Những lời thơ ngọt ngào mà lắng đọng trong bài thơ “ Tiểu đội xe không kính”, nhà thơ Phạm Tiến Duật đưa người đọc hồi ngẫm lại hình ảnh những người chiến sỹ, người lái xe “không kính” năm xưa.

"Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Không có kính, rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim."

Một trong những người chiến sỹ anh dũng, kiên trung và nghị lực và tài giỏi ấy không thể không nhắc đến Trung trướng – Giáo sư. Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Đồng Minh Tại – Nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần. Từ một chiến sỹ lái xe “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì nay vị tướng với dáng người nhỏ nhắn, cách nói chuyện nhẹ nhàng, khúc chiết ấy lại là một lãnh đạo, một nhà quản lý “tâm sáng, tài cao” của Học viện Hậu cần.

Người lính một thời “Xẻ dọc Trường Sơn”

Dáng người nhỏ nhắn, cách nói chuyện nhẹ nhàng, khúc chiết, trông ông không giống một vị tướng dù đang mang quân phục. Có cái gì đó rất thân thuộc, ấm áp, gần gũi toát lên từ con người vị tướng có mái tóc nhuốm màu thời gian này.

Trung trướng – Giáo sư. Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Đồng Minh Tại sinh ngày mùng 3 tháng 9 năm 1950 tại xã Ngĩa Hòa, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Giữa năm 1968 chiến trường miền Nam trở nên đặc biệt nóng bỏng, ác liệt. Mặc dù lúc đó gia đình đã có anh trai và chị gái đang trong quân ngũ nhưng chàng trai Đồng Minh Tại vẫn xung phong vào bộ đội khi tuổi vừa tròn mười tám. Theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc anh đã để lại sau lưng cơ hội được đi du học ở nước ngoài và sẵn sàng trong tư thế khoác ba lô lên đường nhập ngũ vào chiến trường chiến đấu. Trong đội hình tân binh về Trung đoàn 6, Quân khu Tả Ngạn, mặc dù rất mong muốn được cầm trên tay cây súng để trực tiếp chiến đấu nhưng nguyện vọng ấy của anh không thành. Theo sự phân công của cấp trên, chọn những người đã tốt nghiệp phổ thông, có sức khỏe đi làm chuyên môn kỹ thuật lái xe, từ đó Đồng Minh Tại đã gia nhập vào đoàn xe “không kính” xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Chỉ có 4 ngày học, Đồng Minh Tại đã được giao nhiệm vụ lên biên giới Lạng Sơn nhận xe đưa về căn cứ tại Quảng Bình chuẩn bị hàng phục vụ chiến trường. Đồng chí Đồng Minh Tại được biên chế vào đội hình những người lái xe “không kính” trong đoàn 559 vượt Trường Sơn sang nước bạn Lào vào chiến trường miền Nam phục vụ đồng bào, chiến sỹ kháng chiến. Ông nhớ khi địch phát hiện có đường tiếp tế của ta hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc với chiến trường miền Nam, máy bay 0V10 quần đảo suốt ngày để phát hiện mục tiêu, rồi máy bay phản lực đánh phá ác liệt suốt ngày đêm. Để giữ bí mật và đảm bảo an toàn các ông phải tổ chức vận chuyển vào ban đêm. Làm sao phải đưa được nhiều hàng vào chiến trường càng nhanh càng tốt.

Hồi tưởng lại những ngày tháng là chiến sỹ lái xe trong tiểu đội “xe không kính” ấy, đến nay, trong ông vẫn hồi hộp như mới ngày nào. Những dòng cảm xúc lại trào dâng trong ông, những ký ức ùa về khi nhớ lại những người bạn lái xe năm xưa giờ đã không còn. Trong dòng cảm xúc bồi hồi ấy, ông nhớ về người bạn năm xưa tên Tý, anh là người cùng trung đội xe và rất gắn bó với ông. Chiều hôm ấy, hai người ngồi tâm sự với nhau khá lâu. Ông Tý kể, ông có người yêu quê Đức Thọ, Hà Tĩnh. Hai người rất yêu nhau và hẹn ước sẽ cưới khi đất nước hòa bình, thống nhất. Tối đó, hai người lên xe đi chở hàng và ông Tý mãi mãi không về. Sau khi ông Tý hi sinh, mọi người tìm thấy trong ba lô lá thư của ông Tý viết cho người yêu. Đoạn đầu lá thư ông Tý viết: “Chuyến đi tối nay, anh không biết còn hay mất, đây có thể là lá thư cuối cùng anh viết cho em…” Những dòng tâm sự ấy, vừa lúc chiều hai người bạn tâm sự với nhau mà chỉ mấy tiếng sau ông Tý đã hy sinh. Ranh giới giữ sự sống và cái chết ở nơi chiến trường ác liệt này có lẽ rất mong manh. Nhớ lại kỷ niệm ấy, một cảm giác cay cay nơi sống mũi lại ùa về trong ông.

Nhìn vết sẹo trên cơ thể, ông bồi hồi nhớ lại giờ phút tưởng chừng như không thể sống sót của mình. Lúc ấy, sau khi trả hàng xong, trên đường về đoàn xe của ta bị địch phát hiện và đuổi đánh. Một quả bơ nổ trên sườn đồi đã hất tảng đá khổng lồ rơi trúng cabin xe của ông. Nhìn chiếc xe bẹp, đồng đội không tin lái xe còn sống. Sau chuyến ấy, ông bị thương và vào bệnh xá điều trị hơn một tháng.

Mặc dù mang trong mình vết thương bom đạn là thế nhưng ông không lúc nào không hoàn thành nhiệm vụ. Ông đã vượt qua cái khắc nghiệt của thời tiết, cái ác liệt của bom đạn để hoàn thành nhiệm vụ, ông tâm sự “Người lái xe không chỉ có ý chí quyết tâm cao, lòng dũng cảm và sức khỏe tốt, mà quan trọng là phải nắm chắc quy luật hoạt động của địch, thuộc lòng từng đào dốc “cua” đường, từng gốc cây, từng đoạn trống, đoạn hở, xử lý tốc độ hợp lý, mưu trí và quyết đoán trong đối phó với kẻ thù”.

Trung tướng Đồng Minh Tại phát biểu trủ trì tại Đại hội đại biểu họ Đồng Việt Nam lần thứ Nhất

Vượt qua “nắng bụi, mưa bùn” trên đường Trường Sơn, đồng chí Đồng Minh Tại đã liên tục bám xe, bám đường thường xuyên vận chuyển hàng vượt mức kế hoạch được giao. Từ chỉ tiêu 2 đêm/chuyến, anh đã phấn đấu rút ngắn xuống 1 đêm/chuyến, trong “tiểu đội xe mũi nhọn” ông trở thành người lái xe điển hình của đơn vị. Đồng thời, ông cũng vinh dự được tặng danh hiệu Chiến sỹ quyết thằng và Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngay giữa mưa bom bão đạn của chiến tranh, đồng chí Đồng Minh Tại đã vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Những nấc thang trong cuộc đời người lính Trường Sơn

Sau 3 mùa khô vận chuyển, tháng 10/1970, Đồng Minh Tại chia tay đồng đội ở chiến trường về học lớp trung đội trưởng vận tải của Học viện Hậu cần. Năm 1974, sau 3 năm đào tạo sỹ quan tại Học viện Hậu cần ông tốt nghiệp với với thành tích xuất sắc được phong quân hàm thiếu úy và được giữ lại làm giảng viên. Đâu cũng là mốc thời gian đánh dấu sự nghiệp, ông vừa làm giảng viên vừa tham gia học Đại học tại chức tại trường Đại học Giao thông Vận tải. Ban ngày tham gia soạn bài, đứng lớp, tối ông cùng chiếc xe đạp “cà tàng” đi hàng chục cây số để học. Sau đó, ông đã phải thức nhiều đêm trăn trở với những mối lo “cơm áo gạo tiền” của cuộc sống, tương lai khi xây dựng gia đình, sinh con. Nhiều đồng đội ông cũng đã bỏ cuộc, có người khuyên ông nên “thức thời”… Rồi, những năm tháng ở Trường Sơn lại ùa về: “Mình may mắn hơn bao nhiêu đồng đội là còn được trở về. Mình đầu hàng hoàn cảnh là có tội với anh em đã hy sinh, không xứng đáng là người lính Trường Sơn” ông tự nhủ và đã nỗ lực vượt khó đi lên bằng một tinh thần như vậy. Đã bao ngày ông tranh thủ giờ nghỉ để tự thuyết trình bài giảng của mình lấy ví dụ minh họa, rồi tự rút kinh nghiệm nhờ đồng nghiệp góp ý bổ sung kiến thức cho bài giảng phong phú sinh động. Nhớ mãi kỷ niệm thời ấy, khi vừa tốt nghiệp loại xuất sắc ra trường và được giữ lại làm giảng viên thì những bài giảng của thầy giáo cũ thì việc bê nguyên si vào để giảng cho trò là được. Với suy nghĩ ấy, khi thầy chủ nhiệm bộ môn phân công ông soạn bài giảng thì ông đã bê nguyên si bài giảng của thầy giáo cũ vào bài soạn của mình, khi thầy đọc thầy đã gạch hết, chính vì bị gạch hết bài giảng ấy mà ông đã biết quan điểm của mình là sai. Bài học làm thầy đầu đời dã dạy cho ông biết “muốn làm thầy thì không phải cứ trò giỏi thì thầy sẽ giỏi, mà thầy phải hơn trò một cái đầu, đòi hỏi không thể chỉ là sao chép của thầy cũ để giảng dạy”, phải biết biến kiến thức được nghiên cứu, học tập của mình thành bài giảng, thầy phải nghiên cứu, phải tư duy đổi mới, mới đúng là người thầy tâm huyết.

Nhờ bài học xương máu ấy và những chỉ bảo ân cần của các thầy giáo, ông đã trưởng thành hơn nhiều. Trong 22 năm ((1974 - 1996) trực tiếp giảng dạy ở Khoa vận tải và kể cả khi ông đã làm công tác quản lý, ông đều rất chú trọng đến chất lượng bài giảng và thường xuyên bổ dưỡng những kinh nghiệm chiến trường cho giảng viên trẻ và học viên, nhất là những anh em chưa qua chiến tranh. Ông thường đưa ra các tình huống như: Chạy xe vượt trọng điểm địch thường đánh phá, hoặc nắm bắt quy luật hoạt động của địch để chủ động các phương án hành quân vận chuyển của ta, hay truyền thụ những kinh nghiệm, các tiểu xảo của người lái xe Trường Sơn lúc vượt đèo dốc, thác lũ… Trong quá trình vừa làm quản lý, vừa là giảng viên tại Khoa vận tải, ông vẫn luôn đam mê trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ. Ông đã học qua các Học viện, các lớp đào tạo trong quân đội: Học viện Quốc phòng, Học viện Lục quân, Học viện Chính trị, Học viện Hậu cần và cả Học viện Vận tải (Liên Xô cũ)… nhưng theo ông điều quan trọng nhất vẫn là tự học. Năm 1994, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ (nay là Tiến sỹ) tại Họa viện Hậu cần với đề tài “Vận tải chiến dịch ở chiến trường Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ”. Năm 2004, ông được phong quân hàm Thiếu tướng và PGS; phong quân hàm Trung tướng, GS lần lượt vào các năm 2007, 2009. Ông đã chủ trì nghiên cứu nhiều công trình khoa học quân sự có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn cao, trong đó phải kể đến là các công trình: “Nghiên cứu đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ Hậu cần các cấp trong quân đội”; “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ huy, quản lý, huấn luyện và nghiên cứu khoa học ở Học viện Hậu cần”; “Nghiên cứu công tác vận tải chiến lược trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc”… Đồng thời, trực tiếp biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu, viết hàng chục bài báo chuyên ngành phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, truyền đạt tri thức quân sự cho các thế hệ giảng viên, học viên Học viện Hậu cần.

Từ năm 1999 đến 2002 ông giữ cương vị Trưởng phòng Đào tạo rồi Phó giám đốc Học viện và đến năm 2003 khi trở thành Giám đốc Học viện, Trung tướng Đồng Minh Tại tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ mà như ông nói: “Đó là kinh nghiệm xương máu từ chiến trường”. Ông đặc biệt quan tâm tới việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quá tình giảng dạy. Ông là người tiên phong trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình diễn tập. Ông tâm sự “Ngày ở chiến trường, thời kỳ đầu khi địch ứng dụng thành tựu mới của khoa học kỹ thuật vào việc tìm kiếm mục tiêu và đánh phá, ta lúng túng nên chịu tổn thất lớn. Trong huấn luyện bộ đội hiện nay, nếu không chịu đổi mới, thì sẽ sất khó khăn khi phải đối mặt với cuộc chiến tranh công nghệ cao của địch”. Kể từ đây, ứng dụng thông tin được áp dụng rộng rãi trong giảng dạy, việc sử dụng bài giảng, giáo án điện tử trở nên thông dụng không còn xa lạ với đội ngũ giảng viên ngay cả trong lớp người đã cao tuổi. Nhiều phần mềm chuyên môn được ông chỉ đạo xây dựng có hiệu quả như trong khâu diễn tập, rút ngắn thời gian xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần cấp trung, sư đoàn trong chiến đấu… Với xu hướng phát triển của nhà trường trong thời hội nhập, hòa nhập với hệ thống các trường đại học cả nước, ông chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ mạnh. Ông đã trực tiếp bồi dưỡng, hướng dẫn hàng chục học viên, NCS bảo vệ thành công Luận văn Thạc sỹ, luận án Tiến sỹ. Giờ đây, nhiều người trong số họ đã trưởng thành, đảm nhiệm các cương vị chủ chốt ở Học viện Hậu cần, cũng như trong ngành Hậu cần quân đội.

Tâm + Tài của vị tướng => sự đổi mới của Học viện

Từ một cơ sở đơn sơ thành lập 60 năm trước (15/6/1951) tại Chiến khu Việt Bắc, đến nay Học viện Hậu cần đã có cơ ngơi khang trang, hiện đại; hệ thống nhà làm việc, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng học chuyên dùng, thư viện, nơi ăn ở của cán bộ, học viên ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện theo hướng hiện đại, chính quy; đội ngũ nhà giáo trưởng thành vượt bậc, 100% có trình độ đại học, trong đó hơn 70% trình độ sau đại học, 15% trình độ tiến sỹ.

Nhiều năm qua trên cương vị Giám đốc Học viện, ông đã triển khai đổi mới toàn diện các lĩnh vực, quốc phòng, giáo dục đào tạo đại học, sau đại học và đã có những kết quả quan trọng. Tận dụng đội ngũ nhà giáo trong học viện, tận dụng khả năng, tiếp cận chuyên ngành bên ngoài như quản lý kế toán, tài chính, quản lý ngân hàng, kỹ thuật xây dựng để đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ ông chỉ đạo xây dựng đề án báo cáo thông qua các cấp. Từ suy nghĩ của mình bắt nhịp xã hội hóa trong đào tạo, ông đã có những thay đổi quan trọng cho sự phát triển của học viện, xây dựng Học viện Hâu cần là một học viện đào tạo đa cấp, đa ngành. Ngoài đào tạo cán bộ hậu cần các cấp cho quân đội, Học viện còn đào tạo cho các học viện dân sự. Đến nay, học viện đã đào tạo được hàng ngàn cử nhân tài chính ngân hàng, kế toán, kỹ sư xây dựng và Thạc sỹ, Tiến sỹ tài chính ngân hàng. Nguyên tắc của Học viện là từng bước mở rộng đào tạo dân sự hợp lý, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế Học viện, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, lấy kinh phí mua sắm trang bị học tập, nhưng không ảnh hưởng tới đào tạo học viên quân sự. Có thể nói, phương án đào tạo đa cấp, đa ngành trong Học viện của Giám đốc Đồng Minh Tại là một phương án hết sức hữu hiệu, phương án ấy sẽ tận dụng được năng lực của đội ngũ nhà giáo quân đội, để cho cán bộ nhà giáo có cơ hội tiếp cận những thông tin mới. Thông qua việc giảng dạy đời sống đội ngũ giảng viên trong Học viện cũng được cải thiện đáng kể. Nghĩ và làm những điều như thế không phải ai cũng làm được, cũng không phải là vị chỉ huy nào cũng có khả năng làm được điều đó. Chỉ có những con người có tầm nhìn và trí lực mới làm được “cuộc cách mạng” ấy.

Vị tướng già với mái tóc ngả màu thời gian nhớ mãi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Trường đào tạo cán bộ Hậu cần (nay là HVHC) ngày 7/9/1958. Sau khi đi thăm nhà ăn, nhà bếp, vườn rau Bác căn dặn: “Cán bộ, học viên vừa phải cố gắng dạy tốt, học tốt, chú trọng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đúng là Trường đào tạo cán bộ Hậu cần…” Nhiều năm qua, ông đã luôn trăn trở, làm thế nào để Học viện có thể phát triển nhanh hơn nữa, để xứng đáng với lời dạy của Người.

Dưới sự quản lý của Trung tướng Đồng Minh Tại, Học viện Hậu cần đã có những bước phát triển vượt bậc. Học viện đang đi lên theo hướng là một môi trường chính quy, kỷ luật, nền nếp. Theo trung tướng Tại: “Đây là công việc mà Học viện Hậu cần tiến hành kiên trì nhiều năm, tạo thành nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực, bởi nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy nghề mà còn dạy người. Sự chính quy, kỷ luật, cùng phương pháp, tác phong, chuẩn mực của cán bộ, giảng viên, nhân viên… sẽ “làm gương” để học viên học tập, noi theo. Nhiều năm qua, Học viện Hậu cần đã nỗ lực tạo môi trường sư phạm tốt, môi trường văn hóa, chính quy, xanh – sạch – đẹp để đào tạo, huấn luyện, rèn luyện học viên; xây dựng nhân cách, phương pháp, tác phong công tác chính quy, khoa học của người cán bộ hậu cần.

Gần 9 năm trên cương vị Giám đốc, Trung tướng Đồng Minh Tại đã thực hiện nhiều đổi mới đáng kể trong sự nghiệp phát triển ngày một mạnh mẽ của Học viện Hậu cần. Trước hết, ông đã thực hiện đổi mới quy trình, chương trình đào tạo để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng, phát triển quân đội trong thời kỳ mới. Theo ông, đây là vấn đề rất quan trọng vì trong đào tạo bất cứ một ngành nghề nào thì quy trình đào tạo, chương trình đào tạo đều là xương sống, là cái khung phải chuẩn thì những bước tiếp theo mới “vững” được. Khi bắt đầu quyết đinh tạo bước ngoặt cho Học viện, ông đã trăn trở với những câu hỏi: Đào tạo thế nào? Thời gian ra sao? Mục tiêu yêu cầu thế nào? Chương trình đó ra sao? Nghĩ là làm, ông bắt tay ngay vào việc đầu tiên là đổi mới quy trình, chương trình đào tạo, nhận được sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng ông đã rút ngắn thời gia đào tạo cán bộ. Chỉ huy tham mưu hậu cần quân đội cấp chiến thuật – chiến dịch, chiến dịch – chiến lược. Từ 9 năm, thậm chí là 10 năm xuống còn 7 năm, thống nhất với quy trình đào tạo cán bộ chỉ huy, tham mưu toàn quân. Kết quả là trên 30 chương trình đào tạo cơ bản cho các cấp học, bậc học của Học viện đã được đổi mới, hoàn thiện. Chương trình đổi mới của Học viện do Trung tướng Đồng Minh Tại chỉ đạo đã đáp ứng được yêu cầu “cơ bản hệ thống và chuyên sâu”. Chương trình này đã được Bộ Quốc phòng đánh giá rất cao.

Vấn đề thứ 2 mà ông quan tâm là đổi mới toàn diện hệ thống giáo trình tài liệu của Học viện trên cơ sở kế thừa, phát triển mới nhằm thực hiện Chính quy hóa giáo trình, tài liệu và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần quân đội trong tình hình mới.

Tiếp theo là đổi mới phương pháp dạy và học của thầy và trò Học viện Hậu cần. Trong vấn đề này, ông chỉ đạo đổi mới phải lấy trò làm trung tâm và gắn nó với việc không ngừng nâng cao trình độ toàn diện của đội ngũ nhà giáo. Thực hiện chuẩn hóa nhà giáo theo 3 tiêu chí. Tiêu chí chuẩn về trình độ học vấn, chuẩn về phương pháp sư phạm, chuẩn về ngoại ngữ và tin học. Các tiêu chí ấy phải theo chuẩn của Bộ Quốc phòng và quốc gia. Học viện đang thực hiện các chuẩn ấy một cách quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.

Phương pháp nghiên cứu khoa học cũng là vấn đề ông rất quan tâm và chỉ đạo thực hiện đổi mới trong Học viện. Theo đó, Học viện đã phát động phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” và duy trì thường xuyên. Hằng năm học viện có hằng trăm đề tài khoa học. Các đề tài ấy lấy nòng cốt là đội ngũ giảng viên trẻ và học viên tham gia, nhiều đề tài đã được vận dụng vào thực tế, phục vụ huấn luyện, tập huấn toàn quân; một số công trình khoa học có giá trị đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Quân đội và phát triển ngành hậu cần.

Trung tướng Tại cho rằng: Muốn xây dựng nhà trường chính quy và có nề nếp phải xây dựng đồng bộ hệ thống quy chế quản lý giáo dục đào tạo. Quy chế quản lý đào tạo đại học, sau đại học, sinh viên dân sự, rèn luyện học viên… nó chính là hành lang pháp lý để duy trì, điều hành thống nhất trong toàn Học viện. Dựa trên quy chế chung của nhà nước, BQP đến nay học viện đã xây dựng và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ hệ thống quy chế đã ban hành, góp phần quan trọng đưa học viên phát triển toàn diện.

Vấn đề xây dựng, củng cố, đổi mới nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đổi mới giảng đường, phòng học, bãi tập, phương tiện trang thiết bị dạy và học… phải đồng bộ với đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình là đặc biệt quan trọng. Học viện ưu tiên ứng dụng Công nghệ thông tin và công tác dạy và học của cán bộ và học viên. Hiện nay, tất cả các khoa của học viện đều được trang bị các phòng chuyên dùng với đầy đủ phương tiện kỹ thuật và các phần mềm tương ứng, tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên và học viên có thể học tập, nghiên cứu được thuận tiện và hiệu quả.

Một vấn đề đổi mới nữa mà theo ông là rất quan trọng, đó là vẫn đề giáo dục đạo đức, bản lĩnh chính trị cho người cán bộ, học viên hậu cần. Theo Trung tướng Đồng Minh Tại cần phải chú trọng tiến hành thật tốt công tác Đảng, công tác chính trị cho các đồng chí sỹ quan, học viên, công nhân viên trong Học viện. Xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ hậu cần cho học viên là khâu then chốt quyết định đến chất lượng công việc của họ sau khi ra trường. Theo ông bất kỳ một học viên nào của Học viện Hậu cần sau khi ra trường cũng cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để đảm bảo có thể đứng vững trước mọi “cám dỗ” bên ngoài. Một học viên có học giỏi đến mấy mà bản lĩnh chính trị không tốt thì cũng không xứng đáng với sự quan tâm đào tạo của Đảng, Nhà nước, quân đội và không xứng đáng là học viên của Học viện Hậu cần anh hùng.

Theo Trung tướng Đồng Minh Tại sự phát triển của học viện phải gắn liền với đời sống của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên trong học viện. Theo ông, để giúp họ có thể làm tốt nhiệm vụ được giao, toàn tâm toàn ý gắn bó với công việc thì một nhà quản lý có Tâm, có Tài và có Tầm nhìn thì phải biết quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của họ. Theo đó, ông đã xin ý kiến của Bộ Quốc phòng và trực tiếp chỉ đạo xây dựng nhà công vụ, chung cư và thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội… cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, đồng thời thường xuyên quan tâm sâu sát, nắm bắt tâm tư, tình cảm của họ, tạo điều kiện tốt nhất cho họ có thể phát huy hết năng lực của mình.

Về công tác tổ chức nhà ăn, nhà bếp, chế biến thực phẩm; tổ chức gia tăng sản xuất, chuồng trại chăn nuôi của Học viện Hậu cần đã đi vào nề nếp, có hiệu quả cao, đây cũng là mô hình thực tế cho học viên học tập. Công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, dây chuyền sản xuất phân vi sinh từ rác thải… do cán bộ, giảng viên học viện nghiên cứu, đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả “kép”, vừa giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm kinh phí để thu gom, vận chuyển rác, được nhiều đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội đến học tập, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Sau chuyến công tác nước ngoài, một trong những vấn đề ông tâm đắc và trăn trở đó là: Xã hội hóa công tác Bảo đảm hậu cần quân đội. Ông đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo bộ Quốc phòng, được Bộ Quốc phòng chấp thuận, ông tổ chức thực hiện thí điểm xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội ở Học viện Hậu cần. Sau hai năm thực hiện đề án đã có nhiều kết quả tốt, quân số phục vụ giảm. Trong khi tiêu chuẩn định lượng của bộ đội, cũng như công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn bảo đảm tốt, hơn nữa lại tiết kiệm đáng kể ngân sách quốc phòng, Bộ Quốc phòng đã rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các Học viện, nhà trường toàn quân và nhà ăn các cơ quan trực thuộc BQP, qua đó đánh giá cao những cống hiến của Học viện Hậu cần, đặc biệt là tinh thần dám nghĩ, dám làm của Trung tướng ĐồngMinh Tại. Những gì ông đã làm được cho Học viện Hậu cần nói lên cái Tâm của nhà quản lý, cái Tâm của ông với quân đội.

Đưa học viện từ thời kỳ là một cơ sở đơn sơ cho đến nay Học viện đã trở thành một trung tâm đào tạo cán bộ hậu cần có uy tín trong quân đội và quốc gia. Học viện đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Danh hiệu Đơn vị anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; Huân chương Độc lập; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Để có được những phần thưởng cáo quý đó là sự cố gắng, nỗ lực của lớp lớp các thế hệ thầy và trò Học viện Hậu cần, đặc biệt là sự cống hiến quan trọng của Trung tướng Đồng Minh Tại. Ông tâm sự: “Để hoàn thành được những mục tiêu trên tôi chưa bao giờ cho phép mình được nghỉ ngơi và còn phải tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu, học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt đáp ứng được yêu cầu”.

Cái tâm là sự say sưa yêu nghề, cái tài không phải trời phú mà phải do rèn luyện

Mang trên mình sức mạnh to lớn của người đứng đầu một Học viện, Trung tướng Đồng Minh Tại cho rằng: “Làm người quản lý không thể toàn diện được, nhưng nhà quản lý cần phải biết chỗ nào cần, biết cái học viên cần khi ra trường để truyền đạt cho họ”. Cần là cung cấp trí thức nền tảng, phương pháp luận, cách thức tiến hành, ứng xử thực tế làm sau đây là cái quan trọng của người quản lý, người thầy. Chính từ suy nghĩ thế ông bắt đầu đổi mới đào tạo ngay từ lúc này.

Ông hiểu sâu sắc rằng: “Cái tâm của nhà quản lý là sự say sưa, yêu mến, là đạo đức nghề nghiệp. Một nhà giáo trước hết phải có cái tâm nhà giáo, say sưa yêu mến nghề giáo. Cái tài là nói về cách thức tổ chức, cách thức quản lý, phương pháp quản lý để mình có thể phát huy khả năng của mình, luôn quyết đoán, nêu cao trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, phát huy khả năng sức mạnh của tập thể, có thể một người không làm được hết nhưng một nhà quản lý có tài là biết tổ chức tập hợp ý kiến của tập thể, biết đâu lại tìm ra cái cốt lõi, cái yếu tố quyết định để thúc đẩy nâng cao chất lượng”. Trong con người ông đã hội tụ đủ các yếu tố của “Nhà quản lý: Tâm và Tài”. Theo ông “Cái tài không phải trời phú mà nó chính là kinh nghiệm, là sự tích lũy quá trình tu luyện, rèn luyện”.

Chính bởi cái suy nghĩ “Cái tài không phải trời phú mà nó chính là rèn luyện” ấy vậy nên dù đã ở cái tuổi gần thất tuần ông vẫn đang rất say sưa nghiên cứu học tập. Với ông “Học không bao giờ đủ, học là học suốt đời, làm gì cũng phải học” chính bởi ông học nhiều như thế nên công lao ông tích được cho đời cũng là vô vàn, công lao ấy ông không thể kể hết được thành lời, cũng chẳng thể liệt kê hết được bằng hiện thực. Công lao ấy chỉ được toàn vẹn khi nhắc đến tên ông – Trung tướng – Giáo sư.Tiến sỹ - Nhà giáo Ưu tú Đồng Minh Tại – Nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần, một người lính cụ Hồ Tài cao – Tâm sáng.

Hơn cả một Đảng viên, một công dân gương mẫu

Ngoài những giờ làm việc tại Học viện Hậu cần, trở về với đời thường Trung tướng Đồng Minh Tại là một công dân gương mẫu, luôn tham gia đóng góp ý kiến cho Đảng và nhà nước. Đặc biệt, ông rất quan tâm đến sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà (Bắc Giang) và có nhiều đóng góp, ý kiến cho những chính sách, hoạch định phát triển của tỉnh.

Ông tham gia ý kiến vào dự thảo các văn kiện đại hội XI của Đảng “Lấy vấn đề coi trọng giáo dục con người trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội làm chủ chốt”. Ông còn có những ý kiến tâm huyết với Đảng bộ Bắc Giang. Góp ý cho Văn kiện của Đại hội Đại biểu đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII, những đóng góp thiết thực cho việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các giả pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Than gia góp ý trực tiếp trên tờ Báo của tỉnh Bắc Giang (ngày 17/9/2010) về việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh những lợi thế mà Bắc Giang có, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt yếu kém, những tiềm năng và những giải pháp cấp thiết mà tỉnh cần phải làm trong những năm tiếp theo.

Với những gì ông đã đóng góp được trong sự nghiệp gần 50 năm tuổi nghề của mình, Trung tướng GS.TS.NGƯT Đồng Minh Tại đã được Đảng và nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong số ấy, không thể không kể đến Huy chương Chiến sỹ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba mà ông vinh dự nhận được. Bên cạnh đó, ông còn nhận được 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Chiến sy giải phóng, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huân chương Quân công hạng Ba, được nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008. Đồng thời nhiều năm liền ông nhận được danh hiệu Giảng viên giỏi cấp Học viện, cấp BQP. Đến nay, khi đã cống hiến hết trọn cuộc đời cho quân đội, ông đã nhận được nhiều phần thưởng đáng quý của Bộ Quốc phòng trao tặng.

Đến nay, dù đã ở tuổi nghỉ hưu, sau 44 năm gắn bó cống hiến trong quân đội, trở về với cuộc sống đời thường của một công dân nước Việt nhưng trong ông vẫn toát lên thần thái của người lính Bộ đội cụ Hồ năm xưa và nét “thanh” của một nhà quản lý Tài cao Tâm sáng của Học viện Hậu cần. Khi mái tóc đã ngả màu thời gian là khi ấy ông trở về với tổ ấm gia đình bên cạnh người vợ đảm, những người con trưởng thành và những đứa cháu thông minh, ngoan ngoãn. Có lẽ, đó là hạnh phúc giản đơn của người lính cụ Hồ lúc này. Người chiến sỹ ấy, trải lòng rằng: “Khi tổ quốc cần tôi sẵn sàng cống hiến cho tổ quốc chút trí lực cuối cùng”.

               QUAN ĐIỂM CỦA NHÀ QUẢN LÝ ĐỒNG MINH TẠI

“Cái tâm của nhà quản lý là sự say sưa, yêu mến, là đạo đức nghề nghiệp. Cái tài không phải trời phú mà nó chính là kinh nghiệm, là sự tích lũy quá trình tu luyện, rèn luyện”.

(Trích trong cuốn sách "Nhà quản lý Tâm & Tài"

- NXB Văn hóa Thông tin)