Đối với người bị hôn mê rồi bất ngờ tỉnh lại thì tình cảm gia đình là động lực để họ được hồi sinh lần thứ hai. Thiếu điều đó, người bệnh có thể rơi vào đời sống thực vật.

Bệnh nhân lại chìm vào cuộc sống thực vật vì vắng chồng

Một bệnh nhân mà PGS, TS Đồng Văn Hệ nhớ nhất đó là chị Nguyễn Thị H. trú tại Tây Hồ, Hà Nội, bị chấn thương sọ não do bị đâm xe. Từ ngày bị hôn mê nằm cấp cứu ở bệnh viện, người nhà chị H. luôn túc trực bên chị. Có những lúc họ đã tuyệt vọng muốn buông xuôi nhưng khi nghe bác sĩ kể về những trường hợp hôn mê kéo dài cả năm vẫn tỉnh lại, người thân lại có thêm hi vọng. Bao nhiêu tháng trời, người nhà đưa chị đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Kinh tế gia đình khánh kiệt nhưng ai cũng tin điều kỳ diệu sẽ đến. Một tháng, hai tháng rồi nhiều tháng liền chị vẫn không tỉnh lại. Gia đình quyết định đưa chị về nhà. Đã có lúc, người ta nghĩ đến chuyện rút bình ô xy để chị ra đi thanh thản nhưng rồi được bác sĩ động viên, gia đình lại cố gắng. Người nhà chị H. quyết định xây một “phòng bệnh” tại nhà. Căn phòng nhỏ được sửa sang và tiến hành khử trùng, sắm sửa giường bệnh và bình ô xy để chị được điều trị ở nhà. PGS.TS Đồng Văn Hệ bảo “Người ta cẩn thận đến mức tôi đến thăm còn ngạc nhiên. Căn phòng có biển cách ly đặc biệt, người nhà chỉ được ở ngoài nhìn vào qua tấm kính. Người vào chăm sóc phải sạch sẽ, mặc quần áo riêng và khử trùng đàng hoàng. Hàng ngày, chỉ một người được vào chăm sóc chị H.” Đúng 14 tháng sau, chị H. mới hồi tỉnh. Khi tỉnh lại, chị chỉ gọi tên người chồng của mình. Điều ai cũng đau xót là trong thời gian chị bị hôn mê người chồng chị vô cùng yêu thương đã rũ bỏ chị, không ngó ngàng đến vợ. Nhiều lần, chị đòi gặp chồng mà người thân chỉ còn biết khóc. Họ không biết làm thế nào để chồng đến thăm chị. Tuyệt vọng với cuộc sống, dù mất hơn năm trời mới tỉnh lại, chị H. vẫn không thể tự nói được. Mọi việc phục hồi chức năng bị bỏ ngỏ nên sau một thời gian, chị lại rơi vào cuộc sống thực vật. Nói đến trường hợp của chị H. BS Hệ chỉ biết tiếc nếu gia đình làm khâu phục hồi tốt, nói chuyện với chị H. nhiều hơn có lẽ chị H. đã phục hồi trí nhớ và giọng nói của mình.

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Bệnh viện Việt Đức - đang thăm khám và hội chẩn tìm phương án tối ưu để điều trị cho bệnh nhân nặng.

Cảm động tình vợ chồng lúc hôn mê

Trường hợp của chị Cao Thị M. trú tại Thanh Trì, Hà Nội lại khác. Chị M. là công nhân quét rác. Bị chiếc xe máy của hai thanh niên đâm vào, chị bị ngã văng ra đường và hôn mê từ đó. 8 tháng liền chị bị hôn mê, anh Chung chồng chị vẫn cố gắng chăm sóc vợ. Gia đình không có nhiều tiền, anh cũng làm một phòng bệnh nhỏ ở gia đình, mua bình ô xy về cho vợ thở. Mỗi tuần, anh thuê xe đưa vợ vào bệnh viện kiểm tra một lần. Nhờ thế, trong thời gian hôn mê chị M. không bị hoại tử. Các vết thương trên da của chị đều liền sẹo. Anh Chung chồng của chị M. kể rằng, anh phải rất khó khăn để tự làm công việc của điều dưỡng. Anh học thêm các kiến thức chăm sóc người bệnh lúc hôn mê để chăm sóc vợ tốt hơn. Khi chị M. tỉnh lại, người đầu tiên chị gọi là anh khiến người chồng vỡ òa trong hạnh phúc. Anh dạy vợ tập nói, dạy vợ tập đi. Anh bảo “Tôi hỏi bác sĩ tư vấn ở đâu có thuốc bổ hay các tài liệu gì về chăm sóc cho người bệnh sau hôn mê để ngấu nghiến tìm hiểu, đọc rồi thực hành. Mong sao vợ mình trở lại được như xưa”. Nhờ chăm sóc tốt nên vợ anh Chung đã phục hồi được 95% trước khi bị tai nạn. Anh Chung bảo “Đây cũng là may mắn của gia đình”. Còn bác sĩ thì cho rằng nhờ anh phục hồi tốt. PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết dù người bệnh bị hôn mê nhưng cơ thể còn sống, cần ăn, cần vệ sinh và trò chuyện hàng ngày. Để “nuôi” một người như thế rất cần sự khéo léo của người nhà. Nếu không có điều kiện thuê y tá, người nhà bệnh nhân phải đảm bảo tránh nhiễm trùng vì các ổ loét trên cơ thể bệnh nhân có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng và tử vong ở người bị hôn mê.

Theo Khánh Ngọc - Infonet

Phó Giáo sư,Tiến sỹ Đồng Văn Hệ, quê ở Liên Hòa, Kim Đính,

Kim Thành, Hải Dương.

 Hiện là Trưởng Khoa thần kinh - Bệnh viện Việt - Đức.