Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) đang là gánh nặng bệnh tật toàn cầu bởi tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong ngày càng gia tăng, cùng với đó là chi phí điều trị cao, gây lo lắng cho người bệnh và thân nhân.

Trong những năm gần đây, nhiều kỹ thuật tiên tiến điều trị BPTNMT được áp dụng, trong đó, thành công của kỹ thuật đặt van một chiều bằng phương pháp nội soi phế quản ống mềm điều trị BPTNMT tại Bệnh viện 103 đã mở ra cơ hội mới cho những bệnh nhân mắc BPTNMT. 


Đồng chí Thiếu tướng, GS.TS Đồng Khắc Hưng chỉ đạo kíp thực hiện kỹ thuật đặt van một chiều bằng phương pháp nội soi ống mềm phế quản


Kỹ thuật tiên tiến cải thiện chức năng phổi

Ngày 16-4, hai bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính được thực hiện thông qua kỹ thuật này. Đây là lần thứ 6 kỹ thuật này được thực hiện thành công tại Bệnh viện 103. Nếu kỹ thuật này được thử nghiệm thành công và được nhân rộng sẽ mở ra hướng mới trong điều trị bệnh PTNMT ở nước ta.

Theo Thiếu tướng, GS. TS Đồng Khắc Hưng, Phó giám đốc Học viện Quân y, kỹ thuật làm giảm thể tích phổi là một trong những kỹ thuật tiên tiến điều trị BPTNMT. Đây là kỹ thuật nhằm loại bỏ phần phổi khí thũng dẫn đến cải thiện chức năng vùng phổi lành, kết quả là giảm triệu chứng khó thở, tăng khả năng vận động của bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Nội soi phế quản làm giảm thể tích phổi bằng van một chiều có ưu điểm là thực hiện được cả trên bệnh nhân giai đoạn nặng, can thiệp nhẹ nhàng, ít tai biến. Nguyên lý hoạt động của van một chiều là chỉ cho luồng khí, dịch tiết ra ngoài nhưng không cho luồng khí đi vào vùng phổi khí thũng. Kỹ thuật này đã được thực hiện ở các nước tiên tiến từ năm 2003. Ở nước ta, đến nay chưa có cơ sở y tế nào thực hiện kỹ thuật này. Từ năm 2012, Bệnh viện 103 đã bắt đầu chuẩn bị cả về nhân lực, trang bị và quy trình kỹ thuật để thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản đặt van một chiều điều trị khí thũng phổi ở bệnh nhân BPTNMT.

Van một chiều được đặt vào trong phế quản có tác dụng làm giảm thể tích phổi của bệnh nhân.
Để có được thành công của kỹ thuật này, đội ngũ cán bộ, thầy thuốc của Bệnh viện 103 đã nỗ lực hết mình, chuẩn bị rất kỹ lưỡng về con người và trang thiết bị kỹ thuật. Hai bệnh nhân PTNMT được ứng dụng kỹ thuật ngày 16-4 là bác Nguyễn Văn Tuất (65 tuổi, Vĩnh Phúc) và Trần Thanh Xuân (60 tuổi, Thanh Hóa). Hai bệnh nhân đã được chuẩn bị đầy đủ các xét nghiệm theo yêu cầu kỹ thuật. 8 giờ 30 phút ngày 16-4, dưới sự chỉ đạo của GS. TS Đồng Khắc Hưng, kíp thực hiện kỹ thuật gồm PGS. TS Tạ Bá Thắng (Phó chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Lao và Bệnh Phổi, Bệnh viện 103), ThS. Bác sĩ Nguyễn Văn Bằng cùng kỹ thuật viên của Khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện 103 đã tiến hành nội soi phế quản và đặt van phế quản một chiều vào phế quản. Kỹ thuật thực hiện an toàn, van phế quản hoạt động tốt. Sau khi được thực hiện kỹ thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt. Sau một tuần, nếu bệnh nhân ổn định sẽ ra viện và được hẹn tái khám, kiểm tra bệnh sau một tháng. Tiếp xúc với chúng tôi, người nhà bệnh nhân Trần Thanh Xuân rất xúc động và bày tỏ sự biết ơn chân thành đến tập thể y, bác sĩ Bệnh viện 103. Bà Xuân tâm sự: Chồng tôi đã đi rất nhiều bệnh viện để điều trị căn bệnh này mà không khỏi, hy vọng kỹ thuật mới này sẽ giúp nhà tôi cải thiện sức khỏe tốt hơn, nhất là khi chuyển mùa.

Đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngành y trong và ngoài quân đội

GS. TS Đồng Khắc Hưng cho biết thêm, kỹ thuật làm giảm thể tích phổi trong BPTNMT được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam; hiện chỉ có các nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Anh sử dụng kỹ thuật này trong điều trị. Thực hiện thành công đề tài sẽ góp phần đưa trình độ khoa học y học nước ta tiến lên một bước mới, tiếp cận được với trình độ y học các nước tiên tiến (Châu Âu, châu Mỹ). Thực hiện thành công các kĩ thuật làm giảm thể tích phổi, đặc biệt là kĩ thuật làm giảm thể tích phổi qua nội soi phế quản sẽ có ý nghĩa lớn trong việc giảm gánh nặng bệnh tật BPTNMT, giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng, tăng khả năng hoạt động thể lực và chất lượng cuộc sống, tiết kiệm được chi phí điều trị, mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết của bệnh nhân và ngành y nước ta bởi số lượng bệnh nhân BPTNMT đang gia tăng cùng với tuổi thọ và dân số.

Bên cạnh đó, cũng theo Thiếu tướng, GS. TS Đồng Khắc Hưng, hiện nay, môi trường làm việc ở các nhà máy quốc phòng, môi trường sống ô nhiễm hay các di chứng chiến tranh đang khiến số lượng bộ đội mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gia tăng, đặc biệt là bệnh bụi phổi do bụi than, bụi cát, sợi bông. Tỷ lệ mắc các bệnh này trong doanh nghiệp quân đội ngày càng cao. Nhiệm vụ phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) xác định là nhiệm vụ thường xuyên và được đưa vào giảng dạy bác sĩ quân y trong nhà trường, giúp các học viên nâng cao kiến thức phòng tránh bệnh cho bộ đội và nhân dân.

Thời gian tới, Học viện Quân y sẽ tiếp tục chuẩn bị để phối hợp chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh nhân TNPMT cho một số bệnh viện lớn trên cả nước, trước mắt là hai Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, Học viện Quân y cũng tích cực hoàn tất việc hạch toán chi phí điều trị trình lên cơ quan bảo hiểm y tế và đề nghị đưa vào danh mục bảo hiểm y tế, giúp giảm chi phí điều trị cho nhân dân.
Theo QĐND