Tuyết Thanh tên thật là Đồng
Thị Tuyết Thanh, sinh ngày 29/11/1942 tại Hà Nội. Ngay từ lúc còn nhỏ, Tuyết
Thanh tham gia đội ca hát thiếu nhi Sơn Ca của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với
Kim Oanh, Bích Liên, Anh Đào, Thanh Huyền... Năm 1960 bà bắt đầu sự
nghiệp ca hát ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Với chất giọng soprano trong sáng, sang
trọng hiếm có, từ hát trong dàn đồng ca, bà mau chóng trở thành giọng ca chính
(solist) của Đoàn ca nhạc Đài TNVN, cơ quan truyền thông chủ lực của đất nước.
Trong những năm đất nước có chiến tranh, bà cùng các nghệ sĩ của Đoàn ca nhạc
Đài TNVN, với tư cách nghệ sĩ-chiến sĩ, đã vào chiến trường nhiều lần để biểu
diễn phục vụ bộ đội ngay trên chiến hào. Đây là những năm bà hoạt động hừng hực
với sức trẻ không biết mệt mỏi. Những bài hát bà đã hát và được phát trên làn
sóng Đài TNVN trong những năm ấy đến bây giờ vẫn còn là đỉnh cao như Nổi trống
lên rừng núi ơi (Hoàng Vân, 1965), Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh, 1967)… Đặc biệt, một
trong những bài hát ghi dấu ấn đầu tiên về giọng ca nổi bật của bà là Tiếng hò
trên đất Nghệ An (Tân Huyền, 1964). Bài hát này bà đã biểu diễn trực tiếp cho
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần. Có thể nói tên tuổi bà được
biết đến rộng rãi chính vì đã gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng lừng lẫy của
dân tộc từ hơn 60 năm trước. Nhiều bài hát mà bà là người thể hiện đầu tiên,
cho tới hôm nay vẫn còn là đỉnh cao, có bài vẫn chưa có ai vượt qua như Bến cảng
quê hương tôi (Hồ Bắc), Miền Nam nhớ mãi ơn Người (Lưu Cầu & Trần Nhật
Lam), Việt Bắc nhớ Bác Hồ (Phạm Tuyên), Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc
(Thuận Yến), Anh giải phóng quân ơi (Lê Việt Hòa), Bác Hồ sống mãi với Tây
Nguyên (Lê Lôi), Người Châu Yên em bắn máy bay (Trọng Loan), Hoa sen Tháp Mười
(Trương Quang Lục)…Tiếng hát của bà còn được dùng làm vũ khí binh vận đặc biệt
hiệu quả trên làn sóng điện của Đài Phát thanh Giải phóng. Đất nước thống nhất, bà lại
tiếp tục thể hiện nhiều bài hát về chủ đề dựng xây đất nước đi sâu vào lòng người
như Hát với người thợ xây (Đặng Nhất Mai), Ai đẹp hơn anh người chiến sĩ biên
cương (Ngô Quốc Tính), Mùa xuân hạnh phúc và niềm tin (Tô Hải), Như thể mẹ hiền
(Nguyễn Xuân Khoát), Nơi anh đứng (Đỗ Bằng & Hữu Thanh), Trăng sáng trên rừng
quế (Trọng Loan), Bài ca người chiến sĩ áo trắng (Hoàng Vân), Tuổi xanh Mộc
Châu (Hoàng Tạo), Nghe câu hát văn chiều nay (Nguyễn Cường), Người chiến sĩ ấy
(Hoàng Vân), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận, song ca cùng Kiều Hưng), Tình ta
biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương, song ca cùng Phan Huấn), Muôn nẻo đường
quê hương (Phó Đức Phương, song ca cùng Kiều Hưng)… Năm 1980 bà được đào tạo ở
bậc đại học tại khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc
gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp vào năm 1983, bà trở lại Đài TNVN tiếp tục cống
hiến với niềm say mê mới. Với tư cách là solist chủ lực của Đoàn ca nhạc Đài TNVN,
bà tiếp tục đơn ca nhiều bài hát giành riêng cho mình và tham gia lĩnh xướng
hàng trăm bài hát và hợp xướng, trong đó rất nhiều bài là tác phẩm thu thanh
toàn bích đi vào lòng người như Hoa sen Tháp Mười (Trương Quang Lục), Tiếng gọi
núi rừng (Nguyễn An), Trên thảo nguyên Mộc Châu (Phạm Tuyên), Bình minh ngày mới
(Nguyễn Đức Toàn), Người mẹ và thành phố biển (Hồng Đăng), Gửi tới Lenin (Nguyễn
Văn Quỳ)… Bà còn thực hiện một series các bài hát về nông nghiệp đặc sắc mà
chưa ca sĩ nào có như Hạt lúa tình người (Tạ Đức), Tiếng hát trên đồng lúa Nam
Hà (Xuân Giao), Hương lúa chiêm xuân (Văn Dung), Kỷ niệm một vùng quê lúa (Hồng
Đăng), Hẹn mùa mười tấn năm sau (Tô Hải), Cây lúa Hải Phòng mang tình người
biên cương (Phong Kỳ)… Năm 1988, sau gần 30 năm
cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng, Tuyết Thanh đã được Nhà nước phong tặng
danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt 2. Năm 1993 bà nghỉ theo chế độ nhưng được Nhà hát
Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mời làm cộng tác viên thường xuyên. Bà đã tham gia đóng 3
vở nhạc kịch Lửa và hoa (Đinh Quang Hợp), Viên đạn thần (Der Freischütz, vở
opera nổi tiếng của nhà soạn nhạc người Đức Carl Maria Von Weber) và Cuộc sống
Paris (La Vie Parisienne), vở operet (opera ngắn) của Jacques Offenbach. Các vở
này đều do các chuyên gia của Pháp và Đức dàn dựng. Đồng thời, bà vẫn tiếp tục
là cộng tác viên thường xuyên của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện nay
bà đang dạy hát cho Câu lạc bộ đàn và hát dân ca của Đài TNVN, đồng thời dạy
hát tại nhà. Theo quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11/2023, có 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) đợt 2 năm 2023. NSƯT Tuyết Thanh – giọng ca nhạc cách mạng gạo cội có tên trong danh sách nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND trong đợt này.
Ngọc Anh |