Đất nước Việt Nam đã trải qua mấy nghìn năm lịch sử, trong dòng chảy thời gian kể từ ngày lập quốc đến nay, văn hóa dòng họ đã góp phần giữ gìn bản sắc của người Việt.
Dòng họ - họ tộc là mạch nguồn xây dựng con người Việt Nam có một nền tảng văn hóa, có lòng yêu nước, tinh thần cốt cách Việt Nam rất riêng biệt. Theo thống kê sơ bộ cả nước hiện có khoảng trên 300 dòng họ, mỗi một dòng họ là một gốc gác tổ tiên của dòng họ đó nhưng cùng chung cội nguồn là họ Hồng Bàng, của dòng dõi “con lạc cháu rồng”. Trải qua nhiều trăm năm lịch sử mà tộc phả còn nối truyền, con cháu họ Đồng hiện có mặt ở khắp mọi vùng miền trong cả nước, có hậu duệ ở nhiều nước trên thế giới. Dòng họ Đồng ở Việt Nam tự hào có truyền thống hiếu kính tổ tiên “Chim có tổ, người có tông”, có danh nhân – khoa bảng, có văn quan – võ tướng ở các thời kỳ; đặc biệt hơn là có truyền thống tu hành, tiếc rằng chưa có tư liệu đủ đầy, cũng như chưa có thời gian tham chiếu để thống kê hết chân dung các vị tu hành trong lịch sử họ Đồng. Như chúng ta đã biết đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ trước Công nguyên đến nay đã trên 2000 năm. Theo sử sách ghi lại từ các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam, người Việt Nam đầu tiên theo đạo Phật là phật tử Chử Đồng Tử được nhà sư Phật Quang truyền đạo. Kể từ đó dân chúng Việt Nam bắt đầu biết đến đạo Phật và một bộ phận dân chúng quy y theo đạo Phật, cũng như chịu ảnh hưởng của văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo. Từ đó, có người đã phát tâm xuất gia tu hành, vào đầu công nguyên các danh tăng Việt Nam nổi tiếng xuất hiện như Mâu Tử, Khương Tăng Hội,... Trải qua các thời kỳ Hai Bà Trưng phất cờ đòi chủ quyền và độc lập dân tộc, cho đến các triều đại Đinh – Tiền Lê- Lý – Trần- Lê- Mạc- Nguyễn, thời kỳ nào Phật giáo cũng được triều đình và nhân dân coi trọng. Đặc biệt, nổi bật hơn cả là triều Trần, có đức vua Trần Nhân Tông xuất gia tu Phật trên đỉnh Yên Tử lập nên Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Cũng chính giai đoạn này, một danh tăng họ Đồng đã làm rạng danh cho lịch sử Phật giáo Việt Nam đó là Nhị Tổ Trúc Lâm- Pháp Loa (thế danh Đồng Kiên Cương). 1. THIỀN SƯ PHÁP LOA (1284 – 1330) Trong lịch sử các Thiền sư Việt Nam từ xưa đến nay, Thiền sư Pháp Loa là một trong những vị Thiền sư tiêu biểu nhất, đã quy tụ và chinh phục được các hàng vương tôn, quý tộc, khiến cho họ tín nhiệm, quy y và ủng hộ hết mình trong việc xiển dương Phật pháp. Thiền sư Pháp Loa cũng là người đã đề xuất, kết tập và tiến hành in ấn bộ Đại Tạng kinh Việt Nam; Thiền sư cũng là nhà sư đầu tiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo, thiết lập một tổ chức Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên; Thiền sư cũng là người khởi xướng thiết lập sổ bộ tăng, ni và tự viện để quản lý tăng, ni, tự viện một cách khoa học, hệ thống trên khắp cả nước. Sinh thành trong gia thế và văn hóa dòng họ Thiền sư sinh giờ Mão, ngày 07/05/Giáp Thìn (1384) tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, xã Phù Vệ ở gần sông Nam Sách, cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Thuở bé Thiền sư đã có những đức tính khác thường, không nói lời độc ác, không ăn thịt cá và các thức ăn cay nồng. Năm 1304, Trúc Lâm (Trần Nhân Tông) đi du hành khắp miền thôn quê, phá bỏ các dâm từ, thuyết pháp và bố thí, lại vừa có ý tìm người nối dòng pháp. Khi Trúc Lâm đến sông Nam Sách thì Thiền sư đang đi chơi xa, bỗng thấy lòng bồn chồn, liền quay về, vừa lúc gặp Trúc Lâm, Thiền sư đỉnh lễ xin xuất gia. Trúc Lâm thoạt trông thấy lấy làm lạ, bảo: "Đứa bé này có đạo nhãn, ngày sau ắt sẽ thành bậc pháp khí". Trúc Lâm đặt tên cho ngài là Thiện Lai và gửi Thiền sư đến tu học với Hòa thượng Tính Giác. Thiền sư thưa hỏi nhiều điều mà Hòa thượng vẫn chưa khai thông được; khi đọc kinh Lăng Nghiêm, đến đoạn "Thất xứ trung tâm, hậu khách trần dụ: bảy lần trình bày tâm, cuối cùng đến ví dụ khách trần", Thiền sư suy nghĩ giây lâu, bỗng được thể nhập, liền xin phép trở về thăm Trúc Lâm gặp lúc Trúc Lâm thăng đường cử bài tụng Thái Dương Ô kệ, thì trong lòng chợt tỉnh. Thiền sư trình Trúc Lâm một bài tụng Tâm Yếu, bốn lần cầu thỉnh, Trúc Lâm vẫn chưa chỉ giáo. Trở về phòng, nỗ lực Thiền quán, đến nửa đêm, nhận thấy hoa đèn rơi, Thiền sư bỗng nhiên đại ngộ. Liền đem chỗ sở ngộ ấy trình lên Điều Ngự ấn chứng. Từ đó, Sư phát nguyện tu 12 hạnh đầu đà, theo gương của Trúc Lâm. Năm 1305, Thiền sư được Trúc Lâm cho thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát và ban hiệu là Pháp Loa. Năm 1307, ngày Rằm tháng 5, sau khi Bố tát, Trúc Lâm lấy y bát và viết tâm kệ giao cho Thiền sư Pháp Loa tại Am Ngọa Vân; ngày Một tháng Giêng năm 1308, Điều Ngự chính thức trao truyền ngôi Tổ thứ hai phái Trúc Lâm cho Thiền sư tại chùa Siêu Loại. Buổi lễ này được tổ chức vô cùng trọng thể, có vua Anh Tông và triều thần đến dự đông đủ. Trong cuộc đời tu học của mình, Thiền sư là người nổi bật nhất trong các Thiền sư Việt Nam đã trao truyền giới pháp cho hầu hết giới quý tộc, lãnh đạo quốc gia thời kỳ đó. Trong vòng 22 năm hoạt động phật sự, Thiền sư đã mở 13 giới đàn, tiếp độ cho hàng trăm thành viên của hàng vương thân quốc thích, và khoảng 15 ngàn tăng, ni; trong đó có khoảng 3.000 đệ tử đắc pháp. Thiền sư không chỉ quan tâm đến việc trao truyền giới pháp mà còn rất chú ý đến việc diễn giảng các bộ kinh luật quan trọng để các đệ tử hiểu rõ đường lối tu hành. Thiền sư đã mở hàng chục khóa giảng, mỗi khóa giảng, thính chúng đến nghe hằng nghìn người. Khóa nào ít nhất cũng trên năm, sáu trăm người. Thiền sư là bậc chân tu đã có công ghi chép các tư liệu, biên tập thành sách, gồm các tập: Thạch Thất Mị Ngữ Niêm Tụng vào năm 1308; Tham Thiền Chỉ Yếu, soạn năm 1322, theo lời yêu cầu của Thượng hoàng Minh Tông;Kim Cương Trường Đà-la-ni Kinh Khoa Chú: Phân tích chú giải kinh Kim Cương Trường-đà-la-ni và các quyển: Niết-bàn Đại Kinh Khoa Sớ: Phân tích và sớ giải kinh Đại Niết-bàn; Pháp Hoa Kinh Khoa Sớ: Phân tích và luận giải kinh Pháp Hoa; Lăng-già Kinh Khoa Sớ: Phân tích và luận giải kinh Lăng-già; Bát-nhã Tâm Kinh Khoa Sớ: Phân tích và luận giải Tâm Kinh Bát-nhã; Pháp Sự Khoa Văn: Nghi thức và sớ điệp dùng trong các nghi lễ… Những tác phẩm trên đây, rất tiếc, ngày nay phần lớn đều mất cả, chỉ còn một ít tư liệu rời rạc được tập họp lại thành sách Thiền Đạo Yếu Học, hiện còn lưu truyền. Ngoài những sáng tác kể trên, Thiền sư còn đứng ra chủ xướng in Đại Tạng kinh, một công trình văn hóa Phật giáo nổi bật đời Trần. Xiển dương phật sự & hoạt động xã hội: Thiền sư đã chú trọng diễn giảng, in ấn kinh sách là nhằm phát triển giáo dục, nâng cao trình độ tu học cho tăng, ni, phật tử, đồng thời Thiền sư cũng quan tâm đến việc củng cố niềm tin tôn giáo cho giới phật tử phổ thông bằng cách tạc hình, đúc tượng các vị Phật và Bồ tát, tôn trí tại các ngôi già lam để cho tín đồ tiện việc chiêm ngưỡng và lễ bái. Sử sách còn ghi chép, năm 1314, Thiền sư đã cho đúc ba tượng Phật cao 17m; năm 1327 đúc xong pho tượng Phật Di-lặc cao 1 trượng 6 và tượng các Thánh Tăng. Để tạo điều kiện cho tăng, ni và phật tử có nơi thuận tiện tu học và lễ bái, Thiền sư đã đứng ra khai sơn các cảnh chùa, kiến tạo Tăng xá và xây dựng các ngôi Bảo tháp. Theo thống kê thì Thiền sư đã khai sơn hai cảnh chùa lớn, xây năm ngôi tháp và kiến tạo hơn 200 tăng xá. Bố thí, trai đàn, cầu mưa, tháng 10 năm 1319 gặp trời hạn hán, dân chúng đói khổ, vua xuất của kho riêng hơn 100 lượng vàng và 500 lượng bạc, giao cho Thiền sư mở hội bố thí cho những người nghèo đói. Tháng 3 năm 1328, Thiền sư tập họp chư tăng 10 phương, thiết lễ Đại trai đàn khánh thành Đại Tạng kinh vừa in xong. Đại Tạng này bắt đầu in từ năm 1319, sau 10 năm, công việc mới hoàn tất. Ngoài việc lập đàn, chẩn tế, bố thí, Thiền sư còn chú trọng các hoạt động xã hội, từ thiện hướng đến nhân dân và người nghèo khó. Thiền sư là một người toàn diện, về mặt nào cũng tỏ ra đầy đủ bản lĩnh. Không những lưu tâm đến việc trao truyền giới pháp, thuyết giảng luật luận, soạn thuật kinh sách, mà Thiền sư còn chăm lo đào tạo tăng tài, mở mang tùng lâm thắng cảnh, lưu tâm đến việc cứu tế xã hội v.v… Người xưa nói, có ba việc bất hủ để tiếng thơm lại cho muôn đời, đó là: lập đức, lập công và lập ngôn. Nghĩa là để lại gương sáng đức hạnh, sự nghiệp lợi tha và công trình trước tác. Trong ba điều ấy, quả thực, Thiền sư đều hội đủ. 2. HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NHUẬN (1924 – 2001) Hòa thượng Thích Đức Nhuận pháp danh Trí Tạng, thế danh Đồng Văn Kha, sinh ngày 14 tháng Chạp năm Quý Hợi (thứ 7 ngày 19 tháng Giêng năm 1924). Hòa thượng quê quán ở làng Lạc Chánh, xã Duyên Bình, huyện Trực Ninh, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thân phụ là Đồng Văn Xuân và thân mẫu là bà chính thất Hà Thị Thìn hiệu Trinh Thục. Hòa thượng xuất gia năm 1937, năm 1941 được thụ Sa di giới tại chùa Cổ Lễ, năm 1942 thụ Đại giới Tỳ Khưu tại giới đàn Tổ đình Phú Ninh. Hòa thượng đã học tại các tổ đình Phú Ninh; Phật học viện chùa Cồn (Nam Định); Tổ đình Tế Xuyên (Hà Nam); Phật học viện Báo Quốc (Huế); Phật học đường Ấn Quang (Sài Gòn). Năm 1949, Hòa thượng đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch Hội Phật Giáo Nam Định (Miền Xuân Trường Hải Hậu), năm 1950, Hòa thượng xin cáo chức trở về sống nếp sống của một tăng sĩ, tiếp tục sự nghiệp học vấn và nghiên cứu Phật học. Đầu năm 1954, Hòa thượng vào Nam sống cuộc đời tĩnh tu. Năm 1956-1957, được sự tín nhiệm của chư tăng cử giữ chức chủ tịch (trị sự trưởng) Giáo Hội Tăng già Bắc Việt tại Miền Nam (GHTGVN). Năm 1959-1961, giữ chức uỷ viên văn hoá Tổng hội Phật giáo Việt Nam; năm 1962-1963, đảm nhận chức tổng thư ký Giáo hội Tăng Già Việt Nam; năm 1963, khởi động phong trào đầu tiên chống chế độ độc tài nhà Ngô Đình Diệm (tại Sài Gòn) trong vụ triệt hạ cờ Phật giáo và đàn áp phật tử tại Huế, nhân mùa Phật đản PL.2507 (1963). Năm 1964-1965, giữ chức vụ trưởng vụ kiểm duyệt GHPGVNTN; năm 1965-1966, chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Vạn Hạnh, năm 1969-1973, Hòa thượng là Giáo sư phân khoa Phật học và triết học Đông Phương Viện Đại học Vạn Hạnh, năm 1967-1973, Hòa thượng giữ chức chánh thư ký Viện Tăng Thống, năm 1969-1971, Hòa thượng tổ chức trùng tu tổ đình Giác Minh - nguyên trụ sở Giáo hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam. Năm 1971-1972, Hòa thượng làm chủ bút nguyệt san Hoá Đạo; năm 1975-1987, đảm trách trụ trì tổ đình Giác Minh. Năm 1993 đến năm 1996, Hòa thượng tĩnh tu tại chùa Giác Minh, Sài Gòn. Hòa thượng vẫn tiếp tục đọc, viết sách về đường hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng đã tham gia viết bài cho các Nhật báo: Thời Luận, Tin Sáng, Dân chủ, Gió Nam, và các tạp chí: Phật giáo Việt Nam, Văn Hoá Á Châu, Liên Hoa, Văn, Vấn Đề, Tư Tưởng…..Hòa thượng cũng đã diễn thuyết về đề tài Phật giáo và Văn hóa dân tộc tại các trường Đại học Văn khoa Sài gòn, Trường Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, Viện Phật Học Vạn Hạnh (1970) và đã đề tựa, sáng tác hàng chục tác phẩm có giá trị về mặt tôn giáo và văn học. Hòa thượng cũng đã tham gia dịch các bản dịch kinh: Những điều Phật dạy - Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương; Lời dạy cuối cùng của đức Phật- Thùy Bát Niết Bàn Lược Thuyết Giáo Giới Kinh (cả hai tác phẩm trên nguyên văn chữ Hán trích trong “Thánh Điển Yếu Tập” chùa Giác Minh ấn tống 1980-1995, ký tên: Thái Không). Khái niệm triết lý kinh hoa nghiêm, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết học Thế Giới tại California, U.S.A ấn hành 1999. Những năm cuối cuộc đời, chư Tăng và tín đồ theo học hỏi rất đông. Ngày mồng 8 tháng Chạp năm Tân Tỵ (2001), Hoà Thượng cảm thấy không khỏe, mặc dù được các hàng đệ tử, các bác sĩ tại Bệnh Viện Đại Học Y Dược tận tình chăm sóc chữa trị, nhưng vì tuổi cao sức yếu, nên đã thâu thần viên tịch vào lúc 16 giờ 53 phút chiều ngày thứ hai, 21 tháng Giêng năm 2002 (09/12/Tân Tỵ) hưởng thọ 79 tuổi, 59 năm tu hành. 3. Hòa thượng Thích Thanh Hướng (1931 – 2001) Hòa thượng Thích Thanh Hướng (thế danh Đồng Văn Hướng) nguyên trụ trì chùa Tiên Hương, xã Kim Thái, Vụ Bản Nam Định; Hòa thượng là chú ruột và là Thầy Nghiệp sư của Hòa thượng Thích Gia Quang. Hòa thượng sinh năm 1931 (Tân Mùi), Ngài đi tu từ nhỏ, đến năm 30 tuổi trụ trì chùa Tiên Hương, rồi làm trưởng miền Phật giáo huyện Vụ Bản cho tới khi ngài viên tịch năm 2001, thọ 71 tuổi. 4.Hòa thượng Thích Gia Quang Hòa thượng Thích Gia Quang (thế danh Đồng Văn Thu) sinh ngày 20 tháng 01 năm 1954, quê ở Yên Hồng , Ý Yên, Nam Định. Hòa thượng là thạc sĩ triết học, hiện nay đang làm nghiên cứu sinh về lịch sử Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ năm 1974 – 1976, tu học tại Chùa Tiên Hương, Kim Thái – Vụ Bản – Nam Định; Năm 1977 – 1982 là thiền sinh Học tại trường Cao cấp Phật học Việt Nam; năm 1982 – 1990, Hòa thượng đảm nhiệm phật sự là chuyên viên Văn phòng I T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam; năm 1990 – 1997: Phó Văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học, Biên tập viên Tạp chí Nghiên cứu Phật học; năm 1997 – 2002: Chánh Văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học; năm 2002 – 2012: Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội; Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ năm 2012 – đến nay, Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam kiêm Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang… Hòa thượng Thích Gia Quang đã tham gia và chủ trì nhiều Hội thảo về Phật giáo ở trong nước và quốc tế, tham gia và viết các tham luận nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam các thời kỳ. 5. Thượng tọa Thích Chân Thường (thế danh là Đồng Xuân Tuấn), quê ở Xuân Phong, Chu Điện, Lục Nam, Bắc Giang. Hiện Trụ trì tại Chùa Linh Xuân.(Tú Đôi,Kiến Thụy, Hải Phòng); Đại đức Thích Thanh Hiền (thế danh là Đồng Văn Tiến), quê ở Quyết Thắng, Thanh Hà, Hải Dương, vv…vv…. GƯƠNG SOI TRUYỀN ĐỜI Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm đã thống nhất các hệ phái Phật giáo, mang bản sắc và đặc tính dân tộc, dựa trên tinh thần nhập thế hành động, và thể nghiệm tu chứng ngay giữa lòng đời. Nhắc đến thời kỳ cực thịnh của Phật giáo đời Trần nói chung, và một tổ chức có kỷ cương quy mô của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, thiết tưởng công lao của Thiền sư Pháp Loa luôn tỏa rạng. Hiện diện 47 năm trên cõi trần gian, ròng rã suốt 26 năm tận tụy quên mình phụng sự đạo pháp, việc tự lợi và lợi tha đều hoàn toàn viên mãn. Cho dù tất cả các pháp hữu vi chung cục đều tan biến theo cát bụi của thời gian, nhưng tấm gương sáng mà Thiền sư đã để lại vẫn là một bài học quý giá, sinh động, khiến cho con cháu nghìn sau mãi mãi xem như một thứ gia tài bất diệt. Ngược dòng thời gian trong phả tộc nhiều trăm năm của họ Đồng trên xứ sở thân yêu, còn có rất nhiều người tu hành có thế danh và dòng máu họ Đồng; thời hiện tại cũng còn nhiều con em họ Đồng xuất gia ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, nhưng do chưa có thời gian tìm hiểu, thống kê một cách cụ thể để nối truyền tộc phả, đó cũng quả là một thiếu sót cần được bổ túc. Hy vọng rằng, cùng với thời gian và sự nỗ lực của con cháu dòng họ, những thông tin thống kê sẽ ngày càng đủ đầy hơn, rạng rõ hơn. Tôi tin tưởng rằng với truyền thống tốt đẹp của Tổ tiên, truyền thống tu học của bậc cao tăng đắc pháp như Thiền sư Pháp Loa - Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho tăng, ni, phật tử và hậu duệ họ Đồng tự hào về truyền thống tổ tiên mình. Truyền thống ngàn đời tự hào họ Đồng đất Việt Bảng vàng vạn thuở kiêu hãnh dòng Tộc trâm anh Hòa thượng Thích Gia Quang (Đồng Văn Thu) Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
|