Nằm trong vùng 'long sơn giáng khí', Triều Dương (hay còn gọi là Triền Dương), Chí Linh xưa không chỉ được xem là vùng đất thiêng mà còn sản sinh 6 vị đại khoa để lại nhiều danh vọng cho đời.

1. Về vùng đất Triều Dương xưa

Theo sách “Chí Linh phong vật chí”, phần di cảo của Cao Biền nói về thế đất của Chí Linh như sau: Chí Linh cổ phao, thủy thâm sơn cao/ Long sơn giáng khí, hổ lực phao giao. Ở đó trên núi có thành cổ vây quanh nên sách sử ký gọi là Chí Linh cổ thành (hay Phao Sơn cổ thành).

Cũng theo “Chí Linh phong vật chí”, phía Đông huyện có năm dãy núi, một dải cát nổi lên như hình chim nhạn, sắc trắng như bạc, chiều dài chừng vài mươi trượng, cao vài thước, người ta gọi là bãi Bạch Nhạn, gần trông như bạc, xa trông như nước.

Tục truyền có câu: “Bạch Nhạn sinh mao, sinh tận anh hào” (Nhạn trắng mọc lông, người sinh ra hết thảy đều anh hùng). Ngôi mộ tổ họ Hoàng, xã Kim Đôi, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, táng tại núi này, chính là đối diện với bãi cát ấy.

Tại đây kế tiếp sinh được 18 vị Tiến sĩ. Gần đây cỏ xanh mọc lên, mười phần chỉ còn ba bốn. Tiệm cận nơi này, có chùa Sùng Nghiêm dựng ở địa phận xã Nam Gián. Thày địa lý bảo đó là: “An Nam quý cục” nghĩa là: “Thế đất quý báu của nước An Nam”.

Nếu nhìn tổng quan lấy xã Cổ Bi làm chi giữa, thành Thăng Long làm chi hữu, xã Nam Gián làm chi tả. Phía sau chùa Sùng Nghiêm có một khu phủ lỵ cũ, dựng từ triều Lý, đến triều Trần có tu sửa lại am chùa. Trong hai triều này các hậu phi thường đến đây du ngoạn,…

Chính ở nơi phong thủy hữu tình này, họ Đồng đã cư trú ở đây từ lâu đời với 6 Tiến sĩ nho học ở xã An Xá (Tu Linh) và xã Lý Dương (Triều Dương), tổng Cổ Châu (nay thuộc phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh). Hai địa danh xã An Xá (Tu Linh) và xã Lý Dương (Triều Dương hay Triền Dương) có nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính.

Vào thời Nguyễn, hai địa danh này thuộc tổng Cổ Châu, huyện Chí Linh. Sau năm 1945, Tu Ninh và Lý Dương thuộc xã Nhân Huệ. Năm 1981, thôn Phao Sơn của xã Cổ Thành thuộc huyện Chí Linh sáp nhập vào thị trấn Phả Lại và đưa các thôn Cổ Châu, Lý Dương, Đồng Tâm, Hoà Bình và các xóm An Thành, Ninh Giàng, Tu Ninh của xã Nhân Huệ sáp nhập vào xã Cổ Thành. Lúc này, Tu Ninh và Lý Dương thuộc xã Cổ Thành (Chí Linh). Năm 2019, Tu Ninh và Lý Dương trở thành 2 khu dân cư của phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh.

Theo sách sử địa phương và các bản ngọc phả, thần phả cho biết: “…vào khoảng những năm 1226 - 1227, họ Đồng đến lập nghiệp ở xóm Dâu (Triền Dương). Vùng đất này rất gần với Lục Đầu Giang - nơi có vị trí đặc biệt bởi sự gặp gỡ của 6 dòng sông (sông Thương, Cầu, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy, Thái Bình). Trong 8 di tích cổ ở Chí Linh (Chí Linh bát cổ), ở đây có Nhạn Loan cổ độ và Phao Sơn cổ thành. Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16, mảnh đất địa linh nhân kiệt này, đã sản sinh ra 14 vị tiến sĩ, trong đó có 6 vị tiến sĩ là người họ Đồng.

2. Họ Đồng có 6 đại khoa

Các nguồn sử đăng khoa và các ngọc phả thuộc họ Đồng cho biết, ở Triều Dương xưa có tới 6 vị đại khoa nối nhau ghi danh bảng vàng. Trong đó, có:

+ Đồng Hãng (1530-?), đỗ Đệ nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khóa Kỷ Mùi (1559), niên hiệu Quang Bảo thứ năm, đời vua Mạc Tuyên Tông. Làm quan đến chức Tả thị lang. Công bộ Thượng thư, sau giáng xuống Thừa Chính sứ.

+ Đồng Đắc (1535-?), em ruột tiến sĩ Đồng Hãng, đỗ đệ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân năm Mậu Thìn (1568) Mạc Sùng Khang năm thứ 3, Minh Long Khánh năm thứ 2, nhà Mạc mở khoa thi cụ đậu, làm quan đến chức Hộ bộ đô cấp sự trung.

+ Đồng Văn Giáo1 (1528-?), năm 50 tuổi cụ mới thi, đậu Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, năm Sùng Khang thứ 10, khóa Đinh Sửu (1577), niên hiệu Thuần Phúc thứ 16, đời vua Mạc Mậu Hợp nhà Mạc, làm quan đến chức Thừa chánh sứ.

+ Đồng Hưng Tạo (1546 - 1635), người thôn An Xá, xã Tu Linh, huyện Chí Linh (nay là KDC Tu Linh, phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh). Năm 41 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái 1 (1586), đời vua Lê Thế Tông. Làm quan tới chức Hiến sát sứ.

+ Đồng Tồn Trạch (1617-1692), là cháu nội của tiến sĩ Đồng Đắc và có bác là tiến sĩ Đồng Hãng. Theo Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái năm thứ 4 (1646) ông đỗ Tam Giáp tiến sĩ, đời vua Lê Chân Tông. Sau đó ông vào ứng chế đỗ đầu. Ông được chúa Trịnh Tráng bổ nhiệm làm Đô cấp sự.

Năm 1664 đời Lê Huyền Tông, ông được thăng làm Tả thị lang bộ Công. Năm 1669 ông được chúa Trịnh Tạc thăng làm Đô ngự sử rồi bị bãi chức. Năm 1673 đời Lê Gia Tông, ông lại được dùng làm Hữu thị bộ Hình.  Năm 1683 ông làm Thượng thư bộ Hộ, vào làm Tham tụng - Là chức quan cao nhất thời Lê Trịnh, trong phủ chúa Trịnh Căn, tước Nghĩa Trạch hầu.

Năm 1691 khi đã 76 tuổi, ông về hưu. Được hơn 1 năm sau thì ông mất (1692), thọ 77 tuổi, được truy tặng là Thượng thư bộ Lại, Thái bảo, Nghĩa quận công.

Ông từng được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Đồng Tồn Trạch làm đến chức tham tụng (tể tướng), nhưng lại rất thanh liêm. Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" chép rằng: ‘‘Ông cầm quyền 9 năm nhà không có của để thừa, ai cũng khen là trong sạch."

Tiến sĩ Đồng Bỉnh Do (1647-?), người xã Triền Dương (nay là nay là thôn Lý Dương, xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh) con của tiến sĩ Đồng Tồn Trạch, cháu 4 đời của tiến sĩ Đồng Hãng và tiến sĩ Đồng Đắc.

Năm 45 tuổi, ông đỗ Đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoá Tân Mùi (năm Chính Hòa thứ 12, (1681). Làm quan đến chức Tham chính.

Điều đặc biệt ở “làng Tiến sĩ” nho học họ Đồng ở Triều Dương (Chí Linh) chính là Đồng Hãng và Đồng Đắc là 2 anh em ruột đỗ 2 khoa thi liên tiếp. Đồng Văn Giáo là ông nội của Đồng Tồn Trạch, Đồng Tồn Trạch là cha của Đồng Bỉnh Do. Bởi vậy, họ Đồng nơi đây còn được ví “Tam đại liên trúng”, tức 3 đời liền đỗ đại khoa.


Đồng Bá Tuyến (tổng hợp)

 

1. Cụ Đồng Văn Giáo cũng là Tổ họ Đồng xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An – hiện từ đường họ Đồng Nghệ An thờ Tiến sĩ Đồng Văn Giáo ghi rõ đỗ Tiến sĩ năm 1577- trùng hợp với các tư liệu lịch sử về Tiến sĩ Đồng Văn Giáo.