Mẹ là nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca. Mẹ không chỉ là người sinh thành, nuôi dưỡng mà còn là biểu tượng của tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ bến trên thế gian này. Dù mẹ còn sống hay mẹ đã qua đời, hình ảnh mẹ bao giờ cũng hiển hiện trong trái tim của những người con. Dù con còn trẻ hay con đã già thì mẹ mãi mãi là nguồn sữa ngọt không bao giờ cạn, truyền cho con sức sống và tình yêu. Và những bài thơ về mẹ luôn được sinh ra như cỏ cây hoa trái bốn mùa tốt tươi bao bọc trái đất này.

Đã có nhiều tập thơ về mẹ. Nhưng để có một tập thơ lục bát dày dặn về mẹ là một ý tưởng hay của nhà thơ Đồng Thị Chúc. Những người mẹ Việt Nam đời này qua đời khác đều chuyền tình yêu đầu tiên cho con bằng những lời ru lục bát. Những lời ru ấy phải chăng là khởi nguồn cho thể thơ lục bát độc đáo của dân tộc hình thành và phát triển không ngừng, và nó tồn tại vĩnh hằng như một biểu hiện tâm hồn của người Việt Nam ta. Bởi vậy, khi gom chọn những bài thơ “Lục bát dâng tặng mẹ ta” từ nhiều tác giả, Đồng Thị Chúc đã ý thức một hành động hàm ơn mẹ thật đáng trân trọng.

Với 232 bài thơ lục bát về mẹ trong tập sách này, ta luôn thấy hình ảnh người mẹ gần gũi thân thương, nhỏ bé mà vĩ đại vô cùng. Hình ảnh người mẹ dường như luôn ám ảnh ta cái hình ảnh cánh cò trong lời ru xưa. “Con cò lặn lội bờ sông…”. Vâng, đời mẹ chính là cánh cò trắng ấy, cánh cò mà học giả Lê Văn Siêu đã từng ngẫm luận: “Cò bao giờ cũng một màu trắng toát, thuần nhất, không nhuộm đốm, và bao giờ cũng khẳng khiu da bọc xương, lom khom bên bờ ruộng kiếm mồi cho con. Đó là hình ảnh tiêu biểu của bà mẹ Việt Nam”. Từ “bà mẹ cánh cò” đến “bà mẹ Việt Nam anh hùng” như chẳng có gì xa cách, mà đó là một biện chứng thống nhất của tình yêu chồng con và tình yêu dân tộc, giống nòi; đó là hình ảnh hiện thân của che chở và hy sinh không giấy bút nào tả xiết.

Không có thơ nào gói trọn hết được tình mẫu tử. Mỗi bài thơ là một tiếng lòng, một cảnh ngộ cụ thể để diễn đạt lòng con với mẹ. Người ta nói, thơ viết về mẹ không có bài nào dở. Ấy là nói về lòng chân thành của những người con làm thơ dâng mẹ. Và chỉ có lòng chân thành mới an ủi được mẹ mà thôi.

Tôi nhớ một lần xem báo, bắt gặp bức ảnh giáo sư Văn Như Cương râu tóc bạc phơ cõng mẹ già đến nhà thờ họ tộc dịp tế lễ rằm tháng bảy với lời chú thích: Mẹ già con cũng đã già. Mẹ muốn đi lễ họ mà đôi chân không còn đủ sức để đi được nữa. Thì con cõng mẹ đi như hồi xưa mẹ cõng con đi… Chỉ giản đơn vậy thôi mà mấy ai làm được?

Lại nhớ chuyện nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng kể lại. Khi mẹ đã ngoài tám mươi có trận ốm nặng, biết không qua khỏi, bà cho gọi con cháu về đứng quanh mình để được nhìn mặt lần cuối. Nhưng mẹ không còn mở mắt ra được nữa. Mai Khắc Ứng lúc đó đã sáu mươi, ông thấy mẹ đang đuối dần. Bỗng ông thưa mẹ, xin thay mặt các con của mẹ, được bú mẹ một lần cuối. Rồi ông quì xuống vạch áo mẹ ra bú vào bầu vú đã teo tóp chỉ còn da bọc xương. Có lẽ bởi quá cảm động vì tình con, hay vì sức sống của con truyền sang mẹ, nên bà đã mở mắt mỉm cười sống thêm được vài năm nữa.

Những câu chuyện đặc sắc về tình mẫu tử từ ngàn xưa luôn làm lay động lòng người. Dù thời nào cũng vậy thôi, mẹ đắm đuối vì con, và con suốt đời cứ mang theo ân hận về những lỗi lầm làm mẹ phải buồn phiền.

Và thơ, thơ là những cảm xúc mạnh mẽ nhất, chân thật nhất ký thác lòng con hát ru đời mẹ; thơ chính là phép nhiệm mầu làm cho mẹ mãi mãi bên ta.

Dù bạn có tài thơ hay bạn chỉ là người yêu thơ, bạn hãy đọc “Lục bát dâng tặng mẹ ta”, và bạn sẽ được sẻ chia thật nhiều với mẹ.

                                                               Hà Nội, Thu 2015
                                                        Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO