Trong câu chuyện với tôi, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc bảo rằng, cho tới bây giờ, điều khiến ông hài lòng là việc ứng dụng CNTT ở Công an Thanh Hóa không chỉ phục vụ nhân dân tốt hơn mà nhận thức của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) cũng thay đổi. Hiện phần lớn CBCS biết sử dụng máy tính, soạn thảo văn bản và khai thác Internet phục vụ công tác. Trung tâm Tin học Công an tỉnh được thành lập với 10 CBCS được đào tạo chuyên ngành CNTT đủ năng lực thực hiện các yêu cầu công việc.
Từ nhiều năm nay, Công an Thanh Hóa là đơn vị luôn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách hành chính phục vụ nhân dân. Người có công rất lớn trong việc định hướng, chỉ đạo là Giám đốc, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, 1 trong 9 người vừa được nhận giải thưởng “Lãnh đạo công nghệ thông tin tiêu biểu (CIO Awards) 2008”… I- Biết tiếng ông đã lâu, nhưng lần nào tôi đến Công an Thanh Hóa cũng vào lúc ông đi công tác nên không gặp được. Vì thế lần này tôi phải đặt lịch trước cả tuần. Dáng tầm thước, gương mặt phúc hậu, cách nói chuyện cởi mở và hóm hỉnh, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc khiến cho người lần đầu gặp có cảm giác gần gũi chứ không phải là một ông tướng quyền uy đang chỉ huy cả ngàn quân. Từng là học sinh toán xuất sắc của Trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), Thiếu tướng Đồng Đại Lộc kể rằng ước mơ lớn nhất của ông ngày ấy là sẽ học đến tiến sĩ. Nhưng rồi, như một duyên nợ, ông trở thành sinh viên khóa 1 Đại học Cảnh sát rồi gắn bó với Lực lượng Công an. Bây giờ, ông vẫn đang thực hiện ước mơ ấy bởi ông hiện là nghiên cứu sinh của Học viện Cảnh sát nhân dân. Nhắc tới giải thưởng CIO Awards 2008, ông bảo khi biết mình là 1 trong 9 người đoạt giải, ông rất ngạc nhiên, vì mấy năm nay, khi chỉ đạo anh em áp dụng CNTT vào công tác cải cách hành chính, mong muốn lớn nhất chỉ để làm sao phục vụ được dân tốt nhất thôi. Nghe ông tâm sự, tôi lại nhớ những đánh giá của Ban Tổ chức CIO Awards 2008 rằng: “Thiếu tướng Đồng Đại Lộc là người có nhiều sáng kiến, ông đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình ứng dụng CNTT làm tăng hiệu quả điều hành công tác, chiến đấu, xây dựng Lực lượng Công an Thanh Hóa và phục vụ người dân. Những sáng kiến của ông có tác dụng thiết thực, tiết kiệm thời gian, công sức, nâng cao năng suất, chất lượng công tác chuyên môn, nghiệp vụ; đảm bảo nhanh chóng, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, chống tiêu cực, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính của công dân, được các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ”.
Trung tướng Đồng Đại Lộc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc họ Đồng lần thứ Nhất II- Bây giờ, khi chuyện “ấn phím lấy biển số” đã trở nên quá phổ biến, bởi mấy năm nay tất cả các Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đều áp dụng, nhưng có lẽ chưa mấy ai biết người đầu tiên nghĩ ra cách làm này chính là Thiếu tướng Đồng Đại Lộc. Nhắc lại chuyện cũ, ông cười bảo việc nghĩ ra cách làm ấy cũng bởi vì hay… bị gọi điện xin “biển đẹp”. Làm Giám đốc Công an tỉnh đương nhiên quan hệ rộng, ngoài Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh rồi các sở, ngành, huyện… đâu chả có người quen. Dân mình lâu nay ai cũng có tâm lý đã bỏ ra vài chục triệu mua cái xe máy hay mấy trăm triệu mua chiếc ôtô, khi đi đăng ký đều muốn có cái “biển đẹp”, không được “lộc phát” thì cũng phải 8 hay 9 “nước” cho nó bõ. Đi xin “biển đẹp” thì chẳng gì hơn là xin trực tiếp… Giám đốc Công an. Vậy là hầu như ngày nào ông cũng phải nghe điện thoại của người xin “biển đẹp”, không phải trực tiếp những người ông quen biết thì cũng là vợ, con họ. Mà đâu phải chỉ mình ông, các phó giám đốc, trưởng phòng CSGT cũng là đối tượng được “chăm sóc” đặc biệt. Không giúp thì mang tiếng anh em nhờ cái việc cỏn con cũng không nhiệt tình, mà giúp thì lại thành khó cho cấp dưới. Cũng từ cái chuyện xin - cho này mà phát sinh tiêu cực, bởi với phần đông người dân đều muốn biển đẹp, nhưng không xin được thì… mua. Ông đưa ra một phép tính: mỗi năm Công an Thanh Hóa cấp đăng ký mới cho 70.000 xe môtô, 50% trong số ấy là “biển đẹp”. “Nếu anh em thu ngoài luồng của dân khoản “bồi dưỡng” thì số tiền thu về cũng không phải nhỏ. Số tiền đó đương nhiên tôi cũng sẽ là một trong những người được chia phần. Nhưng cầm đồng tiền ấy thấy không được, mà nó làm hỏng cán bộ của mình, còn trong mắt người dân thì CSGT là nơi nhũng nhiễu”. Đây là chưa tính tới số lượng xe ôtô cũng không ít nữa. Vậy là ông nghĩ tới phải xây dựng phần mềm “ấn số tự động” trên máy tính để cấp biển số đăng ký xe ôtô, xe máy, xóa bỏ hẳn cơ chế xin - cho “số đẹp”. Tháng 2/2005, đích thân Giám đốc Đồng Đại Lộc ra “đầu bài” cho Trung tâm Tin học Công an tỉnh xây dựng phần mềm theo thuật toán ngẫu nhiên. Theo đó, tất cả các số xe ôtô, xe máy đều được nhập vào phần mềm này do Trung tâm Tin học quản lý theo chế độ và quy trình nghiêm ngặt; Phòng CSGT chỉ là đơn vị khai thác sử dụng. Khi chủ phương tiện làm thủ tục đăng ký ôtô, xe máy, nếu đủ thủ tục, cán bộ tiếp nhận hồ sơ nhập số máy, số khung của xe vào máy tính và hướng dẫn chủ phương tiện ấn phím, lúc đó trên màn hình máy tính tự động hiện số đăng ký. Cán bộ giải quyết chỉ việc ghi số đăng ký do máy tính đã chọn vào hồ sơ và phiếu hẹn trước sự chứng kiến của mọi người… Chưa đầy một tháng sau, phần mềm được thiết kế xong. Ngày 1/3/2005, Công an Thanh Hóa chính thức cho áp dụng phần mềm đăng ký, cấp biển số ôtô, xe máy tự động trên máy tính. Chủ xe sẽ tự ấn phím “Enter” trên máy tính để được biển số ngẫu nhiên. Việc “ấn phím” đã xóa bỏ hẳn cơ chế xin - cho “số đẹp”, đồng thời cũng xóa bỏ dần tâm lý thích “số đẹp” trong một bộ phận cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Cách làm này cũng đã chống tiêu cực một cách triệt để trong khâu đăng ký cấp biển số xe ôtô, xe máy, tạo ra sự công bằng cho mọi người, đồng thời rút ngắn được thời gian đăng ký phương tiện từ 5 ngày xuống còn 1 ngày, đối với các trường hợp ở vùng sâu, vùng xa có thể ưu tiên giải quyết sau 1 - 2 giờ. Việc ứng dụng CNTT trong đăng ký ôtô, xe máy cũng đã giảm bớt nhiều khâu, nhiều công đoạn trung gian, giảm được biên chế cán bộ làm công tác hành chính để tăng cường cho các lực lượng tuần tra trực tiếp tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở trên đường. Từ thành công của Công an Thanh Hóa, Bộ Công an đã cho phép công an cả nước áp dụng kỹ thuật này. Sau thành công của phần mềm “ấn phím lấy biển”, Giám đốc Đồng Đại Lộc thấy cần phải đưa CNTT vào cải cách thủ tục xuất nhập cảnh (XNC) bởi Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, với hơn 3 triệu dân, huyện xa nhất cách trung tâm tỉnh tới hơn 300 km. Kinh tế phát triển, nhu cầu tham quan du lịch, hợp tác lao động quốc tế ngày càng mở rộng, số người đến Cơ quan công an làm thủ tục cấp hộ chiếu XNC ngày càng đông nên áp lực giải quyết thủ tục XNC hàng ngày là rất lớn. Bộ phận XNC Công an tỉnh đã bố trí tới 5 cửa tiếp nhận hồ sơ của công dân nhưng có lúc vẫn bị ùn tắc, chậm trễ. Vậy là phát sinh ra loại “cò hộ chiếu”. Muốn giảm phiền hà cho dân thì phải cải cách thủ tục, công khai hóa mọi thủ tục, quy định, lệ phí, thời gian giải quyết để công dân biết, không giải quyết các thủ tục XNC qua các tổ chức trung gian mà chỉ giải quyết trực tiếp đối với các công dân có nhu cầu. Lần này Giám đốc Đồng Đại Lộc lại ra “đầu bài” cho Trung tâm Tin học nghiên cứu xây dựng phần mềm phục vụ công tác XNC với yêu cầu phải đảm bảo cho việc giải quyết thủ tục XNC theo cơ chế “một cửa” và thiết lập được trật tự, công bằng cho công dân. Công an tỉnh cũng đề nghị Cục Quản lý XNC Bộ Công an cho phát hành tờ khai xin cấp hộ chiếu xuống tận xã, phường, thị trấn và được sử dụng cả bản phô tô tờ khai này. Chỉ sau một thời gian ngắn, phần mềm “Dịch vụ xếp hàng tự động” đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khi công dân có nhu cầu đến giải quyết thủ tục XNC chỉ cần ấn vào nút điều khiển của máy lấy số thứ tự, do máy tính tự động in ra, đồng thời máy tự động thông báo số thứ tự đó được phục vụ ở cửa thứ mấy để khách chủ động đến và ngồi vào ghế chờ đợi. Cán bộ XNC khi giải quyết thủ tục cho công dân chỉ cần ấn vào nút điều khiển thì máy sẽ tự động gọi số thứ tự vào bàn để làm thủ tục. Cách làm này trước hết đã tạo ra sự công bằng cho công dân đến làm thủ tục XNC. Ai đến trước thì làm trước, không xảy ra cảnh tụ tập đông người, chen lấn, xô đẩy, xếp hàng trước cổng Cơ quan công an tỉnh để làm thủ tục XNC, đảm bảo tính lịch sự, trật tự, mỹ quan, văn minh nơi công sở. III- Thành công trong việc áp dụng CNTT vào hai lĩnh vực lâu nay vẫn khiến người dân bức xúc nhất đã chứng minh nếu có cách làm phù hợp thì CNTT không chỉ hỗ trợ rất đắc lực cho việc cải cách hành chính mà qua đó hình ảnh cán bộ công an trong mắt người dân cũng thay đổi theo hướng tích cực. Vì vậy Thiếu tướng Đồng Đại Lộc quyết định cho triển khai tiếp sang việc hướng dẫn thủ tục hành chính. Lâu nay, Lực lượng Công an quản lý 9 loại giấy tờ liên quan tới người dân, tổ chức đó là: đăng ký hộ khẩu; cấp CMND; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự (ANTT); cấp giấy phép khắc dấu; đăng ký ôtô, xe máy; cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy (PCCC) và thẩm duyệt cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; cấp hộ chiếu phổ thông; cấp giấy xác nhận không có tiền án và xác minh lý lịch tư pháp. Nhưng từ hàng chục năm nay, người dân muốn làm các thủ tục này thì phải đến tận nơi làm thủ tục, để được hướng dẫn hoặc phải hỏi qua nhiều người khác nên không rõ ràng đầy đủ và rất tốn thời gian, mất công sức đi lại. Thiếu tướng Đồng Đại Lộc quyết định để thuận lợi cho dân thì Công an tỉnh phải lập một hộp thư thoại. Ý kiến này liền được Bưu điện tỉnh ủng hộ nhiệt tình. Vậy là tháng 8/2006, Công an Thanh Hóa đã phối hợp với Đài 1080 Bưu điện tỉnh mở hộp thư thoại số máy 801.888 tự động cung cấp thông tin hướng dẫn tổ chức, công dân giải quyết thủ tục hành chính trên 9 lĩnh vực. Khi người dân có nhu cầu, chỉ cần bấm vào số máy 801.888 (nếu gọi từ số máy di động hoặc số máy cố định tỉnh ngoài thêm mã vùng 037). Sau đó muốn được cung cấp dịch vụ lĩnh vực nào thì bấm thêm số thư mục của lĩnh vực đó thì sẽ được tự động trả lời rõ ràng đầy đủ về thủ tục, thời gian giải quyết và lệ phí phải nộp... Đây là loại dịch vụ công, cước phí thuê bao có ưu đãi giá rẻ, tiện lợi. Vì vậy chỉ hơn 6 tháng từ ngày khai trương đã có tới hàng vạn lượt người liên hệ, truy cập và được giải đáp, hướng dẫn. IV- Nhưng, trong nhiều dự án đã hoàn thành và đang phát huy tác dụng trong công việc, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc bảo rằng, ông tâm đắc nhất là xây dựng được website “conganthanhhoa.gov.vn”. Khi bắt tay vào xây dựng trang web, ông quán triệt rõ ngoài nhiệm vụ tuyên truyền hoạt động của Lực lượng Công an, phổ biến văn bản pháp luật, website phải là một kênh cung cấp thông tin chính thống cho người dân về các thủ tục hành chính có liên quan tới Lực lượng Công an. Nhìn vào nội dung website “conganthanhhoa.gov.vn” hiện nay có thể thấy phong phú không kém một tờ báo điện tử cấp tỉnh. Ngoài giới thiệu lịch sử phát triển của Công an Thanh Hóa; phổ biến các văn bản chính sách pháp luật; phản ánh các tin tức, các hoạt động của Lực lượng Công an, tại đây cũng công khai các hoạt động liên quan đến công tác tố tụng hình sự như: thông báo thủ đoạn mới của tội phạm, thông báo lệnh truy nã, truy tìm chủ sở hữu, thông báo tìm nhân chứng, thông báo tìm tung tích nạn nhân, thông báo đối tượng trốn thi hành án. Đặc biệt là công khai minh bạch về thủ tục, thời gian, lệ phí và kết quả giải quyết. Thời gian, địa điểm nhận kết quả của tổ chức và công dân trên một số lĩnh vực như: đăng ký hộ khẩu vào thành phố, thị xã; cấp CMND; cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về ANTT; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC; cấp hộ chiếu phổ thông; mất đăng ký, mất biển số xe ôtô, môtô; người điều khiển ôtô, môtô vi phạm trật tự an toàn giao thông và thu hồi giấy phép lái xe; truy tìm chủ sở hữu xe ôtô, môtô… Vì thế chỉ mới ra đời được 1 năm, nhưng đã có gần 100.000 người truy cập trang web… V- Trong câu chuyện với tôi, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc bảo rằng, cho tới bây giờ, điều khiến ông hài lòng là việc ứng dụng CNTT ở Công an Thanh Hóa không chỉ phục vụ nhân dân tốt hơn mà nhận thức của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) cũng thay đổi. Hiện phần lớn CBCS biết sử dụng máy tính, soạn thảo văn bản và khai thác Internet phục vụ công tác. Trung tâm Tin học Công an tỉnh được thành lập với 10 CBCS được đào tạo chuyên ngành CNTT đủ năng lực thực hiện các yêu cầu công việc. Thiếu tướng Lộc đang chỉ đạo triển khai thí điểm việc đăng ký lưu trú qua mạng Internet tại TP Thanh Hóa và hai thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn; rồi triển khai kế hoạch để xây dựng Văn phòng điện tử với trung tâm tích hợp dữ liệu trên các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, kết nối máy tính tất cả các đơn vị để khai thác dữ liệu, tăng cường sử dụng các văn bản điện tử, từng bước thay thế văn bản giấy, đồng thời triển khai dự án xây dựng trung tâm chỉ huy Công an tỉnh nhằm nâng cao khả năng chỉ huy, tác chiến… Nghe ông say sưa nói về những dự định, tôi hiểu những gì mà ông đã nói là dự định thì chắc chắn sắp thành hiện thực. Còn điều khiến tôi bất ngờ là ông “Tướng CIO” này quyết liệt trong công việc nhưng cũng rất lãng mạn, bởi ông có bài thơ khá hay đã được nhạc sĩ Trương Hùng phổ nhạc và trở thành bài hát truyền thống của Công an Thanh Hóa: “Quê hương ơi! Ta hát bài ca/ Về Hàm Rồng, sông Mã quê ta/ Hát về chiến công, về người chiến sĩ Công an anh hùng/ Đã suốt đời vì Đảng vì dân/ Luôn khắc ghi lời Bác trong tim/ Sống kỷ cương - đoàn kết – nhân văn/ Vượt lên hiểm nguy, gian khổ coi thường/ Có làng nào, anh không có mặt/ Có vùng đất nào, không in dấu chân anh/ Tổ quốc - biên cương vang khúc hát thanh bình...”.
cand.com.vn |