Họ Đồng Trần xã Kim Anh - Kim Tân, Kim Thành, Hải Dương có nguồn gốc từ Hải Phòng. Cụ Khởi tổ Đồng Công Húy Phúc Thiện. Ngày Giỗ cụ Khởi tổ: 19/10 nhưng đã từ lâu, Dòng họ đã lấy ngày mồng 08 tháng 01 làm ngày Giỗ tổ thường niên. Do vậy, họ Đồng Trần xã Kim Anh- Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương ra nhập và là thành viên của Họ Đồng Thành phố Hải Phòng. Căn cứ gia phả gốc, họ Đồng Trần đến nay có 14 đời và cũng theo ghi chép từ các đời trước để lại, Cụ Khởi tổ của dòng họ Đồng gốc người Làng Bóng, gần triền Núi Voi, Hải Phòng. Do nhà quá nghèo được ông Cậu họ là Sư Ông trụ trì ở Chùa Lành, nay là Chùa Duyên Khánh xã Kim Tân đón về làm tiểu, lúc trưởng thành chưa rõ căn duyên Cụ đã phá giới, lấy vợ sinh con và sinh ra các thế hệ con, cháu, chắt, chít… Cũng theo truyền lại, có nhiều lời ca tụng về cụ Khởi tổ như sau: Cụ chăm học, chăm làm, có phẩm chất đạo đức tốt, vì thế Cụ đã được nhà Chùa nhất mực quý trọng và nhân dân trong vùng yêu mến. Cụ bước vào cuộc đời tu hành từ bi, êm ả, ăn chay niệm Phật, nhưng Cụ đã cự tuyệt, phá giới, Cụ không sợ bị tội lỗi, đây là một tư tưởng rất hiếm thấy thời bấy giờ và cũng nhờ việc phá giới này của Cụ mới có được dòng họ Đồng Trần ngày nay. Đến đời cụ Phúc Thành (đời
thứ 5) do nhà hiếm người, gia đình lại khá giả, vợ cả của cụ Phúc Thành không
có con nên Cụ đã xây dựng với cụ Bà thứ hai và đã sinh ra được hai người con
trai, người con cả là Tướng sĩ Lương Hoành Đức Điện Chi Sự Đồng Lệnh Công Húy
Sách hiệu Phúc Giám, người con thứ hai là Đồng Quý Công Tự Đăng Châu. Hai anh em các Cụ đều được học hành đến nơi đến chốn, cụ Phúc Giám (cụ Sách) thì văn võ song toàn, cụ Đăng Châu có tri thức làm quan đến Tri Châu, xong cả hai anh em các Cụ đều không ra làm việc lâu dài cho Triều đình thời bấy giờ. Cụ Đăng Châu ở lại quê (xã Kim Tân) làm ruộng, phụng dưỡng cha mẹ, cụ Sách thì sang Đồng Mỹ để khai hoang vỡ hóa, lập làng theo lời hiệu triệu của ba vị Thành Hoàng. Cụ Sách sang thôn Đồng Mỹ thời gian này là thành viên họ thứ ba. Thời gian chính xác sang thôn Đồng Mỹ lập nghiệp của Cụ chưa rõ, chỉ biết rằng thời điểm đỗ Tiến sĩ của ba vị Thành Hoàng Làng như sau: Tiến sĩ Đỗ Hoàng Thịnh, thi đỗ năm 1508; Tiến sĩ Nguyễn Văn Đàm, thi đỗ năm 1511; Tiến sĩ Nguyễn Địch Huấn (con cụ Đàm), thi đỗ năm 1520. Ba vị trên đều được Nhà Vua ban đất, ban ruộng lập Làng và ngày nay đã thành các Thôn, Làng, đó là: Thôn Đồng Mỹ và thôn Lễ Độ thuộc xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Quá trình làm ăn sinh sống, tuy hai anh em ở hai nơi, nhưng đều xảy ra một sự việc giống nhau rất ngẫu nhiên, chỉ trong vòng trên dưới một năm, cụ Sách đi chợ thay vợ đã nhặt được một người con rơi. Cụ đã đưa trẻ sơ sinh này về nhà, cắt rốn, tắm rửa, ấp ủ trong niêu đất và cả hai Cụ đều hết lòng nâng niu, chăm sóc cho đến khi người con sơ sinh cứng cáp, các Cụ đã xin với Làng cho nhập tên, tuổi cùng với họ Đồng là Đồng Văn Đắc, nhưng do tư tưởng phong kiến thời bấy giờ rất hà khắc, lạc hậu và nhất định Làng không cho nhập vào họ Đồng. Không còn lựa chọn nào khác, các Cụ đành phải đặt tránh sang là họ Trần (lúc nhặt được, người để truồng, không quần áo), người trẻ ấy sau đó có tên đầy đủ là Trần Văn Đắc và từ Cụ Đắc đã hình thành thêm một Chi là Chi 2 ngày nay. Cũng tại quê nhà bên Kim Tân, Cụ Đăng Châu trong khi đi làm sớm mai ở ngoài đồng cũng nhặt được một người con sơ sinh ở ruộng cày, Cụ thương tình đưa về nhà để cho cụ bà Lê Thị Hiệu nuôi cùng người con ruột là Đồng Phúc Cơ. Người trẻ sơ sinh được các Cụ đặt tên là Đồng Đức Đãi. Như vậy cả bốn người con: Đồng Công Húy Hòa, Trần Văn Đắc, Đồng Phúc Cơ và Đồng Đức Đãi đều bú hai dòng sữa của hai bà Cụ, là cụ Đoàn Thị Hiển và cụ Lê Thị Hiệu, từ đây đã sinh ra các lớp người thừa kế của Dòng họ Đồng Trần.
Trong số các cụ từ đời thứ 6 đến đời thứ 10 cho thấy: Cụ Sách và cụ Đăng Châu có công rất lớn trong việc xây dựng, phát triển Dòng họ thêm đông đúc và cũng chính hai cụ đã có công nuôi dưỡng và phát triển thêm hai Chi họ là Chi họ Trần ở Kim Anh và Chi họ Đồng ở Kim Tân. Bốn Chi của dòng họ đến nay đã tương đối ổn định và đang phát triển theo chiều hướng bền vững. Về phần mộ. Gần như các mộ của các Cụ tổ hiện đã thất lạc. Phần mộ còn lại đã quy tập đầy đủ và được Dòng họ xây dựng gọn gàng tại hai nghĩa trang: Chi 1 và 2 ở Nghĩa địa Đống Cao, thôn Đồng Mỹ, xã Kim Anh còn Chi 3 và 4 ở Nghĩa địa Đống Thuyền, thôn Hải Ninh, xã Kim Tân. Tuy là dòng họ có tỷ lệ nhân khẩu ít, sinh sống ở trên hai địa phương cấp Xã, nhưng họ Đồng Trần luôn có truyền thống rất tốt đẹp. Nền nếp do các Cụ để lại: Việc ăn ở nhân đức, kính trên nhường dưới, trên bảo dưới nghe, một lòng một dạ vì tổ nghiệp, vì ông cha, vì sự phồn vinh của Dòng họ, các thành viên luôn cùng nhau vun vén, chắt chiu xây dựng và mong sao cho từng nhà, từng Chi và cả Dòng họ có được nhiều thành quả tốt đẹp, tự hào. Mọi người luôn nghĩ về dòng họ, về tổ tiên, luôn luôn chăm lo, phát hiện, đào tạo lớp người thừa kế. Từ đời này qua đời khác, Dòng họ luôn giữ trọn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Noi gương cụ Khởi tổ Đồng Công Húy Phúc Thiện, tiếp đến là các cụ Đồng Lệnh Công Húy Sách (đời thứ 6), Cụ Đồng Văn Điệng, Cụ Trần Văn Quỳnh (đời thứ 10), các ông Đồng Văn Sự, Đồng Văn Chí, Đồng Văn Lự, Đồng Văn Dân, Trần Văn Quảng (đời thứ 11) và đời thứ 12 có các ông: Đồng Văn Năng, Đồng Văn Quý, Đồng Văn Học, Trần Văn Nhuận, Đồng Văn Trình đã dày công, đóng góp trí tuệ, công của để tiếp tục xây dựng Dòng họ ngày thêm gắn bó, ngày thêm chan hòa. Những tấm gương tiêu biểu
trong dòng họ: Cụ Đời thứ 6 trên bia đá cổ có ghi: Tướng Sĩ Lương Hoành Đức Điện
Chi Sự Đồng Lệnh Công Húy Sách, hiệu là Phúc Giám. Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi: Tướng Sĩ Lương Hoành Đức Điện Chi Sự là chức quan to, thuộc hàng Võ ban. Thời nay, dòng họ có 4 sĩ quan cấp tá, cấp úy quân đội, công an; có 1 Thạc sĩ; 1 Nhà giáo Ưu tú; 1 thương binh. Về cá nhân có ông Đồng Văn Sự, sinh năm 1930, mất 03/12/2010 âm lịch; cụ Đồng Văn Điệng, sinh năm 1903, mất 05/5/1990 âm lịch. Họ Đồng Trần có truyền thống hiếu học, đã thành lập Ban khuyến học, khuyến tài, giao cho các thành viên tích cực làm Trưởng ban, thực hiện việc theo dõi, phụ trách mọi hoạt động và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng tộc và HĐGT. Dòng họ cũng rất quan tâm xây dựng quỹ, động viên khen thưởng kịp thời con cháu theo đúng Quy chế. Hàng năm tổ chức phát giấy khen và quà, tặng phẩm cùng với địa phương tại Nhà văn hóa của Thôn, họ Đồng Trần là dòng họ tiêu biểu trong công tác khuyến học, khuyến tài ở xã Kim Anh và huyện Kim Thành. Đồng Văn Quý Trưởng tộc Ông Đồng Văn Năng
Chủ tịch HĐGT |