Ngày 28/12/2015 (tức ngày 18/11 Âm lịch), họ Đồng thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội long trọng tổ chức lễ dâng hương tiến sỹ Lê Triều Đồng Nhân Phái.

Tham dự có GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, nguyên Giám đốc Học viện Hậu Cần - Trưởng Ban liên lạc, các Phó BLL:Tiến sỹ Đồng Xuân Thành, ông Đồng Minh Sơn, nguyên PCT UBND TP. Hà Nội, PGS. TS. Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng - Phó Giám đốc Học viện Quân Y - Bộ Quốc phòng, Tiến sỹ Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam, Tổng thư ký, doanh nhân Đồng Văn Thắng, Đồng Xuân Thọ, đại diện lãnh đạo UBND xã Vân Hà, thôn Thiết Úng, đại diện một số dòng họ khác...cùng đông đảo con cháu gần xa trong dòng họ thôn Đồng Thiết Úng.

Theo gia phả họ Đồng cổ viết bằng tiếng Trung Quốc, in trên nền giấy dó từ năm 1628, cụ tổ khởi nghiệp đầu tiên của họ Đồng làng Thiết Úng, Vân Hà là Đồng Chính Phái từ đất Tư Nông, Thái Nguyên về.

Theo Cụ, họ Đồng đã sinh sống hơn 7 đời ở đất Tư Nông, nếu tính từ đời cụ Đồng Chính Phái là đời thứ 8, cụ về đất Đông Ngàn (nay là thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội).

 

Đến đời thứ 12,tại đất Đông Ngàn xuất hiện một nhân vật nổi tiếng của họ Đồng, đó là ông Đồng Nhân Phái. Cụ sinh năm Canh Thìn 1580, đỗ Tiến sỹ Đệ nhị Giáp, niên hiệu Vĩnh Tộ, đời vua Lê Thần Tông (1628), ông được phong đến chức Hữu Thị lang Bộ Công, năm 48 tuổi, ông làm việc ở triều đình hậu Lê được phong chức Thượng thư.

Tại nhà thờ họ Đồng bức hoành phi lớn trang trọng với 4 chữ sơn son thiếp vàng vẫn còn ghi: “Lê Triều Tiến Sỹ”.

Tuy nhà thờ họ Đồng ở đây đã được sửa chữa trùng tu nhiều lần,nhưng bức hoành phi có khoảng hơn 300 năm này vẫn còn lưu giữ nguyên bản gốc.

Điều vô cùng đặc biệt là, vẫn còn chiếc Đòn Võng khiêng cụ Đồng Nhân Phái khi được vinh quy bái tổ trong lễ xướng danh, lễ rước bảng vàng, áo mũ cân đai vua ban, được đưa về Kinh thành Thăng Long dự yến tiệc, rồi được đưa về làng làm lễ bái tạ ơn mẹ cha và ơn thầy dạy học với cảnh “hai bên có lính hầu đi dẹp đường” với trống chiêng cờ xí,dân làng tưng bừng náo nhiệt đón chào.

 Mặc dù họ Đồng về đây lập nghiệp khá sớm,đến nay đã có 28 đời, song họ Đồng Thiết Úng lại rất ít người, chỉ có hơn 150 nhân khẩu và có hơn 70 suất Đinh.

+ Giới thiệu thêm về Làng Thiết Úng.

Làng Thiết Úng hay còn gọi là làng Ống, xưa kia, nằm bên dòng Hoàng Giang, tức sông Ngũ Huyện Khê (cũ) thuộc hệ thống sông hào thành Cổ Loa, là nơi có cư dân cổ sinh sống, lập nên xóm làng, phường thợ. Do sự biến đổi của tự nhiên, sông Ngũ Huyện Khê ngày nay không còn chạy qua địa phận của Thiết Úng mà chứng tích ngày nay còn ghi dấu là quanh thôn Thiết Úng có vết trũng kéo ra đình, thành hình lòng sông và dãy ao kéo dài.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thôn Thiết Úng thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, là một thôn của xã Thiết Hà Châu.

Từ năm 1949, Thiết Úng trở thành một trong năm thôn của xã Vân Hà.Từ khi làng Thiết Úng ra đời, đến nay chỉ còn duy nhất một cuốn thần tích bằng chữ Hán (do ông Đồng Văn Điểm ghi chép lại vào năm 1990 từ bản dịch) được nghệ nhân Đồng Thế Hiển lưu giữ đó là “Thần tích bản cảnh thành hoàng thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh”.

Thần tích viết về công lao của hai ngài Triệu Thục và Triệu Pha đã có công lớn trong việc giúp vua Hùng Duệ Vương đánh đuổi quân của vua Thục, lập làng, dạy dân cày cấy, làm canh cửi, tằm tang, được Duệ Vương phong làm Bình Thục đại tướng quân và Pha công đại tướng quân. Sử sách còn ghi, về cuối đời Trần, có ông Nguyễn Thiên Túng tự Ước Phủ, người xã Thiết Úng, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Thiết Úng, xã Vân Hà) đỗ Thái học sinh. Năm Kỷ Dậu, dưới thời vua Lê Thái Tổ (1429), ông đỗ tiếp khoa Minh Kinh và được thăng đến chức Tư nghiệp Quốc Tử giám. Ông cũng là người được vua Lê Thái Tông giao viết Tập chú khi Nguyễn Trãi dâng lên vua sách Dư địa chí (1434);

Đến các thời sau, Nguyễn Quảng Mậu, người xã Thiết Úng, huyện Đông Ngàn đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông (1493), được phong đến chức Thừa Chính sứ; Đồng Nhân Phái, người xã Thiết Úng, huyện Đông Ngàn đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ, đời vua Lê Thần Tông (1628).

Khi còn sống, ông được phong đến chức Hữu Thị lang Bộ Công, rồi được phong chức Thượng thư và còn nhiều danh nhân khác của làng cũng đã có những đóng góp về tài năng, trí tuệ công sức cho dân, cho nước.

Hiện nay, làng Thiết Úng có đình, chùa đều mang tên Thiết Úng (còn được gọi là đình - chùa Ống) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 1996. Đình Thiết Úng: thờ hai vị tướng thời Hùng Duệ Vương là Triệu Thục và Triệu Pha - những người có công lập làng, cứu dân, cứu nước. Nhân một chuyến ngao du đến vùng Xa Lập (Thiết Úng ngày nay), hai ông đã xây dựng hành cung cạnh dòng Hoàng Giang làm chỗ nghỉ ngơi và xin vua Hùng cho ở lại phường Xa Lập. Hai ông đã khuyến khích nhân dân sản xuất, phát triển nghề canh cửi.

Để tưởng nhớ đến công lao lập làng của hai ông, hằng năm, từ ngày 12 đến 18 tháng Giêng, dân làng lại tổ chức lễ hội tại đình Thiết Úng. Đình Thiết Úng có kết cấu chữ “Đinh”, gồm 5 gian, 2 chái. Kiến trúc trang trí mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII,XIX. Các đầu dư chạm rồng, các bức cốn chạm đề tài tứ linh, tứ quý, trên thân xà chạm hoa văn lá lật, mây đùn, sóng nước. Hiện nay, đình còn lưu giữ thần phả, sắc phong, chuông đồng đúc năm Tự Đức 6 (năm Quý Sửu - 1853) và những đồ thờ, như ngai, khám thờ, bài vị, giá văn, hương án, cửa võng do người thợ Thiết Úng tạo tác. Chùa Thiết Úng (tên chữ là Viên Thông tự): được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII, ở phía trước, bên trái đình. Trải qua nhiều lần tu sửa, hiện nay, chùa Thiết Úng gồm có: Tam bảo, tiền đường, thượng điện. Hệ thống tượng thờ gồm: Tam thế, Di Đà tam tôn, Quan Âm, Cửu Long, Hộ pháp, Đức Ông, Thánh Hiền, tượng Mẫu, tượng Tổ.

Ngoài ra, chùa Thiết Úng còn lưu giữ được chuông đồng đúc năm Minh Mạng thứ 18 (1837), bức chạm y môn, hoành phi, câu đối...

Bài và ảnh: TS. Đồng Xuân Thụ

Tổng thư ký BLL họ Đồng Việt Nam.