Gắn bó với cái đục, cái đẽo, say sưa với ngà với gỗ và luôn mang trong mình những trăn trở về sự phát triển của làng nghề, về cái tinh hoa dân tộc đang dần phai mòn, người đàn ông ấy đã dành cả cuộc đời say mê sáng tạo ra những tác phẩm từ gỗ tuyệt đẹp, và tận tụy trong sự nghiệp giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống. Đó là nghệ nhân Đồng Văn Ngọc ở thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

+ Dành trọn đời cho nghiệp chạm khắc

Tìm đến nhà nghệ nhân Đồng Văn Ngọc vào một buổi mùa đông, chúng tôi được ông đón tiếp rất nhiệt tình trong một căn nhà nhỏ ấm áp, thoang thoảng mùi gỗ thơm. Bằng giọng nói khỏe, đầy nhiệt huyết, ông kể một mạch cho chúng tôi những trăn trở và những kỷ niệm trong nghề.

Sinh ra và lớn lên tại làng quê có nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng (Vân Hà, Hà Nội) là điều may mắn nhất trong cuộc đời nghệ nhân Đồng Văn Ngọc. Ông được thừa hưởng cái "lửa nghề" của ông cha, được tiếp xúc với gỗ, với đục, với bào từ khi mới chập chững biết đi.

Năm lên 8 tuổi ông đã theo cha học việc, ham học hỏi và kiên trì, trong lòng lúc nào cũng đau đáu một điều "làm thế nào để tạo ra những tác phẩm có hồn, không chỉ là tượng gỗ mà phải là người gỗ". Ngày ngày cứ đi học về là ông lại ngồi cặm cụi với gỗ. Với niềm say mê học hỏi đó, các tác phẩm ông làm ra dần có tiến bộ và được mọi người đánh giá cao.

Đặc biệt sau năm 1954, khi từ miền Nam trở về cha ông cùng với 3-4 người bạn phát triển nghề chạm khắc trên vật liệu ngà voi. Thời gian đầu xưởng của cha ông đã được Tổng Công ty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Artexport giao cho một số mẫu ngà voi chế tác thử. Không phụ lòng mong đợi, tổ sản xuất đó đã cho ra những tác phẩm tuyệt đẹp, được thị trường các nước Đông Âu rất ưa chuộng.

Chiếm được vị thế trong ngành xuất khẩu, cha ông mở rộng tổ sản xuất của mình và ông cũng được tham gia như một thành viên chính thức. Ông lại được trải nghiệm qua những thử thách mới với chất liệu ngà voi mới, tay nghề của ông đã thực sự đạt đến độ "thần". Tuy nhiên, đến năm 1978 thì ông không sáng tác trên chất liệu ngà voi nữa mà chuyển sang làm gỗ để bảo vệ loài voi.

Năm 18 tuổi, ông Đồng Văn Ngọc được Nhà nước cho đi học hai năm về điêu khắc, hội họa ở Trường Tiểu thủ công nghiệp Trung ương. Mang trong mình dòng máu nhiệt huyết, lại được đào tạo một cách bài bản nên kết thúc khóa học, tay nghề của ông đã được nâng cao rõ rệt, ông đã làm ra những tác phẩm mềm mại, có chiều sâu tư tưởng.

.Ông hào hứng chia sẻ cho chúng tôi về cái nghiệp, về sức hút cái nghề mà ông trọn đời theo đuổi. Cái khó khi chạm khắc gỗ là với một khúc gỗ, người thực hiện phải biết tư duy, tưởng tượng trước khi cầm đục, cầm dùi.

"Thế nào cho chuẩn dáng tượng, phù hợp với khúc gỗ có sẵn trong tự nhiên? Hơn nữa còn phải khéo léo, cẩn trọng thổi cái hồn của chính nhân vật mình muốn tạo làm cho có sức sống, sinh động". Muốn tạo một bức tượng cần phải hiểu được cái tâm, tích cách của nhân vật thì mới tạo nên được cái thần trong tác phẩm.

Khi ấp ủ một tác phẩm mất rất nhiều thời gian, khi bắt tay vào làm thì không mấy. Chỉ vào bức tượng gỗ Quan Công cưỡi cá, tác phẩm có một không hai, nghệ nhân Đồng Văn Ngọc chiêm nghiệm lại thời gian ấp ủ: "Bức tượng này đã mất khá nhiều công sức nghiên cứu hình dáng, mình đã tận dụng hình dáng sẵn có của khối gỗ, rồi phải thật khéo, nếu tính toán sai, thừa có thể bỏ nhưng thiếu thì không lấy đâu ra mà bù lại được…".

Nghệ nhân còn bật mí cho chúng tôi bí quyết để tạo ra những bức tượng độc đáo đó là sau khi đã hình dung ra hình dáng của tác phẩm, ông thường dùng đất nặn thành tượng sau đó mới chế tác trên gỗ. Đó cũng là những hình mẫu để cho các học viên của ông thực hành.

Ông bộc bạch: "Để làm ra một tượng gỗ thì rất đơn giản, với một người có chút tay nghề cũng có thể làm, nhưng để có bức tượng mang cái hồn thì mới khó, không chỉ ngày một ngày hai là làm được. Người nghệ nhân không chỉ tạo ra "sản phẩm" mà phải biết sáng tạo tác phẩm".

+Người truyền lửa cho thế hệ sau


Có một thời nghệ nhân Ngọc được phân công về công tác ở bộ phận đào tạo những đội ngũ kế cận, kế thừa nghề chạm khắc truyền thống. Tại đây ông đã cho chấp cánh cho rất nhiều những ước mơ, khao khát với nghề của các học viên mọi miền Tổ quốc.

Ông bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm khó quên: "Sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội giao nhiệm vụ khôi phục và phát triển làng nghề, tôi cùng với Giáo sư Hoàng Tích Chù trực tiếp chiêu sinh và giảng dạy tại Trường Dạy nghề truyền thống Từ Vân, Đông Anh. Lúc đó được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, dù rất khó khăn về điều kiện vật chất, chỗ ăn ở cho học viên, nhưng những lớp học viên vẫn thành tài và trở thành các doanh nghiệp lớn. Hồi đó mỗi khóa đào tạo 3 năm, 2 năm học kiến thức cơ bản, năm cuối thực hành. Các em được học chuyên nghệ rất kĩ, bài bản về chất liệu gỗ, cách thức xử lý, dụng cụ...".

Trong nhiều năm, nghệ nhân Ngọc đã đào tạo được 5 khóa học với 350 học viên và đa số tiếp tục theo nghề và có người thành nghệ nhân như anh Đỗ Văn Mùi, Phó Chủ nhiệm HTX cổ phần Từ Vân.

Hiện nay, nghệ nhân Đồng Văn Ngọc vẫn say mê truyền nghề cho lớp thanh niên. Không được có những lớp học bài bản, có giáo trình như ngày trước, nhưng các thế hệ con cháu trong làng vẫn được ông tận tụy dạy dỗ, dìu dắt, truyền lại lòng say mê nghề và bí quyết, kỹ thuật chạm khắc có từ ngàn đời.

Ông Ngọc luôn tâm niệm rằng, nghệ nhân không chỉ biết tạo ra những tác phẩm tức thời mà truyền nghề cho lớp trẻ, đó cũng là một nhiệm vụ cao cả. Và cả hai cô con gái của ông quyết tâm theo bước chân cha giữ gìn làng nghề, để ngọn lửa say mê không bao giờ tắt

Theo CAND