Sau hơn 40 năm công tác, năm 1990, ông Đồng Văn Đạo nghỉ hưu, từ đó tới nay, ông dành hầu hết thời gian của mình say sưa theo đuổi một công việc lặng lẽ: Nghiên cứu và tham gia viết lịch sử của quê hương.

Ông Đồng Văn Đạo trong cuộc sống đời thường

Sinh năm 1929 tại làng Châu, xã Cao Xá, chỉ 2 năm sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vừa tròn 18 tuổi, người thanh niên Đồng Văn Đạo tìm đến cách mạng. Năm 1947, ông công tác ở Sở Thông tin Chiến khu 12, năm 1951, chuyển về Tỉnh ủy Bắc Giang, rồi làm Phó Hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh. Ở vị trí nào ông cũng hoàn thành nhiệm vụ và được mọi người quý mến. Ngoài công việc, ông Đồng Văn Đạo còn tích cực học hỏi, nâng cao trình độ.
Ra đi từ một làng quê nghèo với quyết tâm và chí hướng phấn đấu vươn lên, ông Đạo là một cán bộ có năng lực, có trình độ đại học. Ông tâm sự: “Kỷ niệm sâu sắc và xúc động nhất chính là những năm tháng về công tác tại huyện nhà”. Năm 1958, ông Đồng Văn Đạo về quê hương là huyện Tân Yên công tác và từ năm 1963 đến 1971, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện. Gần 10 năm làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta dần bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Tân Yên đã chứng tỏ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và nghĩa tình. Chỉ tính trong bảy năm (1965 - 1971) đã có 6.223 người con Tân Yên lên đường nhập ngũ, bình quân mỗi năm huyện đóng góp 7310 tấn lương thực nghĩa vụ. Ở cương vị Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện, ông đã cống hiến hết khả năng của mình để xứng đáng với lòng dân. Cũng trong giai đoạn này, Tân Yên xuất hiện nhiều phong trào thi đua, và nghĩa cử làm ấm lòng người. Xã Hợp Đức với phong trào Trần Quốc Toản, Tháng cô Tấm vào hội. Xã Ngọc Thiện với Hội Mẹ chiến sỹ. Xã Đại Hóa với phong trào 3 sạch. Ngọc Lý với việc làm Nhà bia ghi danh liệt sỹ. Ban chỉ huy quân sự huyện xây dựng Đơn vị quyết thắng... Các phong trào nhanh chóng lan rộng và trở thành mẫu mực trong huyện, tỉnh. Từ năm 1971,ông Đồng Văn Đạo về tỉnh công tác . Vợ và các con đều hiểu, thông cảm và chia sẻ những vất vả của ông và đều cố gắng lao động, học tập và không ỷ lại.
Năm 1990, ông Đạo về hưu tại làng Châu. Trong lòng ông phần vui và tự hào về những người con của mình, phần vẫn canh cánh nhiều trăn trở. Tân Yên - một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, bên cạnh những mái đình, mái chùa cổ kính là cả một kho tàng văn hóa dân gian với những huyền tích, huyền thoại. Cách mạng tháng Tám rồi qua hai cuộc kháng chiến, Tân Yên có biết bao tấm gương chiến đấu dũng cảm, những người mẹ, người vợ suốt đời lặng lẽ cống hiến và còn bao phong trào nghĩa tình... song việc tập hợp, đưa vào sách, báo còn hạn chế. Chính trong thời gian làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện (1963-1971), ông có dịp đi nhiều, gặp nhiều, ấn tượng mạnh về những tâm tình của nhân dân góp phần thôi thúc ông phải làm gì đó cho quê hương. Vì vậy, suốt từ đó đến nay, với chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, chiếc cặp da nâu sờn, ông Đạo lại cùng những người tâm huyết vào công việc mới: Sưu tầm tư liệu, tài liệu và làm sách. Tôi nhiều lần đến thăm ông ở làng Châu, xã Cao Xá, đều gặp ông đang ngồi đọc sách, báo hoặc đang rà soát lại từng trang viết.

Ông Đồng Văn Đạo phát biểu những nghiên cứu về dòng họ Đồng Việt Nam tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Việt Nam lần thứ nhất (26/4/2015)

Năm 1996, huyện Tân Yên xuất bản cuốn sách "Địa chí Tân Yên ", ông Đạo đã đóng góp nhiều ý kiến rất bổ ích. Sau những bài viết về hơn 100 vị nhân kiệt trên vùng quê Yên Thế hạ, ông cùng mọi người khôi phục lại diện mạo lễ hội Đình Vồng (1998), chủ biên cuốn "Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Yên " (1999), chủ biên cuốn "Trai cầu Vồng Yên Thế" (1999), chủ biên cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Cao Xá " (2001), tái bản năm 2015. Ngoài ra ông còn tham gia biên soạn cuốn Niên giám HĐND tỉnh (1946- 1999), tham gia biên soạn cuốn sách ''Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Yên'' (từ năm 1957 đến nay); là thành viên trong Hội đồng thẩm định lịch sử của huyện, thẩm định Lịch sử Đảng bộ 24 xã, thị trấn. Ông tham gia viết bài đăng trên báo Bắc Giang, Tạp chí Xương Giang tìm hiểu về văn hóa dân gian…Ông Đạo quan niệm: "Viết sách về lịch sử và nhân vật lịch sử đòi hỏi khách quan, chân thực, chính xác. Có thể viết còn thiếu nhưng không được sai lệch." Do có ý thức lưu trữ tài liệu qua hàng chục năm nên công việc của ông cũng đỡ vất vả, nhưng quan trọng nhất là phải thâm nhập, lấy tư liệu, tài liệu qua nhiều nguồn, nhiều người, gặp gỡ trao đổi với cán bộ lão thành, tìm đọc trong thư viện. Thời gian còn lại là chắp bút, soạn thảo đề cương, xây dựng bản thảo, tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp...
Lặng lẽ, miệt mài, ông Đồng Văn Đạo đã đóng góp xây dựng nên nhiều tác phẩm, góp phần bảo lưu và giáo dục truyền thống địa phương. Ở tuổi xưa nay hiếm, người cán bộ già, người Đảng viên lão thành Đồng Văn Đạo vẫn miệt mài với công việc. Tuổi cao, sức giảm nhưng ý chí và tinh thần làm việc để cống hiến ở người Đảng viên ấy vẫn không hề mệt mỏi.

Châu Giang(Báo Bắc Giang)

 

Ông Đồng Văn Đạo
Sinh năm 1929
Quê quán: Làng Châu, Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang
Chức vụ đã qua: Nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, Phó Hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh Hà Bắc, Chủ nhiệm UBKH Nhà nước tỉnh Hà Bắc, Ủy viên thư ký kiêm Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Bắc.
Ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng hiện nay ông Đồng Văn Đạo là người rất tích cực tìm hiểu và nghiên cứu về dòng tộc họ Đồng tỉnh Bắc Giang nói riêng và họ Đồng Việt Nam nói chung.Ông cũng là thành viên Ban biên tập cuốn sách "Họ Đồng Việt Nam".