Dương

Tổng quan họ Đồng ở Tứ Kỳ, Hải Dương

Theo nghiên cứu, điều tra, cho đến nay đã xác định nhánh họ Đồng tại Tứ Kỳ gồm:1) 1 nhánh họ Đồng tại thôn Vực, xã Tứ Xuyên nay là thôn Vực, xã Chí Minh. Cụ tổ Đồng Quý Công, Tổ bà là cụ Hiệu Diệu Lăng hiện nay ông Đồng Xuân Chính là Trưởng tộc dòng họ có 2 chi phả đồ đến nay là 11 đời có khoảng 105 xuất đinh dòng họ đã xây dựng mộ tổ, từ đường dòng họ được xây dựng năm 2016. 2) 2 nhánh họ Đồng tại thôn Tất Hạ, xã Cộng Lạc. 3) 4 nhánh họ Đồng thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp gồm họ Đồng Viết, Đồng Hữu, Đồng Công và Đồng Văn. 4) 4 nhánh họ Đồng làng An Hưng, xã Quang Trung: Cả 4 dòng họ Đồng ở thôn có truyền thống đoàn kết. Từ thế kỷ XIX, 3 dòng họ ở đây đã xây dựng chung một nhà thờ gọi là nhà thờ ba họ năm 1947 giặc Pháp ném bom trúng nhà thờ và hư hỏng toàn bộ.


Hiện 1 nhánh họ Đồng còn giữ được bản phú húy cổ, ghi chép được các vị Tổ tiên họ Đồng cách đây gần 700 năm. Cụ Tổ là Đồng Công Tự Phúc Tín sinh năm 1363, dòng họ này do ông Đồng Xuân Thẩm là Trưởng tộc ngày giỗ tổ hàng năm được duy trì thường xuyên vào 15/3 âm lịch. Dòng họ lưu giữ phú húy rất lâu đời và đã xây dựng mộ tổ và từ đường khang trang.


 Nhánh họ Đồng thứ 2 ở thôn An Hưng do ông Đồng Minh Đạt là Trưởng tộc, được Tổ tiên lưu truyền họ là con cháu cụ Đồng Thuần Mậu, tức là có họ hàng với cụ Tổ Pháp Loa- Đồng Kiên Cương, trước đây dòng họ ở Cổ Dũng, Kim Thành, Hải Dương gần đền thờ Mạc Đĩnh Chi, nhưng do trong họ có người làm quan to Triều Mạc vì có công lớn với vương triều nhà Mạc lên được vua Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) cho đổi họ từ họ Đồng sang họ Mạc.


Sau khi Mạc Mậu Hợp thất thế và bị chu di tam tộc họ đành phải di cư đến lánh nạn tại thôn Gian Khẩu xã Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng. Sau đó di chuyển về thôn An Hưng, Xã Quang Trung, ở đây thấy có nhiều gia đình cùng họ Đồng vì vậy các cụ chọn thôn An Hưng để cư trú...

Nhưng dù gần 500 năm trôi qua, nhưng cứ đến dịp ngày giỗ Thái Tổ Mạc Đăng Dung vào ngày 20 tháng 8, dòng họ Đồng này vẫn giữ truyền thống về Dương Kinh, Hải Phòng để dự lễ Giỗ Mạc Thái tổ Đăng Dung và tất cả các cụ Trưởng các chi trong họ đều lấy tên đệm Đồng Đăng.


Ngày 10 tháng 3 năm 2016, bà Đồng Thị Hồng Hoàn và ông Nguyễn Đình Chỉnh- cán bộ bảo tàng TP Hải Phòng đã về đình làng An Hưng dịch văn bia đình làng, và được biết họ Đồng ở đây vào triều nhà Lê, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2, năm Canh Tuất (1730) có các ông Đồng Đăng Tiên làm quan chi huyện Kinh môn năm 1724 cụ Đồng Đăng Tuân, cụ Đồng Đăng Doanh, cụ Đồng Đăng Khoa, cụ Đồng Đăng Long, cụ Đồng Đăng Hải, cụ Đồng Đăng Kiến, cụ Giám sinh Đồng Trọng Khuông học tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, sau cụ ra làm quan minh ký sự vụ triều đình nhà Lê, cụ Đồng Đăng Luận, cụ Đồng Đăng Ngạn, cụ Đồng Đăng Các có nhiều công lao đóng góp cho công việc kiến tạo lên làng An Hưng.


Đặc biệt có cụ Đồng Văn Trị là xã trưởng đầu tiên tên hiệu là Phúc Tiên và vợ chồng cụ Đồng Đăng Tướng tên chữ là Phúc Ninh, chức Thí tướng Sĩ lang hoằng kính khải Tri sự cùng 1 số ông bà khác họ Đồng trong xã đã có công đức cung tiến để xây dựng đình làng trong xã... Cho thấy đây là dòng họ Đồng có truyền thống lâu đời, dòng họ Đồng thôn An Hưng, xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ có nhiều người thành đạt và có công với dân với nước.


Ngày nay dòng họ Đồng Đăng vẫn viết tiếp truyền thống khoa bảng đến nay dòng họ có 4 tiến sĩ, 12 thạc sĩ 91 Kỹ sư và cử nhân, có 4 Đại tá, 3 Thượng tá 4 Trung tá, 3 Thiếu tá, 6 Liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh Biên giới, 6 thương binh, 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Hiện dòng họ còn giữ được mộ Tổ, các kỷ vật và truyền thống tốt đẹp của dòng họ để con cháu, mãi tự hào, nối tiếp và phát huy...


Đồng Minh Đạt

Trưởng tộc họ Đồng thôn Cầu Xe, xã Quang Trung

 

Họ Đồng ở Tất Hạ, Tứ Kỳ, Hải Dương


Họ Đồng ở Tất Hạ, Hải Dương hiện có 16 chi, tổng số gần 200 suất đinh, hàng năm có họp họ, duy trì đóng quỹ theo suất đinh để thăm hỏi, phúng viếng.

Đồng Quang Việt


Họ Đồng Văn ở thôn Cầu Xe, Quang Trung, Tứ Kỳ, Hải Dương


Cụ Thượng Tổ khai sinh ra dòng họ Đồng Văn ở thôn Cầu Xe, Quang Trung, Tứ Kỳ, Hải Dương là cụ Đồng Công Tự Phúc Quảng. Mộ cụ Thượng tổ xây năm 1938 và đến năm 2009 xây mới.

Hiện nay, tổng số chi trong dòng họ gồm 3 ngành 9 chi. Tính đến năm 2020 có 14 đời, với tổng số 360 suất đinh.

Họ Đồng Văn Cầu Xe tổ chức ngày giỗ cụ tổ tại nhà thờ họ được xây dựng năm (1856), nhưng đến năm 2016 xây mới lại hoàn toàn. Nhà thờ họ được xây dựng với nối kiến trúc nhà thờ nhà tầu bẩy 3 gian ,diện tích 60m2, bia đá hơn 300 năm.

Ngày giỗ cụ Thượng tổ ông: 14-2 (Âm Lịch); Ngày giỗ cụ Thượng tổ bà: 28/12 (Âm Lịch)

Họ Đồng Văn Cầu Xe cũng đã xây dựng được gia phả năm 1988, đến nay đã ghi chép được đến đời thứ 11. Năm 2016, lập được cây gia phả năm 2016 lập đến đời thứ 11.

Truyền thống khoa bảng, trong thời kỳ nhà nước phong kiến, họ Đồng Văn Cầu Xe có 3 quan chi huyện. Đến thời đại Hồ Chí Minh có ông Đồng Huy Xuyên, sinh năm 1938, quê quán xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Bình; Phó Chủ tịch UBND huyện; Chủ tịch UBND huyện Phú Bình; Phó Bí thư Huyện ủy; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Bình. Họ Đồng ở đây có 4 Đại tá, 4 thượng tá, 2 trung tá, 4 thiếu tá, 6 Liệt sĩ, 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 07 thương binh, 4 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, 91 kỹ sư và cử nhân.


Đồng Minh Đạt

Trưởng tộc


Họ Đồng ở thôn Vực, xã Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương


Theo các tài liệu lịch sử và công tác điều tra nghiên cứu, họ Đồng, xã Tứ Xuyên có nguồn gốc từ người Việt cổ, nằm trong một bọc của họ Đồng Việt Nam.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, các cụ tổ chỉ làm nghề nông nghiệp, làm thuê cho địa chủ và phong kiến cho nên rất nghèo khó. Chỉ có một cụ làm nghề dạy học, ở trình độ như lớp 1, lớp 2 bây giờ, không có cụ nào ở tầng lớp phú nông địa chủ, cường hào.


Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều con em họ Đồng đã đi bộ đội, tham gia du kích xã, làm cán bộ thôn, xã, vận động nhân dân đứng lên chống Pháp. Tiêu biểu như ông Đồng Xuân Lể. Người họ Đồng đầu tiên vào Đảng từ năm 1948. Đã có 5 người con họ Đồng đã anh dũng hy sinh, trong đó có 4 Liệt sĩ đều là thanh niên chưa có vợ . Hiện 4 hài cốt còn thất lạc tại chiến trường miền Nam, 1 hài cốt Đồng Xuân Hiên đã được đưa về nghĩa trang thôn Vực, xã Tú Xuyên.


Thời đại Hồ Chí Minh, nhiều con em họ Đồng tiếp tục tham gia lực lượng quân đội, công an, chính quyền địa phương; doanh nhân thành đạt: Tiêu biểu như Đại tá quân đội Đồng Xuân Khải; Thượng tá Công an Đồng Xuân Phụ; Trung tá quân đội Đồng Quang Như; Ông Đồng Xuân Giải, Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên; Ông Đồng Quang Đôn, Trưởng phòng Nông nghiệp một huyện ở Long An; Doanh nhân Đồng Xuân Tượt (kinh doanh tại Bà Rịa- Vũng Tàu)...


Về nhà thờ họ Đồng làng Vực: Nhà thờ được xây ba gian, nhà lợp ngói, quay hướng Đông, với diện tích đất là ba thước. Gia phả không viết xây dựng từ bao giờ. Nhưng trước năm 1950 không rõ năm, Pháp đã đốt nhà thờ họ Đồng, sau đó dòng họ đã dựng lại bằng tường vách đất và lợp rạ để thờ cúng.

Về sau lại bị đổ, đất sau này được biết dòng họ đã bán cho gia đình ông cụ Bục ở đất liền kề, từ đó đến nay nhà thờ họ Đồng không còn.

Ngày 3/12/2015, Hội đồng gia tộc mới thống nhất việc xây dựng lại nhà thờ. Ngày mùng 6/2/2016, âm lịch khởi công.

Nhà thờ xây 30m2 trên tổng diện tích 99 m2, được thiết kế kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại. Toàn bộ mẫu thiết kế hoa văn trang trí sản xuất tại Hải Phòng về lắp ghép thi công xây dựng khang trang, hiện đại.


Nhà thờ quay hướng Tây, là quay về cội nguồn tổ tiên. Vì theo nhiều tài liệu nói về gốc họ Đồng xuất phát từ Chí Linh, Hải Dương.

Về lăng mộ tổ họ Đồng: Lăng mộ tổ họ Đồng được xây dựng khang trang đẹp đẽ ở Mũ đòn cân, cạnh miếu Hòn ngọc ở thôn trại vực quay hướng Nam với tổng diện tích là 40 m2, có hai phần rõ rệt, lăng và mộ, có cốt ở dưới, có lối đi vào lăng theo hướng Tây.


Lăng mộ được xây dựng vào năm 1993 từ đó đến nay đã tu sửa 2 lần vào năm 2003 và năm 2013 có sửa chữa lại một số chi tiết.

Về phần cốt của lăng mộ, trước đây mộ thủy tổ an táng tại nghĩa trang đường de thôn vực đến tháng 10/1964 chuyển về gốc duối miếu hòn ngọc đến năm 1993 chuyển cốt cụ thủy tổ ra mũ đòn cận để xây lăng như bây giờ

Trong khuôn viên lăng có cốt cụ thủy tổ Đồng Quí Công trong lăng chính. Dưới lăng có mộ phần của vợ cụ tổ Hiệu Diệu Lăng đặt ở phía đông, và mộ phần của hai con trai cụ tổ là: Đồng Xuân Thiện, Đồng Xuân Toại.


Họ Đồng ở Phù Tải, xã Kim Đính, Kim Thành, Hải Dương


Theo các cụ kể lại, có một vài nhánh họ Đồng ở đây còn di cư ra đến vùng Hoa Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng (có tấm bia công đức của nhánh họ Đồng ở Bính Động trong nhà thờ tổ ở Phù Tải).

Nguồn gốc, lược sử dòng họ:

Theo gia phả của dòng họ, Cụ thượng tổ Đồng Quang Riệp (đời 1): Đỗ đại khoa đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, tước Đề hình hiển sát ngự sử Đồng tướng công tự Quang Riệp. Do có công với triều đình, được vua ban thưởng cho tìm đất lập trang, lập trại. Cụ xuôi thuyền và chọn giải đất bồi ven sông Rạng (nhánh của sông Văn Úc) là nơi lập ấp sinh sống, đặt tên làng là Phù Đái (nghĩa là giải đất nổi), sau thấy chữ “đái” hơi thô, các cụ chuyển thành Phù Đới, chữ Đới và chữ Tải nghĩa gần giống nhau và đổi thành Phù Tải như bây giờ. Vì thế mà ở xã còn còn các địa danh có các tên đến ngày nay như: xóm Giải ,chợ Giải, Đò giải, Đình giải, chùa Giải….

Cụ tổ đời thứ 2: Đồng Quang Ruệ , Tổ Quốc tử giám, tước Đô Ngự sử Hình Bộ Viên ngoại lang.

Cụ tổ đời thứ 3: Đồng Phúc Trực, Tổ quốc tử giám Giám snh, tước Quảng Tiến thận lộc đại phu Vũ Vệ Đại Tướng Quân (đây là cụ tổ vâng lệnh triều đình đi dẹp “Quận He” Nguyễn Hữu Cầu.


Lăng mộ cụ Đồng Quang Riệp, mộ cụ tổ đời 1,2,3 đã được xây dựng kiên cố tại địa phương.

Tổng số chi, phái hiện nay/sự phân chia chi, phát trong dòng họ bao gồm 2 nghành và 06 chi. Tính đến năm 2020: 28 đời. Hiện nay có khoảng 325 suất đinh.     

Ngày giỗ cụ Thượng tổ ông: Đồng Quang Riệp là ngày 21 tháng giêng

Nhà thờ được xây dựng vào năm 1931, sửa chữa  năm 1965, xây mới năm 2004. 


Theo đó, năm 2004, nhà thờ được xây dựng, sửa chữa với kết cấu khung cột bê tông cốt thép, theo hình khối chữ “ Đinh” (trên mảnh đất từ thời cụ tổ đời thứ nhất sinh sống, lập nghiệp). Kiến trúc nhà thờ họ 4 mái được vuốt cong thành hình mái đao và chạy xung quanh khối công trình hướng ra bốn phía. Bao gồm 3 gian phía trước và 01 gian phía sau là hậu cung, diện tích xây dựng 80 m2.


Di vật cổ còn trong nhà thừ họ: a) Một đôi câu đối cổ có nội dung:“ Văn tiến sĩ, võ tướng quân danh lưu quốc ký”; “ Ấp sa lăng, gia thạch tượng tích vĩnh nhân truyền” b) 02 ông đá được gọi là “đá Tróc Voi” được dựng tại vườn, tương truyền dùng để buộc voi, khi giặc Pháp chiếm đóng cho phá nhưng không được nên còn lưu lại đến ngày nay. C) 01 ngai thờ và 01 bát hương cổ.


Ngoài những di vật trên, hiện tại cánh đồng của thôn còn tồn tại 01 một gò, có tên là “ Mả Vù Về”, trong gia phả của họ có viết rằng Cụ tổ đời thứ 3 của họ là Vũ Vệ đại tướng quân Đồng Phúc Trực, do dẹp “giặc He” không thành đã cùng binh lính (con cháu trong họ và họ khác) đục thuyền tuẫn tiết tại cửa sông của làng, sau này theo năm tháng ở đó nổi nên một gò rất cao, được dân làng đặt tên là mả Vù Về (gọi tránh tên cụ Vũ Vệ), nay vẫn còn.

Trong lịch sử Đảng bộ xã Kim Đính cũng ghi nhận họ Đồng Phù Tải là họ đầu tiên về lập ấp, sinh sống từ nửa đầu thế kỷ thứ 15, Đình làng của xã suy tôn cụ tổ của họ là: “Thành Hoàng làng” và được tổ chức hội Đình hàng năm vào ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch.


Trưởng tộc: Đồng Văn Chinh

Chủ tịch Hội đồng Gia tộc: Đồng Quốc Thiều


Họ Đồng ở xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương


Họ đồng xã Quyết Thắng có 2 ngành gồm 14 chi, sau này sáp nhập ngành 3 thuộc xã Ái Quốc, Huyện Nam Sách có 5 chi. Như vậy, ngày nay dòng họ Đồng Quyết Thắng và Nam Sách có 3 ngành và 19 chi. Ở xã Quyết Thắng có gần 400 suất đinh và Nam Sách là 175 suất, tổng là hơn 550 suất đinh. Ngày giỗ Tổ 15 - 11 âm lịch, nhà thờ được xây dựng và khánh thành 10-10-2010.


Hiện nay đang có 5 mộ tổ Từ cụ thượng tổ đến cụ ngũ tổ được dong họ xây dựng bảo quản hương khói gồm: 1) Cụ thượng tổ- Phấn lực Đại tướng quân - Đồng Công Tự Phúc Giang hiệu Nhang Sơn (Táng tại đống Đồng Mai trong); 2) Cụ Nhị tổ- Phấn lực Đại tướng quân - Giám sát Ngự sử Đô đài kiêm Quốc tử trợ giáo - Đồng Công Tự Thụy Lương Khê (Táng tại đống đài Đồng Cửa); 3) Cụ Tam tổ- Phấn lực Đại tướng quân - Đồng Công Tự Thụy Cương Nghị (Táng tại đống Cao Đầu làng xóm Ái Quốc); 5) Cụ Tứ tổ -Hiệp tá Nho sinh - Đồng Công Tự Thụy Sơn Đầu (Táng tại đống Máp Đồng Út); 5) Cụ ngũ tổ- Đồng cô Tự Thụy Minh Đàm (Táng tại đống Đồng Kênh.


* Một số nét văn hóa của dòng họ:

Qua quá trình thời gian khá dài các cụ đã sưu tầm được các tư liệu mà các cụ trong họ Đồng trước đây đã giàu lòng hảo tâm vào các di tích lịch sử như sau:

Cây đèn thờ đống bưởi (Đống thờ xóm tân tiến) thuộc đời vua Minh Mạng năm 1820 (Giáp thìn) Có 5 người họ đồng cung tiến.

Cây bia cổng chùa cả niên hiệu Hoàng triều Vua Tự Đức thứ 24 ở thế kỷ XVIII năm 1871. Có 19 cụ trong họ đồng cung tiến.

Cây chuông chùa cả (hiện nay còn đang để trong chùa) về phía bên phải chuông ghi niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 18 vua Tây Sơn (1801) thế kỷ thứ 18 có 27 người họ đồng cung tiến.


Chợ vàng có 20 gian quán (hiện nay vẫn còn) được xây dựng tháng 01 năm Ất Tỵ (1845) có 22 người họ đồng tham gia cung tiến.

Vào năm 677 (Đinh Dậu) Đời vua Lê Huy Tông Cụ Thượng tổ họ Đồng: Phấn Lực Đại Tướng Quân - Đồng Công Tự Phúc Giang Hiệu Nhang Sơn đã đóng góp 1/4 ngôi đình trong.


Họ Đồng Quyết Thắng hiện có 3 người có quân hàm Thượng tá trong đó công an 2 ông đang sắp nghỉ hưu và quân đội 1 ông đã nghỉ hưu.

Hiện nay, dòng họ có gần hơn 120 người đỗ vào các trường đại học, trong đó có 6 người học nâng cao đỗ danh hiệu thạc sĩ, 1 người đỗ Tiến sĩ (Tiến sĩ Đồng Quang Thái, hiện đang công tác tại Ban Tuyên giáo Trung ương). Hiện có cháu Đồng Hải Hà, giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông.


Đồng Văn Nhất

Trưởng tộc


Họ Đồng Nhân xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, Hải Dương


Chuyện kể rằng, vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, cụ Đồng Đạo Tông từ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương đến xóm Voi, nay là thôn Bắc Thắng, xã Liên Hòa khai hoang lập nghiệp. Cùng đến xóm Voi như cụ Đồng Đạo Tông còn có người của 11 họ là Hoàng, Phí, Phạm, Văn, Vũ, Đỗ, Trần, Đinh, Lương… Dân số tăng dần thành làng. Vì người họ Hoàng đến xóm Voi đầu tiên nên các cụ lấy chữ Hoàng đặt tên cho làng, gọi là làng Hoàng Xá, dòng họ Đồng Nhân cũng ra đời từ đây.


Theo dòng thời gian từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đến thập niên đầu của thế kỷ 21, dòng họ Đồng Nhân ta đã có trên 400 năm tồn tại và phát triển với 15 thế hệ nối tiếp nhau và được chia thành 7 ngành, từ ngành 1 đến ngành 7. Từ đường của họ Đồng Nhân được xây dựng dưới thời cụ Đồng Nhân Khang (còn gọi là cụ Lệ Khóa) ở thế hệ 9 thuộc ngành 6. Họ Đồng có Từ đường, có bia đá, có Tộc phả nhưng giặc Pháp đã biến có thành không vào năm 1951.


Năm 1954, chiến tranh đi vào dĩ vãng. Ba cụ có tâm huyết với tổ tiên, với dòng họ là Đồng Nhân Cỏn ngành 5, Đồng Đức Trí và Đồng Quý Thích cùng nhau sưu tầm tài liệu từ những trang Tộc phả cháy dở, từ những mảnh vỡ của bia đá và từ những lời kể của người cao tuổi trong dòng họ để ghi chép lại làm tài liệu, giúp thế hệ 12 xây dựng lại Tộc phả dưới dạng sơ đồ.


Tại xóm Voi, cụ Đồng Đạo Tông sinh ba trai là: Đồng Đạo Sùng, Đồng Chính Bình và Đồng Phúc Duyên. Cụ Đồng Đạo Sùng sinh cụ Đồng Phúc Kiến, cụ Đồng Phúc Kiến sinh cụ Đồng Phát Đạt. Cụ Đồng Chính Bình sinh cụ Đồng Chính Trực. Cụ Đồng Chính Trực sinh cụ Đồng Đắc Lộc. Cả sáu cụ Đồng Đạo Sùng, Đồng Phúc Kiến, Đồng Phúc Đạt, Đồng Chính Bình, Đồng Chính Trực và cụ Đồng Đắc Lộc để đi đâu không rõ, chỉ còn lại cụ Đồng Phúc Duyên.


Cụ Đồng Phúc Duyên sinh ba người con trai là: Đồng Phúc Huyên, Đồng Phúc Tiên, Đồng Đạo An, cụ Đồng Đạo An sinh cụ Đồng Phúc Trọng, cụ Đồng Phúc Trọng sinh cụ Đồng Phúc Quán, cả ba cụ Đồng Đạo An, Đồng Phúc Trọng và Đồng Phúc Quán lại đi đâu không rõ, chỉ còn lại hai cụ là: Đồng Phúc Huyên và Đồng Phúc Tiên ở lại xóm Voi.


Đồng Văn Khỏa


Họ Đồng ở xã Đồng Gia, Kim Thành, Hải Dương


Theo hai tập gia phả viết bằng chữ Hán ở đây còn lưu giữ được cho đến ngày nay thì các đời thượng tổ ở đây được tính từ năm 1750 trở về trước không rõ tên tuổi, gốc gác từ đâu đến, chỉ để lại 8 ngôi mộ cổ đặt tên theo bát quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Tám ngôi mộ tổ này rất có thể là của 4 cặp ông bà Cao, Tằng, Tổ, Khảo của 2 anh em cụ Đồng Thái Hanh (sinh năm 1750, ở thôn Đông) và Đồng Quang Thiêm (ở thôn Đoài, về sau theo đạo Thiên Chúa, khoảng năm 1954 di cư vào vùng Sài Gòn - Gia Định). Biết năm sinh của cụ Đồng Thái Hanh (1750) có thể tính ra 4 đời trước đã đến cư trú trên vùng đất này là vào khoảng năm 1670 (tính theo cách chung khoảng 25 năm/ 1 đời nhân với 4 đời bằng 100 năm và trừ đi 20 năm coi như đến tuổi trưởng thành cụ tổ mới di cư được).

Như vậy, nhánh họ Đồng đã đến cư trú tại nơi này vào thời vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671). Họ Đồng ở đây sau còn có nhiều nhánh di cư đi các nơi khác như ra thành phố Hải Dương, ra Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh, vào Đồng Nai, Kon Tum, sang Tiệp Khắc cũ...

Ngày giỗ tổ: 3/2 âm lịch. Nhà thờ xây dựng khoảng 200 năm. Có 8 ngành, 1000 người

Họ Đồng ở xã Đồng Gia, Kim Thành, Hải Dương hiện có khoảng 30 kỹ sư, đại học, bác sĩ. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dòng họ có 15 người là Liệt sĩ.


Đồng Minh Tuấn

Trưởng tộc

Họ Đồng ở Kinh Môn, Hải Dương


Họ Đồng ở Kinh Môn, Hải Dương hiện có 4 chi phái với 160 suất đinh, qua quá trình sinh sống và phát triển, hiện nay có nhiều cá nhân giữ những chức vụ quan trọng trong các lĩnh vực khác nhau như: có 1 thiếu úy Quân đội; 4 đại học; 1 thạc sĩ.

Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, dòng họ Đồng ở Kinh Môn, Hải Dương có 1 Liệt sĩ là Đồng Văn Huấn (1949-1972) hi sinh tại chiến trường B.

Trên mặt trận kinh tế, họ Đồng ở Kinh Môn, Hải Dương có doanh nhân Đồng Quảng Bình là Giám đốc một doanh nghiệp tại Ănggôla.

Trong lĩnh vực chính quyền có ông Đồng Văn Bằng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch tỉnh Quảng Ninh; ông Đồng Văn Biên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh.


Đồng Văn Quyền


Họ Đồng ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng, TP. Hải Dương


Cụ tổ: Đồng Đức Tông. Ngày giỗ tổ: 22/12 âm lịch

Trưởng tộc: Đồng Đức Hào

Họ Đồng ở Thanh Xá có 3 ngành, đến nay có 13 đời, với tổng số 220 suất đinh, 145 dâu. Tổng số 365 thành viên.

Nhà thờ họ Đồng ở Thanh Xá được xây dựng từ năm 2014, 3 gian, lợp ngói mũi, có hậu cung, thờ cụ Thượng tổ của 3 ngành với diện tích 35 m2 trên tổng diện tích 300 m2. Gia phả ở đây được lập từ năm 1985.

Họ Đồng ở Thanh Xá có 5 Liệt sĩ, 5 Thương bệnh binh, 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 45 Đảng viên; Có Doanh nhân Đồng Đức Hùng, Giám đốc DN ô tô ở TP. Hải Dương.


Trưởng tộc: Đồng Đức Hào