Ngày 15 tháng 1 năm 2016 (tức ngày 6 tháng Chạp năm Ất Mùi), con cháu họ Đồng khu vực Tiểu Trà, Hưng Đạo, huyện Kiến Thụy, nay thuộc quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng lại tề tựu đông đủ tổ chức nghi lễ dâng hương, tế Tổ.

Như thường lệ, năm nay mọi thủ tục nghi lễ vẫn tiến hành như mọi năm, trước sự tề tựu đông đủ họ hàng và khách thiện tín, diên tế Túc Yết hay Đoàn Cả tổ chức các thành viên đoàn Tế Tổ tiên bao gồm các nghi thức:

– Chủ tế (còn gọi là Tế chủ, hay Chánh tế - chủ trì nghi lễ) là người cao niên có phẩm hàm hay đỗ đạt cao nhất làng hoặc là ông tiên chỉ, ông nhất đám của làng… hay một nhân sĩ có uy tín của hội đoàn.
– Bồi tế: Hai (hoặc bốn) người bồi tế giúp chủ tế và cứ trông chủ tế mà lễ sao làm vậy
– Đông xướng, Tây xướng: Hai người Đông xướng và Tây xướng đứng đối diện hai bên hương án xướng (đọc) nghi thức hành lễ. Vai trò này có thể được xem như là một hình thức MC ngày nay tức là người điều khiển chương trình) – của buổi lễ.
– Nội tán: Hai Nội tán đứng hai bên chủ tế hướng dẫn ra vào và trợ xướng. Nhiều trường hợp, để cho đơn giản tiện sổ sách, vai trò hai Đông Xướng và Tây xướng được hai Nội tán kiêm nhiệm luôn thể…
– Chấp sự: Những người chấp sự (vai trò “tà loọc”) đứng hai bên lo việc điếu đóm (dâng hương, dâng rượu, chuyển chúc, đọc chúc …)
– Đồng văn: Người lo việc đánh chiêng trống.

Nghi thức tế Tổ cũng thường trải qua bốn giai đoạn, bao gồm có các nghi thức tuần tự như sau: 

1 - Nghênh thần: chủ tế lễ 4 lễ
2 - Hiến lễ: dâng lễ 3 lần, mỗi lần chủ tế và bồi tế đều quỳ để hiến lễ, đọc văn tế (đọc chúc)
3 - Ẩm phúc và thu tộ: Chủ tế nhận lộc thần linh ban
4- Lễ tạ: Chủ tế lễ 4 lễ.
Cách thức ăn mặc và động tác trong tế từ lâu đã được cung đình hoá:
- Về mặt phẩm vật cúng tế, theo lễ nghi của Đạo giáo là chọn “tứ hỉ ngũ quả,” cúng dường bốn món, sáu món, bảy món hoặc mười món (không phải giết heo, mỗ dê để cúng tế).
- Tứ hỉ gồm : Trà, rượu, sợi (bún, bánh đa, mì), cơm.
- Bốn món cúng dường là : bông hoa, nước trà, nhang, đèn sáp.
Trong đó, nhang tượng trưng cho sự “vô vi,” bông hoa tượng trưng cho “tự nhiên,” nước trà tượng trưng cho “thanh tịnh,” đèn sáp tượng trưng cho sự “thuận hóa : biến hóa theo chiều thuận,” nghĩa là bốn món nêu lên ý niệm cơ bản của Đạo giáo : “thanh tịnh, vô vi, tự nhiên, thuận hóa.”
- Bảy món cúng dường là : nhang, hoa, đèn sáp, nước trà, trái cây, cơm, âm nhạc.
- Mười món cúng dường là: nhang, đèn , bông , trái, trà, cơm, rau cải, vàng bạc, châu ngọc, y phục.
Cũng như các lễ tế Thần ở đình, đền, lễ tế các dòng họ ở từ đường thường có những thủ Tục và diễn tiến Tế lễ như sau:
Diển tiến buổi tế Tổ tương tự như lớp lang của kịch bản mà ban Tế được tập sự và thống nhất trước phải tập dượt nhiều lần cho suôn sẻ, để giữ sự long trọng của buồi tế. Chi tiết diễn tiến thay đổi tùy vùng miền, và tùy loại Tế.
- Xin liệt kê thủ tục điễn tiến của một buổi lễ Tế (của họ Đồng). Thủ tục được Đông xướng, Tây xướng (hay Nội tán) đọc lớn từng bước, làm từng giai đoạn một mà ngày nay, các dòng họ thường hành lễ:
1. Khởi chinh cổ (Nổi trống chiêng)
2. Nhạc sinh tựu vị (Ban nhạc vào vị trí)
3. Củ soát tế vật (Kiểm tra lễ vật cúng)
4. Chấp sự giả các tư kỳ sự (Những người phụ trách cúng vào vị trí của mình)
5. Tế chủ dữ chấp sự giả các nghệ quán tẩy sở (Chủ tế và mọi người phụ trách cúng vào chỗ rửa tay)
6. Quán tẩy (Rửa tay)
7. Thuế cân (Lau tay)
8. Bồi tế viên tựu vị (Bồi tế vào vị trí)
9. Chủ tế viên tại vị (Chủ tế vào vị trí)
10. Thượng hương (Dâng hương)
11. Nghinh thần cúc cung bái (Chủ tế và bồi tế lạy sụp cả xuống)
12. Hưng (Chủ tế và bồi tế đứng dậy)
13. Bái (Lạy)
14. Hưng (Đứng dậy)
15. Bình thân (Đứng ngay thẳng)
16. Hành sơ hiến lễ (Lễ dâng rượu lần đầu)
17. Nghệ tửu tôn sở, tư tôn giá cử mịch (Chủ tế đi ra chỗ án để rượu, người chấp sự mở cái miếng phủ trên mâm đài ra)
18. Chước tửu (Rót rượu)
19. Nghệ đại vương thần vị tiền (Hai người nội tán dẫn chủ tế lên chiếu nhất)
20. Quỵ (Tế chủ và bồi tế quỳ cả xuống)
21. Tiến tửu (một người chấp sự dâng đài rượu đưa cho tế chủ vái một vái rồi giao trả người chấp sự)
22. Hiến tửu (các người chấp sự dâng rượu đi hai bên, hai tay nâng cao đài rượu đi vào nội điện. Xong trở ra)
23. Hưng, bình thân, phục vị
24. Độc chúc (hai người chấp sự vào bàn trong kính cẩn bưng văn tế ra)
25. Nghệ độc chúc vị (người nội tán dẫn chủ tế lên chiếu trên)
26. Giai quỵ (tế chủ, bồi tế, hai người bưng chúc đọc chúc đều quỳ cả xuống)
27. Chuyển chúc (người bưng chúc đưa cho chủ tế. chủ tế cầm lấy, vái một vái rồi đưa cho người đọc chúc)
28. Độc chúc (người đọc chúc lần này đọc bản văn tế. Đọc xong văn tế, chủ tế lạy hai lạy rồi ra phía ngoài. Sau đó lại xướng lễ trở lại để dâng hai tuần rượu nữa. Tuần thứ hai là Á hiến lễ và tuần thứ ba gọi là Chung hiến lễ)
29. Ẩm phúc (hai người vào nội điện bưng ra một chén rượu và một khay trầu)
30. Nghệ ẩm phúc vị (người chủ tế đi ra bước lên chiếu thứ nhì)
31. Quỵ (tế chủ quỳ xuống. hai người đưa chén rượu, khay trầu cho chủ tế)
32. Ẩm phúc (chủ tế bưng lấy chén rượu vái, lấy tay áo che mồm uống một hơi hết ngay)
33. Thụ tộ (chủ tế cầm khay trầu vái rồi ăn một miếng)
34. Tạ lễ cúc cung bái (chủ tế và bồi tế cùng lạy tạ bốn lạy)
35. Phần chúc (người đọc chúc đem văn tế đốt đi)
36. Lễ tất (tế đã xong)



Đồng Thị Hồng Hoàn
Phó Ban tư liệu tộc phả
BLL họ Đồng Việt Nam
 
Một số hình ảnh tại buổi Lễ: