Ngày 28.2.2016 (tức ngày 21 tháng Giêng năm Bính Thân, Ban liên lạc Họ Đồng Việt Nam do GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại làm trưởng đoàn đã về dự lễ giỗ Tổ họ Đồng nhánh Phù Tải, Kim Đính, Kim Thành, Hải Dương.

Theo sơ đồ gia phả,cụ Tổ họ Đồng Phù Tải, Kim Đính là Đồng Quang Riệp (Đồng Tiến sỹ Tước đề hình hiến sát ngự sử !?) về đây sinh sống từ rất lâu đời, đến nay đã có gần 28 đời (!?) với gần 300 suất đinh. Tuy nhiên, những thông tin này cũng chỉ dựa qua một bài thơ"Dựng làng" do các cụ tổ tiên thời xưa truyền miệng,chứ tất cả tài liệu,gia phả hiện nay đã thất lạc. Ban biên tập xin đăng lại bài thơ "Dựng làng" để dòng họ ta tham khảo thêm.

DỰNG LÀNG

Phả xưa truyền lại không sai
Tổ ta - Tiến sĩ thứ hai bảng vàng
Vua ban chọn đất dựng trang
Tổ ta đi kiếm với hàng gia nhân
Quẩn quanh qua bốn mùa xuân
Mới đi đến chỗ thuỷ phân ngược dòng
Phù sa lắng đọng dưới lòng
Bồi thành giải đất vòng vòng cánh cung
Tổ ta dừng lại ung dung
Ngắm trông phong cảnh thấy không đâu bằng
Bèn truyền gia tướng, gia nhân
Cắm sào lên cạn chuyên cần khẩn hoang
Dần dần thành trại, thành trang
Đặt tên - Phù Tải là làng xưa nay
Diễn ca ghi lại tích này
Để cho con cháu mai sau lưu truyền...

(ghi chú: Bài thơ này do họ Đồng ở thôn Phù Tải, xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cung cấp bản tiếng Việt. Hiện nay cũng không còn lưu giữ bản viết bằng chữ Hán Nôm nữa.)

Sau buổi lễ, đoàn đã đến thăm ,thắp hương tại nhà thờ Họ Đồng thuộc nhánh Đồng Xá, Đồng Gia, Kim Thành và thăm hỏi gia đình cụ Đồng Xuân Tiệc năm nay đã ngoài 80 tuổi, bác Đồng Minh Tuấn-Trưởng tộc họ Đồng xã Đồng Xá, Kim Thành. Đoàn cũng đã đến thắp hương tại chùa Phúc Thắng, chùa Hương Hải ở Ái Quốc, Nam Sách (nay thuộc TP. Hải Dương)- quê hương sinh ra Pháp Loa Đồng Kiên Cương. Đặc biệt, tại Chùa Phúc Thắng hiện còn lưu giữ tượng cụ Pháp Loa cổ nhất từ trước tới nay, hơn cả Chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, Hải Dương, nơi Pháp Loa viên tịch.

Theo sách Phật giáo Việt Nam,Pháp Loa Đồng Kiên Cương ( 1284-1330),từ nhỏ đã rất thông minh và ham thích học đạo Phật. Khoảng năm Hưng Long thứ mười hai (1304), Trần Nhân Tông, bấy giờ đã là lãnh tụ của dòng Thiền Trúc lâm Yên-tử, đến du ngoạn ở châu Nam-sách. Kiên Cương  tình cờ được tiếp kiến, bèn xin Nhân Tông cho theo học đạo. Nhân Tông vui vẻ thu nhận và đặt tên cho ông là Thiện Lai để kỷ niệm cuộc gặp gỡ này.Về sau Thiện Lai trở thành một học trò xuất sắc, và đến năm 1308 thì được Nhân Tông đổi tên là Pháp Loa và trao y bát, trở thành vị tổ thứ hai của dòng Thiền Trúc lâm Yên tử . Sư Tổ là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam khoảng năm 1329 và đã để lại nhiều tác phẩm Thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng-già, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã-ba-la-mật-đa...

                                                                                                       Tin bài và ảnh: Đồng Thụ

Một số hình ảnh: