Tết đến Xuân về, trong sự giao hòa của vũ trụ và trong niềm vui đoàn tụ với gia đình gia tộc, cùng suy ngẫm về văn hóa dòng họ tâm hồn ta như được lắng lại trong cảm xúc của con người bằng những sợi dây chằng chịt, khăng khít.

 

Văn hóa dòng họ không phải là một nét riêng của Việt Nam, mà nó là một nét phổ quát của nhân loại. Nhưng chỉ có ở các nước ảnh hưởng của Nho giáo xưa thì văn hóa dòng họ mới được xem trọng với tất cả sự nghiêm cẩn của nó. Ở Việt Nam, văn hóa dòng họ trở thành một nét đặc thù, trước hết bởi văn hóa căn bản của Việt Nam là văn hóa làng. Mỗi làng là một khu dân cư khép kín, trong đó là các dòng họ sống quần tụ bao đời sau lũy tre xanh. Ở đó, mỗi cá thể luôn thuộc về một gia đình, mỗi gia đình thuộc về một dòng họ. Nhiều dòng họ sống quần tụ bên nhau tạo thành một làng.


Đầu xuân Đinh Dậu, tôi có được may mắn theo ông Đồng Minh Sơn, nguyên Phó Chủ tịch  UBND TP.Hà Nội; Đồng Văn Ích, nguyên Chánh Văn phòng Tòa án Nhân dân Tối cao; TS. Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam và TS. Đồng Xuân Thành...trong đoàn Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam về tham dự lễ giỗ Tổ và khánh thành nhà thờ họ Đồng thuộc thôn Luộc Giới, xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang ngày 8/2/2017 vừa qua.


Họ Đồng ở Luộc Giới tuy không đông nhưng cũng như bất cứ một dòng họ nào, khi phát triển đến một mức độ nào đó thì đều có sự phát tán lan tỏa và quy tụ. Một dòng họ, có khi do đất đai chật hẹp, có khi do đông nhân khẩu hoặc biến động của thời cuộc, đã phân chia làm nhiều chi ngành, trong đó có khi phải ly tán tha hương, lập nghiệp nơi xứ người. Khi ấy, gia phả thất lạc vì loạn ly, lụt lội, binh lửa, chỉ còn trong lời truyền của các bậc cao niên rằng nơi ấy nơi nọ có một chi của dòng họ mình. Vì vậy, triền miên trong lịch sử là các cuộc “tìm về cội nguồn”, “vấn tổ tầm tông”.


Theo ông Đồng Văn Tâm, Trưởng tộc họ Đồng thôn Luộc Giới, họ Đồng đến đây sinh sống và lập nghiệp cách đây khoảng 150 năm. Sách "Một vùng Yên Thế" có ghi, vào cuối thế kỷ XIX,đầu thế kỷ XX (1887-1913),đã có người họ Đồng ở Luộc Giới tên là Đồng Văn Bảo, thường gọi là Đề Bảo giữ chức vụ Chỉ huy cho Nghĩa quân Hoàng Hoa Thám để đánh giặc Pháp. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng chục người họ Đồng ở Luộc Giới trực tiếp cầm súng chiến đấu, có người đã anh dũng hy sinh, có người phấn đấu và trở thành cán bộ hoặc sỹ quan trong quân đội... Đó là niềm tự hào và sức mạnh tinh thần quý giá cho mỗi thành viên trong dòng tộc họ Đồng trên con đường lập nghiệp.


Ông Đồng Thanh Hồng cho biết:  Họ Đồng ở Luộc Giới vẫn còn khó khăn vất vả, bao nhiêu năm nay mà nơi thờ tự tổ tiên vẫn chưa có, việc xây dựng nơi thờ tự tổ tiên riêng biệt luôn là điều trăn trở của mỗi thành viên, con cháu trong dòng tộc Đồng ở đây. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nhất trí của dòng họ, sau gần 5 năm vận động (2012-2016) đóng góp của các gia đình và sự tài trợ của một số mạnh thường quân, nhà thờ họ Đồng Luộc Giới sau 4 tháng thi công đã được hoàn thành với tổng kinh phí gần 200 triệu. Diện tích sàn của nhà thờ: 100 m2 trên tổng diện tích 200m2. Tuy nhiên, thành công này mới chỉ là bước đầu." Để hoàn thiện toàn bộ khu nhà thờ họ còn rất nhiều hạng mục và công việc phải làm, vì vậy, rất mong tiếp tục nhận được sự nhiệt thành ủng hộ, những tấm lòng hảo tâm của tất cả mọi người để đầu tư cho Từ đường ngày thêm khang trang, tôn nghiêm và ấm cúng..." ông Đồng Thanh Hồng chia sẻ thêm.

 

Chào đón xuân Đinh Dậu năm nay, nhánh họ Đồng thôn Luộc Giới, xã Tam Hiệp có thêm một niềm vui mới là khánh thành nhà thờ của dòng tộc. Kể từ hôm nay, họ Đồng xã Tam Hiệp đã có nơi cúng chạp tổ, cúng giỗ, lễ tết và cũng là nơi để con cháu xa gần tụ họp, dâng hương tưởng nhớ tổ tiên ông bà, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, là dịp thể hiện tấm lòng báo hiếu đối với các bậc tiền bối, lưu giữ và phát huy truyền thống lịch sử của dòng họ, thỏa mãn tâm lý hướng về cội nguồn, hiểu về nơi sinh thành của cha ông, về quá trình đấu tranh lao động để gây dựng cơ nghiệp lâu dài, thấm nhuần giá trị phúc ấm tổ tiên để lại cho thế hệ mai sau.

 

Được biết, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang cũng thường xuyên quan tâm và tích cực huy động sự tham gia của đội ngũ người có uy tín trong các dòng họ, trong đó có dòng tộc họ Đồng ở thôn Luộc Giới về công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.


Người có uy tín là các Trưởng tộc, Chủ tịch Hội đồng gia tộc các dòng họ đã phối hợp với chính quyền xã, thôn, vận động con cháu, gia đình, dòng họ ký cam kết phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, cung cấp nhiều tin quan trọng, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm gây rối trật tự xã hội.


Theo ông Mè Văn Nhiên, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tân Hiệp, "Xây dựng nhà thờ họ là một việc làm có nhiều ưu điểm. Trước hết, đây là một hành động hướng về cội nguồn. Chúng ta biết rằng hạt nhân của xã hội là gia đình. Một dòng họ có nhiều gia đình, nhiều dòng họ hợp thành xã hội. Một xã hội tốt đẹp phải bắt nguồn từ những gia đình tốt đẹp, từ những dòng họ tốt đẹp. Giáo dục trong dòng họ là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong xã hội..."

 

Xã Tân Hiệp không những đi đầu trong công tác vận động quần chúng nhân dân, người có uy tín trong các dòng họ, mà còn tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, mong muốn được cống hiến cho gia đình và xã hội, nhiều Trưởng tộc các dòng họ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, động viên con cháu tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói giảm nghèo ở địa phương.


Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông mới thôn Luộc Giới rộng rãi, khang trang, sạch đẹp, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Phi cho biết: Với địa hình trung du, miền núi, Tân Hiệp có nhiều cơ hội để phát triển về trồng cây ăn quả, chăn nuôi, song đó cũng là thách thức. Phát huy truyền thống của vùng đất anh hùng Yên Thế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Hiệp đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuyển dịch cơ cấu hiệu quả; chú trọng phát triển kinh tế hộ gắn với bảo vệ môi trường ; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư để bảo đảm hài hòa đời sống vật chất và tinh thần…


Tinh thần gia tộc đã được gìn giữ và nuôi dưỡng trong đạo lý gia đình, dòng họ để mỗi cá nhân phải làm người trọn đạo hiếu với cha mẹ và tổ tiên, tròn phận sự với con cái; làm gạch nối giữa các thế hệ, gìn giữ và trao chuyển liên tục các giá trị vĩnh hằng của đạo đức làm người. 
Những thăng trầm của lịch sử đã trôi theo tháng năm. Những thay đổi của đời sống xã hội đã dội vào sinh hoạt và văn hóa dòng họ, gia đình. Ngày nay, tiếp thu chắt lọc những nét đẹp nhân văn của những đạo lý mà tổ tiên đã dạy, đã gửi gắm, xây nền đạo đức mới trên nền nhân đức của cha ông mãi mãi là một việc đáng suy ngẫm và cần thiết trong các gia đình,dòng tộc, xã hội  hôm nay và mai sau.


Chiều đầu xuân có nắng vàng nhẹ, bầu trời Tân Hiệp như cao và trong xanh hơn.

Không gian ngòn ngọt mùi hương của núi rừng Yên Thế đang tỏa ngát đâu đây...
                                                                                     Đồng Thị Na Tươi   

                             

Một số hình ảnh Khánh thành nhà thờ họ Đồng ở Luộc Giới và Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Yên Thế: