Sáng nay ngày 14.01.2016, tức ngày mùng 5 tháng Chạp năm Ất Mùi, đoàn đại diện Gia tộc họ Đồng Hải Phòng chúng tôi bao gồm họ Đồng Tiểu Trà, Dương Kinh, họ Đồng Đại Hợp, Kiến Thụy và họ Đồng An Tiến, An Lão... tổ chức về dự lễ dâng hương và giỗ tổ họ Đồng làng Thạch Lựu, An Thái, An Lão,TP. Hải Phòng...

Nhiều dòng họ trong cả nước, sau khi làm lễ yết cáo Tổ tiên, người trưởng họ hoặc đại diện dòng họ đứng trước bàn thờ tổ tiên ở Từ đường đọc các thông tin cần thiết trong năm và lịch sử dòng họ cho các thành viên trong họ, đây cũng là cách nhắc nhở con cháu nhớ công ơn tổ tiên và để giáo dục truyền thống, gia phong của gia tộc. 

Lễ giỗ của họ Đồng (làng Thạch Lựu, An Thái, An Lão) cũng như khá nhiều các chi dòng họ Đồng khác thường diễn ra vào dịp cuối năm và thường được gọi là “Chạp họ”. Theo khá nhiều các bậc cao niên và trưởng họ cho biết: mọi việc chuẩn bị cho ngày giỗ từ mua sắm đồ lễ đến chế biến cỗ bàn đều phải chuẩn bị và hoàn thành trước chiều hôm trước, chi phí để tổ chức trong ngày giỗ họ này được lấy từ số tiền đóng góp của con cháu trong dòng họ (được gọi là quĩ họ), không phân biệt con trai hay con gái, những người đã lấy vợ, lấy chồng được cho là đã trưởng thành đều có trách nhiệm đóng góp. "Con cháu đi làm ăn, công tác ở xa thì không quy định số tiền đóng, mà cho phép tùy tâm, tuy nhiên nhiều thành viên lại đóng góp nhiều hơn với quan niệm tỏ lòng biết ơn tổ tiên dòng họ đã “phù hộ” cho mình làm ăn phát đạt, thuận lợi".


Nhiều họ lớn, buổi lễ giỗ họ được tổ chức rất linh đình. Trách nhiệm quản lý quỹ họ cũng như tiến hành tổ chức giỗ đều do trưởng họ hoặc người được dòng họ phân công chịu trách nhiệm. Các thành viên có trách nhiệm khác trong họ cũng sẽ được phân công từng việc cụ thể. Theo phong tục, chiều hôm trước con cháu ra mộ làm lễ cúng gọi là “tế cáo”, mời tổ tiên về, sáng hôm sau là lễ “tế chính”. Tất cả con cháu xa gần đều được thông báo về dự lễ Lễ giỗ họ được tổ chức tại Từ đường, xây trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên. Người trưởng họ sẽ được ở trên mảnh đất đó để trông coi, hương khói. Khi làm lễ, trưởng họ hoặc trưởng ban khánh tiết đứng trước bàn thờ tổ đọc lịch sử dòng họ và đây là cách nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn tổ tiên và để giáo dục các thế hệ hậu sinh về truyền thống, gia phong của gia tộc. Sau khi tiến hành xong hết các nghi lễ cúng, lễ vật sẽ được “hạ” xuống để tất cả con cháu quây quần cùng ăn, gọi là “thụ lộc”. Tiếp đến, các trưởng chi sẽ ngồi lại họp bàn về công việc chung của họ, cụ thể là tổng kết công việc năm trước và lên kế hoạch cho năm sau. Họ Đồng An Thái cũng như nhiều chi họ Đồng đã thành lập được quỹ khuyến học, khuyến tài. Vào dịp khai giảng, dòng họ sẽ trích ra một phần tiền trao thưởng cho các cháu học giỏi, thi đỗ Đại học hoặc cao hơn để báo cáo với tổ tiên và khuyến khích con cháu tiếp tục phấn đấu. Những gia đình, cá nhân đỗ đạt, làm ăn giỏi cũng được biểu dương trong ngày này; đôi khi việc mắc lỗi, có khuyết điểm cũng được nhắc nhở để khắc phục, sửa chữa. 

Đối với họ Đồng, lễ giỗ họ đôi khi còn tổ chức lễ Tế Tổ, mời đội tế của dòng họ hoặc thôn, xã, có quần áo tế chỉnh tề và đội nhạc tế để làm lễ. Quy mô của lễ tế Tổ được tổ chức rộng, có khi mời cả đại diện họ Đồng chi khác đến dự. Nhiều thành viên trong họ, sống và làm việc ở xa cũng vẫn về dự lễ giỗ họ, nhiều người cho biết: "Đến ngày giỗ họ, dù bận đến đâu, cũng cố gắng thu xếp về dự bởi đây là dịp để gặp mặt đông đủ anh em, cháu con trong họ, được chuyện trò, ôn lại những năm tháng vất vả và thấy mình phải phấn đấu hơn nữa để làm vẻ vang dòng tộc". 

Trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” luôn luôn được đề cao. Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng thể hiện rõ nét truyền thống ấy. Đây là một phong tục không bắt buộc nhưng lại gần như là thứ "luật bất thành vǎn" trong đời sống tâm linh của người Việt tồn tại qua bao thế hệ. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với công ơn các bậc sinh thành. Đối với người Việt, mối quan hệ huyết thống, thân tộc vô cùng quan trọng. Dù đi xa hay gần, mỗi người đều luôn ý thức về cội nguồn, tổ tiên, dòng họ của mình. Hiện nay các phong tục, nghi lễ văn hóa truyền thống ngày càng được toàn thể xã hội quan tâm, chú trọng. Nghi lễ gia đình, dòng họ ở một khía cạnh nào đó, cũng chính là một di sản văn hoá phi vật thể. Nó được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cá nhân này đến cá nhân khác. Rất cần có phương án gìn giữ, lưu truyền để các thế hệ người Việt sau này có được cái nhìn đầy đủ về cội nguồn dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, điều cần nhất là làm sao đưa ra được những nghi lễ vừa bảo tồn được nét truyền thống, lại vừa phù hợp với xã hội hiện đại. Cách thức tổ chức cũng cần tiến hành sao cho vẫn thể hiện được đầy đủ ý nghĩa, mà không quá xa hoa lãng phí…


Hoàn Đồng

Một số hình ảnh tại buổi Lễ: