Họ Đồng Sĩ ở Làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang


Ngay đầu tiên của cuộc hành trình, BLL đã được ông Đồng Sĩ Quế, năm nay đã ngoài 80 tuổi đón tiếp tại nhà thờ họ. Theo ông Đồng Sĩ Quế, Thủy tổ của họ Đồng Sĩ là cụ Đồng Sĩ Anh, trước kia, họ Đồng Sĩ sinh sống ở xã Minh Hương, huyện Hương Trà, vùng ngoại vi của thị trấn Bao Vinh, hành nghề y nghiệp. Qua 3 đời nhận thấy vùng đất này có diện tích hẹp, lại đông người, không thuận tiện cho việc làm ăn, do vậy người họ Đồng Sĩ đã vượt sông sang định cư lập nghiệp tại làng Mậu Tài, bên bờ Nam Sông Hương thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang.

Hiện nay, họ Đồng Sĩ đã về đây sinh sống khoảng gần 300 năm, với 13 đời và hơn 1000 nhân khẩu. Nhà thờ ở đây cũng đã được xây dựng từ hơn 100 năm nay.

Phải nói rằng, họ Đồng Sĩ ở làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang từ xa xưa đến nay có rất nhiều con em thành đạt như:

+ Đồng Sĩ Vịnh (sinh 15.2.1833), năm Minh Mạng thứ 13, nổi tiếng làm nghề thuốc Đông Y gia truyền tại làng Mậu Tài.

Đời thứ 5, ông đỗ Cử nhân khoa Tân Dậu, năm Tự Đức 14 (1861). Năm Tự Đức 18 (1865), ông lãnh chức Hàn Lâm viện điển tích, lĩnh nội kiểm thảo. Sau thăng Tri phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây. Ngoại lang, Chưởng ấn mật Ngự sử viện Đô Sát, án sát tỉnh Ninh Bình, Bố chánh Hà Nội và Nam Định. Năm Ất Dậu 1885, Vua Đồng Khánh lên ngôi thăng chức Quản đốc thông bảo. Thăng hàm Quan lộc tự khanh sung Biện các Vụ. Sau đó được cải thành Tuần Phủ Trị Bình. Năm 1901, ông bị bệnh và mất tại chức được tặng hàm Tổng đốc và 100 quan tiền. Sau lại được truy thọ: "Hiệp biện Đại học sĩ" (Tùng nhất phẩm).

+ Nhà cách mạng tiền bối Đồng Sĩ Bình (1904 - 1932).

Ông sinh tại làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Lớn lên, ông học tại trường Quốc học Huế (1920-1924). Học xong Thành chung, được bạn bè (trong đó có Phạm Văn Đồng) hứa giúp đỡ tiền bạc để ra Hà Nội học tiếp Tú tài, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông đành thôi học, xin vào làm Phán sự, làm việc cho Tòa khâm sứ Pháp ở Huế.

Tháng 10 năm 1924, ông bị chuyển vào Quy Nhơn. Đến cuối năm 1926, ông từ chức để dành toàn bộ sức lực cho hoạt động cách mạng. Ông bắt đầu bằng việc vận động học sinh trường cao đẳng tiểu học. Ông tình nguyện mở lớp buổi tối hướng dẫn một số học sinh năm thứ nhất và năm thứ hai. Những học sinh của ông sau này phần lớn đã tham gia cách mạng như Hoàng Phương Thảo và Nguyễn Âu Sanh. Nhưng một số người lại theo hướng khác như Cao Hữu Thưởng, Nguyễn Vỹ.

Ông cùng Bửu Đình viết bằng tiếng Việt cho báo Tân thế kỷ và bằng tiếng Pháp cho các báo La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè), L’ Argus Indochinois... ở Sài Gòn. Ông đã gia nhập Đảng Tân Việt, tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cuối năm 1926, ông và Bửu Đình đứng ra diễn thuyết, hô hào chống chính quyền tại nơi nhà yêu nước Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Bến Ngự, gần chùa Từ Đàm (tại đây, trí thức thành phố Huế và các vùng lân cận thường đến vào các ngày chủ nhật để cùng cụ Phan Bội Châu bàn vệ tương lai đất nước). Hai người sau đó đều bị bắt, ông bị kết án 9 năm, đày ra Buôn Mê Thuột; Bửu Đình cũng bị kết án 9 năm, đày ra Lao Bảo rồi Côn Đảo.

Chuyển đến nhà tù Bình Định, ông vẫn tiếp tục khơi động giác ngộ trong nhân dân. Truyền kiếp ghi chép những cuộc đấu khẩu giữa một vị Tổng đốc có tuổi và một nho sĩ lớn với một anh thanh niên 23 tuổi. Bằng chứng là bài thơ tứ tuyệt được nhà lão thành cách mạng Hoàng Phương Thảo ghi lại trong một hồi kí đăng trên Tạp chí Sông Hương, số 11, Tết năm 1985:

...Viết hai chữ cách mạng

Tù chín năm khổ sai.

Ký giấy bán dân nước

Tù ấy mấy vạn ngày?

Ông ra tù ngày 1 tháng 3 năm 1930, sau đó bị bắt lại vào 2 tháng 4 năm 1930 trong lúc chuẩn bị sửa soạn xuất dương. Ông bị đày lên Đắk Sút thuộc tỉnh Kon Tum. Do bị bệnh nặng, ông được trả cho gia đình ngày giữa mùa hè năm 1932, về nhà 25 ngày thì qua đời 15 tháng 8 năm 1932), khi mới 28 tuổi.

Hiện nay ngôi mộ ông đặt tại làng Mậu Tài, xã Phú Mậu quê ông do hai em của ông là Đồng Sĩ Hứa và Đồng Sĩ Hiền lập.

Ghi nhận công lao của ông, Năm 2010, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định lấy tên ông, Đồng Sĩ Bình, để đặt tên cho một con đường thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Đồng Sĩ Hứa (1915-2005).

Ông chính là em ruột nhà cách mạng Đồng Sĩ Bình. Năm 1938, Đồng Sĩ Hứa là một trong những quan chức được chính phủ Bảo hộ biệt phái sang làm quan phán tại Văn phòng Chánh xứ Pháp ở Port Vila New Hebrides. Đến năm 1946, ông xin từ chức quan phán để lãnh đạo bà con Việt kiều thành lập Liên đoàn Thợ thuyền Việt Nam tại Tân Đảo.

+GS.TSKH Đồng Sĩ Hiền, sinh 06/02/1918.

Ông là em ruột của nhà cách mạng Đồng Sĩ Bình và Đồng Sĩ Hứa. Ông nguyên là Tổng thanh tra Bộ Canh Nông và được ví như con chim đầu đàn về lĩnh vực nghiên cứu Lâm nghiệp. Ông đã được nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba.

Họ Đồng Sĩ có 3 Anh hùng Liệt sĩ là: Nhà cách mạng tiền bối, Liệt sĩ Đồng Sĩ Bình; Liệt sĩ Đồng Sĩ Mỹ; Liệt sĩ Đồng Sĩ Kỳ và 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Bỉ.

Họ Đồng Hữu ở làng Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền, Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Theo các cụ truyền lại, họ Đồng về làng Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế lập nghiệp là từ phía Núi Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh có 2 câu đối:

“Hồng Lĩnh cựu kim sơn

Phong Điền tân gia cảnh”

 Cụ thượng tổ là: Đồng Thời Nhạc. Hiện nay tổng số 2 chi tộc, với 12 đời tính đến năm 2020, với tổng số 250 suất đinh, với tổng số hơn 1000 nhân khẩu. Ngày giỗ cụ tổ họ Đồng: 20/11/âm lịch

Họ Đồng ở làng Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhà thờ trên một quả đồi thoai thoải với diện tích 100m2 . Gia phả được lập năm 10/1829, xây dựng được đến đời thứ 12. Cứ 3 năm cập nhật 1 lần các thông tin: Chết, sinh hạ, lấy vợ, lấy chồng.

Đây là nhánh của ông Đồng Hữu Mạo, nguyên Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.


Đồng Hữu Do

Ủy viên Ban Liên lạc họ Đồng Việt Nam