“Lời chào cao hơn mâm cỗ” là cách thể hiện giá trị văn hóa của người Việt chúng ta nói chung và dân xứ Nghệ nói riêng. Tuy nhiên, việc chào hỏi mỗi nơi mỗi khác, theo phong tục tập quán và vị trí địa lý địa phương. Trong phạm vi bài viết này, xin được phiếm luận về một kiểu chào của người xứ Nghệ quê tôi.

 “Thằng khỉ, đâm mặt đi mô giừ mới về”. Tôi giật mình, ngoảnh lại, té ra đó là lời chào của bà O tôi; O kéo tôi vào nhà, rồi vội vàng rót nước, tìm chiếc điếu cày, rang lạc... và ầm ĩ báo cho bà con hàng xóm biết là tôi đã về, dẫu rằng việc tôi về thăm quê hương không phải là hiếm. Chốc lát, nhà O tôi chật ních người, và thế là một loạt câu thăm hỏi theo kiểu “Chào - chửi” của mọi người đối với tôi: “Tưởng chết rấp ở mô giừ mới về”,  “Đồ khỉ, có khỏe không?”, “Thằng ba trợn ba trạo bữa ni nhìn oai gớm” .v.v...

Một không khí đầm ấm, vui vẻ và đầy ắp niềm vui trên những khuôn mặt khắc khổ của những người nông dân khi nói chuyện với tôi.

Những câu chuyện thân tình, những câu nói mộc mạc, những lời chào hỏi đơn sơ, không hoa mỹ, không phô trương. Đấy là tất cả những gì mà tôi cảm nhận được ở người dân quê tôi. Nhưng đằng sau những cái đó lại là một thứ tình cảm mà không phải ở ai cũng có được, nhất là khi chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường, thời đại công nghệ thông tin.

Có vẻ như quá sỗ sàng khi “chào - chửi”. Nhưng đối với người dân quê tôi, “chào - chửi” lại có một giá trị ngữ dụng riêng. Nó khẳng định được sự thân mật, mức độ hiểu biết lẫn nhau giữa các bên giao tiếp. Chắc chắn những người xa lạ ( những người mới gặp, những người từ phương khác đến và cả những người cùng sống trong vùng nhưng không thật quen biết, không thật hiểu rõ về nhau) sẽ không bao giờ nhận được những lời chào như vậy. Chỉ với người quen, thân nhau và hiểu nhau, nhất là với những người ít tuổi hơn hoặc ở chi dưới trong họ tộc thì việc chào hỏi kiểu đó mới được dùng như là để khẳng định sự thân tình, hoặc vai vế của người chào trong mối quan hệ.

Đất quê tôi là một vùng chiêm trũng, không phải là vùng đất màu mỡ, nắng thì hạn, mưa thì lụt, đã sản sinh ra những con người mộc mạc chân quê, một nắng hai sương; sự sướng khổ hằn lên từng khuôn mặt, và ngay cả trong câu nói, lời chào. Cái phong cách của một anh nông dân thuần túy, chất phác, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã tạo nên một thói quen khi gặp nhau chào hỏi theo kiểu “chửi trước - hỏi sau” để rồi họ sẽ cảm nhận được sự mãn nguyện trong giao tiếp, sự hể hả trong mối quan hệ thân quen.

Bát nước chè xanh, nắm lạc rang, cái kiểu “chào - chửi” và những câu chuyện không theo một chủ đề nhất định. Đấy là những gì người quê tôi thường có trong những cuộc hội ngộ khi anh em, bạn bè ở xa về thăm quê. Dân quê tôi là vậy. Cái hay ở họ là trong từng câu chuyện, họ sẵn sàng chia sẻ với anh niềm vui, nỗi buồn. Sau lời“chào - chửi”, họ sẵn sàng nhận giúp đỡ anh những gì họ có, dẫu rằng anh là người xa lạ.

Quê tôi nghèo, dân quê tôi sống đơn giản và chân tình; Cuộc sống đậm tình dân giã, giữa chốn làng quê mộc mạc của tình làng nghĩa xóm. Bao đời nay vẫn thế, vẫn những con người có nghĩa có tình, thủy chung trước sau trọn vẹn.

Có thể trong thế giới sôi động này, những nhân vật đáng kính của nền văn minh kỹ thuật số gọi họ là những kẻ “nhà quê”, là “thiếu văn hóa”; Nhưng than ôi! Cái “thiếu văn hóa” lại là cái nôi sản sinh ra họ, nơi đã thai nghén tâm hồn người Việt; Là nền “Văn hóa lúa nước” đã trở thành một nét rất riêng của tộc Việt chúng ta. Mỗi câu chào, tuy không thật “lịch sự”, không thật “tao nhã” nhưng lại là cái đẹp của tâm hồn, là sự chân thật của “người với người là bạn”; Triết lý sống “chúng ta muốn làm bạn với tất cả mọi người” là ở đây, là ở những con người chân quê này. Hạt lúa, củ khoai là của người Việt Nam chúng ta, những câu “chào - chửi” cũng là của người Việt Nam chúng ta. Cái hay của “chửi” mà không phải “chửi” là ở đây, như người ta vẫn nói, đó là “chửi yêu”. “Chửi” để mà hỏi, để mà thương mà nhớ, để người được “chửi” hiểu nỗi lòng của mình. Đó là những cái “chửi” của những trái tim anh em, bè bạn, của sự mộc mạc chân thành, sự mến khách... và phải chăng đó cũng là sự điểm tô cho “Văn hóa làng xã” mà chúng ta đang tìm hiểu và trân trọng.

Tạm biệt một miền quê nghèo khó, tạm biệt những con người một nắng hai sương, một đời lam lũ. Quà cho tôi là những củ khoai củ sắn, là cân gạo mới còn đậm hương đồng nội và những lời đưa tiễn thật “chân quê”: “Không ở lại thì cút mau không tối, bữa mô thong thả nhớ về chơi”; Và rồi“Mi về, bữa sau nhớ đưa cháu lên chơi, không thì choa chửi cho đó”.

Đàn ông họ bắt tay tôi, phụ nữ thì đứng túm tụm ôm lưng nhau, các cô gái e thẹn nghiêng nón chào, bọn trẻ con xúm xít quanh chiếc xe, cùng tiễn tôi vào một chiều xuân muộn.

Và đọng mãi trong tôi “Tổ cha mi, nhớ về quê luôn nhá”!

                                                             Theo Ngô Tiến Dũng/Văn hóa Nghệ An