Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc họ Đồng Việt Nam lần thứ nhất về việc triển khai thực hiện kết nối dòng họ và kế hoạch thành lập Ban liên lạc họ Đồng các tỉnh, thành trong cả nước, từ ngày 19 tháng 9 năm 2015 đến ngày 26 tháng 9 năm 2015, anh Đồng Xuân Thụ -Tổng biên tập Tạp chí Môi trường Việt Nam, Tổng thư ký BLL họ Đồng Việt Nam kết hợp chuyến đi công tác đã đến thăm và tìm hiểu với các nhánh họ Đồng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
+Tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - (Ngày 20.9.2015): Theo bác trưởng tộc Đồng Trinh Đây, nhánh họ Đồng Trinh ở Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn là một trong những dòng họ lớn, có uy tín ở Tuyết Diêm và tất cả đều có chữ đệm là ĐỒNG TRINH. Theo gia phả bằng chữ Hán nôm được lâp từ năm 1930 thì họ Đồng Trinh ở Tuyết Diêm lấy ngày 10/12 (âm lịch) làm ngày giỗ cụ Tổ là Đồng Trinh Tường. Hiện nay có 05 chi với tổng gần 100 hộ gia đình, khoảng 300 nhân khẩu, 120 suất đinh và sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển, tập trung ở gần khu vực Cảng Dung Quất. Cuộc sống tuy có vất vả nhưng rất đoàn kết và yêu thương nhau. Họ Đồng Trinh ở Tuyết Diêm có truyền thống hiếu học. Suốt từ năm 2010 đến nay, Ban khuyến học của dòng họ luôn được UBND huyện Bình Sơn tặng Giấy khen. Cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo và cung cấp thông tin, tư liệu quý từ Hội đồng gia tộc Đồng Trinh. Đặc biệt là các anh Đồng Trinh Luận, Đồng Trinh Toàn, Đồng Trinh Thanh, Đồng Trinh Vinh... +Tại Trà Đình, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. - (Ngày 21.9.2015): Dù đến thăm và tìm hiểu về nhánh họ Đồng ở Trà Đình, Quế Sơn, Quảng Nam chỉ trong vòng mấy tiếng, nhưng tôi đã "thu hoạch" được khá nhiều thông tin tư liệu về dòng họ ở đây. Theo gia phả ngày xưa còn truyền lại, cách đây hơn 450 năm, Thủy tổ tiên hiền tộc Đồng: Đồng Phước Ninh từ Hải Dương vào đây lập nghiệp, khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi, đắp đập, dẫn thủy nhập điền cùng các tộc bạn lập nên đình làng, thôn xóm hiện nay là làng Trà Đình, xã Quế Phú. Thời gian qua đi, đất nước nhiều biến đổi, chiến tranh phân tán nhưng gia tộc vẫn từng bước phát triển. Tính đến nay đã trải qua 18 đời, với 4 phái, 5 chi. Tổng suất đinh trong tộc họ là 458. Mặc dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, gia tộc có các cụ được phong chức lãnh binh quan như cụ Đồng Phước Huyên. Cụ Đồng Phước Thành phong tước Chánh bát phẩm thuộc tỉnh Phiên. Ông Đồng Sỹ Hùng - Trưởng tộc cho biết: Hiện nay con cháu phần lớn sống tại địa phương chủ yếu làm nông nghiệp. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có nhiều con cháu trong tộc đã hiến dâng cho tổ quốc, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc . Tổng số có 33 liệt sỹ, 7 mẹ Việt Nam anh hùng, 41người có công, 26 thương binh. Đặc biệt điển hình có Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ Đồng Phước Huyến là con cháu trong tộc chúng ta rất đỗi tự hào. Theo quy ước của tộc, cứ 5 năm mừng thọ một lần cho các cụ ngoài 80 tuổi và tộc đã mừng thọ được 24 cụ. Về ngân quỹ do tập thể anh em trong tộc quyết định đồng thuận đóng góp, mỗi cặp vợ chồng trong tuổi là 100%. Ngoài 70 tuổi tùy khả năng. Vào những ngày đầu Xuân con cháu về mừng tuổi ông bà cũng tăng thêm phần thu của Quỹ dòng họ. Chia tay chúng tôi, ông Đồng Sỹ Hùng xúc động nói: "Để xây dựng tộc họ ngày càng lớn mạnh, chúng tôi luôn duy trì và phát huy truyền thống tộc họ trên tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Luôn đoàn kết tương thân, tương ái,đưa đời sống gia đình ngày càng phát triển,tộc họ ngày càng lớn mạnh..." + Tại huyện Tuy Phước, Bình Định Bình Định. -(Ngày 19.9.2015): Được đến thăm và tìm hiểu nhánh họ Đồng ở Định Thiện Tây, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định là một điều bất ngờ đối với tôi. Vì trước đó tôi cứ nghĩ Bình Định chỉ có nhánh họ Đồng ở Cát Tiến, Cát Hải, huyện Phù Cát và nhánh huyện An Nhơn. Nhưng vừa rồi được bác sĩ Đồng Huy Cường, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa giới thiệu cho tôi đã gặp được anh Đồng Hữu Công - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp tỉnh Gia Lai - Trưởng tộc thì mới biết họ Đồng ở Tuy Phước lớn như vậy. Theo anh Đồng Hữu Công, họ Đồng ở Tuy Phước là một dòng họ lớn, có khoảng 500 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Thủy Tổ là Đồng Văn Lang, sinh ra tằng Tổ Đồng Văn Phụng đến đây lập nghiệp tới nay khoảng 12 đời. Văn bia ở mộ Tổ còn ghi: "Hiền Tụy Tổ: Tánh Đồng tự Văn Lang, khoa bảng Triều Thiệu Trị bổ nhậm quy Bình Định tỉnh, cơ ngơi Định Thiện Thôn, hiện Kim thuộc Phước Quang xã, Tuy Phước huyện, sanh nhất nam nhơn...". Tại nhà thờ họ Đồng còn có treo bức hoành phi do Vua Tự Đức tặng cho người con dâu của cụ Tổ Đồng Văn Lang cách đây 200 năm. Tại nhà thờ họ Đồng ở Tuy Phước còn treo bức hoành phi do Vua Tự Đức tặng cho người con dâu của cụ Tổ Đồng Văn Lang cách đây 200 năm. + Tại xã Vĩnh Thạnh, Thành Phố Nha Trang,tỉnh Khánh Hòa. - (Ngày 22.9.2015). Qua anh Đồng Phúc Vinh làm Ban Quản lý Chợ Nha Trang, tôi được biết nhánh họ Đồng ở đây. Ông Đồng Đảnh cho biết, theo các cụ kể lại thì cụ Thủy Tổ là Đồng Quý từ ngoài Bắc về Phú Vinh, Vĩnh Thạnh lập nghiệp khoảng cách đây 125 năm. Hiện nay chia làm 2 chi (Chi Vĩnh Thạnh và Vĩnh Trường) nhưng cùng chung một ngày giỗ Tổ 2.8 Âm lịch hàng năm. Nhánh họ Đồng đây nhỏ, với hơn 100 nhân khẩu, khoảng 50 suất đinh, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, một số theo nghề biển.
+ Tại Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk -(Ngày 24.9.2015): Chiều tối ngày 24.9.2015, Ban vận động thành lập BLL lâm thời họ Đồng khu vực miền Tây Nguyên đã tổ chức gặp mặt và giao lưu với những người họ Đồng hiện đang sinh sống và công tác tại khu vực Tây Nguyên. Tới tham dự có Tiến sỹ Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký BLL họ Đồng Việt Nam, cùng đông đảo các thành viên Đồng tộc đến từ Thạch Hà, Hà Tĩnh, Phong Điền, Thừa Thiên Huế, Quỳnh Lưu, Nghệ An, Hiệp Hòa, Bắc Giang, An Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông. Đặc biệt, buổi gặp mặt và giao lưu được vinh dự đón tiếp một số vị khách quý là các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử văn hóa, di tích, bảo tàng và Hán nôm:Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, P.Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Ths Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Ths Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, Ths Thân Quang Huy, Trưởng Phòng Nghiệp vụ- Sở VHTT và DL Bắc Giang, ông Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, Bà Hoàng Thị Nhật, Giám đốc Ban quản lý Di tích tỉnh Đắc Lắc. Gần 60 gương mặt trong dòng họ Đồng đến từ khắp các vùng quê của Tây Nguyên đại ngàn, nay được trở về "Thành Buôn" như bừng sáng dưới nắng vàng hanh hao của xứ sở những thiên sử thi đẫm chất huyền thoại, rạng ngời niềm hạnh phúc và đầy xúc động. Những cái nắm tay thật chặt của biết bao người con có cùng chung một dòng họ rưng rưng chia sẻ thông tin, phong tục, tập quán về nhánh họ Đồng của mình. Có gặp rồi mới thấy, niềm vui lan tỏa từ ánh mắt đến tiếng cười, giọng nói của bà con họ Đồng đi làm ăn, công tác ở xa quê. Không chỉ có những niềm vui mà họ còn nặng lòng trăn trở với những giá trị truyền thống dòng họ đâu đấy đang dần mai một đi nếu như các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau này không được chỉ bảo, nhắc nhớ của ông bà, cha mẹ. Với mái tóc bạc trắng đã thưa thớt và vóc dáng nhỏ nhắn, cụ Đồng Đản quê gốc ở Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh, là người cao tuổi nhất (85 tuổi) hiện đang sinh sống tại Eakar, Đắc Lắc chia sẻ “Đây là lần đầu tiên tôi được đến tham dự để gặp gỡ và giao lưu cùng với con cháu dòng họ Đồng từ khắp nơi của Tây Nguyên với bầu không khí ấm áp như là người thân trong gia đình mình”. Đã đi gần hết chặng đường của đời người rồi nhưng cụ Đồng Đản vẫn đau đáu việc giữ gìn nếp nghĩ, nếp sống, phong tục tập quán của quê hương, dòng tộc họ Đồng ở Hà Tĩnh.Theo cụ, quan trọng nhất là phải để con, cháu hiểu biết về dòng họ mình và phải luôn ý thức mình là con cháu trong dòng tộc họ Đồng Việt Nam để tự hào. “Các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau này rất lúng túng trong việc xác định nguồn gốc họ của mình. Các cháu thường hay hỏi: Họ Đồng xuất hiện từ bao giờ, có nguồn gốc từ đâu tới, có phải họ người dân tộc không...?” cụ Đồng Đản nói. Ths Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang là khách mời đã xúc động nói: Tôi rất vinh dự được anh Đồng Xuân Thụ mời tham dự. Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một sự kiện dòng họ như thế này.Nhất là sau khi nghe những thông tin chia sẻ từ BLL họ Đồng Việt Nam và từ cụ Đồng Đản. Vì vậy tôi xin chia sẻ một số thông tin như thế này:" Ai cũng biết gia phả đối với người Việt Nam ta xưa nay quan trọng và thiêng liêng như thế nào. Bởi gia phả chính là bộ sử sống của gia đình, của dòng họ, mà ở đó tổ tiên, ông bà các đời của chúng ta, những người liên tục truyền nối từ thuở vô thủy tới nay đã mang đến cho ta mạng sống, cho ta được làm người đã hiện lên rõ rệt. Vì vậy, tôi mong rằng các chi, phái,n hánh tộc trong dòng họ Đồng Việt Nam quan tâm về vấn đề này.V iệc lập gia phả dòng họ chưa bao giờ là muộn nếu như mình có tâm huyết. Có như vậy, chúng ta không phải lúng túng khi con cháu đặt câu hỏi Họ Đồng xuất hiện từ bao giờ, có nguồn gốc từ đâu tới,có phải họ người dân tộc không...?" Cùng quan điểm trên, ông Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh thêm: "Gia phả viết về ông cha như thế nào, con cháu muôn đời sau đọc đến, ai mà không cảm động, ai mà không tự hào. Những tấm gương sáng xưa kia còn ghi danh trong sử sách như: Pháp loa Đồng Kiên Cương, Tiến sỹ Đồng Thức, Đồng Hãng, Đồng Tồn Trạch,...Ngày nay có Trung tướng Đồng Văn Cống, GS.TS.Trung tướng Minh Tại, TS,Trung tướng Đồng Đại Lộc, GS.TS Đồng Thị Anh Đào...con cháu nào mà không noi theo. Trong ngôn ngữ ta có từ “bách tính”, nghĩa là trăm họ, đồng nghĩa với từ “quốc gia”, “dân tộc”, “đất nước”. Nhiều nhà họp thành họ, nhiều họ họp thành làng, nhiều làng họp thành nước. Mọi nhà, mọi họ làm việc thiện tất sẽ có nhiều phúc khánh. Cả nước làm việc thiện, nước tất sẽ hưng vượng..." Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tiến sỹ Đồng Xuân Thụ - Tổng thư ký BLL họ Đồng Việt Nam đã cảm ơn các ý kiến phát biểu đầy tâm huyết của bà con đồng tộc và các khách mời. Đồng thời, giới thiệu một số nét khái quát về quá trình ra đời của BLL và một số công việc chính mà BLL họ Đồng Việt Nam đã làm kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc họ Đồng Việt Nam lần thứ nhất ngày 26.4.2015 tại Hà Nội đến nay. Bên cạnh đó,BLL cũng mong muốn các thế hệ con cháu họ Đồng Việt Nam nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng tiếp tục tuyên truyền,giáo dục,phát huy truyền thống của dòng tộc, động viên con cháu, khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc vững bền, để không phụ lòng và hổ thẹn với các vị liệt tổ, liệt tông... BLL họ Đồng Việt Nam cũng tin tưởng rằng, trong tương lai sự nghiệp kết nối tộc tính cùng với các hoạt động khác nhằm bảo vệ và phát huy truyền thống vẻ vang của họ Đồng ở Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của đông đảo bà con,anh em gần xa ở cả trong nước và ngoài nước, theo tinh thần: Huyết mạch họ hàng nối dài theo đất nước. Vinh quang dòng họ truyền mãi với thời gian. Kết thúc cuộc hành trình dài kết nối họ Đồng miền Trung và Tây Nguyên trong lưu luyến,thắm đượm tình người. Những nụ cười, những gương mặt rắn rỏi, toát lên ý chí, dạn dày của con người trên dải đất đầy nắng và gió dần xa. Đọng mãi trong tôi là hình ảnh thân thiện của một Tuyết Diêm, Trà Đình, Phước Quang, Vĩnh Thạnh hay một Tây Nguyên đại ngàn xanh thẳm. Tạm biệt miền Trung và Tây Nguyên, tôi lên đường trở về Hà Nội,trong lòng không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Một cảm giác thật thân quen, không muốn rời xa mảnh đất bình yên, thân thiện và mến khách này. TÔI TỰ HÀO VỀ HỌ ĐỒNG VÀ MÌNH LÀ NGƯỜI MANG DÒNG MÁU HỌ ĐỒNG VIỆT NAM! Tây Nguyên, những ngày nhớ...26.9.2015 Xuân Thụ + Cuộc gặp mặt đã thống nhất thành lập BLL lâm thời họ Đồng Tây Nguyên gồm 07 người: 1. Trưởng ban: Bác sỹ quân y, Thiếu tá (nghỉ hưu) Đồng Quang Tứ. Quê quán: Can Lộc, Hà Tĩnh. Hiện đang sinh sống tại TP.Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc. 2.Thư ký: Trung uý Đồng Sỹ Nguyên, Công an TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc. Quê quán:Thạch Hà, Hà Tĩnh. 3. Trung tá Đồng Sơn, Phó trưởng Công an huyện Ea Drai, tỉnh Kon Tum. Quê ở Nghệ An. Đại diện cho Họ Đồng tỉnh Gia Lai và Kon Tum 4. Bác sỹ Đồng Hữu Thành, Phó khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện tỉnh Đắk Nông Quê quán: huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Đại diện cho họ Đồng tại Đắk Nông và họ Phong Điền, Thừa Thiên Huế tại Đắc Lắc. 5. Doanh nhân Đồng Văn Nguyệt, Giám đốc công ty TNHH xây dựng. Đại diện cho Doanh nhân họ Đồng tại Tây Nguyên 6. Kỹ sư Đồng Sỹ Lâm, kinh doanh tại TP.Buôn Mê Thuột. Đại diện cho họ Đồng Thạch Hà, Hà Tĩnh tại Tây Nguyên. 7. Ông Đồng Văn Hợi,đại diện cho họ Đồng huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An tại Đắc Lắc. |