Thời gian gần đây, khi cuộc sống đại bộ phận nhân dân có nhiều thay đổi, đời sống tâm linh, các giá trị dòng tộc, gia tộc được quan tâm hơn. Việc thờ cúng tổ tiên và nhà thờ tộc cũng được phục hồi, chỉnh trang

Trong lịch sử, nhà thờ  được hình thành khi có dòng tộc, từ khi xuất hiện nhân tố Làng. Nhà thờ là nơi để con cháu cả dòng họ tụ họp, gặp gỡ và thực hiện các nghi lễ cúng tế, là nơi giáo dục nhắc nhở con cháu đời sau nhớ về cội nguồn và sống sao cho xứng đáng với tổ tiên. Đó cũng là chỗ dựa tinh thần  cho những người con trong tộc và là nơi có thể gởi gắm những tâm tư nguyện vọng đến với tổ tiên. Nơi đây được xem là một nơi mang ý nghĩa tâm linh đối với tất cả các thành viên trong dòng họ. Người ta thường nói thật, sống thật khi đến đây, kính cẩn cúi chào khi đặt chân về và khi bước chân đi

Chính vì những ý nghĩa thiêng liêng đó nên các dòng họ rất mong muốn xây dựng, chỉnh trang nhà thờ tộc mình khi có điều kiện. Việc xây dựng Nhà thờ tộc là một điều đáng khích lệ bởi đây cũng là  nền tảng để xây dựng một môi trường xã hội tốt đẹp và phát triển. Đã có không ít các dòng họ đã tự lập quỹ khuyến học riêng cho mình, tổ chức những buổi giao lưu, khen tặng các em có thành tích trong học tập hay thành lập các nguồn quỹ tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Nhà thờ tộc hiện nay có thể phân thành hai loại: Các nhà thờ  được xây dựng từ xưa và nhà thờ mới xây dựng khoảng mươi năm trở lại đây. Nhà thờ tộc được xây dựng từ xưa ngoài một số ít còn giữ gìn nguyên vẹn thường thì được tôn tạo lại, mở rộng cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Hình thức kiến trúc của những nhà thờ này khá gần gũi với kiến trúc nhà ở dân gian với kết cấu khung gỗ, ba gian cùng với khuôn viên, hàng rào bao quanh với nhiều loại cây quý như cây Si, cây Đa… Hình thức trang trí với các câu đối, hoành phi và nhiều hoa văn. Các hoa văn trang trí này thường hay sử dụng các hình tượng thuần túy mang tính trang trí (như hình hoa lá, hình kỷ hà…), hoặc các biểu tượng thiêng (như hình vân xoắn, hình đao mác…). Hình tượng Rồng nếu có sử dụng thường  được cách điệu, biến tấu đi (cá hóa rồng, mây hóa rồng…). Bởi theo quan niệm của Nho giáo thì Rồng biểu tượng cho tầng trên. Nhà thờ tộc không phải là nơi thể hiện tính quyền lực. Chính vì vậy người ta rất ít sử dụng hình tượng Rồng trên kiến trúc dù rằng đôi khi nó có thể được hiểu như là quan niệm thần thánh hóa nguồn gốc của tổ tiên. Một nguyên tắc cơ bản luôn được tuân thủ trong bố cục các nhà thờ tộc này là nguyên tắc đăng đối qua trục thần đạo ( trục tưởng tượng đi qua chính giữa nhà thờ) và nguyên tắc này bao trùm từ hình khối kiến trúc, trang trí, bài trí đến việc sắp xếp các ban thờ.  Đối với các ban thờ, đối tượng được thờ là các vị tổ của dòng họ. Trong một nhà thờ tộc thì thường thờ không quá 5 đời tổ do theo phong tục của dân gian: “Tứ đại mai thần chủ” (từ 4 đời thì không phải thờ nữa). Tuy nhiên một số dòng họ lớn vẫn thờ hơn 5 đời. Trong nhà thờ tộc, các ban thờ thường được bố trí theo chiều ngang. Trong đó, ban thờ vị tổ cao nhất bao giờ cũng được đặt tại gian chính giữa, ban thờ các vị tổ thấp hơn được bố trí đăng đối ở các gian hai bên

PGS.TS.Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an- Phó BLL Họ Đồng Việt Nam thăm nhà thờ họ Đồng ở Phù Tài, Kim Đính, Kim Thành, Hải Dương năm 2015.

Hiện nay, nhu cầu xây dựng nhà thờ tộc là có thực và có xu hướng phát triển. Nhưng sự nhận thức về nó đôi khi lại quá mơ hồ và bị “nhiễu” bởi những quan niệm và nhu cầu hiện đại đã làm xuất hiện không ít nhà thờ tộc với phong cách lai tạp, mang tính phô trương, đánh mất đi nét đẹp và bản sắc truyền thống.

Để chấn chỉnh tình trạng đó, người viết mạo muội cho rằng, về hình thức kiến trúc nhà thờ tộc, không nên chuẩn hóa theo kiểu “nhà thờ họ cho trăm họ” mà cần  lưu ý một số điểm khi xây dựng như:

Lựa chọn người có chuyên môn sâu về kiến trúc truyền thống và các quy trình thực hiện để nghiên cứu hình thức kiến trúc phù hợp với phong tục và tập quán của địa phương hiện nay, tránh các hình thức sao chép máy móc, thiếu tư duy và chọn lọc khoa học, sử dụng các vật liệu tràn lan và tùy tiện gây phản cảm (gạch men, kính..), chạm trổ lai căng, màu mè phần nào làm cho hình thức và dáng vẻ của nhà thờ tộc truyền thống bị mất đi.

Kiến trúc chủ yếu nên là ba gian hoặc ba gian 2 chái, mái ngói hoặc mái đúc dán ngói theo kiểu dân gian. Hạn chế đắp nhiều Rồng, Phượng hay vẽ tranh lòe loẹt. Khuôn viên ngoài vườn cây nếu có điều kiện đào một hồ nước nhỏ hoặc nếu không đủ rộng thì làm một bể non bộ có nước.

Để thuận tiện cho việc tiến hành nghi lễ và hội họp, nhà thờ  bao giờ cũng cần một sân gạch trước nhà và có khả năng che mưa nắng khi có lễ. Nhà thờ tộc cũng cần có nhà phụ trợ nằm phía sau với các chức năng là bếp, kho, bể nước

Nhà thờ tộc phần nào mang tính cá thể cao chứ không mang nhiều tính cộng đồng như những công trình tín ngưỡng công cộng. Trong đó, trướclà  nó mang tính chất Nhà thờ tổ tiên, sau cũng mang ý nghĩa là Nhà bảo tàng, Nhà tưởng niệm của dòng họ. Do đó, ngoài bàn thờ cũng nên có không gian trưng bày tranh ảnh, hiện vật lưu niệm của những thành viên nổi tiếng và có công lớn trong dòng họ.

Một vấn đề quan tâm nữa là vấn đề về Phong thủy. Nhưng chúng ta chỉ nên chiêm nghiệm phong thủy về các yếu tố chính, không nên quá đi sâu và sa đà về tiểu tiết. Trong nhà thờ tộc, người ta thường quan tâm đến Hướng và Thế đất.  Hướng đất trước và hiện nay thường được chọn là hướng Nam do đây là hướng “hè mát, đông ấm” và cũng bởi sự ảnh hưởng từ các quan niệm Á đông. Còn đối với Thế thì Thế đất tự nhiên được coi là đẹp trước đây là khi lưng có tựa (phía sau cao hơn phía trước), hai bên có thế tỳ “tả thanh long – hữu bạch hổ” (thế tay ngai), mặt trước thoáng đãng có dòng lưu thủy từ phải qua trái và có tiền án…Tuy nhiên, nếu không gặp được Hướng và Thế tốt cũng như các yếu tố cần thiết theo như trong các quan niệm phong thủy thì người ta có thể khắc phục như: đào hồ, ao, giếng nước làm điểm tụ thủy; xây bình phong, non bộ làm án; đắp đất trồng cây tạo thế…

   Nhà thờ họ Đồng ở KV Đục Khê (Chùa Hương), Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội.

Nhà thờ tộc là một trong những công trình phản ánh cái riêng của mỗi tộc họ bên cạch cái chung của tất cả thành viên tộc họ, đồng thời nó có tính chất sử dụng lâu bền theo thời gian và khó có sự thay đổi nên trước khi bắt tay vào xây dựng cần có sự cân nhắc và nghiên cứu kỹ. Nó cần sự thỏa hiệp giữa các thành viên trong tộc họ về các yếu tố, các quan niệm văn hóa và tâm linh. Đây là sự thỏa hiệp có lẽ rất vất vả bởi những thành phần khác nhau với các độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên đây là một công tác cần thiết bởi nếu không có sự đồng thuận cao trong tộc họ sẽ có sự quy kết gây mất đoàn kết khi có những hiện tượng bất thường xảy ra (ốm đau, tai nạn…)

Linh hồn của một nhà thờ tộc chính là tâm linh, niềm tin vào sự phù hộ của tổ tiên, là trách nhiệm và tình cảm uống nước nhớ nguồn của con cháu đối với cha ông mình, là việc tạo ra sự gắn kết các thành viên của dòng họ nên những nghiên cứu hay sự lưu tâm này là thực sự cần thiết, bởi mục đích cuối cùng là chúng ta có thể giữ gìn và phát huy các giá trị của dòng họ qua việc hiểu được một cách đầy đủ các giá trị nguyên bản cũng như cái cốt, cái hồn mà ông cha ta đã gởi gắm qua kiến trúc, cách bài trí, các quan niệm thẫm mỹ và nhân sinh. Và tất cả đó là những giá trị vĩnh hằng như là bẳn sắc của người Việt chúng ta.


                                                                       Theo Hồ Thế Vinh/dienban.gov