Chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng NSƯT Tuyết Thanh trong căn hộ của bà ở khu tập thể Trung Tự lâu hơn so với dự định. Căn hộ hơn 50m2 dường như quá rộng với người phụ nữ bé nhỏ này. Bà sống lặng lẽ, ẩn mình như nhiều phụ nữ có tuổi khi con cái đã trưởng thành, lập nghiệp phương xa. Chỉ có những bức ảnh ở phòng khách - dấu ấn của một thời hoạt động nghệ thuật sôi nổi cho thấy chủ nhân là ca sĩ nổi tiếng một thời...
Một giọng hát cao vút, đầy "lửa" từng làm rung động hàng triệu trái tim khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc cũng như hàng vạn chiến sĩ trên mặt trận. Một nghệ sĩ cả đời đắm đuối với âm nhạc đã khẳng định dấu ấn riêng ở những ca khúc nổi tiếng như "Nổi trống lên, rừng núi ơi" (Hoàng Vân), "Bài ca Hà Nội" (Vũ Thanh), "Tiếng hò trên đất Nghệ An", "Bến cảng quê hương tôi" (Hồ Bắc), "Miền Nam ơn Người" (Lưu Cầu)... Đến nay, có thể khán giả trẻ không kịp nhớ tên bà nhưng giọng hát thân thương một thuở cùng những bài hát do bà thể hiện vẫn thường xuyên vang lên trên sóng phát thanh, trong các trang web âm nhạc. Và, dù nhiều năm trôi qua, âm nhạc hiện vẫn là tình yêu lớn, có sức hút mãnh liệt nhất với người nghệ sĩ này. Bà là NSƯT Tuyết Thanh...
NSƯT Tuyết Thanh và NSƯT Đồng Tường Thụ tại Đại hội đại biểu họ Đồng toàn quốc lần thứ nhất. Cơn mưa đầu hạ kéo dài bất thường khiến chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng NSƯT Tuyết Thanh trong căn hộ của bà ở khu tập thể Trung Tự lâu hơn so với dự định. Căn hộ hơn 50m2 dường như quá rộng với người phụ nữ bé nhỏ này. Bà sống lặng lẽ, ẩn mình như nhiều phụ nữ có tuổi khi con cái đã trưởng thành, lập nghiệp phương xa. Chỉ có những bức ảnh ở phòng khách - dấu ấn của một thời hoạt động nghệ thuật sôi nổi cho thấy chủ nhân là ca sĩ nổi tiếng một thời. Năm nay, tính tuổi ta, NSƯT Tuyết Thanh đã tròn 70 tuổi nhưng bà vẫn thường xuyên nghe nhiều thể loại âm nhạc từ các nghệ sĩ nước ngoài như Celine Dion, Mariah Carey đến những ca sĩ trẻ Việt Nam mới nổi hiện nay. Bà bảo, cập nhật đời sống là thói quen lâu nay của bà. Nghe để biết ngày nay gu âm nhạc của khán giả thay đổi thế nào. Theo dòng câu chuyện, chúng tôi được biết NSƯT Tuyết Thanh sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Đường, một trong "36 phố phường" Hà Nội. Trong gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng từ nhỏ, Tuyết Thanh đã bộc lộ năng khiếu ca hát. Mười một tuổi, Tuyết Thanh có mặt trong đội Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mười bốn tuổi, Tuyết Thanh tham gia đội hợp xướng của các ông Đặng Hùng, Mạc Hy nổi tiếng thời bấy giờ. Ngay khi là cô nữ sinh Trường Trưng Vương, Tuyết Thanh cũng đã được nhiều người biết đến với "giọng hát sơn ca" của mình. Theo nguyện vọng của gia đình, học xong, Tuyết Thanh đi làm công việc đánh máy. Nhưng chỉ được một năm, tình yêu với ca hát đã khiến Tuyết Thanh từ bỏ công việc ổn định để thi vào Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn Ca múa Trung ương. Đỗ cả hai nơi, Tuyết Thanh quyết định đầu quân vào Đài Tiếng nói Việt Nam, bất chấp sự phản đối của gia đình. NSƯT Tuyết Thanh kể: Ngày ấy, biết con gái quyết tâm đi theo con đường ca hát, cụ thân sinh ra bà giận đến mức bỏ đi lên Lạng Sơn một tuần liền. Không thể từ bỏ niềm đam mê của mình, Tuyết Thanh chỉ biết nhủ lòng sẽ thật cố gắng để gia đình và bản thân không hối hận vì quyết định táo bạo này. Tình yêu với nghệ thuật, sự thông minh, tinh ý nhưng trên tất cả là quá trình khổ luyện đã giúp Tuyết Thanh từ một ca sĩ hát trong dân đồng ca trở thành một trong những solist của Đoàn Ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam. Giờ đây, khi đã lùi xa phòng thu, xa ánh đèn sân khấu, nhưng những kỷ niệm đẹp của một thời sôi nổi, cống hiến hết mình cho âm nhạc, cho cuộc chiến đấu vẫn trở đi trở lại trong những giấc mơ của bà. Đời người nghệ sĩ, cái còn lại cuối cùng có chăng là tình yêu của khán giả, là những hồi ức đã trở thành những ám ảnh khôn nguôi. Bà bảo, giờ đây, có lúc nằm nghĩ ngợi, những tháng ngày qua như một cuốn phim trôi qua trước mắt. Tưởng rất gần nhưng cũng đã xa xôi từ thuở nào. Với khán thính giả và người yêu âm nhạc thuở ấy, ấn tượng về giọng hát Tuyết Thanh là giọng hát cao vút, đầy lửa và chứa đựng trong đó chất mộc mạc, giản dị. Điều vinh dự nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSƯT Tuyết Thanh là nhiều lần được hát phục vụ Bác Hồ trong những năm cuối đời của Người. Ca khúc Tuyết Thanh thường xuyên hát cho Bác nghe là "Tiếng hò trên đất Nghệ An" của nhạc sĩ Tân Huyền. Ấn tượng của NSƯT Tuyết Thanh về Bác ngày đó vẫn rất đậm nét. Khi đó, Bác thường mặc bộ quần áo nâu giản dị, chăm chú nghe hát. Dù sức khỏe yếu nhưng mỗi lần ca sĩ hát xong, Bác lại gọi vào tặng kẹo, hỏi han ân cần về đời sống: "Lương như vậy các cháu có đói không?", "Chú Trần Lâm có lo được đời sống cho các cháu không?" (nhà báo Trần Lâm khi ấy là Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam). Rồi Người rơi nước mắt khi biết cuộc sống của các nghệ sĩ khi đó còn rất nhiều khó khăn, thiệt thòi. Mỗi bài hát, với NSƯT Tuyết Thanh là một kỷ niệm đẹp, là cùng với nhạc sĩ hát lên những tâm trạng, cảm xúc của mình. Nhiều ca khúc bà vinh dự là người thể hiện đầu tiên trên sóng phát thanh. Ví như ca khúc "Nổi trống lên, rừng núi ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Năm 1965, Tuyết Thanh cùng các ca sĩ trong đoàn là Mộng Dung, Tuấn Kỳ… và các nhạc sĩ Hồ Bắc, Văn Dung, Hoàng Vân, Trần Chung… đi thực tế sáng tác và biểu diễn tại vùng Lao - Hà - Yên (Lào Cai - Hà Giang - Yên Bái). Trên đường đi, đường bộ bị giặc Mỹ bắn phá ác liệt, cả đoàn phải đeo ba lô đi bộ theo đường sắt. Một tuần liền đi bộ, tổng số 167km, thiếu cơm phải ăn dứa trừ bữa. Bà kể, đi bộ nhiều đến nỗi khi kết thúc chuyến đi về tới Hà Nội, chân bà sưng to vù, không xỏ nổi vào dép Thái Lan chứ nói gì đến guốc hay giày biểu diễn. Đói là thế, khổ là thế, nhưng các nghệ sĩ vẫn cất cao tiếng hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Chính trong cái gian khổ, sống và chết cận kề ấy, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác ca khúc "Nổi trống lên rừng núi ơi" với những giai điệu rộn ràng, tươi vui. Và Tuyết Thanh vinh dự là người thể hiện ca khúc này đầu tiên trên đường hành quân. Ca khúc "Bài ca Hà Nội" của nhạc sĩ Vũ Thanh cũng là một niềm vinh dự với NSƯT Tuyết Thanh. Năm 1967, những ngày giặc Mỹ bắn phá ác liệt, các nghệ sĩ thường xuyên phải túc trực ở phòng thu của Đài để đảm bảo sóng phát thanh không bị gián đoạn. Một buổi trưa, khi bà và các đồng nghiệp đang trong hầm trú ẩn bỗng nghe thấy tiếng reo hò rộn rã của nhân dân. Bật nắp hầm nhảy lên, các nghệ sĩ chứng kiến một cảnh tượng hào hùng, đó là chiếc máy bay Mỹ bốc cháy như một quả cầu lửa. Mọi người vui sướng vừa nhảy vừa ôm nhau khóc vì xúc động. Nhạc sĩ Vũ Thanh khi ấy cũng có mặt, lập tức đặt bút viết những dòng ca hân hoan đầu tiên: "Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công/ Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm - Đồng Xuân/ Nghe náo nức trong lòng Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ…". Bài hát vừa hoàn thành, được đưa ngay vào phòng thu. Tuyết Thanh được vinh dự là người hát đầu tiên. Có câu từ nào chưa ưng, Tuyết Thanh góp ý sửa luôn cùng nhạc sĩ Vũ Thanh. Hai tiếng sau, bản thu âm hoàn thành, phát sóng ngay mà chưa kịp duyệt. Sau này, mỗi lần hát ca khúc "Bài ca Hà Nội", NSƯT Tuyết Thanh không khỏi rưng rưng nhớ lại cảm giác của mình khi ấy. Với chất giọng khỏe, truyền cảm NSƯT Tuyết Thanh hát được nhiều thể loại, từ những ca khúc thính phòng đến những ca khúc mang âm hưởng dân ca, nhạc nhẹ. Bà cũng là người tạo dấu ấn mới cho những bài quan họ cổ như "Ngồi tựa mạn thuyền", "Còn duyên"… Bà bảo, ngày xưa làm nghệ thuật ít ai màng đến tiền bạc, danh vọng, chỉ mong muốn được hát để phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến. Ký ức của những tháng ngày đẹp đẽ ấy trong bà là hát bên mâm pháo, hát trong những hầm thương binh - có khi hát từ hầm nọ sang hầm kia, khi quay trở lại có thương binh đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Và hát trong những buổi phát thanh Binh vận kêu gọi những ai lầm đường lạc lối trở về với gia đình, người thân, quê hương, đất nước. Hết lòng vì nghệ thuật, NSƯT Tuyết Thanh được nhận danh hiệu NSƯT từ đợt đầu tiên và cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên của ngành phát thanh nhận danh hiệu này. NSƯT Tuyết Thanh đã dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc như sự sắp đặt của số phận. Sự tan vỡ trong cuộc hôn nhân của NSƯT Tuyết Thanh khi cô con gái duy nhất mới tròn 4 tuổi là thiệt thòi mà bà gặp phải khi trót mang trong mình tình yêu nghệ thuật. Lấy chồng là người cùng nghề nhưng rồi những quan điểm sống khác nhau cứ đẩy họ ngày càng cách xa. Và chia tay là điều không muốn nhưng cũng không thể khác với một người bản tính mạnh mẽ, quyết liệt và tôn trọng cảm xúc tuyệt đối như Tuyết Thanh. Trở thành người mẹ đơn thân khi mới 31 tuổi, đằm thắm và tài năng như thế nhưng Tuyết Thanh vẫn ở vậy đến nay. Đó chắc chắn là quãng thời gian không hề dễ dàng với một người phụ nữ. NSƯT Tuyết Thanh tâm sự rằng, có lẽ sự bận rộn của công việc đã giúp bà vơi nhanh nỗi buồn. Ngày ấy, Tuyết Thanh là một tên tuổi được khán giả hâm mộ nên có ngày bà có tới 5-6 suất diễn. Đi diễn đến 1-2h đêm mới về, sáng mai lại đi sớm nên ít có thời gian để buồn. Niềm an ủi nữa của bà là cô con gái tự lập, thông minh. Hưởng gen của bố mẹ, cô con gái theo học ngành thanh nhạc, tự tìm được học bổng và giờ đang làm việc tại Pháp. NSƯT Tuyết Thanh tâm sự, bà chỉ thực sự cảm thấy quạnh hiu sau ngày con gái lấy chồng. Gần 20 năm qua, bà tự mình chăm sóc mình, an ủi mình. Gần đây, bà bị bệnh tiền đình. Bà nghĩ, ông trời chẳng cho ai tất cả. Nhất là những người nghệ sĩ phải luôn chấp nhận hy sinh. Trời phú cho bà giọng hát, cho bà được đi theo con đường nghệ thuật đến cùng thì có lẽ cũng mang đến những thiệt thòi trong hạnh phúc riêng tư. Bận rộn là cách để bà hóa giải, gói gém những nỗi buồn, những khát khao thầm kín. Sau khi về hưu, bà tiếp tục ký hợp đồng làm việc với Đài. Thời gian rảnh rỗi, bà luyện thanh nhạc cho các học trò… Nguồn: Khánh Thảo (cand.com.vn)
|