Phần 1: Dàn nhạc giao hưởng và Dàn hợp xướng của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam cùng các nhóm hát (Hanoi Voices Choir, Hanoi Freude Choir và Xuan Voce Choir) sẽ trình diễn tác phẩm hợp xướng “Carmina Burana”, gồm 25 chương, của nhà soạn nhạc người Đức Carl Orff
Tác phẩm này đã được trình diễn lần đầu vào năm 1937, trong đó sử dụng lời của những bài thơ thời trung cổ, tiếng Latinh được viết vào thế kỷ thứ 13 nhằm phản ánh cuộc sống muôn mặt của con người ở thời kỳ này. Một số bài rất vui nhộn, trẻ trung. Một số bài lại ưu phiền, sâu lắng. Một số bài pha chút thô kệch, mạnh mẽ, nhưng mang tính nhân bản sâu sắc
"O Fortuna” là bước chuyển biến lớn nhất trong tác phẩm “Carmina Burana”. Fortuna là tên của nữ thần số phận trong thần thoại La Mã. Phần nhạc của bài thơ này đã trở nên hết sức nổi tiếng và được rất nhiều dàn hợp xướng biểu diễn. Tác phẩm này đã được sử dụng rất nhiều trong các bộ phim nổi tiếng như: “Lord of The Rings”, Star Wars”, “300”… cũng như các chương trình truyền hình trên khắp thế giới.
Cùng góp phần trong tác phẩm này có các giọng ca: Trịnh Thanh Bình, Nguyễn Anh Vũ (tenors) Đào Tố Loan, Ngô Hương Diệp (giọng sopranos) và Vũ Mạnh Dũng, Nguyễn Huy Đức (baritones).
Phần 2 của đêm diễn là tác phẩm múa đương đại “Cái chết và cô gái” (Âm nhạc: Franz Schubert; Biên đạo múa: Hans Henning Paar - Đức) với phần trình diễn của các vũ công Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam.
Vở diễn “Cái chết và cô gái” thể hiện sự tương phản giữa một bên là sự tàn lụi và chết chóc - biểu tượng của bóng tối, và bên kia là cơ thể phụ nữ - biểu tượng cho cái đẹp, tuổi trẻ và khát vọng. Còn nhân vật thứ ba là người tình của cô gái. Xoay quanh ba nhân vật của vở diễn nói trên là những màn múa tương tác của các nhân vật.
Được biết, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh sinh năm 1984 trong một gia đình cả cha và mẹ đều là những nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Năm 1993, Đồng Quang Vinh trở thành học sinh chuyên ngành sáo trúc của khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Năm 2004, Đồng Quang Vinh theo học chuyên ngành Chỉ huy Dàn nhạc Dân tộc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải – Trung Quốc.
Năm 2010, tốt nghiệp xuất sắc bậc đại học, anh nhận được học bổng toàn phần của quĩ Học bổng quốc gia chính phủ Trung Quốc dành cho lưu học sinh nước ngoài ưu tú để tiếp tục bậc học thạc sĩ với nhạc trưởng Cao Peng, nguyên là chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Thượng Hải và là giảng viên chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải – Trung Quốc.
Tháng 7/2013, sau 9 năm học tập tại Thượng Hải, Đồng Quang Vinh tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc với thành tích xuất sắc.
Trong những năm tháng du học, anh đã tham gia dàn dựng, chỉ huy và biểu diễn nhiều chương trình cùng với các Dàn nhạc Giao hưởng ở Thượng Hải như Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, Dàn nhạc giao hưởng Thành phố, Dàn nhạc giao hưởng Học sinh Sinh viên, Dàn nhạc giao hưởng Thanh thiếu niên... Đồng Quang Vinh cũng chỉ huy và biểu diễn cùng nhiều Dàn nhạc Dân tộc như Dàn nhạc dân tộc Thượng Hải, Dàn nhạc dân tộc Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Triết Giang, Dàn nhạc dân tộc Hồng Kông.
Trở về nước, anh là giảng viên chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng, Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và nhanh chóng hòa mình vào đời sống âm nhạc trong nước qua những hoạt động phong phú.
Anh đã tham gia nhiều chương trình hòa nhạc với tư cách là tổng chỉ huy như: "Cung bậc vào hạ"; "Tiếng thu"; “Beethoven số 9”; “Subscription Concert số 67”; "Âm thanh Mùa hè"...
Ngoài ra có một chi tiết khá thú vị nữa về nhạc trưởng trẻ tuổi Đồng Quang Vinh, đó là dù mới về Việt Nam được một năm, anh đã kịp thành lập ban nhạc “Sức sống mới”. Đây là ban nhạc chuyên diễn tấu các nhạc cụ được chế tác từ tre nứa như T'rưng, Ching'ram, K'lông pút, Đinh Pá, Bộ gõ tre nứa, Sáo trúc…Nghệ sĩ ưu tú Đồng Văn Minh, nguyên diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương, cũng là cha ruột của Đồng Quang Vinh chính là người đã chế tạo toàn bộ các nhạc cụ cho ban nhạc./.
Xuân Thụ