Ngày 26 tháng 3 (tức 29 tháng 2 năm Đinh Dậu) tại thôn Văn Xá, Phường Ái Quốc, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, Ban liên lạc Họ Đồng Việt Nam phối hợp với Chùa Phúc Thắng long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống cầu quốc thái dân an, tưởng niệm 687 năm Trúc lâm đệ nhị Tổ Pháp Loa niết bàn và tưởng nhớ Tổ tiên họ Đồng Việt Nam.

Đến tham dự có Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng -Trưởng ban liên lạc họ Đồng Việt Nam; Thượng tọa Thích Thanh Vân - Ủy viên HĐTS Giáo hội PGVN, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Hải Dương; đai diện cho chính quyền, đoàn thể TP.Hải Dương và phường Ái Quốc; đại diện Ban tôn giáo tỉnh Quảng Ninh; các chư tôn, đại đức, tăng ni, phật tử đến từ Chùa Ba Vàng, Chùa Hương Hải, Chùa Phúc Thắng...cùng với gần 3000 con cháu họ Đồng đến từ 152 nhánh, chi tộc họ Đồng trên toàn quốc.

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ 

Theo GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, Trưởng Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam, việc tổ chức gặp mặt và tưởng nhớ tổ tiên họ Đồng là thực hiện theo tâm nguyện của đông đảo bà con trong dòng tộc họ Đồng Việt Nam. Theo quy ước, hàng năm cứ vào đầu tháng 3 âm lịch là tổ chức gặp mặt và dâng hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên dòng tộc họ Đồng. Năm nay là năm thứ 2, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam tổ chức với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, số lượng người tăng lên hơn gấp đôi so với năm 2016 tổ chức tại chùa Linh Thông, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.

GS.TS Trung tướng Đồng Minh Tại - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hậu cần - Bộ Quốc Phòng - Trưởng ban liên lạc họ Đồng Việt Nam

Theo cuốn họ Đồng Việt Nam (tập I), người họ Đồng Việt Nam có dân số ít, chỉ có khoảng 0,8%, nhưng lại có rất nhiều người thành đạt. Thời xưa, nhiều người họ Đồng thời đã được lưu danh tại văn bia Văn miếu- Quốc Tử Giám như: Cụ Đồng Thức, xã Phù Vệ, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đỗ khoa Thái học sinh năm Quý Dậu (1393), niên hiệu Quang Thái 6 đời vụ Trần Thuận Tông làm quan tới chức thị lang, khi nhà Hồ phế truất vua Trần, làm quan với nhà Hồ đến chức ngự sử trung tán; Cụ Đồng Hãng, xã Triền Dương, huyện Chí Linh (nay là thôn Lý Dương, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đỗ đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Bảo 5 đời vua Mạc Mậu Hợp (1559), làm quan tới chức Tả thị lang; Cụ Đồng Văn Giáo (1528) Triền Dương, Chí Linh, Hải Dương (nay là Lý Dương, Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương). Năm 50 tuổi đỗ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Sửu niên hiệu Sùng Khang 12 (1577) làm quan đến chức Thừa Chánh Sứ; Cụ Đồng Đắc, xã Triền Dương, huyện Chí Linh (nay là thôn Lý Dương, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đỗ tam giáp đồng Tiến sỹ, xuất thân khoa Mậu Thìn (1568), niên hiệu Sùng Khang 3 đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan tới chức Công khoa cấp sự trung; Cụ Đồng Hưng Tạo (1546-1635) người xã Tu Linh, huyện Chí Linh (nay là thôn Tu Linh, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đỗ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Sửu (1586), niên hiệu Sùng Khang 12 đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan tới chức hiến sát sứ; Cụ Đồng Nhân Phái xã Thiết Úng, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội), đỗ Hoàng giáp năm Mậu Thìn (1628) đời vua Lê Thần Tông, làm quan tới chức thượng thư; Cụ Đồng Tồn Trạch (1647-1692) xã Triền Dương (nay là thôn Lý Dương, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đỗ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Phúc Thái 4 đời vua Lê Chân Tông, làm quan từ Đô cấp sự trung lên đến Tả thị lang các bộ Hộ, Công, Hình, năm 1669 thăng Đô ngự sử, đến 1693 đời Chính Hòa làm thượng thư bộ Hộ, chức Tham tụng. Khi mất được phong Thái Bảo, nghĩa là Quận công, từng được cử đi sứ sang nhà Thanh;Cụ Đồng Bỉnh Do ,sinh 1647) xã Triền Dương (nay là thôn Lý Dương, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đỗ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Tân Mùi (1691), niên hiệu Chính Hòa 12 đời vua Lê Hy Tông làm quan tới chức tham chính; Cụ Đồng Công Viện ở Hải Lãng, huyện Đại Nam (nay thuộc xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng), Nam Định, đỗ Tiến sỹ năm Nhâm Thìn (1712), đời vua Lê Dụ Tông, làm quan tới chức giám sát ngự sử; Cụ Đồng Hưu xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đỗ Tiến sỹ năm Giáp Thân (1724) đời vua Lê Dụ Tông, làm quan tới chức Tự Khanh; Cụ Đồng Doãn Giai, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đỗ Tiến sỹ năm Bính Thìn (1736) đời vua Lê Ý Tông, làm quan Đốc Đồng Lạng Sơn.

Trong cuộc Kháng chiến chống xâm lược của đế quốc Pháp và Mỹ, đã có hàng nghìn con em họ Đồng đã xung phong nhập ngũ chiến đấu và đã anh dũng hy sinh như : Nhà cách mạng tiền bối Đồng Sỹ Bình sinh năm 1904, quê ở xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ông gia nhập Đảng Tân Việt (tiền thân của Đông Dương cộng sản Liên đoàn) bị Pháp kết án 9 năm tù và đã hi sinh khi 28 tuổi. Anh hùng, liệt sỹ Đồng Quốc Bình sinh năm 1944, người thôn Đại Lộc, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, một tấm gương chiến đấu anh dũng trong trận Mỹ tấn công xuống Bãi Cháy ngày 5/8/1964. HĐND TP.Hải Phòng đã lấy tên ông để đặt tên cho một phường thuộc quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng và còn hàng ngàn các anh hùng liệt sỹ họ Đồng khác nữa...

Ngày nay, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, người họ Đồng Việt Nam vẫn tiếp bước truyền thống của cha ông, tích cực tham gia đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu như: Trung tướng Đồng Văn Cống, quê ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Sau 1975 là Phó Tư lệnh Quân khu 7. Phó Tổng thanh tra Quân đội. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa VI; GS.TS, NGƯT, Trung tướng, Đồng Minh Tại, quê Nghĩa Hoà, Lạng Giang, Bắc Giang, Nguyên Giám đốc Học viện Hậu Cần - Bộ Quốc phòng;  PGS.TS. Trung tướng Đồng Đại Lộc, quê ở Ngư Lộc, Hậu Lộc,Thanh Hóa. Hiện làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an. GS.TS.Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng, quê ở Vạn Thiện, Nông Cống, Thanh Hóa. Hiện là Phó Giám đốc Học viện Quân Y- Bộ Quốc Phòng; ông Đồng Minh Sơn, quê ở Duyên Yết, Phú Xuyên, Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội;  GS.TSKH Đồng Sĩ Hiền, quê ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Nguyên Tổng thanh tra Bộ Canh Nông - con chim đầu đàn về lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp, lâm nghiệp; GS.TS Đồng Văn Nhì; GS.TS. Đại tá Công an Đồng Xuân Thọ; Phó Giáo sư, PGS.TS Đồng Văn Hệ; Ông Đồng Văn Lâm, quê ở Châu Thành, Trà Vinh hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; Doanh nhân thành đạt Đồng Tuấn Vũ - Tổng giám đốc Công ty Thép Minh Ngọc - Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nam...

Được biết, chùa Phúc Thắng - nơi diễn ra buổi gặp mặt chính là vùng đất đã sinh ra và nơi thờ ngài Pháp Loa Đồng Kiên Cương, vị sư Tổ thứ hai của dòng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được pho tượng Thánh Tổ Pháp Loa  thếp vàng quỳ. Đây là pho tượng cổ, quý cần bảo vệ cẩn thận để lưu truyền hậu thế. Tại vườn chùa còn ngôi tháp Pháp Loa Đồng Kiên Cương dựng năm Tự Đức thứ 21 (1868), trang trí hổ phù, cá chép, hoa sen, rồng chầu và tấm bia tạo năm 1856 viết về đệ nhị Pháp Loa, đó thực sự là những cổ vật có giá trị lịch sử nghệ thuật chứng minh lịch sử của di tích một cách rõ ràng nhất.


Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là con cháu của dòng tộc họ Đồng Việt Nam cho biết: Ngài Pháp Loa Đồng Kiên Cương sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hoà, hương Cửu La, Nam Sách Giang, nay thuộc phường Ái Quốc, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Năm Hưng Long 13 (1304) nhân chuyến thăm hương Cửu La của Trần Nhân Tông, Đồng Kiên Cương đã ra bái yết. Nhân Tông nhận ra Kiên Cương là con người có đạo nhãn, nghĩa là có khả năng tu hành đắc đạo. Ông cho Pháp Loa đi theo học đạo và đặt cho một cái tên mới: Hỷ Lai, nghĩa là người mang lại niềm vui. Hỷ Lai thông minh hiếu học, có nhiệt tâm với đạo phật, nên chỉ một năm sau, tại tăng viện Kỳ Lân (Chí Linh), ông được Điều Ngự đầu đà Trần Nhân Tông trao cho các bảo bối; Ngày 01 tháng giêng, năm Hưng Long 16 (1307), trao quyền thừa kế sự nghiệp của thiền phái Trúc Lâm. Từ đó, ông trở thành vị tổ thứ 2 của thiền phái này. Ngày mùng 5 tháng 2 năm Khai Hựu thứ 2 (1330) Pháp Loa đang giảng kinh tại thiền viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13, sư về thiền viện Quỳnh Lâm (Đông Triều) tĩnh dưỡng. Ngày 19, bệnh của ngài trở nên trầm trọng; thấy khó qua khỏi, Pháp Loa cho gọi Huyền Quang đến, trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Trần Nhân Tôn trao cho ông như áo cà sa, kệ tả tâm… và dặn lại: “ Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế”. Đêm mùng 3 tháng 3 năm Canh Ngọ (1330), Pháp Loa viên tịch tại Thiền viện Quỳnh Lâm, trụ thế 47 tuổi, 23 tuổi đạo. Theo di chúc của nhà sư, xá lỵ của Người được đặt trong Viên Thông Bảo Tháp sau chùa Thanh Mai.. Thượng Hoàng Minh Tông ngự bút đặc phong là Tịnh Trí Tôn Giả và đặt tên tháp là Viên Thông. Năm 1978 nhân dân địa phương đã góp sức cùng tăng ni phật tử cả nước phục dựng lại ngôi chùa Thanh Mai.

           
Cuộc đời của Thiền sư Pháp Loa không dài, nhưng đã làm nên sư nghiệp lớn, là một tấm gương về: xiển dương đạo pháp và phục vụ nhân sinh.Trong suốt 24 năm ròng rã, Pháp Loa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà thầy mình là Đức Vua Trần Nhân Tông giao phó, trở thành vị Thánh Tổ nổi tiếng của dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử . Pháp Loa đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15000 tăng ni, đúc trên 1300 pho tượng lớn nhỏ; Xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Viện nghiên cứu Phật giáo Quỳnh Lâm. Những công trình này đều trở thành di sản văn hoá quý báu của dân tộc. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh; bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Đại Tạng và giành nhiều thì giờ thuyết pháp, giảng kinh. Ông là người thừa kế, phát triển thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao mới.

           
Buổi lễ gặp mặt và tưởng niệm ngày mất của ngài Pháp Loa, tưởng nhớ Tổ tiên họ Đồng Việt Nam năm 2017 được tổ chức thành công với quy mô toàn quốc và rất nghiêm trang theo nghi thức Đạo phật, nhằm thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.


Ông Đồng Hoài Dương đến từ xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xúc động nói: " Tôi rất tự hào là con cháu họ Đồng, đã và đang được sống và hòa mình cùng một thế hệ con cháu biết đồng lòng hướng về nguồn cội, tri ân tiên tổ, đoàn kết thân thương, nắm chặt tay nhau cùng dựng xây dòng tộc họ Đồng Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh. Hòa mình vào trong không khí vui tươi đầm ấm tình dòng tộc, những người con xa lạ đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, có nhiều người chưa một lần gặp mặt, chưa một lần quen biết bỗng trở nên yêu thương thân thiện, những cái bắt tay, những lời giới thiệu nhẹ nhàng đơn sơ và những lời chào hỏi giản dị: Chào bác, chào anh, chào chị họ Đồng… những tiếng gọi trìu mến: Anh họ ơi .., chị họ ơi...sao mà thân thương ấm áp tình người đến vậy..."


Kết thúc buổi lễ, ai nấy đều xúc động và cùng xin nguyện một lòng đoàn kết, sống nương tựa vào nhau, đùm bọc nhau, vượt qua mọi khó khăn để trụ vững và trường tồn trên quê hương mình./.

 

                                              Theo Môi trường & Đô thị Việt Nam