Mỗi lần nhắc đến bác Đồng Văn Đạo, tôi lại nhớ tới câu nói của Pavel trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Ostrovsky đã từng là lý tưởng sống của biết bao thế hệ: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời”.
Bác của tôi là người đã sống một cuộc sống xứng đáng như thế. Còn nhớ trong suốt những năm tháng cắp sách tới trường cho đến khi bước chân vào cánh cổng đại học, tôi vẫn thường được nghe bố mẹ kể về tấm gương của bác Đạo. Bác là người thoát ly gia đình và đi theo cách mạng từ rất sớm. Nhờ không ngừng rèn luyện và nỗ lực phấn đấu với một lý tưởng chói sáng là nguyện hết lòng phục vụ Đảng và nhân dân, bác đã được giao đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng của huyện, của tỉnh. Nhiệm vụ nào, vai trò nào, bác cũng cố gắng phát huy hết khả năng của mình và đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong cuộc đời công tác cũng như nhiều kết quả đáng kể cho cơ quan, đơn vị và nhất là cho quê hương. Tiếng thơm của bác đã để lại niềm mến yêu, kính trọng của dòng họ và xóm giềng, càng khiến cho lớp trẻ chúng tôi khi ấy có thêm động lực phấn đấu và rèn luyện trong học tập. Thật không thể nói hết lúc bấy giờ một tình cảm tự hào về bác như dòng suối nhỏ cứ thế lặng lẽ len lỏi trong hồn tôi. Mãi đến sau này khi đã trưởng thành và làm việc trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, tôi càng được chứng kiến và thêm cảm phục những phẩm chất cao quý của bác. Trong thời gian công tác, bác Đạo đã tham gia tổ chức nhiều phong trào như phong trào Hội mẹ chiến sĩ, Phong trào Trần Quốc Toản… tạo được tiếng vang và nhất là hiệu quả về đời sống cho nhân dân. Ngay cả khi đã về hưu và thậm chí tuổi đã cao, bác vẫn còn nhiệt huyết với công việc. Bác đã tham gia xuất bản cũng như chủ biên nhiều cuốn sách có giá trị như: Địa chí Tân Yên (1996); Trai Cầu Vồng Yên Thế (1999); Lịch sửa Đảng bộ huyện Tân Yên (1999); Niên giám HĐND tỉnh 1946 – 1999 (2002)… Niềm cảm phục lớn nhất của tôi đối với sự nghiệp của bác chính là phẩm chất nghề nghiệp mà bác vẫn hun đúc và duy trì cho tới tận bây giờ. Đó chính là sự chăm chỉ, tỉ mỉ, cẩn thận khi sưu tầm và lưu giữ tư liệu. Mặc cho sự hạn chế của một thế hệ chưa được làm quen với những công nghệ thông tin hiện đại như ngày nay, bác vẫn luôn thực hiện tốt nhất công việc biên soạn sách báo. Những tư liệu của bác một phần do sưu tầm, lưu giữ, một phần là những tư liệu sống và nhất là do bác đã cất công góp nhặt từ những trải nghiệm thực tế với nhân dân. Thêm vào đó, bác là người rất nghiêm khắc trong công tác chuyên môn. Bác quan niệm rằng “viết sử thì thà viết thiếu còn hơn viết sai”. Nhắc đến sự nghiệp trong đời công tác của bác, phải công nhận rằng đó là một sự nghiệp có dấu ấn và tạo được nhiều thành quả. Tuy vậy, bác lại là người hết sức khiêm tốn và bình dị. Bác không hay nhắc đến những công lao và kết quả mà mình đã dày công vun trồng. Có một chuyện liên quan đến cuốn “Những kỉ niệm trong đời công tác” này mà tôi có vinh dự được bác tin tưởng giao cho xuất bản. Ấy là, khi tôi muốn được đặt chân dung và tên những tác phẩm của bác ở vị trí trang trọng, nổi bật nhất, bác đã không đồng ý. Điều ấy cứ khiến tôi xúc động và suy ngẫm mãi về con người bác. May mắn được là con cháu họ Đồng nên tôi cũng được chứng kiến khá nhiều những cử chỉ, ứng xử thể hiện lối sống bình dị, chân thành của bác. Điều đó càng khiến tôi tin tưởng rằng bác là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Một lần nữa, tôi xin bày tỏ tấm lòng cảm phục và kính trọng với người bác năm nay đã 87 tuổi. Kính mong bác “tỉ thọ nhi khang” để tiếp tục cống hiến trí tuệ, phẩm chất cho quê hương và gia tộc, để vùng đất Tân Yên ngày càng thêm những con người ưu tú như bác, dòng tộc họ Đồng ngày càng thêm đoàn kết, mẫu mực, vẻ vang. TS. Đồng Xuân Thụ Tổng biên tập Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam |