Kỹ thuật nội soi qua lỗ tự nhiên của cơ thể mà các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiến hành đã mang đến cơ hội mới cho người bệnh

Phẫu thuật nội soi qua đường tự nhiên không chỉ là bước tiến của y học hiện đại mà các nghiên cứu cho thấy kỹ thuật này đã giảm các nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng sau mổ, ít đau, không để lại sẹo, rút ngắn rất nhiều thời gian nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị.

     Một ca phẫu thuật u tuyến yên qua đường mũi được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức

Lấy khối u não qua đường thở

Bệnh nhân N.X.Q, 36 tuổi, ở Quảng Ninh, bị phát hiện u tuyến yên nằm ở nền sọ cách đây không lâu. Bệnh nhân thường xuyên bị đau đầu, mắt nhìn mờ, mệt mỏi và suy giảm tình dục. Sau khi hội chẩn các bác sĩ quyết định dùng phương pháp mổ nội soi qua đường mũi để lấy khối u ra khỏi hộp sọ. Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện (BV) Việt Đức, phẫu thuật u tuyến yên đã được thực hiện từ lâu nhưng trước đây chủ yếu qua đường mở hộp sọ. Do phải cắt một mảnh xương sọ lớn (5-10 cm) nên sau mổ thường để lại sẹo dài ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Cùng đó, tỉ lệ biến chứng cao hơn và thời gian nằm viện kéo dài hơn. Với phương pháp mổ nội soi, các phẫu thuật viên sẽ đưa dụng cụ qua đường mũi vào xoang bướm và tiếp cận khối u. Ưu điểm của phẫu thuật là không làm tổn thương các tổ chức lành, ít "động chạm" đến cấu trúc xung quanh mà vẫn lấy được khối u với tỉ lệ biến chứng thấp nhất. "Não là tổ chức đặc biệt và là tế bào không tái sinh nên tác động càng ít thì càng tránh được tai biến, di chứng và tử vong cho bệnh nhân" - PGS.TS Đồng Văn Hệ giải thích. Theo BS Nguyễn Thanh Xuân, Khoa Phẫu thuật thần kinh BV Việt Đức, tuyến yên là cấu trúc nội tiết tuy nhỏ nhưng chức năng rất lớn, ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Khi bị u tuyến yên, bệnh nhân thường biểu hiện phụ thuộc vào kích thước khối u và loại tế bào chế tiết hóc môn chi phối cơ quan. Bệnh nhân có thể bị vô sinh, rối loạn kinh nguyệt, gây tiết sữa, yếu sinh lý hoặc đái tháo đường, to đầu chi, huyết áp cao, biến dạng khuôn mặt... Thông thường với những bệnh nhân u tuyến yên có đau đầu, nhìn mờ, tức là khối u đã phát triển khá lớn (trên 2 cm) và gây chèn ép dây thần kinh thị giác. "Tuy vậy, kể cả những bệnh nhân có khối u tuyến yên lớn xâm lấn phần thái dương nhiều hoặc xâm lấn vào não thất cũng có thể phối hợp phương pháp nội soi lấy u qua đường mũi bằng cách mở hộp sọ" - BS Xuân cho hay. Cũng theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, nội soi u não là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận, khéo léo của kỹ thuật viên và có phương tiện hiện đại như dụng cụ nội soi chuyên biệt, máy định vị, do vậy chỉ những cơ sở chuyên khoa về phẫu thuật thần kinh lớn mới có thể đáp ứng được đầy đủ. Ngoài bệnh lý u tuyến yên, các bệnh khác như u sọ hầu, u nền sọ, u trong xoang bướm, u tế bào mầm, u màng não... cũng đã được áp dụng phương pháp mổ nội soi qua mũi.

Cắt ruột thừa qua âm đạo

Cũng tại BV Việt Đức, hơn 20 bệnh nhân đã được cấp cứu bằng kỹ thuật nội soi cắt ruột thừa qua đường âm đạo không để lại sẹo, ít gây đau đớn, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Theo BS Đỗ Thất Thành, Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, không chỉ những bệnh nhân viêm ruột thừa được phát hiện ở giai đoạn sớm mà phẫu thuật này cũng được áp dụng cả với những trường hợp muộn, nhập viện trong tình trạng ruột thừa đã vỡ, mủ tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. BS Thành cho biết bệnh nhân đầu tiên áp dụng kỹ thuật cắt ruột thừa nội soi qua đường âm đạo ở BV Việt Đức là một phụ nữ 48 tuổi và từng trải qua 2 lần mổ mở, lần đầu với chẩn đoán mang thai ngoài tử cung và lần 2 mổ cắt tử cung bán phần với chẩn đoán u xơ tử cung. Ngoài ra, bệnh nhân này còn có tiền sử viêm dạ dày đã có chẩn đoán qua nội soi và nhiều đợt điều trị nội khoa. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng đã 2 ngày. Theo BS Thành, ưu điểm nổi bật của phương pháp này là độ an toàn của kỹ thuật cao hơn. Do thiết bị được đưa qua đường tự nhiên (âm đạo) nên không để lại sẹo, ít đau, giảm tối đa nhiễm trùng, giảm biến chứng do tắc ruột và hạn chế thấp nhất những tổn thương tạng xung quanh do quá trình phẫu thuật. Và cũng không ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục của bệnh nhân sau này. Bệnh nhân sớm bình phục, giảm chi phí vì ít phải dùng thuốc và thường xuất viện sau 2 ngày, thay vì 7-10 ngày nếu phải mổ mở. "Ngay cả phương pháp nội soi một lỗ cắt ruột thừa tại rốn cũng đang được BV triển khai thì phẫu thuật vẫn phải xuyên qua thành dạ dày, trực tràng, ruột non, bàng quang, âm đạo… Do đó, ngoài việc khâu đóng các lỗ thủng đường tiêu hóa, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, bệnh nhân cũng có thể bị mất lỗ rốn do những biến chứng sau phẫu thuật" - BS Thành nói. Dù là kỹ thuật có độ an toàn cao và dễ áp dụng nhưng cần những thiết bị phẫu thuật hiện đại và đắt tiền nên chi phí cho phẫu thuật này khá cao, khoản gần 20 triệu đồng.

 Theo Ngọc Dung (NLĐ)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đồng Văn Hệ, quê ở Liên Hòa, Kim Đính, Kim Thành, Hải Dương.

Hiện là Trưởng Khoa thần kinh - Bệnh viện Việt - Đức.